VÀI QUAN ĐIỂM VỀ CẢM THỤ CÁI ĐẸP TRONG HỘI HỌA- P1

Ngày đăng : 10:08:20 14-02-2023

Đứng trước một tác phẩm hội họa, người thưởng thức cái đẹp luôn ngập ngừng trước rất nhiều những câu hỏi được đặt ra: điều gì làm cho bức tranh này thật đẹp hay kỳ lạ?, bí ẩn đằng sau bức tranh này là gi?, ngụ ý của tác giả ẩn dấu sau những hình tượng này là gỉ?…vv và phần lớn đều không thể lý giải được toàn bộ, vì bức tranh có đời sống và ngôn ngữ của riêng nó. Không thể áp đặt suy nghĩ, phân tích, mổ xẻ một cách thô thiển một tác phẩm để thỏa mãn tri thức thẩm mỹ được bởi vì dù đúng, dù sai thì bức tranh cũng sẽ bị chính người xem “đóng khung” lại, một cách nào đó, nó sẽ “chết” vì nó không vận động, giống như nhận định của Friedrich Hegel (1770-1831):” Nghệ thuật không thể nào là đối tượng nghiên cứu khoa học, bởi vì nghệ thuật là sản phẩm của sức tưởng tượng, mà những hình thể trong thế giới tự nhiên lại vô cùng, vô tận, hơn nữa, nó lại có khả năng tự sáng tạo ra những hình thể dựa trên chính nó.”

Hầu hết những người cố gắng định nghĩa cái đẹp đều nhất trí rằng nó dính dáng đến sự đáp ứng của ý thích cá nhân. Chúng ta gọi một cái gì đó là đẹp khi nó làm chúng ta vui thích hay hài lòng ở một phương diện nào đó vì thế, cái đẹp không có khái niệm chung vì nó chỉ là một ý niệm mang tính chủ quan, không nằm ngoài sự vật, mà chỉ tồn tại trong ý thức con người, khi ta khen cái gì đó đẹp là bởi vì ta thấy nó đẹp, không hẳn những người khác cũng thấy nó đẹp. Vậy lấy cái gì làm tiêu chí chung để cảm thụ cái đẹp của một bức vẽ? Người thưởng ngoạn phải có kiến thức và trình độ hiểu biết mức nào mới có thể thực sự cảm thụ đúng đắn một tác phẩm?

Tiêu chuẩn của nghệ thuật hội họa là cái mà tự bản thân nghệ thuật có hay sở dĩ có tiêu chuẩn nghệ thuật là vì thị hiếu của con người? Những Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản này lại là phạm trù tốn bao giấy mực của các nhà nghiên cứu lý luận mỹ thuật vì nó chứa đầy những mâu thuẩn. Do đó, việc đánh giá nghệ thuật đều không bao giờ tỏ ra thỏa đáng, vì mọi người tỏ ra yêu thích một tác phẩm nghệ thuật chỉ khi tác phẩm đó áp dụng đúng yêu cầu, sở thích của người xem. Vẫn biết mọi nghiên cứu tiếp xúc cái đẹp đều mang tính tương đối và không nên đặt ra những nguyên lý chuẩn mực để đánh giá cái đẹp, lý do bài viết này cũng đặt ra vấn đề cảm thụ cái đẹp qua việc tiếp xúc và cảm thụ một bức tranh bằng những cách thức căn bản nhất mang tính tham khảo được đúc kết từ nhiều lý luận khác có liên quan.

Cảm thụ cái đẹp trong hội họa hiển nhiên thông qua hai vấn đề cơ bản:
Một là: Cảm thụ trực tiếp qua hình thức biểu đạt của tác phẩm: cấu trúc bố cục, đường nét, màu sắc, bút pháp, chất liệu, hình tượng,trường phái…( vấn đề hoàn toàn học thuật này không khó trình bày vì có nhiều tài liệu liên quan và cũng khá dài dòng, nên có lẽ phải hẹn lại vào những chuyên đề nhỏ, khác nhau vào khi khác…)
Hai là: quan điểm sáng tác của tác giả, những vấn đề thuộc về nội dung tác phẩm (đề cập đến vấn đề về các quan niệm và sự tiếp cận cái đẹp trong hội họa.

VẤN ĐỀ 1: Cái đẹp trong hội họa phải chăng là mô phỏng cái đẹp tự nhiên, là hiện thực?

Đầu tiên, cần phải khẳng định tự nhiên chính là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các họa sĩ, từ thời Nguyên thủy đến hiện đại và có lẽ là rất nhiều năm sau này. Trong nguồn cảm hứng về nghệ thuật sáng tạo là cả chiều sâu bao la vô tận trong ký ức của con người và thiên nhiên không bị giới hạn, từ đó nẩy sinh ra muôn ngàn ý nghĩ trong tư tưởng mà chúng ta có thể chọn lựa. Trong cái đẹp không riêng cho hoa đẹp, người đẹp, cảnh đẹp, mà bất luận ở đâu cũng đều có cái đẹp riêng biệt, tùy thuộc vào người đối diện, được cảm nhận theo bản năng sẵn có của mình. Nghệ thuật không riêng cho họa phẩm hội họa, mà là bao hàm tất cả mọi nơi và mọi hình thức, đều cố gắng mô phỏng cái lãng đãng, thi vị của cảnh vật và đất trời, rồi đưa vào bố cục của một khía cạnh nào đó sẽ cho ta một tác phẩm, đưa người thưởng ngoạn đến một vài giây phút sững sờ và thích thú, trước sự uyển chuyển của màu sắc mà tác giả đã gởi gắm qua những tác phẩm nghệ thuật. “Nghệ thuật hội họa là tiềm năng của con người được thu nhận qua ánh sáng thiên nhiên và được biến chuyển không ngừng trong trạng thái tri giác bản ngã“, mà chúng ta có thể nắm được giá trị tối cao do giác quan thu nhận chính là chân giá trị của tác phẩm nghệ thuật, và là niềm vui cho người sáng tạo, cũng như người thưởng ngoạn. Cho nên khi thưởng ngoạn, đứng trước một tác phẩm cần phải có thời gian để hội nhập vào thế giới màu sắc, với chiều hướng uyển chuyển theo sắc thái nội tại giữa môi giới thưởng ngoạn với tác phẩm, hầu mới cảm nhận được sự ẩn hiện mà tác giả đã gởi gắm tiềm thức của mình qua những hình thể, đường nét, màu sắc, từ đó mới thấy thú vị và say đắm trong vườn hoa nghệ thuật.

