Triển lãm tranh T5: Nhìn lại một năm nhiều dấu ấn trong hội họa

Ngày đăng : 12:00:00 28-05-2024

Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy (sưu tầm)

 4 họa sĩ với 4 phong cách khác nhau, họ không cùng tuổi tác, không cùng thế mạnh trong lao động nghệ thuật nhưng có chung niềm đam mê với hội họa, sự đồng cảm ở quá trình sáng tạo, cũng như góc nhìn về cuộc sống đương thời.

 

Kéo dài đến ngày 13/12, triển lãm lần thứ V của nhóm T5 được tổ chức để tổng kết lại một năm miệt mài sáng tác của các họa sĩ: Phạm Hồng Phương, Nguyễn Hải Nam, Nguyễn Lâm và Bùi Trọng Dư. Họ giới thiệu đến công chúng 36 tác phẩm, thể hiện trong các chất liệu sơn mài, sơn dầu và acrylic.

Trong lần ra mắt công chúng này, họa sĩ Nguyễn Lâm mang tới loạt tranh phong cảnh bằng chất liệu acrylic với những gam màu trong mát. Tận sâu trong tâm hồn, anh vẫn giữ những ký ức đặc biệt về mảnh đất nơi anh đã sinh ra và lớn lên. Cho nên, cảnh rừng núi, đồng quê và hoa cỏ hiện diện trong tranh của anh tự nhiên như hơi thở, như nhịp đập của trái tim người vẽ.

Trăn trở về hành trình theo đuổi nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Lâm cho biết: “Tôi luôn mong muốn đi tìm thứ ngôn ngữ hội họa thông qua màu sắc và ánh sáng để truyền tải không gian của sự vật, mang cảm xúc của chính tác giả”.

Ở không gian khác của Triển lãm, tranh Nguyễn Lâm mang đậm bút pháp của chủ nghĩa ấn tượng. Anh sử dụng tổ hợp các điểm màu, cho chúng giao hoà lẫn nhau, tạo nên hình mảng và hiệu ứng ánh sáng kỳ ảo. Nguyễn Lâm vẽ cẩn trọng, chậm rãi từng điểm màu, chăm chú vào những chi tiết, song nhìn tổng thể, các tác phẩm vẫn toát lên vẻ phóng khoáng, trong trẻo và tự nhiên.

Nổi tiếng với loạt tranh về hoa sen, thiếu nữ hát ca trù, tranh của Bùi Trọng Dư mang đậm chất dân gian. Năm nay, anh khai thác phong cảnh mùa xuân với không gian của miền núi Tây Bắc. Những bản làng chìm trong sương khói, ngập tràn sắc hoa mận trắng được anh tô điểm bằng ánh bạc và vỏ trứng trên chất sơn mài rực rỡ. Anh làm chủ chất liệu để khai thác các hình tượng giản dị mà chắt lọc, giàu tính đồ họa.

Triển lãm tranh T5: Nhìn lại một năm nhiều dấu ấn trong hội họa ảnh 1

Tác phẩm "Sắc xuân" của họa sĩ Nguyễn Lâm.

 

Với bảng màu truyền thống, Nguyễn Hải Nam sử dụng các sắc độ vừa trầm lắng, tinh tế, vừa lộng lẫy, sang trọng. Lần này, anh không mang đến những bức tranh sơn mài khổ lớn mà tập trung vào các tác phẩm bình dị với phong cảnh, tĩnh vật và chân dung.

Sinh ra ở đồng bằng Bắc Bộ, tình yêu với quê hương, đất nước đã tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác cho họa sĩ Phạm Hồng Phương. Tranh của anh không phô diễn kỹ thuật hay lạm dụng sắc trầm lắng từ chất liệu sơn mài. Các đường nét, hình mảng đều được anh thể hiện thật tự nhiên.

Theo họa sĩ Phạm Hồng Phương, mỗi bức tranh là một sự biểu đạt cảm xúc tràn đầy.

Dạo quanh không gian triển lãm, dễ thấy, dù mang đến cảm nhận vui tươi hay trầm lắng, rộn ràng hay dịu êm, các tác phẩm vẫn thu hút ánh nhìn của khán giả, khiến họ tạm quên những tất bật, vội vàng của cuộc sống để dành trọn tâm hồn để thưởng thức nghệ thuật.

Triển lãm hội họa của nhóm T5 thường diễn ra vào dịp cuối năm. Các tác giả sẽ lựa chọn ra những tác phẩm nổi bật và ưng ý nhất của mình để trình làng sau một năm chuyên tâm sáng tác. Qua các kỳ triển lãm, đề tài mà nhóm họa sĩ hướng tới vẫn là cảnh sắc và con người Việt Nam, nhưng có tìm tòi và phát triển trong lối khai thác theo thời gian.

Cũng trong thời gian T5

Hội Mỹ thuật Việt Nam ban hành Kế hoạch phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh trong khu vực tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Khu vực IV (Bắc miền Trung) lần thứ 29 bao gồm các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa và Thừa Thiên – Huế vào tháng 8 năm 2024 tại tỉnh Thanh Hóa như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

– Đối tượng tham dự Triển lãm: hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật địa phương và chưa hội viên trong khu vực.

– Nội dung và hình thức tác phẩm: Triển lãm trưng bày tất cả các tác phẩm có nội dung mà các Nghệ sĩ Tạo hình quan tâm sáng tác. Khuyến khích các tác phẩm sáng tác về đề tài Lịch sử, Cách mạng, Xây dựng, Bảo vệ Tổ quốc, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Khuyến khích các tác giả tìm tòi sáng tạo về hình thức, ngôn ngữ, chất liệu nghệ thuật mang bản sắc riêng, trên tinh thần phát huy truyền thống mỹ thuật dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Triển lãm không chấp nhận trưng bày các tác phẩm vi phạm Điều 8: Những hành vi bị nghiêm cấm trong Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

– Thời gian sáng tác tác phẩm: từ tháng 07/2023 đến tháng 06/2024.

– Thời gian và địa điểm tác giả gửi ảnh tác phẩm: trước ngày 30/06/2024 tại Hội Văn học Nghệ thuật địa phương nơi tác giả cư trú. (Mỗi tác giả gửi từ 01 đến 02 ảnh tác phẩm kích thước 13 x 18cm)

– Thời gian Hội Văn học Nghệ thuật Địa phương gửi bản tổng hợp và ảnh tác phẩm về Trung tâm Mỹ thuật Đương đại Hội Mỹ thuật Việt Nam – 17 Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội: trước ngày 10/07/2024.

– Thời gian Hội Mỹ thuật Việt Nam thông báo tác phẩm được chọn trưng bày về các Hội Văn học Nghệ thuật Địa phương để thông báo đến tác giả: từ ngày 20/07 đến ngày 30/07/2024.

– Thời gian nhận tác phẩm: Từ ngày 08/08 đến ngày 10/08/2024 (liên hệ bà Bùi Thị Công – Phó Chánh Văn phòng Hội VHNT Thanh Hóa, SĐT: 0976990164/ hoặc bà Vũ Thị Bích Liên – Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Triển lãm, Trung tâm Triển lãm – Hội chợ – Quảng cáo tỉnh Thanh Hóa. SĐT: 0902254325/ hoặc ông Nguyễn Hoàn Linh – Trưởng ban Mỹ thuật Hội VHNT Thanh Hóa, SĐT: 0914809909)

– Thời gian dàn dựng Triển lãm: Từ ngày 12/08 đến ngày 15/08/2024.

– Thời gian khai mạc: Chủ nhật, ngày 18/08/2024 (Theo giấy mời).

– Thời gian kết thúc: Thứ Hai, ngày 02/09/2024 (Các Hội Văn học Nghệ thuật đến nhận lại tác phẩm từ ngày 03/09 đến ngày 05/09/2024)

Các quy định cụ thể khác về cơ bản được thực hiện theo như Triển lãm Mỹ thuật Khu vực năm 2023.

II. QUYỀN LỢI CỦA CÁC TÁC GIẢ CÓ TÁC PHẨM THAM DỰ TRIỂN LÃM

– Tác giả có tác phẩm tham dự Triển lãm sẽ được Hội Mỹ thuật Việt Nam cấp Giấy Chứng nhận.

– Tác phẩm của các tác giả là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam được xét tặng Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Khu vực cho từng chuyên ngành Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc, Mỹ thuật Ứng dụng. Cơ cấu và giá trị giải thưởng: Giải A – 12 triệu đồng; Giải B – 09 triệu đồng; Giải C – 06 triệu đồng và Giải Khuyến khích – 03 triệu đồng kèm theo Bằng chứng nhận Giải thưởng.

– Những tác phẩm được giải cao tại Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Khu vực sẽ được giới thiệu dự Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cơ cấu và giá trị giải thưởng: Giải Nhất – 25 triệu đồng; Giải Nhì – 20 triệu đồng và Giải Ba – 15 triệu đồng kèm theo Bằng chứng nhận Giải thưởng. Tác phẩm được Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam thì không nhận Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Khu vực.

– Tác phẩm của Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ được Hội xét nghiệm thu Hỗ trợ sáng tác năm 2024 và Hỗ trợ bổ sung nếu tác phẩm được Hội giữ lại cho Bộ Sưu tập Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam (tác giả đăng ký đề nghị Hỗ trợ khi gửi tác phẩm).

– Tác phẩm của tác giả chưa là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ được xét chọn dự Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

– Tác phẩm Lý luận Phê bình Mỹ thuật gửi về Văn phòng Hội Mỹ thuật Việt Nam chậm nhất vào 10/07/2024 để chấm giải riêng.

Tags: