Tác giả: Nguyễn Hữu Hạnh (sưu tầm)
Hoàng Đình Tài: Thưa anh Đoàn Văn Nguyên: Là thầy giáo, họa sĩ tâm huyết với tranh sơn mài nghệ thuật. Anh có thể cho biết những lý do để anh yêu mến và dành thời gian, tiền của, công sức cho nó?
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên: Tôi may mắn học mỹ thuật từ nhỏ (học 7 năm hệ sơ trung khi 13, 14 thổi). Những năm 1960 - 1970 ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường đại học mỹ thuật Hà Nội), tôi đã biết các họa sĩ danh tiếng như Trần Văn Cẩn, Hoàng Tích Trù, Nguyễn Tiến Chung,v.v.
Hồi ấy những tác phẩm sơn mài lộng lẫy, sang trọng của các thầy đã hấp dẫn tôi. Sau này lớn lên trực tiếp làm sơn mài, tôi càng say mê, và dành tất cả niềm yêu mến cho sơn mài. Như anh đã biết, sơn mài là loại hình nghệ thuật hết sức độc đáo. Thành tựu được thế giới đánh giá cao của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, tiêu biểu như các tác giả: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm...
Một chất liệu truyền thống, một thành tựu được khẳng định, tương lai rất sáng sủa, cho nên tôi để dành hết thời gian, tiền của cho sáng tác tranh sơn mài.
Hoàng Đình Tài: Anh có nhận xét gì về những tranh sơn mài được trưng bày thời gian gần đây?
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên: Những năm gần đây, tôi được xem nhiều phòng tranh ở Hà nội, có một số triển lãm cá nhân trưng bày toàn tranh sơn mài. Thú thật tôi thấy thất vọng.
Khi xem tranh người ta có thói quen tiến gần lại xem tác phẩm được sáng tác năm nào (cứ tưởng tượng một triển lãm ví như triển lãm tại phòng trưng bày 16 Ngô Quyền), ít ra cũng bày khoảng 30 - 40 tranh, mà tất cả các tranh sơn mài đều được ghi sáng tác năm 2002 hoặc 2003. Như vậy trong khoảng từ 1 đến 2 năm, tác giả sáng tác 30 - 40 tranh sơn mài, chỉ cần thấy số lượng đã hiểu ngay chất lượng của tác phẩm là thế nào. Không thể tốt được! Tranh sơn mài truyền thống vẽ bằng sơn ta (nhựa cây sơn trồng ở Phú Thọ). Mà sơn ta phải ủ ẩm mới khô. Sơn mài quý ở chỗ vẽ nhiều lớp, khi mài hiện lên mầu sắc ẩn hiện mới đẹp, riêng khâu ủ ẩm và mài nhẵn đã chiếm nhiều thời gian phải sửa đi sửa lại,v.v. Hoàn thành bức tranh sơn mài phải tính hàng tháng, hàng năm, thậm chí nhiều năm...
Muốn làm tranh sơn mài nhanh, chỉ có cách dùng hoá chất ngoại nhập (sơn Nhật) loại sơn này không cần ủ, vẽ xong khô ngay. Tôi cho rằng một triển lãm nhiều, nhanh nói trên là tranh sơn Nhật. Trong cơ chế thị trường, người ta quan niệm hàng phải nhanh; nhiều, rẻ (thậm chí lừa được khách hàng càng tốt). Tôi thấy khá đông (phần nhiều là họa sĩ trẻ) đang vẽ rất nhiều tranh sơn Nhật để bán. Những người làm tranh sơn mài nghệ thuật đích thực, không vẽ sơn Nhật bao giờ. Anh hãy vào Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì rõ. Triển làm mỹ thuật của Hội cũng có một số triển lãm toàn sơn ta. Song do đầu tư ít hoặc tay nghề chưa chín, nên tranh sơ lược về tạo hình, chất sơn chưa nhuyễn. Sức thuyết phục hạn chế.
Cũng có một số họa sĩ trẻ mà tôi biết, tâm huyết với nghề. Họ cặm cụi sáng tác quên tháng ngày. Đầu tư nhiều tiền của, vàng bạc, và không bán tranh. Số này rất tiếc chưa công bố toàn bộ sáng tác của mình. Tôi quan niệm, người làm sơn mài đích thực phải là người tuân thủ và phát huy những truyền thống quý của nghệ thuật dân tộc. Về kỹ thuật làm sơn mài truyền thống không được phép bớt xén bất cứ công đoạn nào của ông cha truyền lại. Những công đoạn ấy là đặc sắc của nghệ thuật làm tranh. Bớt đi tức là làm giảm tính độc đáo và nó không còn nguyên giá trị gì nữa.
Hoàng Đình Tài: Có người bảo tranh sơn mài của chúng ta hôm nay đi những bước thụt lùi. Anh có bàng hoàng về nhận xét trên không?
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên: Thụt lùi? Tôi không nghĩ như vậy. Và cũng không bàng hoàng. Nếu kể từ khi sơn mài Việt Nam được khai phá, khuyến khích từ năm 30 của thế kỷ trước, chúng ta đã có một thành tựu đáng tự hào. Tôi thầm cảm ơn ông Ummibety cùng ông Victo Tađiơ (người Pháp) động viên và khuyến khích các học trò Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hăng hái tìm tòi loại hình nghệ thuật độc đáo này. Hiện nay trong cơ chế thị trường, giữa cái khắt khe của đời sống thường nhật, nhiều họa sĩ phân tâm, đặt miếng cơm manh áo lên trên lý tưởng nghệ thuật, họ tìm mọi cách để kiếm tiền, biến cái độc đáo, quý hiếm của nghệ thuật sơn mài mà các họa sĩ tiền bối để lại thành sản phẩm giả, chất lượng giả, rao bán khắp thị trường trong và ngoài nước, gây cho người ta cảm giác sơn mài Việt Nam thụt lùi. Nhưng nếu để ý anh sẽ thấy những cơn sóng ngầm. Nhiều họa sĩ làm nghệ thuật đích thực và có những khám phá mới lạ về chất liệu sơn mài rất hiện đại, có điều họ ít phô trương.
Hoàng Đình Tài: Những bậc danh họa Việt Nam thế kỷ XX chuyên về sơn mài như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng đã để lại di sản đồ sộ, kể tới hàng trăm mét tranh... Tài năng và sức lao động của họ thực đáng kính nể. Anh có cho rằng các họa sĩ hôm nay quan tâm nhiều tới đời sống hơn là nghê thuật nên cảm giác chung sự nghiệp của họ hời hợt và nhỏ bé?
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, những cây đại thụ của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của các ông thật vĩ đại mãi là tấm gương lớn cho họa sĩ Việt Nam. Tôi cho rằng di sản đồ sộ của hai ông, các họa sĩ mọi thế hệ chưa có ai vươn tới được. Ông thể hiện những trường phái hội họa với kỹ thuật bậc thầy. Nếu anh xem những tác phẩm còn lại ở Việt Nam (trong TP Hồ Chí Minh), Thư viện quốc gia thành phố lưu giữ, thì sẽ thấy những ý tưởng và quan niệm của ông về nghệ thuật sơn mài.
Bà Nguyễn Gia Trí, khi chúng tôi vào thăm năm 1992 (trước lúc ông qua đời một năm) có kể: ông Trí làm tranh không hết hợp đồng, hầu hết khách đặt tranh là những tỷ phú Nam Phi, Nam Mỹ. Họ đến xin ông vẽ những tranh khổ lớn và không yêu cầu về hình thức nghệ thuật, tùy ông muốn. Tranh ông bán đo bằng ca-rê. Bà Trí bảo có lần tôi phải đo tranh bán cho một người khách ở Nam Phi, 1m2 ở mé bên phải tranh tôi tính gấp tám lần. Ông khách hỏi tại sao vậy? Ông Trí trả lời chỗ ấy tôi chữa lại tám lần giáp vàng. Vì vậy phải tính thế mới đúng. Theo tôi hiểu các họa sĩ trong lịch sử Hội họa hiện đại có duy nhất danh họa Nguyễn Gia Trí bán tranh tính bằng ca - rê.
Bà Trí nói thêm: Có 3 bức tranh ông Trí dặn lại, "để cho thế hệ mai sau nghiên cứu". Đó là 3 bức tranh sơn mài khổ lớn lưu tại Thư viện quốc gia TP Hồ Chí Minh mà ông kể vợ Ngô Đình Nhu mua định tặng Nhật Hoàng, nhưng ông yêu cầu phải để lại trong nước. Những năm 70 của thế kỷ XX, tài chính của Nguyễn Gia Trí tới hàng nghìn cây vàng. Thế mà khi mất, ngoài tranh tài sản của ông chẳng có gì đáng kể, tất cả dành cho nghệ thuật!
Thời kỳ đó ở miền bắc, như anh biết: ai nghèo và cô đơn như Nguyễn Sáng! Ông chịu mọi thiệt thòi trong cuộc sống, nhà cửa chật chội 10m2, vợ con không có, tết mọi nhà ấm cúng sum vầy, ông lủi thủi đi trong đêm 30. Vậy mà Nguyễn Sáng với những sáng tác đồ sộ minh chứng cho lịch sử nghệ thuật một tài năng xuất chúng, lao động không mệt mỏi. Đã ra đời những tác phẩm bất hủ, bất chấp hoàn cảnh. Ngày nay, một số họa sĩ hoàn toàn ngược lại. Họ quan tâm tới ô-tô, nhà to hơn nghệ thuật. Một số sau khi bán tranh (tranh chợ) được món tiền kha khá là nghĩ ngay đến hưởng thụ. Những người như thế làm gì có sự nghiệp, có chăng chỉ nhà cao cửa rộng và những mớ hàng phi nghệ thuật. Cơ chế thị trường có sức mạnh ghê gớm. Vừa làm cho nghệ thuật phát triển, vừa tiêu diệt những tài năng mới nhú. Theo tôi vấn đề là bản lĩnh nghệ sĩ. Về vật chất, danh họa Nguyễn Sáng nói: "Nếu không vì nghệ thuật, rải tiền đầy đường tôi cũng dẫm lên mà đi; Nếu còn vì nghệ thuật, tôi sẵn sàng kiếm từng đồng xu để sống". Danh họa Nguyễn Gia Trí thì nói: "Tiền là cần song nếu không biết dừng nó sẽ nuốt mình luôn".
Hoàng Đình Tài: Tranh sơn mài Việt Nam là đặc sắc, có người còn đề cao là "quốc hồn quốc túy". Các họa sĩ mà anh biết hiện nay có đóng góp thêm gì cho hội họa sơn mài vốn là mảnh đất rộng rãi và cần nhiều khai phá?
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên: Tranh sơn mài Việt Nam đặc sắc, tôi tán thành ý kiến của anh. Hội họa Việt Nam thử tưởng tượng nếu không có sơn mài? Thế giới người ta quan tâm tới hội họa Việt Nam, chính là sơn mài. Mầu sơn lộng lẫy,khi vẽ nhiều lớp mài ra vô số chất huyền bí, sâu thẳm, kỳ thú.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân nói "Nghệ thuật thế giới sẽ quay trở lại Việt Nam". (Tô Ngọc Vân trích luận 1947) hoàn toàn có cơ sở.
Hãy cùng nhau so sánh mầu đỏ của son trai với mầu đỏ của sơn dầu. Mầu sơn then với mầu đen sơn dầu, hẳn sẽ hiểu độ sâu thẳm tới cùng của chất liệu có một không hai trên thế giới này. Người ta nói, "quốc hồn quốc túy" là có lý. Mảnh đất của sơn mài vốn rất rộng rãi, cũng đầy gian khó. Nghệ sĩ bước vào đây phải có dũng khí. Nó như một cô gái rất xinh, duyên dáng, mê hồn, nhưng đỏng đảnh và khó chiều...
Các họa sĩ mà tôi biết hiện nay đóng góp gì cho sơn mài? Rất khó đánh giá! Thứ nhất, lứa như tôi hoặc anh, hay đàn anh của chúng ta, điểm lại người làm sơn mài thành công đếm trên đầu ngón tay và tuổi cũng đã trên 50, ngoài 70. Tuy nhiên, nếu điểm kỹ thì đó là thời kỳ sơn mài giữ được truyền thống quý, về chất liệu, về quy trình làm tranh. Ngày nay chất liệu có giàu sang hơn. Họa sĩ nhờ đổi mới mà nhiều tiền hơn. Chất trong tranh có thay đổi "đương đại hơn thời kỳ các cụ". Một số trẻ tìm tòi nhiều chất mới, đưa ra các loài vỏ ốc, vỏ trứng, vỏ trai vào tranh. Tranh bây giờ không còn trực họa như xưa. Họa sĩ mạnh dạn thể hiện ý tưởng nghệ thuật của mình nhiều hình thức mới, hoành tránh hơn. Tập hợp toàn bộ sơn mài Việt Nam thời kỳ này bày cùng thời kỳ Cao đẳng Đông Dương, chắc sẽ là một triển lãm thú vị.
Song những tác phẩm đỉnh cao, tính khái quát lớn của thời kỳ này e còn rất hạn chế. Nghệ thuật cần người tài, mà người tài thì hiếm, tìm đâu ra Trí, Sáng thời kỳ đổi mới bây giờ?
Hoàng Đình Tài: Là thành viên Hội đồng nghệ thuật, theo anh, có việc chấm giải không chính xác? Có tác phẩm hay khi chấm không được bảo vệ? Anh giải thích điều này như thế nào?
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên: Tôi cũng nghe Hội viên nói nhiều về việc chấm giải thưởng, không chính xác. Điều này là có thật. Về tiêu chí giải thưởng mục đích... đều đã in trong các tư liệu. Vấn đề là ở chỗ thành viên HĐNT Trung ương Hội là những gương mặt nào?
Thứ nhất: Toàn bộ BCH tham gia chấm giải, theo tôi là không hợp lý. Vì trong BCH có phải ai cũng có chuyên môn sâu để làm việc này. Tiêu chí cho hội viên bầu vào BCH khác với tiêu chí thành viên HĐNT.
Thứ hai: Khi thành lập HĐNT chấm giải, mời tất cả các đầu ngành cùng chấm gây nên sự khập khễnh về nghề nghiệp, về cách nhìn, hội họa chấm cả điêu khắc, gốm sứ; điêu khắc gốm đi phân tích kỹ thuật chất trong sơn mài, lụa ...
Thứ ba: Một số thành viên BCH, Ủy viên HĐNT, lâu lắm không cầm bút, tiếng thơm có từ khoảng 20 - 30 năm trước. Không lao động, dẫn đến ít suy nghĩ. Nhìn nhận sút kém, không theo kịp tư duy nghệ thuật mới, việc chấm giải chưa chính xác là đương nhiên.
Cách làm việc của HĐNT bỏ phiếu theo số đông, nghệ thuật không thể lấy số đông làm thước đo. Có một số tác phẩm hay không được bênh vực là vì số ít có phân tích, ủng hộ, cũng bằng thừa, khi bỏ phiếu không được đa số.
Hoàng Đình Tài: Hướng về Đại hội Mỹ thuật lần 6, vấn đề Hội đồng nghệ thuật vẫn là mối quan tâm hàng đầu của họa sĩ. Bởi vì, nói gì thì nói, nó ảnh hưởng đến đời sống sáng tác ít nhiều. Theo anh liệu có thể bầu chọn được những người họa sĩ thường xuyên làm việc, tài năng và công tâm hay vẫn là những vị hội đồng đã qua mà chúng ta từng quá biết?
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên: Đại hội Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ 6 sắp khai mạc. Ngày hội của giới mỹ thuật tạo hình cả nước. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để nghệ thuật tạo hình phát triển, sáng tạo ra nhiều tác phẩm hay ngang tầm thời đại, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Hội viên quan tâm đến Hội đồng nghệ thuật là hoàn toàn đúng. Vấn đề này lâu nay chưa được bàn kỹ. Tôi có cảm giác Ban Tổ chức đại hội chưa mấy quan tâm tới điều này. Chỉ quan tâm bầu BCH. Chấm hết. Sau đó BCH muốn bầu ai vào HĐNT thì bầu. Và nếu bầu không chuẩn thì mọi nghệ sĩ sáng tác phải "chịu đựng" như anh em vẫn nói.
Tôi tán thành ý kiến của anh: Hãy bầu những nghệ sĩ thường xuyên làm việc, có chuyên môn cao, công tâm và được hội viên nể trọng vào BCH (Tôi nói vào BCH), vì BCH này sẽ là những người chấm giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam và xét đầu tư sáng tác cho các hội viên.
Đại hội, có 500 đại biểu khắp trung-nam-bắc, ai biết ai là mấy. Tôi nghĩ người ra ứng cử BCH nên có trích ngang, trong đó nêu thành tựu nghệ thuật cho Hội viên biết lựa chọn. Nếu làm được như vậy chắc Đại hội sẽ thành công rực rỡ. Ít ra chúng ta cũng chọn được một BCH có chuyên môn cao, có tâm lớn, từ đó mọi chuyện ì xèo sẽ bớt. Một bộ não sáng suốt chắc sẽ điều hành đúng quỹ đạo cần có.
Hoàng Đình Tài: Xin cảm ơn những suy nghĩ chân thành, thẳng thắn của thầy giáo họa sĩ tâm huyết với nghệ thuật.