Về một số nữ họa sĩ trẻ hôm nay

Ngày đăng : 10:54:45 17-11-2022

Trong bài viết nhỏ này, tác giả chỉ muốn kể câu chuyện về một nhóm họa sĩ nữ đương đại, trẻ, cùng độ tuổi, có những tác phẩm đáng xem, góp một phần nhỏ bé vào dòng chảy nghệ thuật đương đại Việt Nam. Họ là bạn của nhau nhưng mỗi người đều luôn cố gắng kiến tạo một hành trình rõ ràng và độc lập giữa thế giới nghệ thuật mênh mông.

Nguyễn Thu Hương, Cái nơ - 2, lụa, 80x110cm, 2018

Ảnh chụp lại: Lê Nguyễn

1. Họa sĩ Nguyễn Thu Hương (sinh năm 1979) tại Thái Bình, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1) năm 2005 chuyên ngành Hội họa, và từ đó đến nay, chị theo đuổi chất liệu lụa truyền thống, một chất liệu phù hợp với bản tính của chị. Hương đã tham gia rất nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Cuối năm 2019, đầu năm 2020 vừa qua, triển lãm cá nhân đầu tiên của chị, tiêu đề Lụa của Hương (2), được xem như là nơi chị biểu tỏ đầy đủ cá tính nghệ sĩ và lựa chọn nghệ thuật của mình. Triển lãm trưng bày 27 tác phẩm, xoay quanh chủ đề về “tính nữ” mà chị theo đuổi bấy nay. Nguyễn Thu Hương học hỏi kỹ thuật và phương pháp vẽ tranh lụa của thế hệ đi trước, nhưng cách thể hiện lại được kết hợp với ngôn ngữ và ý tưởng rất hiện đại. Yếu tố thẩm mỹ luôn hiện lên trong hầu hết toàn bộ tác phẩm của Hương. Chị dùng mảng, nét để gợi khối hoặc dùng mảng đi nét viền bao quanh hình thể nhân vật, đồ vật. Màu sắc, từ ghi, trắng, xanh, vàng nhạt, nâu đến đen, như hòa quyện vào nhau. Chị chọn lọc chi tiết để trên mỗi một bức tranh, có vừa đủ sự miêu tả và làm nổi bật lên sự gợi tả, khuyến khích người xem liên tưởng nhiều hơn đến một câu chuyện, một tự sự nào đó phía sau mảng màu, có thể là của nhân vật/ tác giả cũng có thể là của chính người xem. Những bức tranh lụa của Hương dễ cuốn người xem theo dòng chảy cảm xúc nhẹ nhàng, tinh tế, giàu nữ tính của tác giả nhưng ở đó, còn có sự hấp dẫn của một cá tính nghệ thuật mạnh mẽ. Họa sĩ xử lý rất tốt kỹ thuật vẽ truyền thống đồng thời bày tỏ rõ ràng ngôn ngữ tạo hình theo hướng hiện đại như lập thể, trừu tượng, tạo ra những môtip lặp đi lặp lại theo lối trang trí mà vẫn biến hóa, ngẫu hứng đầy lôi cuốn. Chất liệu và kỹ thuật truyền thống không hề gò bó chị mà trái lại, như bồi đắp thêm cho chị sự đằm thắm trong cảm xúc sáng tác, sự sâu lắng trong những suy tư về cuộc sống này. Với lụa, họa sĩ không thể vẽ ào ạt.

2. Họa sĩ Ngô Bình Nhi (sinh năm 1981) tại Lạng Sơn. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2004, có một thời gian dài, chị tham gia vẽ tranh tường trang trí trong một ngôi chùa lớn ở Hà Nội; những bức vẽ mang chủ đề về Phật giáo cùng khoảng thời gian tĩnh lặng ở đó đã đem tới cho chị nhiều ý tưởng sáng tác cá nhân về chủ đề tâm linh.

Nhưng lại tồn tại một sự mâu thuẫn, đối lập trong suy nghĩ và hành động sáng tác của nữ họa sĩ này, đặt ra những câu hỏi cũng có thể rất thú vị với người xem tranh của chị. Nhi chủ yếu sáng tác với chất liệu sơn dầu và acrylic, thỉnh thoảng là bột màu. Những chất liệu này phù hợp cho lối vẽ rất nhanh, như chị nói đại ý, nếu không vẽ nhanh thì có thể cảm hứng sáng tác của bản thân lại bị trôi đi mất. Chị chọn bút pháp biểu hiện để nhanh chóng và thỏa sức bày tỏ mọi khía cạnh cảm xúc cá nhân. Từ những ý tưởng gợi lên hình, bút pháp mạnh mẽ tạo ra tác phẩm thực mà không thực, có thể gọi nó là siêu thực. Nhi theo đuổi điều đó. Chị vẽ nhiều về sen nhưng mỗi bức tranh sen lại ẩn chứa cảm xúc khác, chi phối màu sắc và bố cục, đem tới sự đa dạng về sáng tác tuy cùng một chủ đề hẹp. Đặc biệt, trong tranh tĩnh vật hoa sen, luôn xuất hiện nhân vật phụ trợ là những con vật đáng yêu như mèo, chó, chuồn chuồn, ong, bướm; tất cả đều được họa sĩ cách điệu, chứa đựng ý nghĩa tượng trưng mang phong cách thiền định. Bình Nhi vẽ nhiều, vẽ nhanh, làm việc liên tục không ngừng nghỉ, lại cũng tham gia rất nhiều hoạt động nghệ thuật cho những người trẻ. Nghĩa là có gì đó thật mâu thuẫn với tâm ý thiền định? Xem tranh của Bình Nhi, có thể thấy rõ tinh thần hướng thiện nhưng cũng không khó để nhận ra sự hoang mang trong lựa chọn của chị. Nhi có những suy nghĩ chìm đắm về sự luân hồi, kiếp vô thường… Những suy ngẫm, trăn trở đó được thể hiện sinh động trong từng tác phẩm. Có lẽ sự hoang mang về tinh thần cũng là nguồn cơn của sự hoang mang về ngôn ngữ tạo hình mà cô sử dụng trong các tác phẩm của mình. Nhi từng tâm sự: “Những trạng thái khi thiền, những giấc mơ khi ngủ… tôi đều muốn nắm bắt và thể hiện trên tranh vẽ. Ban đầu tôi muốn vẽ ào ạt nhưng những nét vẽ mạnh mẽ không làm thỏa được ý tưởng muốn biểu đạt...”.

3. Họa sĩ Đặng Tú Thư (sinh năm 1978) tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2003. Thư vốn học chuyên ngành Đồ họa và từng là họa sĩ của Hãng phim hoạt hình Việt Nam. Sau, một phần do hoàn cảnh cá nhân, chị lựa chọn công việc của một họa sĩ sáng tác độc lập, thiên về hội họa với chất liệu sơn dầu cùng hơi hướng biểu hiện trừu tượng nhiều hơn cực thực.

Có thể thấy, hầu hết tác phẩm của Thư theo lối kết hợp biểu hình và siêu thực mới. Thư chú tâm đến cảm giác của bản thân về những con người trong xã hội hiện đại. Những nhân vật tự họa hay một vài chân dung của Thư như vùng vẫy giữa bi - hài kịch của sự tồn tại, với niềm tin bị lấy mất. Và thậm chí, khi tìm đến để mong được tin tuyệt đối vào các đấng linh thiêng nào đó thì dường như rồi họ cũng bị bỏ rơi... Tranh của Thư chứa đựng nội tâm giằng xé, cùng chất lãng mạn đến tột cùng. Thư luôn lên ý tưởng và sắp xếp một cách lôgic nhất có thể mọi chi tiết trên tranh, tỉ mỉ và trau chuốt. Về những nhân vật cô gặp hay những cốt truyện mà Thư đọc, trước khi đưa họ lên tranh, cô đào sâu và phân tích tâm lý nhân vật cũng như cân nhắc mọi chi tiết liên quan một cách kỹ càng. Kể cả khi ký họa cũng vậy, Thư quan sát rất lâu, cân nhắc gạt bỏ hết những thứ rườm rà xung quanh và tập trung cao độ vào lựa chọn nội dung mà chị cho là cần biểu đạt hơn cả.

4. Họa sĩ Dương Thùy Dương (sinh năm 1979) tại Hà Nội. Sau khi học xong Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chị tiếp tục theo học Đại học Mỹ thuật và Thiết kế Burg Giebichenstein tại Halle, CHLB Đức và cư ngụ lâu dài tại đất nước này. Từ đó đến nay, mỗi năm, chị đều cố gắng về Việt Nam trưng bày triển lãm cá nhân ít nhất một lần. Nếu trong triển lãm cá nhân lần đầu tiên năm 2008, có tên gọi Đến rồi đi, gồm những bức tranh mang phong cách hiện thực rõ nét thì chỉ một năm sau, tại triển lãm Trong mắt người khác, năm 2009, hội họa của Dương Thùy Dương thiên về hơi hướng biểu hiện siêu thực. Loạt tranh Trong mắt người khác chỉ bao gồm những hình đầu người không mắt mũi miệng, chị nói đó chính là đầu của mình được nhìn bởi con mắt người khác. Có lẽ, bắt đầu từ thời điểm đó, trong Dương, lớn dần lên tư duy sáng tác theo xu hướng biểu hiện siêu thực nói về chính bản thân mình, về cách người khác nhìn mình. Từ những bức tranh đầu tiên của chị vẽ chân dung đến tranh tĩnh vật, phong cảnh, dù chị bày tỏ cái nhìn về ngoại giới hay nhìn sâu vào nội giới nhân vật, tất cả đều thể hiện suy tưởng sâu sắc của cá nhân chị về thế giới này. Dương sử dụng những nét vẽ vằn vện, như vô định, đang xen vào nhau song đầy ẩn ý, với những gam màu lạnh, ghi, xám, đen, tím. Chị phản ánh những suy nghĩ, góc nhìn độc đáo về cuộc sống của một phụ nữ, như cách chị xem xét chính tâm hồn mình như một khách thể: “Khi tôi quan sát tâm hồn mình đang biến dạng và méo mó như thế nào, tôi cảm nhận được sự cần thiết phải trở thành một con người tốt hơn” (3). Một số bức vẽ chân dung của chị đem tới người đối diện cảm giác hoang mang, thất vọng, ám ảnh, bợt bạt, trống rỗng hay mờ mịt, có khi chỉ thấy còn một khoảng không đen thăm thẳm… Sau mỗi đối thoại với tranh của chị, người xem có cơ hội trở ngược lại tự vấn về bản ngã tồn tại, đôi khi là những tự vấn nhức nhối như không lời giải đáp: cuối cùng, ta là ai trong mắt người khác và trong chính mắt mình.

Theo đuổi đam mê và sống được với nghề sau 15 năm sinh sống tại Đức, Dương vẫn đều đặn đi về giữa Đức và Việt Nam để sáng tác và triển lãm cá nhân. Gần đây nhất, cuối năm 2019, Dương cũng có triển lãm mang tên Dương 20+ với 13 tác phẩm sơn dầu khổ lớn, trưng bày tại không gian nghệ thuật thuộc Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ngôi trường mà chị từng gắn bó với bước trưởng thành đầu tiên cùng hội họa.

Nếu như Hương dịu dàng, đằm thắm, trong trẻo trong từng bức lụa được chau chuốt nuột nà, thì Thư lại có sự sâu sắc, dằn vặt và tỉ mẩn, cẩn trọng với hội họa của mình. Thư luôn muốn nuôi dưỡng thật đầy đặn cảm xúc ấn sâu trong tâm hồn mình để dần bày tỏ chúng trên tác phẩm. Nhi vẽ nhanh và đầy cảm xúc trong những bức tranh mang tính thiền, còn Dương lại ẩn mình, lý trí, vẽ với tâm thức người khác đang nhìn mình, suy xét mình. Bốn cô gái cùng thế hệ, cùng học chung một trường mỹ thuật và chơi cùng nhau, song mỗi người một cá tính, một hành trình riêng trong nghệ thuật.

Như đã nói lúc đầu, không có gì nhiều ở bài báo nhỏ này, người viết chỉ muốn giới thiệu về bốn bạn họa sĩ nữ cùng thời với sự yêu quý chân thành dành cho họ, những phụ nữ theo đuổi đam mê nghệ thuật và sáng tác những bức tranh ghi lại dấu ấn của riêng mình. Họ, những người trẻ luôn khát khao làm việc, sống hết mình với nghệ thuật, theo đuổi đam mê và dành trọn vẹn cho chúng.

_______________     

1. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội được đổi tên thành Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2008.

2. Triển lãm Lụa của Hương diễn ra từ ngày 30-12-2019 đến ngày 5-1- 2020, tại khu triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

3. Tự bạch của Dương Thùy Dương, nhân triển lãm Trong mắt người khác, tại Hà Nội, 2009.

Tác giả: Mai Loan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

Tags: