Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ 13

Ngày đăng : 10:51:06 28-11-2024

Tác giả : Lê Hoài Linh (sưu tầm)

13/ Triển lãm MTTQ lần thứ 13, năm 1990

đổi mới và đa dạng hóa. Khai mạc ngày 20/12/1990 tại Khu triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Đồng tổ chức: Bộ Văn hóa-Thông tin-Thể thao-Du lịch và Hội Nghệ sỹ tạo hình Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử triển lãm MTTQ VN có đầy đủ cả Ban Tổ chức lẫn Hội đồng Nghệ thuật. Ban Tổ chức triển lãm MTTQ 1990 gồm 12 người: 1/ Giáo sư, tiến sỹ Đình Quang, Thứ trưởng Bộ VH-TT-TT-DL- Trưởng ban, 2/ Họa sỹ Dương Viên, Tổng thư ký Hội NSTH VN- Phó ban, 3/ Họa sỹ Trần Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật- phó ban thường trực, 4/ Lê Anh Tâm, Tổng Giám đốc Trung tâm Triển lãm Nghệ thuật và Nhiếp ảnh- phó ban, 5/ Họa sỹ Vũ Giáng Hương, Phó Giáo sư, Phó Tổng thư ký Hội NSTH VN - Ủy viên, 6/ Họa sỹ Trần Lưu Hậu, Ủy viên Ban thư ký Hội NSTH VN- Ủy viên, 7/ Họa sỹ Trần Khánh Chương, Trưởng ngành Trang trí Hội NSTH VN- ủy viên, 8/ Nhà phê bình Lê Quốc Bảo, Phó trưởng ngành Lý luận Phê bình Hội NSTH VN - Ủy viên, 9/ Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Cảnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Mỹ thuật - Ủy viên, 10/ Họa sỹ Ca Lê Thắng, Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật tp HCM - Ủy viên, 11/ Họa sỹ Nguyễn Đức Tuệ, Giám đốc Xưởng triển lãm Trung tâm triển lãm Nghệ thuật và Nhiếp ảnh - Ủy viên, 12/ Họa sỹ Công Đức Viên, chuyên viên Vụ Mỹ  - Ủy viên. Hội đồng Nghệ thuật triển lãm MTTQ 1990 gồm 12 người: 1/ Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật: họa sỹ Trần Lưu Hậu, 2/ Phó Chủ tịch HĐNT: họa sỹ Quách Phong, cùng 10 ủy viên là các họa sỹ: Nguyễn Văn Tỵ, Vũ Duy Nghĩa, Văn Đa, Phan Kế An, Trần Khánh Chương, Ca Lê Thắng, Kim Bạch và 3 nhà điêu khắc: Nguyễn Hải, Dương Đăng Cẩn, Trần Tuy. Như vậy có 3 vị kiêm nhiệm cả Ban TC lẫn HĐNT là Trần Lưu Hậu, Trần Khánh Chương và Ca Lê Thắng.    

Tổng số tác phẩm: 1353 tranh tượng của 822 tác giả. Hội họa và Đồ họa gồm 445 tranh sơn dầu, 200 lụa, 175 sơn mài, 27 sơn khắc, 101 bột màu, 42 màu nước-mực nho, 9 phấn-sáp màu, 2 tổng hợp, 1 ghép trai, 1 acrylic, 80 khắc gỗ-khắc cao su, 19 khắc kẽm, 7 in đá, 6 in lưới-in tổng hợp, 8 trổ-cắt giấy, 4 bút sắt, 3 bút chì, 1 bút điện. Điêu khắc gồm: 89 tượng gỗ-chạm gỗ, 34 gò đồng-nhôm, 8 đúc đồng và kim loại, 32 gốm-sứ-đất nung, 30 thạch cao, 20 tượng đá, 7 xi măng, 1 giả đồng, 1 tổng hợp. Bối cảnh lịch sử: sự chuyển hướng của Liên Xô do công cuộc Cải tổ mà Gorbachov khởi xướng có phần bất lợi cho Việt Nam về chính trị, quân sự và viện trợ. Thành trì vĩ đại của Chủ nghĩa Xã hội- như ta đã biết- sẽ sụp đổ sau thời điểm này 2 năm. Dường như thấy trước được nỗi rủi ro cay đắng tột cùng ấy, lãnh đạo Việt Nam đã kịp thời tiến hành Đổi mới và Mở cửa từ 1986, có hiệu quả thực tiễn từ 1989 (cùng năm đó, quân đội ta cũng rút hết từ Campuchia về). Hầu như ngay lập tức toàn dân thoát khỏi cái đói triền miên. Nhiều loại nông, lâm, thổ- thủy sản, mỹ nghệ truyền thống rập rình xuất khẩu. Nhiều loại du khách bắt đầu xuất hiện mà nổi bật là các du khách Tây đến thẳng từ các nước tư bản giầu có…Hoàn cảnh Mỹ thuật: Đổi mới- Mở cửa đã tạo ra may mắn rất thực tiễn cho mỹ thuật nước ta, xét trên hầu hết các mặt: triển lãm, bán tranh, mua họa phẩm ngoại, giao lưu và học hỏi trực tiếp…

 

Đặng Đức Sinh, Ở mỗi xóm, sơn dầu, 1984

 

 

Bìa 1 và bìa 4 vựng tập Triển lãm MTTQ năm 1990

 

Các họa sỹ ta mở to mắt nhìn thế giới Hội họa và Điêu khắc phương Tây vô cùng phong phú và biến đổi nhanh đến chóng mặt. Bất chấp ý muốn của ai đó, cả nghệ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật Việt Nam nói riêng, từ nay chính thức giã từ con đường độc đạo mang tên Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Những kiểu cách tạo hình phi hiện thực và cả vờn tỉa cực thực dần dần quen mắt và có chỗ đứng khá thoải mái trong thị trường nở rộ các gallery và muôn màu triển lãm. Việc bán tranh thuở bắt đầu Mở cửa có vẻ dễ dàng khiến cho các họa sỹ ta từ chỗ đói meo nay đã bắt đầu có của ăn, của để và từ đẳng cấp thấp nhất trong khối văn nghệ sỹ (vì nghèo nhất lại tốn kém nhất) nay bắt đầu tự tin, không mặc cảm kém cạnh các nhà văn, thơ, nhạc sĩ, ca sĩ hay văn công nữa. Chỉ có điều là một phần đáng kể của mỹ thuật Việt Nam bắt đầu xa dần đối tượng phục vụ trong nước bấy lâu nay để hướng ngoại, bởi “cơm áo không đùa với khách thơ” (cũng chính đáng thôi !).Vựng tập của triển lãm MTTQ 1990 mỏng, khổ rộng 19cm và cao 21,4cm, bìa màu xanh da trời, chữ trắng. Bên trong chỉ in ảnh đen trắng, cỡ nhỏ của 122 tranh và 30 tượng chọn lọc, cùng danh sách tác giả và tác phẩm triển lãm.Giải thưởng MTTQ 1990 gồm rất nhiều thứ hạng: Chỉ có 01 giải Nhất cho tranh sơn mài Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm, theo trí nhớ của người viết thì trị giá 05 triệu đồng. Chỉ có 01 giải Nhì cho bức tượng gỗ Bác Hồ về bản của Hứa Tử Hoài, theo trí nhớ của người viết thì trị giá 03 triệu đồng.  Chỉ có 01 giải Ba (trị giá 2 triệu đồng) cho bức sơn khắc Chùa Thầy của Công Văn Trung. Tiếp theo, có 08 Huy chương Vàng (trị giá 01 triệu đồng/HC) cho các tác phẩm: 1/Tiếng kèn Chăm, tạc đá của Nguyễn Hoàng Ánh, 2/ Cây trái quê hương, lụa của Kim Bạch, 3/ Bài ca về ngã ba Đồng Lộc, sơn dầu của Lê Huy Hòa, 4/ Gánh quà rong, khắc gỗ của Nguyễn Đức Hòa, 5/ Đi họpNgọn đèn chaiTình đồng đội, tranh sơn mài bộ 3 của Vũ Duy Nghĩa, 6/ Bác làm thơ, sơn mài của Đoàn Văn Nguyên, 7/ Chống hạn, sơn mài của Phùng Phẩm, 8/ 1 tranh không rõ tên và chất liệu của Trần Thị Thanh Ngọc. Có 13 Huy chương Bạc trao cho các tác phẩm: Chiến tranh, lụa của Lý Trực Dũng; Tình mẫu tử, tượng đá của Vũ Lợi; Phỗng đá, sơn dầu của Nguyễn Hữu Ngọc; Sáng ra bờ suối tối vào hang, sơn dầu của Quang Thọ; Chị em, sơn mài của Hồ Hữu Thủ; Bác Hồ lụa của Nguyễn Thụ; Quê hương, sơn dầu của Lê Huy Tiếp; Quê hương, sơn mài của Trần Văn Bình; Buổi sáng bình yên trên sông Hậu, sơn dầu của Đặng Chung; Hội làng bán thóc khao quân cho Bác Hồ, sơn khắc của Doãn Tuân; Trên chặng đường chiến dịch, lụa của Thanh Châu, Lên chùa, sơn dầu của Đặng Hồng Vân, Bà mẹ Quảng Nam, đúc đồng, cao 120m của Phạm Hồng. Có 16 Huy chương Đồng cho các tác phẩm: Mẹ con, tượng đá của Nguyễn Chi Lăng; Dân công kháng chiến, sơn mài đắp nổi của Trịnh Ngọc Lâm; Trường Sơn năm ấy, sơn khắc của Phạm Ngọc Liệu; Già làng, tượng gỗ của Hoàng Tường Minh; Dưới ánh mặt trời, đồng nhôm của Trần Văn Mỹ; Tình mẹ, sơn dầu của Nguyễn Văn Nghị; Màu xanh tình yêu, điêu khắc tổng hợp của Phạm Sinh; Bến trắng, mực nho của Anh Thường; Hát cho dân tôi nghe, sơn dầu của Trịnh Thanh Tùng; Phong cảnh, sơn dầu của Thọ Tường; Bàn tay gốm, sơn dầu của Trương Đình Hào; Mùa xuân vĩnh cửu, tượng đá của Cần Thư Công; Trên đường ra trận, sơn khắc của Nguyễn Nghĩa Duyện; Chiến khu rừng Sác, lụa của Huỳnh Phương Đông; Khoảnh khắc tĩnh lặng, sơn dầu của Trần Gia Bích; Chuyện đồng áng, sơn mài của Phạm Ngọc Sỹ.

 

Phùng Phẩm, Chống hạn, sơn mài, 1990

 

Nguyễn Tư Nghiêm, Gióng, sơn dầu, 1990

 

Giấy chứng nhận tác phẩm tham dự triển lãm và Giấy chứng nhận Huy chương Đồng của tác giả Nguyễn Đăng Khiêm trong MTTQ năm 1990

 

Nguyễn Hữu Ngọc, Phỗng đá, sơn dầu, 1987

 

Những nét đặc biệt của triển lãm MTTQ 1990:

1/ Là triển lãm MTTQ đông nhất về số lượng trong lịch sử các MTTQ suốt từ 1945 đến 2010. Theo tư liệu của hoạ sỹ Trần Khánh Chương (trang 76, sách đã dẫn) thì tổng số 840 tác phẩm đã là “…số lượng tác phẩm được bầy nhiều nhất trong một triển lãm MTTQ”. Nhưng chúng tôi đếm lại rất kỹ trong vựng tập 1990 thì thấy tổng số tác phẩm phải là 1353 tranh tượng của 822 tác giả, có 108 tác giả nữ, 25 tác giả là dân tộc ít người. Riêng Hội hoạ có tới 1003 tác phẩm, đồ hoạ có 128 và điêu khắc có 222 tác phẩm. 2/ Lần đầu tiên vựng tập của một kỳ MTTQ in liền tù tì danh sách tác giả- tác phẩm, không phân ra Hội hoạ- Điêu khắc, cũng không phân vùng (như kỳ 1954) hay phân theo chủ đề (như kỳ 1955). 3/ Có 05 tranh to với 1 cạnh vượt quá 2m gồm: Đồi cọ, sơn mài, 112x240cm và Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xí nghiệp may 10, sơn mài, 115x240cm cùng của tác giả Phan Kế An; Đường mòn Hồ Chí Minh, sơn mài, 160x240cm của Thái Hà; Đường mòn Hồ Chí Minh, sơn mài, 100x300cm của Lê Lam; Chiến thắng Bạch Đằng, sơn mài, 180x360cm của Tuấn Thanh. Tất cả đều không phải tác phẩm tập thể và 4/5 tranh có đề tài về chính trị- quân sự. 4/ Đồng thời cũng có một số tác phẩm điêu khắc cỡ rất nhỏ như: Ngắm trăng, chạm gỗ, 4x15cm của Mai Duy Thân; Vật, tượng gỗ, cao 15cm của Trần Quốc Chiến; Mẹ và Ru con đều là tượng gỗ, đều chỉ cao 10cm cùng của tác giả Vương Học Báo; Cô gái chải tóc, tượng gỗ, cao 10cm của Lê Thị Hiền; Bế con, đất nung, cao 10cm của Lê Thị Hoài; Tượng sân vườn, đất nung, cao10cm của Lê Công Thành... 5/ Khá nhiều xu hướng, trường phái lạ xuất hiện trong triển lãm, minh chứng cho bước phát triển đa dạng hoá của MTVN (chịu ảnh hưởng của các trường phái Tượng trưng, Lập thể, Ngây thơ - Nguyên sơ, Biểu hiện, Cực thực…). 6/ Tranh khoả thân từng bị hạn chế suốt một giai đoạn dài, nay có 3 chiếc được “bày bình thường” trở lại như: Nhịp biển sơn dầu của Nguyễn Văn Nghị; Cô gái trẻ, bút sắt của Trần Hữu Quang; Đêm hè in lưới của Vũ Huyên. 7/ Quy chế giải thưởng của Triển lãm MTTQ 1990 cũng lạ kiểu, không giống bất cứ kỳ MTTQ nào trước đó: chỉ có 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba, sau đó lại có nhiều huy chương Vàng, Bạc, Đồng…Xin tiểu kết phần này bằng một chuyện buồn: Tác phẩm bị mất cắp ngay tại triển lãm. Đó là bức tượng gỗ mini của nhà điêu khắc Vương Học Báo Ru con, chỉ cao 10cm, bày trên mặt bàn, không có biện pháp cố định và bảo vệ. Sau khai mạc chừng 1 tuần thì tượng mất ! Việc duy nhất mà Ban Tổ chức có thể và cần phải làm là đền bù cho tác giả bởi hai bên có ký kết giấy tờ gửi tác phẩm đàng hoàng. Rắc rối là ở chỗ tác giả đề giá tác phẩm là 500USD. Sau cùng, ông Trần Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật thoả thuận được với tác giả là đền 50% tức 250USD (năm 1990 giá “đô Mỹ” to hơn bây giờ nhiều, nếu so với vàng và tiền Việt, tuy nhiên, cũng có nguồn tin cho rằng tác giả chỉ được đền có 250.000đ). Điều an ủi với tác giả là một khán giả nào đó đã quá hâm mộ tác phẩm này, nghĩa là bức tượng thực sự có giá trị… Bài học đau đớn trên đây buộc Ban Tổ chức, cụ thể lúc bấy giờ là Vụ Mỹ thuật phải suy nghĩ để định ra thể lệ giới hạn kích thước không những lớn nhất mà còn cả  nhỏ nhất của tác phẩm tham dự MTTQ. Nói một cách khác, sự hoàn thiện thể lệ của Triển lãm MTTQ là một quá trình dài lâu, có “công” đóng góp của các sự cố ngoài ý muốn như trên đây.  (còn tiếp)

Tài liệu tham khảo 

(dùng cho MTTQ 1985 và MTTQ 1990):1/ Vựng tập các triển lãm MTTQ 1985, 1990.2/ 50 năm Hội Mỹ thuật VN (1957- 2007), NXB Mỹ thuật HN 2007. 3/ Kỷ yếu hội viên- Nghệ sỹ tạo hình VN hiện đại, NXB MT 2009. 4/ Hỏi chuyện các hoạ sỹ Trần Lưu Hậu, Thanh Ngọc, Lê Lam, Trọng Cát, Nguyễn Thụ, Đinh Trọng Khang, Trần Khánh Chương, Đinh Rú, Vương Học Báo, Đặng Thị Khuê, Lê Huy Tiếp, Phạm Viết Hồng Lam, Phạm Đỗ Đồng, Ngô Đồng, Phạm Mùi, Đỗ Đức, Đặng Thế Minh, Nguyễn Văn Chư, Trần Đốc, Nguyễn Thị Vinh, Lê Duy Ngoạn, Trịnh Ngọc Lâm, Nguyễn Đăng Phú, Nguyễn Đăng Giáp, Hoàng Tường Minh, Phạm Sinh, Đào Hải…

 
Tags: