Triển lãm “THỞ”: Lát cắt sự nghiệp sơn mài của họa sĩ Hiền Nguyễn

Ngày đăng : 10:34:46 28-11-2024

Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy (sưu tầm)

Vào 18g Chủ nhật ngày 06/10/2019 đến hết ngày 30/10/2019, triển lãm “THỞ” của nữ họa sĩ Hiền Nguyễn sẽ diễn gia tại Eight Gallery, số 8 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, Tp. HCM. Triển lãm này chỉ giới thiệu một phần, một lát cắt sự nghiệp sơn mài của chị, bao gồm những tranh sơn mài mới nhất trên vải/toan.

 

Dường như đang diễn ra cuộc phục hưng nghệ thuật sơn mài Việt Nam: Tất cả đều hối hả bung nở, sặc sỡ và nhộn nhịp, sản xuất và tiếp thị, trưng bày và sưu tập. Nước ngoài gọi sơn mài là quốc họa của Việt Nam (như thủy mặc là quốc họa của Trung Quốc).

Có phong trào đề cao chất liệu kỹ thuật thủ công truyền thống khai mở thêm năng lực biểu đạt  mê hoặc của nó và có trào lưu cách tân phối hợp vật liệu công nghệ mở nhằm đáp ứng tính  đương đại tân kì hội nhập hôm nay. Lại có xu hướng khai triển tính trang trí ứng dụng sự hào nhoáng của vàng sơn, nhẵn, bóng, lung linh…, đáp ứng thị hiếu sưu tầm, thưởng ngoạn, trưởng giả. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì đang muốn xây dựng sơn mài thành thương hiệu quốc gia…

Nữ họa sĩ Hiền Nguyễn là một đại diện nổi bật của trào lưu thứ nhất. Triển lãm này chỉ giới thiệu một phần, một lát cắt sự nghiệp sơn mài của chị, bao gồm những tranh sơn mài mới nhất trên vải/toan.

“THỞ” là sao?

Nghệ sĩ hay nói: Vẽ với tôi cần thiết và tự nhiên như hít thở. Cũng nói khi vẽ: Hãy để cho màu nó thở, bố cục thông thoáng dễ thở, đường nét, tối sáng, khối hình… đều phải thở thì bức tranh mới sống động, mới có sự sống.

Đặc biệt với sơn bóng lóa, sặc sỡ trang trí theo khuôn mẫu hoa văn, biểu tượng, kỹ thuật tỷ mẩn, kỳ khu, thì làm cho nó biết thở không phải dễ. Ai vẽ sơn mài cũng mong được  thở và thở được! Ở những tác phẩm thành công của mình, Hiền Nguyễn đã toại nguyện.

“Hiền Nguyễn vẽ phong cảnh thực tế theo cảm quan của tranh sơn dầu (bằng sơn mài), một số  có tính biểu hiện, rồi chuyển dần sang tranh trừu tượng, và thành công ở tranh trừu tượng hơn” – Phan Cẩm Thượng nhận định.

“Đúng vậy, cảm quan tranh sơn dầu ở đây là sức biểu đạt trạng thái, không gian, thể chất chân thực, tinh tế, phong phú, sức biểu cảm mạnh mẽ tức thời kiểu biểu hiện chủ nghĩa, những thứ hiếm có trong truyền thống nghệ thuật ta, trừ điêu khắc đình làng. Nhưng tranh phong cảnh của nữ họa sĩ giàu tính nam, thách thức và bộc trực. Phong cảnh không nên thơ trữ tình mơ mộng hay làm duyên tính nữ như thường thấy – nhất là ở các nữ tác giả – mà đối đầu thô phác đồ sộ một cách đe dọa và ám ảnh. Tôi thích cái tính nam bộc trực này ở tranh phong cảnh của Hiền Nguyễn”.

Tác giả gọi một số trừu tượng của mình là “vô thường”. (Nại đến Phật học-thiền cũng là một  “trend” trong giới nghệ sĩ hiện nay nói chung). Sao phải níu kéo, ôm ấp lấy những cái vô thường, sao nói buông bỏ để trầm mình vào hư vô mà lại vồ vập, hân hoan hay đau đớn nhường kia!?

Những bức sơn mài trên vải của Hiền Nguyễn lần này là sự khẳng định cuộc đời đầy khao khát nhục cảm, hoan lạc, chất biểu hiện mạnh hơn khi vẽ trên vóc cổ truyền. Nghệ sĩ hay tuyên bố: Chỉ vẽ cho mình để hiểu chính mình. Có thật thế không? Nhất là trong thị trường nghệ thuật  ngày nay? Không biết mình sao biết đời. Không biết đời sao biết mình. Nghệ thuật lôi cuốn tôi  bởi cái vòng “luẩn quẩn” ấy đấy.

Tags: