Tác giả: Đặng Thanh Vân
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thủ đô (1954-2024), Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức triển lãm thường niên lần thứ 52. Đây là dịp các nghệ sỹ thủ đô gặp
gỡ, trao đổi và giới thiệu các tác phẩm đã sáng tác trong một năm qua.
Triển lãm trưng bầy 262 tác phẩm hội họa, đồ hoạ và điêu khắc, được lựa chọn
từ hơn 300 tác phẩm được các tác giả gửi tới, trong đó có 27 tác phẩm điêu khắc nhỏ.
Bên cạnh các đề tài quen thuộc: Phong cảnh, lễ hội, chân dung, hoa, đề tài miền núi, bảo vệ môi trường Hà Nội xanh, sạch, đẹp... Đề tài chiến tranh cách mạng; Hà Nội năm 1946, Hà Nội năm 1972, được các nghệ sỹ miêu tả bằng tình cảm chân thành và sâu lắng. Một thủ đô Hà Nội Hào hoa, rực rỡ sắc màu trong ngày giải phóng được nhiều hoạ sỹ và nhà điêu khắc miêu tả; Và một điều đặc biệt mới là có những tác phẩm phản ánh công cuộc chống tham nhũng (đốt lò), và hình ảnh bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhân dân và các nghệ sỹ yêu quý, đã được một họa sỹ vẽ với lòng yêu quý kính trọng;
Đề tài Hà Nội xây dựng và phát triển, cũng đã có vài tác phẩm. Năm nay các tác phẩm phản ánh chủ đề này còn ít hơn năm ngoái. Bởi lẽ nhu cầu của thị trường tranh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy và sáng tác của hoạ sỹ và nhà điêu khắc. Tranh đề tài Hà Nội xây dựng và phát triển luôn khó bán hơn tranh hoa, phong cảnh, và chân dung. Người xem và Ban tổ chức đều mong muốn được xem và thưởng thức các tác phẩm vẽ về đề tài này ngày một nhiều hơn và có tính nghệ thuật cao hơn nữa vào các triển lãm năm sau. Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức một cuộc hội thảo: “Nâng cao chất lượng sáng tác về đề tài xây dựng Thủ đô trong thời kỳ đổi mới” vào trung tuần tháng 8-2024, tại Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật 19- phố Hàng Buồm.Với sự tham gia đông đảo của các hoạ sỹ, nhà điêu khắc, và các nhà Lý luận phê bình Mỹ thuật. Để lý luận đi vào sáng tác phải có thời gian, chúng ta hãy chờ đợi ở triển lãm MTTD năm sau.
Triển lãm năm nay vẫn duy trì được phong trào sáng tác sôi động, nhiệt tình của giới Mỹ thuật thủ đô; Chất lượng các tác phẩm tương đối đồng đều. Triển lãm phong phú về đề tài, và đa dạng về chất liệu: sơn mài, sơn dầu, Acrilic, chất liệu tổng hợp, lụa...điều đặc biệt là chất liệu sơn mài có tới 51 tác phẩm trên tổng số 262 tác phẩm. Tranh lụa ít, mảng đồ hoạ cũng ít hoạ sỹ gửi tranh tham gia triển lãm. Chủ tịch hội Mỹ thuật Hà Nội và Ban chấp hành hội luôn khuyến khích và chấp nhận sự tự do sáng tác;
Và các trường phái nghệ thuật luôn đua nhau nở rộ và phát triển: trừu tượng, biểu hiện, siêu thực, hiện thực...Nhưng nhiều nhất vẫn là các tác phẩm vẽ theo trường phái Hiện thực. Phải chăng hiện thực cuộc sống luôn là nguồn năng lượng và cội nguồn của các ý tưởng của các hoạ sỹ và nhà điêu khắc sống và làm việc, yêu thương mảnh đất thủ đô Ngàn năm Văn hiến.
Triển lãm năm nay hội tụ được các hoạ sỹ mọi lứa tuổi tham gia, nhưng nhiều nhất vẫn là các hoạ sĩ trẻ, có tới 1/6 tác giả là hoạ sỹ và nhà điêu khắc trẻ từ 40 tuổi trở xuống tham dự triển lãm, trong đó có nhiều người là sinh viên các trường Mỹ thuật và và chưa là hội viên.
+ Điểm qua một số tác phẩm để lại Ấn tượng mạnh mẽ cho người xem: Tác phẩm Ban nhạc Thăng Long của hoạ sỹ Trần Nguyên Đán, khắc gỗ, năm 2024; Giải A. Ông có một tấm gỗ lớn, hẹp ngang và dài. Ông đã khắc 12 nhạc công đang chơi các loại nhạc cụ dân tộc: nhị, sáo trúc, đàn đáy, đàn Nguyệt, đàn Tam thập lục, đàn Bầu, đàn Đá, đàn Tờ rưng, cặp sênh, đàn Tính, Khèn... ông đã nghiên cứu hình dáng từng loại
đàn và khắc chúng giống hệt như nó vốn có; Trên một bố cục của tấm gỗ hẹp ngang và dài. Ông đã khắc rất cẩn thận, nét khắc mềm và chính xác, ông nghiên cứu hình dáng của từng loại nhạc cụ dân tộc. Và một ban nhạc với 12 loại nhạc cụ dân tộc tiêu biểu, được hoạ sĩ sắp xếp trong hình dáng một tấm gỗ, bị hạn chế bởi hình dáng tấm gỗ.
Tác phẩm: Chiến thắng B52, của nhà điêu khắc Vũ Đại Bình, chất liệu composite. Kt: cao 160cm. Năm sáng tác 2024. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, quân đội và nhân dân ta đã đánh bại nhiều cuộc không kích bằng máy bay, nhất là pháo đài B52. Tác phẩm diễn tả hình tượng cô dân quân tuy bé nhỏ, nhưng chiến đấu anh dũng kiên cường, cùng pháo binh ta đã bắn hạ B52, đại diện cho sứ mạnh của Mỹ. Hình ảnh cô dân quân giơ cao súng mừng chiến thắng, lấy yếu thắng mạnh, chính nghĩa thắng phi nghĩa. Tác phẩm mang tính biểu tượng cao.
Bức tranh: Mặt đất và bầu trời, sơn dầu của hoạ sỹ Ngân chài. Anh miêu tả sức mạnh, lòng yêu nước của quân đội ta trong thời bình. Họ luôn phải rèn luyện, và biết cách sử dụng các khí tài hiện đại; Luôn nâng cao cảnh giác để bảo vệ nhân dân, bảo vệ mặt đất và bầu trời bình yên của tổ quốc. Ngân Chài tả ánh nắng xuyên qua đám mây đen rất đẹp và nhiều dụng ý.
Tranh lụa: Quê ngoại của hoạ sỹ Trần Hoàng Tú cũng đem lại nhiều mỹ cảm về vùng quê ngoại thành Hà Nội. Tranh sơn mài: Sớm mai, Kt: 80x100cm, 2024, của Nữ hoạ sỹ Lê Thị Dậu miêu tả các thiếu nữ miền núi trang phục rực rỡ sắc màu, đẹp đẽ và thanh bình, được chị vẽ bằng một kỹ thuật sơn mài thuần thục.
Do hạn chế về không gian trưng bầy, vì năm nay kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô, nên Bảo tàng Hà Nội cùng trong tháng 10 có tới 3 sự kiện cùng trưng bầy. Nên không gian dành cho Triển lãm Mỹ thuật thủ đô bị hạn chế. Tranh bầy hơi bị dày. Đó là điều đáng tiếc nhất. Nếu có không gian rộng hơn, thì hiệu quả thẩm mỹ của triển lãm sẽ được phát huy tối đa. Hy vọng triển lãm năm tới khắc phục được việc này. Cũng bởi điều kiện khách quan đem lại. Nhưng buổi khai mạc triển lãm đã có sự tham gia đông đảo của các hoạ sỹ, nhà điêu khắc, bạn bè... và những người yêu Mỹ thuật. Và sự hiện diện của các nhà Báo, và các đài truyền hình trung ương và Hà Nội.
Triển lãm trưng bầy 293 tác phẩm hội hoạ, đồ hoạ và điêu khắc, với 27 tác phẩm điêu khắc nhỏ, gồm: đồng, gốm, gỗ, compozits... Sau 10 ngày trưng bầy, bảo tàng Hà Nội đã đón một lượng khách đến xem tranh khá là đông.
Hội đồng nghệ thuật đã xét duyệt và trao giải thưởng cho các hoạ sỹ: Gồm 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C, và 10 giải khuyến khích. Triển lãm khai mạc ngày 6/10 kéo dài đến 20 -10 tại Bảo tàng Hà Nội - đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì - Quận Nam từ Liêm - thành phố Hà Nội. Chúng ta chờ đợi cuộc triển lãm Mỹ thuật thủ đô năm tới - 2025, với nhiều tác phẩm đẹp và có chất lượng nghệ thuật cao, và ngày càng chuyên nghiệp hơn nữa./.