Tác giả: Đặng Thanh Vân (sưu tầm)
Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” diễn ra từ ngày 07 đến 15/11/2023 tại phòng Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ Trang Thanh Hiền trưng bày 44 tác phẩm tranh vẽ trên giấy Dó và điêu khắc gỗ với những đề tài chủ đạo về thiền, Phật giáo, tính nữ.
Phải nói rằng, giấy Dó từ trước đến giờ vốn không phải là thể loại được họa sĩ ưa chuộng, vì nhiều lẽ. Nếu so với các thể loại tranh như sơn mài, sơn dầu, lụa, thì giấy Dó là nguyên liệu có chi phí thấp nhất và tranh giấy thì kém bền hơn. Chính yếu tố này dẫn đến việc định giá tranh không được cao như các loại vật liệu cao cấp khác. Điều này khiến cho giấy Dó ở Việt Nam ít được các họa sĩ ưa chuộng. Mặc dầu nếu nhìn soi chiếu sang các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, tranh vẽ trên giấy Xuyến, giấy Han được các hoạ sĩ sử dụng rất phổ biến, và giá tranh thể loại này cũng không kém cạnh gì các vật liệu được xem là bền vững kể trên.
Ngoài ra, vẽ tranh trên giấy Dó không dễ dàng chút nào, bởi chất liệu giấy tự nhiên này được làm từ vỏ cây theo cách thức hoàn toàn truyền thống, nên khi đặt màu đặt mực lên nó người hoạ sĩ phải hết sức hiểu nó mới có thể tạo hình theo ý đồ nghệ thuật của mình. Vẽ giấy Dó, trước tiên hoạ sĩ phải nắm được kỹ thuật sử dụng bút lông mực nho sao cho thuần thục. Độ đanh sắc hay độ mờ nhòe đều đóng góp vào sự hình thành của bức tranh. Và quan trọng hơn nữa, bút mực đặt lên Dó là không thể sửa chữa, nếu hỏng một nét là bỏ cả bức tranh. Do đó, dẫu là nguyên liệu có chi phí thấp nhưng rõ ràng để vẽ được những bức tranh hoàn thiện trên mọi mặt có lẽ người hoạ sĩ phải vẽ trước đó rất nhiều tác phẩm hỏng. Ở Trung Quốc, vẽ tranh Thuỷ Mặc là một truyền thống lâu đời xuất phát điểm từ việc viết thư pháp chữ Hán. “Thư hoạ đồng nguyên” hoạ sĩ cũng có thể là nhà thư pháp và ngược lại. Giấy Dó của Việt Nam cũng như giấy Xuyến của Trung Quốc và giấy Han của Hàn Quốc, nhưng đặc tính giấy và độ loang là rất khác nhau. Giấy Dó Việt thường bị loang mạnh hơn, nên truyền thống của người Việt họ dùng để in khắc sách, vẽ rất ít.
Để khắc phục những hạn chế của giấy Dó, có một số họa sĩ đã tìm tòi sáng tạo và thể nghiệm nhiều cách thức khác nhau. Kỹ thuật vẽ giấy Dó ngày nay có lẽ đã được các hoạ sĩ làm chủ. Chính độ nhòe độ loang nhoè của mực màu, tạo ra sự thiên biến vạn hóa đến mức làm chính họa sĩ cũng phải kinh động vì những hiệu quả bất ngờ! Thêm vào đó, việc kết hợp tự do giấy Dó với Vàng Bạc Quỳ (dán vàng bạc trên Dó) hoặc đưa cà phê vào cũng làm tranh giấy Dó thêm tiếng nói vô tiền khoáng hậu! Ngoài ra, để giữ lâu bền và bảo quản tranh giấy Dó còn mãi với thời gian thì các họa sĩ cũng đã vận dụng các tri thức về khoa học kỹ thuật vào quá trình sáng tạo!
Trong truyền thống, có hai dòng tranh dân gian sử dụng kỹ thuật vẽ trên giấy Dó, tạo nên những dòng tranh mang tính kinh điển của nghệ thuật sử dụng giấy Dó – giấy vỏ cây. Đó là tranh thờ của người miền núi (Dao, Tày, Nùng) và tranh dân gian Hàng Trống. Ở tranh dân gian miền núi là kỹ thuật vờn nét khi sử dụng bút lông để tạo ra đường nét uyển chuyển, linh hoạt, liền mạch, tạo được hình khối và sự chuyển động trong bức tranh liên hoàn là nét đặc sắc nhất (các bức tranh thờ miêu tả con đường lên trời và các hành trình đó của các thần linh). Kỹ thuật vẽ tranh Hàng Trống tinh tế nhất trong các thể loại tranh trên giấy Dó dân gian. Đặc trưng nhất là việc vờn màu tạo khối và phối màu trong tranh. Cả hai kỹ thuật này đều ít có người tìm tòi học hỏi và thể hiện trong tác phẩm.
Các tác phẩm trong triển lãm Ảnh xạ gồm: một bộ 5 bức vẽ năm 2002; seri tranh 12 bức của 20 năm sau là năm 2022; seri tranh in khắc gỗ kết hợp với vẽ mực nho, màu nước trên giấy Dó (18 bức), tượng điêu khắc gỗ (9 bức) được sáng tác trong năm 2023. Như vậy có thể thấy, triển lãm chủ yếu bày tranh vẽ trên giấy Dó.
Thật may mắn, Trang Thanh Hiền người đã có nhiều năm thâm nhập kỹ thuật này, vừa với tư cách của một nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật vừa với tư cách của một họa sĩ. Cuốn sách “Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt” của chị đã cho thấy kết quả công phu khám phá các dòng tranh dân gian kể trên. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu chỉ ra những nét khác biệt và yếu tố đặc trưng của các dòng tranh. Trang Thanh Hiền còn mày mò để thực hành, thể nghiệm các kỹ thuật đó lên tranh của mình. Trong các cuộc triển lãm trước đây của Trang Thanh Hiền như Đáy Sóng năm 2015 công chúng đã biết đến chị với các tác phẩm vẽ mực nho, màu nước trên giấy vỏ cây của người Nùng Cao, giấy giang, giấy tre… và nhiều nhất vẫn là các tác phẩm vẽ trên giấy Dó với các độ dày mỏng khác nhau như bóc 1, bóc đôi, bóc 4. Ở triển lãm Mùa trong vườn năm 2022, chị lại thể nghiệm sáng tạo in khắc gỗ màu khác nhau với các hình thức độc bản, phá bản. Đến triển lãm Ảnh Xạ năm nay của chị, có thể nói là một bứt phá ngoạn mục khi tất cả các kỹ thuật vẽ tranh, in khắc gỗ đã được hội tụ đồng thời trên các tác phẩm. Người ta có thể thấy ở đó một độ nhuần nhuyễn trong kỹ thuật vẽ giấy Dó, nét đanh, xơ hay loang nhoè và cả thể loại in khắc gỗ độc bản rất đa dạng. Hai ngôn ngữ in khắc có vẻ như khô cứng, đã được Trang Thanh Hiền sử dụng kỹ thuật hội hoạ với độ loang kỳ ảo của giấy Dó như quyện vào nhau tạo ra một sắc thái rất riêng biệt. Như hoạ sĩ Vũ Đình Tuấn nhận xét: “Ảnh xạ của Trang Thanh Hiền đậm ngôn ngữ đàn bà, đàn bà kiểu tràn đầy khát vọng, nổi loạn, cuồng nhiệt mà nhường nhịn, thăm thẳm như một dòng chảy. Việc phối hợp hài hòa giữa kỹ thuật in khắc gỗ sắc sảo và cách xử lý mực nước loang nhoè phóng khoáng trên giấy Dó cho thấy cái cá tính gai góc và nền nã đã hợp nhất làm một để cho ra lối tạo hình cô đọng kiểu “tiết diện” hay “lát cắt”.
Điều thú vị hơn cả trong cuộc triển lãm lần này có lẽ không chỉ là kỹ thuật vẽ giấy Dó của Trang Thanh Hiền, mà còn là những ý tưởng được chị diễn tả vô cùng đa dạng trên mặt tranh. Những ý tưởng được rút ra từ nghệ thuật Phật giáo hoặc các suy tưởng về cuộc sống và các hiện tượng tự nhiên. Hầu hết các tác phẩm đều có hình tượng một vị Phật với hoa sen, được chị truyền tải lên tranh với một bút pháp rất đặc trưng. Đúng như PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương chia sẻ: “tác giả đã trình làng một nghệ thuật tổng hợp, đa diện với sự hòa trộn các ngôn ngữ của hội họa, đồ họa và điêu khắc; với sự dung hợp những biểu tượng truyền thống quen thuộc trong các hình thể mang tính nhận diện cá nhân”. Các hiện tượng tự nhiên như mây mưa sấm chớp được bắt gặp trong di sản mỹ thuật triều Nguyễn cũng được Trang Thanh Hiền xử lý một cách khéo léo đã tạo nên một động thái vô cùng sinh động giữa những giá trị biểu hình tượng trưng.
Có thể nói, học hỏi tri thức dân gian về nghệ thuật truyền thống với cái nhìn của một người làm công tác nghiên cứu, đến việc học hỏi để tự tay thể nghiệm trong sáng tạo mới, đó phải chăng là “đến hiện đại từ truyền thống”, trong sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Trang Thanh Hiền. Chị đã tạo ra cho mình một lối đi thật sự riêng./.
Họa sĩ Trang Thanh Hiền (sinh năm 1974) là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tiến sĩ Trang Thanh Hiền có học hàm Phó Giáo sư và là giảng viên Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Về hoạt động nghiên cứu, Trang Thanh Hiền là tác giả của các cuốn sách chuyên khảo: “Hình tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở Việt Nam”, Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội, (2005); “Cửu Phẩm Liên Hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam”, Nxb Thế giới (in năm 2007, tái bản năm 2010); “Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt”, Nxb Mỹ thuật (in năm 2016, tái bản có bổ sung tại Nxb Thế Giới năm 2018 và 2019); “Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt”, Nxb Lao động (2019).