Triển lãm trưng bày 135 tác phẩm của hơn 100 tác giả nữ, với đa dạng chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, acrylic, pastel, lụa, màu nước, gốm… Với những sắc màu trong trẻo, nội dung dễ cảm như câu chuyện: tâm tình của phái đẹp, chân dung, tĩnh vật quen thuộc với các loài hoa gần gũi như hoa ly, hoa hồng, hoa đào…
Họa sĩ Nguyễn Anh Đào, Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Nữ, cho biết: “8-3 là dịp triển lãm thường niên của các tác giả nữ, đường nét sắc màu qua mỗi tác phẩm được trưng bày nhằm truyền cảm hứng và khích lệ phụ nữ khám phá và phát triển tiềm năng của mình, đồng thời tôn vinh vai trò và đóng góp của phụ nữ trong xã hội hiện nay”.
“Tôi là một khán giả hội hoạ lâu năm, nhưng chủ yếu xem tranh theo cảm xúc cá nhân thôi. Chỉ cần nhìn qua và cảm nhận, tranh của các nữ hoạ sĩ ẩn chứa một điều gì đó rất nhẹ nhàng và nữ tính dù là chất liệu cứng hay đề tài có gai góc, khô khan”, anh Hoàng Tuấn Minh (41 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Triển lãm “Miền nhớ” được sắp xếp như một không gian nghệ thuật sắp đặt. Mỗi tác phẩm kể một câu chuyện từ phái đẹp và có những góc lặng nhìn cuộc sống để thêm yêu những mất mát thật anh dũng trong đời.
Như với tác phẩm tranh lụa “Tình yêu ở lại” trưng bày trong triển lãm của tác giả Tiểu Tân với hình ảnh một đôi nam nữ thương binh, bên cạnh bức tranh là hiện vật trưng bày: đôi nạng, 2 chiếc dép khác size của 1 người nam, 1 người nữ… khiến người xem không khỏi xúc động lẫn biết ơn – một thế hệ đã gửi tuổi xuân mình cho bình yên trên đất nước hôm nay.
Bạn trẻ Nguyễn Anh Nguyên (20 tuổi, sinh viên Đại học Sài Gòn) bày tỏ: “Bức tranh này hơi khác một chút vì vẽ về đề tài người lính và chiến tranh. Giữa những màu sắc, nội dung mềm mại để chào mừng Quốc tế Phụ nữ, một góc nhìn vừa đủ nữ tính, dịu dàng với chất liệu lụa nhưng cũng đủ mạnh mẽ để người ta biết thêm một câu chuyện xúc động của thế hệ đã đi qua cuộc chiến”.
Câu chuyện trong “Tình yêu ở lại” (chất liệu lụa, kích thước 80x120cm, sáng tác năm 2024) là hình ảnh của vợ chồng chú Nắm và cô Hồng – hai cựu chiến binh thời chống Mỹ. Họ quen và yêu nhau trong một lần hành quân ở chiến trường Bình Giã (năm 1964), nhưng hoàn cảnh khiến mỗi người một nơi, ông thuộc đơn vị thông tin liên lạc, bà làm nhiệm vụ ở đơn vị vận tải lương thực và vũ khí. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cả hai đều bị thương trong quá trình chiến đấu, họ đã những tưởng rằng cả đời này không còn có thể gặp lại sau nhiều ngày tháng bặt vô âm tín.
Thật bất ngờ, vào năm 1970, ông bà hội ngộ ở một địa điểm và trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt: trại làm chân giả tại Hà Nội. Hai người chiến sĩ đều bị mất một chân trên những mặt trận khác nhau, họ nối lại tình xưa và sống với nhau hạnh phúc đến bây giờ.
Tác giả Tiểu Tân chia sẻ: “Tôi cũng là một người “tay ngang” với hội họa, chỉ mong có thể gửi đến người xem một chút cảm xúc tự nhiên của tình yêu, tình thân – một vẻ đẹp lặng lẽ, cô đọng, không cần ồn ào triết lý. Và tôi tin tình yêu luôn hiện hữu quanh chúng ta dù chiến tranh, dù bão giông, dù mất mát, dù năm, dù tháng… Và chúng ta của bây giờ, vẫn rất may mắn giữa cuộc đời này, có đầy đủ đôi chân để đi vạn dặm đường xa, có trái tim rộng mở để cảm nhận mọi thứ một cách trân quý nhất. Và hơn hết là trân trọng những giá trị của hòa bình, tình thân, tình yêu”…