Tự nhiên vốn đẹp là thế, nhưng không phải cứ đưa vào tác phẩm hội họa một cách trần trụi và thực tế như những khoảnh khắc của ngôn ngữ nhiếp ảnh, mới thể hiện cái đẹp hiện thực. Hội họa có sức mạnh hơn thế nhiều, hiện thực mà ngôn ngữ hội họa muốn đạt đến theo như nhà lý luận Thái bá Vân đã từng nói: “hiện thực không phải chỉ là cái mà ta nhìn thấy bằng con mắt, mà là cái quan niệm bằng tâm tưởng“. Cézanne cũng nói :“vẽ không phải là vẽ những cái mình tưởng là nhìn thấy, mà vẽ cái mình thực sự nhìn thấy“. Những quan điểm gây hiểu nhầm trong nhiều người thưởng ngoạn là họa sĩ vẽ lại cái hiện thực mà mắt vẫn nhìn thấy, và vẽ đúng, giống y cái nhìn thấy đó mới là chân thực. Chính hội họa hiện thực Pháp của Courbet thế kỷ 18 cũng có những sai lầm như thế, trong thư gửi học trò, đề ngày 25 tháng chạp năm 1861 ông nói rằng: “Các bạn đồng nghiệp thân mến. Tôi cho rằng, về cơ bản mà nói, hội họa là một nghệ thuật cụ thể, và nó chỉ có thể tồn tại trong việc thể hiện những sự vật có thực và hiện tồn mà thôi“ (Choses réelles et existantes), diễn giải ra thì hoàn toàn vật chất, những vật thể trừu tượng, không nhìn thấy được bằng mắt thì không hiện tồn. Lấy ví dụ về ngôn ngữ nghệ thuật dân gian Việt Nam với những hình tượng ngây ngô, thuần chất, mô tả các hình tượng cuộc sống rấtbsinh động, chân thực nhưng lại không tuân theo cái hệ thống tỉ lệ chuẩn mực như hội họa thời Phục Hưng Hy-La, ngôn ngữ trường phái Biểu hiện, Dã thú, Trừu tượng,…cũng mô phỏng hiện thực bằng ngôn ngữ riêng, không theo thực tế nhìn thấy, mà vẫn gợi cảm xúc mãnh liệt về ký ức hiện thực nào đó mà tác giả gửi gắm. Cũng chính vì nghệ thuật thỏa mãn nhu cầu nhìn ngắm mình, quan niệm về mình của con người, nên có thể cũng lí giải vì sao một tác phẩm trong quá khứ xa xôi, với hình thức đã quá quen thuộc, như sử thi Hy Lạp, vẫn còn hấp dẫn con người ở những thế hệ mai sau.

Cái đẹp có thể xuất hiện trong trí tưởng tượng của người nghệ sĩ tạo hình trong quá trình thực hiện một tác phẩm, cũng khó nắm bắt một cách cụ thể. Đôi khi đó chỉ là một hình tượng thoáng hiện, thoáng mất, như một ảo ảnh: một hình thể, một màu sắc, hay chỉ mơ hồ là một nhịp điệu chuyển động… Nó luôn luôn là cái gì vượt xa hơn cái mà người họa sĩ thực hiện được trên mặt vải, nhà điêu khắc trên vật liệu, hay người kiến trúc sư trên bản vẽ thiết kế và trên công trình xây dựng. Sau mỗi tác phẩm, nó vẫn thường day dứt, ám ảnh họ trong tiềm thức, và trong chừng mực nào, nó như một nguồn cảm hứng, hướng dẫn họ trong những tác phẩm tương lai. Trong cuộc sống, để hình thành và hoàn thiện các quan hệ nhân tính của mình, bồi dưỡng – phát triển nhân cách của mình, con người luôn khát khao vươn tới cái đẹp. Sáng tạo thẩm mỹ là hoạt động tinh thần đầy cá tính, đòi hỏi ở con người với tư cách chủ thể sáng tạo không phải chỉ có năng khiếu mà còn với một niềm say mê vô hạn với công việc và sự thôi thúc bởi khát vọng và ý tưởng.

Như vậy có thể hiểu cái đẹp trong hội họa đa phần là nghệ thuật mô phỏng lại cái đẹp của hiện thực nhưng bằng những cách thức và ngôn ngữ đặc thù của nghệ thuật thị giác. Ngay cả những hình tượng siêu hình, thần thánh, tôn giáo hoặc trừu tượng trong hội họa cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người dựa trên sự quan sát và lắp ghép các hình tượng khác nhau của thực tế trong tâm tưởng (lấy ví dụ từ cái đơn giản nhất: hình tượng con người bình thường với những đặc điểm vốn có, ta thêm đôi cánh sẽ gợi liên tưởng về thiên thần, các vị tiên, thánh, nêu thêm sừng hoặc răng nhọn với sự biến đổi dần, thu ngắn, kéo dài, giãn nở hình thù của các bộ phận tay, chân, mắt, mũi, miệng, sẽ gợi liên tưởng về ác quỷ, cái xấu xa…với cách lắp ghép, biến đổi như thế rõ ràng, cũng biến hóa từ hiện thực).

Tags: