Triển lãm “Dương – Duyên”

Ngày đăng : 20:00:00 09-01-2024

Tác giả : Nguyễn Thanh Vân (sưu tầm)

Vào lúc 17h00 thứ Ba ngày 9 tháng 1 năm 2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Dương – Duyên”. Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 50 tác phẩm trên chất liệu Lụa và Sơn dầu của hai vợ chồng họa sĩ Trương Triều Dương và Đỗ Thị Duyên.

“Đây là lần triển lãm chung đầu tiên của 2 vợ chồng Dương và Duyên, không có gì quá lớn lao nhưng đó là một mốc đánh dấu cho quá trình làm việc nghiêm túc của cả 2 sau thời gian dài chưa có điều kiện để làm những gì mình yêu thích” – Hai họa sĩ chia sẻ.

Nhận xét về triển lãm, họa sĩ Vũ Đình Tuấn viết: “Duyên rất đàn bà trong cách diễn màu, nhuộm sâu những lớp lang, lan toả rất êm đềm màu nước trên những thớ lụa óng ả không một chút khiên cưỡng. Vì thế mà nền lụa rung lên cảm xúc, những vùng đậm nhất vẫn không nặng nề, mà trong thăm thẳm, khơi ra cả những lớp nét mờ chìm ẩn hiện. Những mảng nét uyển chuyển đan cài dày đặc trên khoảng sáng hay tối là một ưu điểm về năng lực ngôn ngữ đồ hoạ tạo hình vốn có của người có chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm. Duyên không lạm dụng mà xử lý rất nhuần nhuyễn, cho cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu, thư thái, khác biệt…

Với tranh của Dương, người vẽ cảm nhận được vẻ đẹp vương vấn không muốn rời cành của một cánh hoa héo, nhìn ra cái sắc nhị còn sót lại trên tàn phai, những rung động nhỏ nhất trên vết thời gian từ đồ vật trong bóng tối. Những xúc cảm đó gọi ra hình, gọi ra bút pháp, lưu luyến màu sắc của huy hoàng, hoài nghi chữ sinh-diệt. Tơ vương, ngậm ngùi, tiếc nuối, cô độc, hy vọng …mọi thứ như vây chặt lấy, hiện hữu đến nghẹt thở, nhưng lại mong manh đến mức chỉ chạm khẽ là tan biến trong vô thường”.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 15 tháng 1 năm 2024 tại tầng 1 nhà B Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Một số hình ảnh tác phẩm của triển lãm:

 

 

 

"Dương và Duyên" là triển lãm chung của 2 vợ chồng họa sĩ Đỗ Duyên và Trương Triều Dương, sẽ khai mạc vào chiều ngày 9/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Lần đầu tiên ra mắt, triển lãm là dấu mốc đánh dấu cho quá trình làm việc nghiêm túc của cả 2 sau thời gian dài không có điều kiện để làm những gì mình yêu thích, và cũng là bước đi đầu tiên cho việc hình thành con đường của bản thân.

 

Nữ họa sĩ Đỗ Duyên hiện là giảng viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Còn chồng chị, họa sĩ Trương Triều Dương là giáo viên trường THCS Vinschool Metropolis. Cả hai cùng là sinh viên khoa Đồ họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Duơng học K47, còn Duyên học K48. Nhưng tình cảm của họ chỉ nảy nở khi là bạn học của nhau tại khóa Cao học Đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

 

Sau khi kết hôn, Trương Triều Dương vẫn túc tắc vẽ và làm tranh khắc gỗ, kẽm. Còn nữ họa sĩ vì bận công việc gia đình, đến năm 2019 mới bắt đầu vẽ lại nhưng Đỗ Duyên không làm tác phẩm bằng chất liệu của đồ hoạ tạo hình (các loại tranh khắc) mà chuyển sang vẽ lụa.

Tại triển lãm lần này, Đỗ Duyên mang tới 26 bức tranh lụa có đề tài về đàn bà và những suy tư, còn Trương Triều Dương mang tới 27 bức sơn dầu có chủ đề tĩnh vật. Dù khác nhau về chất liệu và chủ đề nhưng điểm chung của hai họa sĩ là mong muốn tìm tòi một vẻ đẹp từ những cái tưởng không đẹp, phải vứt bỏ hoặc giấu kín đi.

Theo họa sĩ Vũ Đình Tuấn, tĩnh vật của Trương Triều Dương chối từ vẻ lộng lẫy, tươi nhuận, hân hoan. Anh đặt vào các bức tranh tĩnh vật một cõi sâu lắng, u tịch trong khung cảnh những đồ vật đã cũ trên nền căn phòng cũ…mộng mị, bí ẩn, với gam màu thiên về trầm. Ấy là cái thế giới vi tế động cựa bên trong đám cành lá ủ rũ héo tàn, chiếc bình gốm cổ, khung cửa bạc màu sơn, chiếc ghế hay góc phòng chạng vạng tối sáng, chạng vạng một nỗi buồn, chạng vạng một thân phận.

Còn tranh lụa của Đỗ Duyên lại tạo hình khắc khoải và gợi cảm của một cơ thể đang giằng co với chính mình, độc thoại với cái bóng của mình, một mình với những mớ tóc dài vô lý đến vô tận, đen thẳm, ngạt thở và mộng mị. Duyên giấu mình trong tóc, tìm mình trong tóc, chơi đùa với tóc, ma thuật với tóc, cãi lộn với tóc. Đồng hiện, siêu thực và tượng trưng là cách Duyên vẽ mình trong trạng thái bị ràng buộc một cách ngoan cố tự thân, dằn vặt, cô độc và chấp nhận. Cái chấp nhận kiểu nín nhịn rất đàn bà, kiểu nước đôi, không nhất thiết phải vùng vẫy, cái vùng vẫy kiểu dỗi hờn, vừa lỏng vừa chặt, không nhất thiết phải thoát ra, như thể đấy là hạnh phúc. Vì thế, vẻ bí ẩn đôi khi có chút ma quái trong hình hài cũng không để lại cảm giác gai gợn, mà thay vào đó, người xem thấy thuận cảm, ưa nhìn.

Nhận xét về triển lãm, họa sĩ Vũ Đình Tuấn viết: “Duyên rất đàn bà trong cách diễn màu, nhuộm sâu những lớp lang, lan toả rất êm đềm màu nước trên những thớ lụa óng ả không một chút khiên cưỡng. Vì thế mà nền lụa rung lên cảm xúc, những vùng đậm nhất vẫn không nặng nề, mà trong thăm thẳm, khơi ra cả những lớp nét mờ chìm ẩn hiện. Những mảng nét uyển chuyển đan cài dày đặc trên khoảng sáng hay tối là một ưu điểm về năng lực ngôn ngữ đồ hoạ tạo hình vốn có của người có chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm. Duyên không lạm dụng mà xử lý rất nhuần nhuyễn, cho cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu, thư thái, khác biệt…

Với tranh của Dương, người vẽ cảm nhận được vẻ đẹp vương vấn không muốn rời cành của một cánh hoa héo, nhìn ra cái sắc nhị còn sót lại trên tàn phai, những rung động nhỏ nhất trên vết thời gian từ đồ vật trong bóng tối. Những xúc cảm đó gọi ra hình, gọi ra bút pháp, lưu luyến màu sắc của huy hoàng, hoài nghi chữ sinh-diệt. Tơ vương, ngậm ngùi, tiếc nuối, cô độc, hy vọng …mọi thứ như vây chặt lấy, hiện hữu đến nghẹt thở, nhưng lại mong manh đến mức chỉ chạm khẽ là tan biến trong vô thường”.

 

 

Tags: