Top 5 những họa sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam vang danh suốt mọi thời đại

Ngày đăng : 09:47:53 22-03-2023

Khi tìm hiểu về hội họa nước nhà, nhất là về nền mỹ thuật của những thập niên 80 của thế kỷ trước, chúng ta thường nghe đến nhóm tứ kiệt “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”. Vậy họ là những ai? Hãy cùng ticketgo ngược dòng thời gian, tìm về quá khứ để cùng điểm lại tên tuổi những danh họa không chỉ nổi tiếng của Việt Nam, mà tên tuổi của họ còn vang danh đến tầm quốc tế.

 

  1. Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993)

Được mệnh danh là “cha đẻ của những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam”, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được người yêu nghệ thuật và các nhà phê bình nghệ thuật phong tặng danh hiệu cây đại thụ lớn nhất của nền mỹ thuật hiện đại nước nhà. Ông là người có công đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ tranh trang trí thành những kiệt tác nghệ thuật.

Họa sĩ tài năng này đã để lại một vẻ đẹp sơn mài lộng lẫy màu sắc tôn giáo và mang nét cổ điển, ông là người có công lao lớn trong việc tạo ra cuộc cách mạng đối với chất liệu sơn ta, khám phá ra linh hồn của sơn mài truyền thống, khiến nó không chỉ là chất liệu tầm thường nữa mà trở nên đài các, quý phái, có giá trị. Ngoài ra, với sự sáng tạo cùng lối vẽ tân kỳ, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã sớm khéo léo kết hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới. Áp dụng các nguyên tắc hình thức vẽ đậm chất phương Tây, ông đã tạo nên những nét riêng và hiện đại mang đậm đà bản sắc dân tộc được thể hiện qua phong cách sáng tác của họa sĩ. Những tác phẩm của Nguyễn Gia Trí tuy chưa được công nhận là bảo vật quốc gia nhưng toàn bộ các tác phẩm của ông dường như đã được coi là bảo vật và bị cấm đem ra khỏi lãnh thổ đất nước.

Tác phẩm chính: Vườn xuân Trung Nam Bắc, Thiếu nữ trong vườn, Thiếu nữ bên hoa phù dung

Tác phẩm “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” đã đạt được nhiều kỷ lục: kích thước lớn nhất, phối hợp nhiều chất liệu truyền thống và được nhà nước mua với giá cao nhất (100.000 USD, tương đương 600 triệu đồng Việt Nam thời điểm đó). Đó là tác phẩm được ghép từ 9 mảnh ván làm vóc, được họa sĩ Nguyễn Gia Trí sáng tác trong gần 20 năm và cũng là tác phẩm cuối cùng của ông.

"Sáng bạc như ánh trăng. Đen tuyền như bóng tối. Lung linh như nắng vàng" - Tác phẩm "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của Nguyễn Gia Trí (Ảnh: Họa sĩ)

Tác phẩm với vẻ đẹp độc đáo "Thiếu nữ bên hoa phù dung" (Ảnh: Họa sĩ)

  1. Tô Ngọc Vân (1906 – 1954)

Nghệ danh: Tô Tử

Trong danh sách các họa sĩ tứ kiệt, “Nhì Vân” chính là để nói đến danh họa Tô Ngọc Vân. Ông là một trong những niềm tự hào lớn nhất của làng hội họa Việt Nam. Ông đã để lại cho hội họa nước nhà những kiệt tác mang tầm vóc quốc tế. Tô Ngọc Vân là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu với lối vẽ đầy kỹ thuật và tinh tế. Thông qua kỹ thuật, ông đã lột tả được vẻ đẹp của sự duyên dáng Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là qua các bức chân dung người thiếu nữ. Ông tốt nghiệp khóa 2 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1954 và dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu việc sử dụng chất liệu sơn dầu.

Một trong những tác phẩm để đời của danh họa có thể kể đến đó là “Thiếu nữ bên hoa huệ” được ông sáng tác vào năm 1943, khi ông đang là giảng viên mỹ thuật giảng dạy tại Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương.  Đây là bức họa mô tả cảnh một thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách đầy duyên dáng, khơi gợi về phía lọ hoa huệ trắng. Dáng hình cô gái kết hợp với những chi tiết và sắc màu xung quanh tạo thành một khối hình hoàn hảo, giản dị và toát lên một nét buồn dịu nhẹ. Đáng tiếc là kiệt tác này giờ bị lưu lạc không biết ở đâu. Còn bức “Hai thiếu nữ và em bé” đã chính thức được xác nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm chính: Thiếu nữ bên hoa huệ, Hai thiếu nữ và em bé, Thiếu nữ với hoa sen

Kiệt tác để đời của danh họa Tô Ngọc Vân - "Thiếu nữ bên  hoa huệ" (Ảnh: Họa sĩ)

"Hai thiếu nữ và em bé" - Tranh sơn dầu năm 1944 của Tô Ngọc Vân (Ảnh: Họa sĩ)

  1. Nguyễn Tường Lân (1906 – 1946)

Họa sĩ Nguyễn Tường Lân là một trong bộ tứ họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”. Ông được biết đến với khả năng sử dụng thuần thục và phong phú các chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, bột màu và chì than. Ông được xem là một trong số ít các họa sĩ đương thời có khả năng đưa các màu nguyên chất vào một sự hài hòa mang tính hư cấu, tượng trưng, giản dị và nhã nhặn, kể cả đối với tranh lụa. Ngay từ thập niên 1940, bằng nhịp điệu phóng khoáng của những vệt bút lớn chạy trên sơ đồ trang trí, Nguyễn Tường Lân đã sớm phá cách để đi đến phong cách nghệ thuật trừu tượng hóa. Ông học khóa 04 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp, ông mở xưởng vẽ tại Hà Nội.

Do tác động của chiến tranh, không còn nhiều thông tin và tư liệu về họa sĩ, tranh của ông còn sót lại cũng rất ít. Mặc dù sáng tác được nhiều tác phẩm nhưng số lượng tranh còn giữ lại được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ cũng chính vì vậy mà hình ảnh và chỗ đứng của ông trong bộ tứ khá mờ nhạt, mong manh dù rằng ông là một họa sĩ kỳ tài của đất nước.

Tác phẩm chính: Chợ miền núi, Hiện vẻ hoa, Đôi bạn

Bức họa "Đôi bạn" của Nguyễn Tường Lân (Ảnh: Họa sĩ)

Tranh của họa sĩ Nguyễn Tường Lân minh họa cho câu thơ "Vầng trăng ai xẻ làm đôi" (Ảnh: Họa sĩ)

  1. Trần Văn Cẩn (1910 – 1994)

Là người thứ tư trong danh sách tứ kiệt của nền hội họa Việt Nam (tứ Cẩn), Trần Văn Cẩn đã để lại cho nền mỹ thuật nước nhà những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị cao về mặt nghệ thuật, thẩm mỹ và giàu tính nhân văn. Ông cũng là một trong số ít các họa sĩ có sự thể nghiệm với nhiều chất liệu, thể loại khác nhau và trên cơ sở chất liệu, thể loại nào, họa sĩ cũng gặt hái được những tác phẩm thành công. Ông là một trong những họa sĩ đi đầu trong việc thể nghiệm, sáng tạo từ chất liệu sơn ta để làm tranh sơn mài, đưa sơn mài trở thành một chất liệu hội họa nổi tiếng, mang đặc trưng nghệ thuật của hội họa Việt Nam. Ông học khóa XV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 – 1946) và từng giữ cương vị Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông là người có công lớn trong việc xây dựng phong trào và phương hướng phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Thời đi học, ông có bức tranh sơn dầu Người gác Văn Miếu được giải nhất tại Salon Unique năm 1944. Ông là họa sĩ nổi tiếng nước ta cuối cùng thuộc bộ tứ “Phái – Sáng – Liên – Nghiêm”. Cho đến những năm cuối đời khi đã ngoài 90 tuổi, họa sĩ vẫn duy trì vẽ hàng ngày. Các tác phẩm chính của ông có thể kể đến như: Xuân Hồ Gươm (1957), Nông dân đấu tranh chống thuế (1960), Điệu múa cổ, Gióng (1990), Mười hai con giáp, Kim Vân Kiều, Gội đầu, Gánh lúa, Tát nước đồng chiêm, Bộ đội xây dựng cầu…

Tác phẩm “Em Thúy” được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đó là bức tranh sơn dầu được Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1944, có thể nói đó là tác phẩm đánh dấu đỉnh cao nghệ thuật Trần Văn Cẩn và cũng là đỉnh cao nghệ thuật Việt Nam. Với lối biểu hiện chân thực, nhẹ nhàng, không khoa trương, cường điệu, Trần Văn Cẩn đã níu kéo và lưu giữ người xem bằng vẻ đẹp ngây thơ, trong sáng của nhân vật. Họa sĩ không hề quan tâm đến trường phái khi vẽ mà chỉ cốt nêu lên cái thần thái của nhân vật.

"Em Thúy" là bản phóng tác của Mona Lisa - Một hình tượng quốc gia với cái nhìn đầy bí ẩn (Ảnh: Họa sĩ)

  1. Bùi Xuân Phái

Nếu phải kể đến họa sĩ gắn tên tuổi mình với tranh phố thì phải kể đến Bùi Xuân Phái. Tranh phố của ông vừa cổ kính lại đậm chất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt rất riêng biệt của phố cổ Hà Nội những thâp niên 50, 60, 70. Người yêu mỹ thuật trìu mến đặt tên cho những bức họa cái tên “Phố Phái” như để khẳng định thương hiệu tranh phố đã gắn liền với tên tuổi của Bùi Xuân Phái tự bao giờ.

Người yêu mỹ thuật và phố cổ Hà Nội không bao giờ có thể quên được huyền thoại vẽ tranh phổ cổ Bùi Xuân Phái (Ảnh: Internet)

Loạt tranh phố cổ làm nên thương hiệu tranh ông được biết đến qua các bức vẽ Hà Nội 36 phố phường, trong đó, họa sĩ đã vẽ lại hình ảnh các con phố cổ Hà Nội như: Phố Ô Quan Chưởng, phố Mã Mây, phố Hàng Muối, phố Hàng Mắm, phố Phất Lộc, phố Chợ Gạo, phố Ngõ Gạch, phố Thuốc Bắc, hồ Hoàn Kiếm…

Phố Hàng Mắm (Ảnh: Họa sĩ)

Xem tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái là xem những hoài niệm và cảm nhận cái hồn của phố cổ được khắc họa bởi những ký ức trong tâm trí của một người yêu phố cổ. Phố cổ trong tranh của Bùi Xuân Phái không ồn ào mà lặng lẽ, u hoài, từ những mái nhà hay bức tường rêu phong loang lổ, những ngã rẽ, ngõ nhỏ trên phố hay những hoạt động mưu sinh thường nhật…, phố cổ được khắc họa dung dị và dễ nhận ra hơn bao giờ hết trong tranh của ông, khơi gợi những ký ức bồi hồi về phố cổ xưa nên ông được những người mến mộ gọi tên "Phố Phái".

Tranh phố cổ đặc trưng cho thương hiệu "Phố Phái" (Ảnh: Internet)

Hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: Internet)

Bùi Xuân Phái là họa sĩ chuyên về tranh sơn dầu, các mảng màu trong tranh phố Pháo thường có đường viền đậm nét, phố không chỉ trở thành chính nó mà còn gần hơn với con người, từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Ngoài đề tài phố cổ, họa sĩ cũng khai thác ở những mảng đề tài khác như: chèo, chân dung, nông thôn, tranh nude, tranh tĩnh vật… và gặt hái rất thành công.

Tranh "Chèo" trong số mảng đề tài khác của Bùi Xuân Phái (Ảnh: Internet)

Với những gam màu rực rỡ, những hình vẽ kỳ thú gắn liền với làng quê Việt Nam đã luôn theo suốt ông trong cuộc đời một nghệ sĩ, tạo nên niềm đam mê hội họa ngay từ ngày còn thơ bé.. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, danh họa Bùi Xuân Phái đã thử nghiệm ở nhiều đề tài, thể loại, nhiều chân dung, phong cảnh, sinh hoạt khác nhau, phản ánh khá sinh động và chân thật từng giai đoạn phát triển của dân tộc. Những bức họa của danh họa Bùi Xuân Phái để lại phong cách riêng và những dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là đề tài phố cổ Hà Nội là đề tài mà ông đã gắn bó hơn 40 năm, bởi đó là nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm vui buồn, thăng trầm trong cuộc đời ông. Tác phẩm chính: Phố cổ Hà Nội, Hà Nội kháng chiến, Xe bò trong phố cổ…

 

Tags: