“VAI TRÒ CỦA VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRONG VIỆC NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ, NĂNG LỰC THẨM MỸ CỦA CÔNG CHÚNG, ĐẶC BIỆT LÀ GIỚI TRẺ”

Ngày đăng : 11:39:04 26-12-2022
      Với tư cách là một hoạ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Hà Nội, tôi xin phép được trình bày bản tham luận, với tựa đề “ Để làm tốt chức năng của văn học, nghệ thuật: Góp phần khơi dậy và bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lẽ sống, trí tuệ cho mỗi con người”.
      Chúng ta đều nhận thức được vai trò và sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật đối với việc xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần không nhỏ vào việc phát triển toàn diện con người.
      Từ xa xưa, những chuẩn mực của một con người hoàn thiện luôn được đề cao, hướng tới. Đó là chân, thiện, mỹ, là đức và tài, là công, dung, ngôn, hạnh, là cầm, kỳ, thi, hoạ…Và, văn học, nghệ thuật, với chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục…đã giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao trình độ, năng lực thẩm mỹ, góp phần khơi dậy, vun trồng và bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách, trí tuệ…của mỗi con người, của mỗi cộng đồng xã hội…
      Xuyên suốt các chặng đường lịch sử, nhất là trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước ta hiện nay, Đảng ta luôn nhận thức và xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật, thể hiện qua các văn bản, Nghị quyết của Đảng. Như: Nghị  quyết 05 của Bộ Chính trị (Khoá VI), Nghị quyết TƯ 5 (Khoá VIII), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khoá X), NQ Trung ương 9 (Khoá XI)…
      Các Nghị quyết của Đảng về văn học, nghệ thuật là kim chỉ nam, là ánh sáng soi đường cho các hoạt động văn học, nghệ thuật, cho các văn nghệ sĩ, nhằm định hướng, khuyến khích, tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ phát huy tài năng, sức sáng tạo, phát huy các chức năng của văn học, nghệ thuật, góp phần vào việc nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn cho mỗi con người, nhất là thế hệ trẻ, trong thời kỳ công nghiệp hoá , hội nhập quốc tế hiện nay.
      Trong thời gian qua, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đồng thời mở ra không gian sáng tạo, phát triển của văn học, nghệ thuật ngày càng đa dạng, phong phú hơn.
       Có thể nói : Văn học, nghệ thuật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã không ngừng trưởng thành, phát triển và có đóng góp to lớn vào việc xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, vào việc phát triển toàn diện con người. Trước hết, phải kể đến đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng đông đảo, hùng hậu, được đào tạo bài bản. Chỉ riêng Hội Liên hiệp Văn hoc Nghệ thuật Hà Nội đã tập hợp trên 4000 hội viên của 9 hội chuyên ngành. Số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật cũng ngày càng nhiều. Các hoạt động xuất bản, triển lãm, biểu diễn… diễn ra rất sôi động, đa dạng… nhiều tác phẩm có chất lượng đã được công chúng đón nhận…
       Tuy nhiên, số lượng tác phẩm ngày càng nhiều nhưng chất lượng tác phẩm, hiệu quả của tác phẩm đối với công chúng còn tồn tại nhiều điều cần bàn. Bên cạnh những hiệu quả tích cực góp phần nâng cao trình độ, năng lực thẩm mỹ của công chúng, vẫn còn không ít tác phẩm “Thường thường bậc chung”. Những chủ đề lớn, những thành tựu mới của đất nước còn chưa được chú trọng đề cập, phản ánh nhiều trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Không ít tác phẩm chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, quen thuộc, chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, bỏ qua chức năng giáo dục, nặng về mua vui, giải trí, nặng về lợi nhuận, thương mại… Cá biệt, còn có những tác phẩm có cách nhìn tiêu cực, thậm chí xuyên tạc, tô đen cuộc sống, bóp méo lịch sử, sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược  lại lợi ích của nhân dân, của đất nước…
       Xin được mở ngoặc ví dụ : Trong lĩnh vực mỹ thuật, số lượng các hoạ sĩ, nhà điêu khắc …ngày một đông đảo, số lượng tác phẩm trưng bày, triển lãm rất sôi động, nhưng công chúng ít được thưởng thức những tác phẩm có tầm vóc lịch sử, đề cập đến chủ đề lớn của thời đại, như các tác phẩm của các danh hoạ tiền bối như “ Tát nước đồng chiêm” của Trần Văn Cẩn, “Giặc đốt làng tôi”, “Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, “Cái bát” của Sỹ Ngọc…vv. Có thể kể ra nhiều tác phẩm giá trị khác, ở nhiều loại hình nghệ thuật khác đã trường tồn cùng thời gian…
      Một khi vai trò của văn học nghệ thuật là nâng cao trình độ, năng lực thẩm mỹ của công chúng không được chú trọng. Các chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục bị xem nhẹ, thì các tác phẩm văn học, nghệ thuật trở thành “món ăn tinh thần” vô bổ, thậm chí độc hại đối với công chúng thưởng thức.
       Để xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn học, nghệ thuật làm tròn sứ mệnh và chức năng cao quý là vun trồng tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lẽ sống cho các thế hệ con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước cần nhiều yếu tố. Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “ Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học nghệ thuật, khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Việt Nam, hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường”
       Để văn học, nghệ thuật thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình, nhà nước cần đầu tư cho văn học, nghệ thuật tương xứng với yêu cầu mới, có chính sách phù hợp, có kế hoạch bồi dưỡng, trọng dụng những tài năng đích thực. Chọn lựa và bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đúng người, đúng việc, là người thực sự có năng lực và tâm huyết. Các văn nghệ sĩ ngoài tâm huyết với nghề còn cần nêu cao ý thức công dân, trách nhiệm cao quý của người nghệ sĩ, vì sự tiến bộ của cộng đồng, cần có ý thức, trách nhiệm cao với tác phẩm- đứa con tinh thần của mình trước khi được phổ biến, đưa ra công chúng.
        Mặt khác, các nhà quản lý, tổ chức, các nhà xuất bản, hội đồng nghệ thuật, các biên tập viên, nhà phê bình… được ví như bà đỡ, người kiểm định, cầu nối đưa tác phẩm nghệ thuật tới công chúng cần có tâm, có tầm, có “con mắt xanh”, để chọn lựa, giới thiệu, quảng bá được nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật tới công chúng, đồng thời loại bỏ các tác phẩm yếu kém, phiến diện, chạy theo thị hiếu không lành mạnh…
       Đối với công chúng trẻ tuổi, tuổi đang hình thành, hoàn thiện nhân cách, lối sống, tuổi ưa tìm tòi, tôn vinh các thần tượng, ngoài ảnh hưởng giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, việc tiếp cận, tiếp nhận ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật là rất quan trọng. Cần chú trọng dành cho tuổi trẻ những tác phẩm có nội dung và hình thức nghệ thuật phù hợp, lành mạnh, hướng tới chân, thiện, mỹ…
       Kính thưa các vị đại biểu !
      Văn học, nghệ thuật luôn có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với công chúng, với vai trò cao quý: nâng cao trình độ, năng lực thẩm mỹ của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Ngược lại, công chúng vừa là đích đến, vừa là thước đo của văn học, nghệ thuật. Việc tìm ra các giải pháp để nâng cao chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục của văn học, nghệ thuật, góp phần nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn, hình thành nhân cách, lẽ sống cao đẹp…cho mỗi con người, nhất là thế hệ trẻ, trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay là việc làm rất quan trọng và cần thiết. Trong mục tiêu, phương hướng hoạt động của  Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ XIII (2021 – 2026) cũng đã xác định rõ “Phổ cập rộng rãi tác phẩm đến công chúng đòi hỏi nhiều biện pháp đột phá và nhiều hình thức sáng tạo hơn, nhằm đạt được quan hệ gắn bó sâu xa hơn từ người sáng tạo văn học nghệ thuật với đông đảo công chúng thưởng thức và hưởng thụ văn học, nghệ thuật...”
       
      Trên đây là một vài ý kiến tham gia vào buổi toạ đàm, kính chúc các vị đại biểu, các văn nghệ sĩ sức khoẻ, chúc buổi toạ đàm thành công tốt đẹp!
                                                           Xin trân trọng cám ơn !
 
 
 
 
                                                                       Hoạ sĩ  KHÁNH CHÂM
                                                                         (Hội Mỹ thuật Hà Nội)
Tags: