Tọa đàm “Vai trò của Văn học Nghệ thuật trong việc xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”

Ngày đăng : 09:37:19 28-07-2023

Tác giả:  Lê Hoài Linh

Hội Mỹ thuật Hà Nội

Kính thưa: Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội

- NSND.Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội

- Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội

Cùng toàn thể các quý vị đang có mặt trong buổi tọa đàm tại 19 Hàng Buồm ngày hôm nay 17-7-2023.

“Chẳng thơm củng thể hoa nhài.

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

- Thanh lịch, văn minh là nét đẹp văn hóa của con người có hiểu biết và tâm hồn trong sáng.

 - Người thanh lịch, văn minh là người có hành vi trong sinh hoạt (ăn, mặc, ở, nói năng, đi lại...), giao tiếp, ứng xử lịch sự, nhã nhặn ở mọi hoàn cảnh và mọi nơi, mọi lúc.

- Người thanh lịch, văn minh là người biết học hỏi, chọn lọc, kế thừa truyền thống, biết tiếp thu những cái hay, cái mới và thể hiện trong đời sống hàng ngày.

Tràng An là nơi tụ hội kết tinh của những nét đẹp văn hóa cả nước không đâu sánh bằng, là biểu tượng của nét đẹp kinh kì; được sử dụng như một danh từ chung, đồng nghĩa với kinh kì, kinh đô. Bởi vậy, cụm từ “người Tràng An” trong câu ca có nghĩa là nói kinh đô, người Thăng Long. Người kinh đô Thăng Long có lối sống rất tao nhã, thanh cao, cử chỉ văn minh, lịch sự. Lối sống đó đã trở thành bản sắc; dù có đi xuôi về ngược, vào Nam ra Bắc, bản sắc đó cũng không thay đổi. Dù ở đâu nguời ta vẫn có thể nhận ra người Hà Nội, cũng như người ta nhận ra hương nhài giữa “rừng hương”, ở đất kinh kì này, phụ nữ thì trang phục thanh nhã, dáng đi nhẹ nhàng, ăn nói dịu dàng, lời lẽ giản dị mà lịch sự, nổi tiếng cả nước về vẻ xinh tươi, đoan trang dịu hiền mà vẫn lanh lợi tinh anh. Người đàn ông thì thông minh, nhạy bén trong giao tiếp lịch sự với những người khác phái và cũng có một sự ưa nhìn không kém.

Hà Nội là sự hội tụ tất cả tinh hoa của đất nước. PGS.Vũ Ngọc Khánh cho rằng: “Hà Nội có cái duyên dáng của Bắc Ninh, cái cứng cỏi của Nghệ Tĩnh, cái phóng khoáng của Nam Bộ, cái chân chất của những xứ Thượng xa gần”. Cách tiếp cận như vậy có thể thấy hết được đặc điểm của Hà Nội mà người dân sống ở đó là đại diện tiêu biểu nhất. Hà Nội sẵn sàng mở rộng cửa để tiếp nhận những yếu tố tốt đẹp, tích cực của các vùng khác để rồi phát triển, hoàn thiện hơn, tạo nên những “sản phẩm” riêng, độc đáo.

Người Hà Nội luôn mang một thái độ ứng xử có văn hóa. Theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhiều học giả về văn hóa ứng xử của người Hà Nội, bên cạnh thái độ thân thiện và cởi mở, người Hà Nội luôn thể hiện thái độ tự trọng và tôn trọng người khác; thái độ trung thực, thẳng thắn; lòng nhân ái, bao dung… Trong giao tiếp, ứng xử của người Hà Nội có những sắc thái riêng biệt và thường được biết đến với một tên gọi chung là “thanh lịch”. Nét thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện hết sức đa dạng trong lối sống, trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong văn hóa ẩm thực và kiến trúc. Trong phạm vi giao tiếp, nét thanh lịch của người Hà Nội được biểu hiện ở sự thanh thoát, thanh tao, thanh nhã trong lời ăn tiếng nói (ngôn ngữ giao tiếp); ở sự lịch lãm, lịch thiệp và lịch sự trong cử chỉ, điệu bộ, trang phục và phong cách giao tiếp.

Bản thân cái gốc Hà Nội đã là kết quả của sự tụ hội, kết tinh của những tinh hoa văn hóa, nhân cách của nhiều vùng miền, địa phương trong cả nước. Nhưng ở họ lại có nét rất riêng, rất sâu, không thể hòa tan trong cái cộng đồng chung.

Người Hà Nội luôn sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, ứng xử có văn hóa. Ngoài cái thanh, cái đẹp của tiếng nói Hà Nội thì trong ngôn ngữ giao tiếp, tính văn hóa được thể hiện rõ nét ở cách xưng hô, chào hỏi và cách nói, cách biểu đạt ngôn từ. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, người Hà Nội luôn toát lên một vẻ thanh nhã, thanh tao, một sự nền nã, tự trọng và tôn trọng, cách dụng ngôn tinh tế, khoáng đạt, chuẩn mực và mẫu mực; hàm ngôn phong phú, thanh thoát và giàu hình ảnh; cách phát âm chuẩn mực, rõ ràng, với ngữ điệu nhẹ nhàng, nền nã, linh hoạt và uyển chuyển. Cùng với chất giọng hay là lời nói đẹp, cảm ơn và xin lỗi, nếp gia phong đi chào, về hỏi; cách xưng hô phù hợp với tuổi tác kính già, quý trẻ, nụ cười thân thiện thay cho lời chào. Kẻ Chợ là nơi hội tụ người tứ xứ, do đó cũng là nơi chung đúc tiếng nói của bốn phương, rồi qua sàng lọc tự nhiên đã lắng đọng những gì tinh túy nhất, tiêu biểu nhất, hợp lý nhất. Điều đó cũng cho thấy, người dân từ các miền quê không chỉ mang tới đô thành những sản vật đặc trưng của địa phương mà còn mang đến cả lời ăn tiếng nói, lối sống giản dị, khiêm nhường cùng lối ứng xử, giao tiếp niềm nở, ân cần, mộc mạc, ân tình…, lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử; có ý thức trọng danh dự về mặt chủ thể giao tiếp và đặc biệt quan tâm đến đối tượng giao tiếp, hay hỏi han, quan sát, đánh giá tỉ mỉ từ hình thức đến nội dung; cách thức giao tiếp mềm mỏng, tế nhị với sự hỗ trợ của hệ thống nghi thức phong phú. Điều đó đã làm nên chất Thăng Long-Hà Nội thuần hậu, chất phác, thanh lịch.

Trong ứng xử, người Hà Nội luôn chú ý cung cách hành vi, điệu bộ và cử chỉ. Nhận xét về cung cách hành vi, cử chỉ trong giao tiếp của người Hà Nội, có nghiên cứu cho rằng: “Tiếp xúc với người Hà Nội… không ai là không nhận thấy sự lịch thiệp và tế nhị ở họ… Từ cử chỉ đến lời chào, cách tiếp chuyện, vẫn có tình cảm chân thật, cởi mở, gần gũi, nhưng có vẻ hơi cao sang khiến người ta có phần vì nể”. Tính có văn hóa trong cung cách hành vi và cử chỉ giao tiếp của người Hà Nội đặc trưng bởi tính thân mật, gần gũi mà không suồng sã, xô bồ; tính giản dị, chân phương song không đơn giản, thô kệch; tính lễ độ, phép tắc mà không khúm núm, bợ đỡ; tính đàng hoàng, lịch thiệp mà không khách sáo; tính chắt lọc, tinh tế mà không diệu vợi, rườm rà...

Có thể nói, sống trên mảnh đất là nơi hội tụ, tích hợp các luồng văn hóa, người Hà Nội có điều kiện thẩm thấu, chắt lọc và tỏa sáng vẻ đẹp của văn hóa ứng xử. Cái thanh, cái đẹp của người Hà Nội xưa thể hiện ở giọng nói phát âm chuẩn mực, nhẹ nhàng; cách phục sức giản dị, nho nhã; lối giao tiếp khiêm nhường, mến khách; cách ăn uống thanh cảnh, điềm đạm “ngọn giá cắn đôi” nhưng không kém phần tinh túy, sành điệu... Người Hà Nội làm ra nhiều món ăn nổi tiếng, trở thành đặc sản chốn kinh kỳ như: Phở Bát Đàn, bún thang Đồng Xuân, chả cá Lã Vọng, “Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì, Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn”... Hà Nội còn mang vẻ đẹp truyền thống của văn hóa, văn học đậm nét Thăng Long, nơi hội tụ tao nhân mặc khách bốn phương, với những địa danh nổi tiếng đã đi vào thơ văn nhiều thế hệ.

Thanh lịch, văn minh là nét đẹp văn hoá truyền thống đặc trưng của Hà Nội, góp phần làm nên phong cách người Hà Nội trong mắt người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Bởi thế, được sống, học tập và làm việc ở Hà Nội vừa là vinh dự, vừa là niềm tự hào cho mỗi chúng ta.

Với người phụ nữ đã gắn bó cả cuộc đời với phố cổ Hà Nội thì những nét thanh lịch của người Tràng An vẫn luôn được lưu giữ bởi đó là đặc trưng của mảnh đất kinh kỳ. “Người Hà Nội xưa rất kín đáo, không khoe khoang, phô trương mà rất thanh lịch, ăn nói nhẹ nhàng, không thô thiển, đối xử với nhau rất tình cảm, một điều thưa gửi rất lễ phép, nhất là câu “Vâng ạ!” “Dạ, thưa” được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày.

Cách ứng xử của người Hà Nội luôn mang nặng nghĩa tình. Người Hà Nội luôn thể hiện nét thanh lịch trong lời ăn, tiếng nói, trong cách nói chuyện luôn có sự thưa, gửi, kính trên nhường dưới rất đúng mực. Nét thanh lịch của người Hà Nội đã có từ hàng nghìn năm nay và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến bây giờ, cho dù xã hội có thay đổi, Hà Nội phát triển hơn, mở rộng hơn xưa nhưng những gì tinh túy mang đậm chất Hà thành thì mãi sẽ được lưu truyền và phát triển không ngừng 

Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Vì thế, dân cư từ mọi nơi có thể về Hà Nội làm ăn, sinh sống, học tập, công tác. Khi những người dân tứ xứ về Hà Nội định cư, các phong tục, tập quán, nếp sống đẹp mà họ mang theo sẽ góp phần làm phong phú thêm nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô là thanh lịch, văn minh. Trả lời câu hỏi “Thế nào là người Hà Nội”, tuy còn có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng đa số ý kiến thống nhất rằng: “người Hà Nội” là những người đã và đang sống, sinh cơ lập nghiệp trên đất Hà Nội. Dù quan niệm thế nào đi chăng nữa thì chỉ có những người sống ở Hà Nội, yêu Hà Nội, gắn bó với Hà Nội.
 

 Trong cách ăn uống: Người Hà Nội là những người có kiến thức về việc ăn uống, biết nâng việc ăn uống lên thành nghệ thuật mà người ta thường gọi là nghệ thuật ẩm thực. Dù ăn uống với ai trong hoàn cảnh nào, thời gian nào, thì người Hà Nội đều có thái độ, cách ứng xử chuẩn mực, phù hợp tạo nên không khí chân thành, cởi mở đối với mọi người. - Trong cách nói năng Người Hà Nội luôn biết sử dụng lời nói sao cho hay, cho đẹp, cách nói lưu loát, nhã nhặn, lịch sự, khiêm nhường, tôn trọng người đối thoại. Người Hà Nội có cách phát âm và dùng từ chuẩn xác khi nói, gây được thiện cảm đối với người nghe. - Trong trang phục Người Hà Nội ưa chuộng sự gọn gàng, tề chỉnh và trang nhã ở mọi nơi, mọi lúc, không cầu kì, lòa loẹt, không phô trương, lố lăng. Người Hà Nội phân biệt trang phục trong nhà, khi ra đường, lúc tiếp khách, khi lao động, dự lễ hội, biết tiếp thu cách ăn mặc thời trang, phù hợp cuộc sống hiện đại, biết cách phối hợp màu sắc để bộ trang phục vừa hiện đại mà vẫn giữ được vẻ nền nã, lịch sự. - Trong cách sắp xếp nơi ở Người Hà Nội nhà ở dù rộng, hẹp vẫn sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, bày biện đồ dùng hài hòa, hợp lí. Đặc biệt, rất chú ý phòng khách, nơi thờ tự, phòng đọc sách. Những gia đình có điều kiện, bố trí phòng ở phù hợp hướng gió, phong tục tập quán, thuận tiện cho sinh hoạt chung của gia đình. - Trong cách đi, đứng, ngồi, nằm Người Hà Nội đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai, đĩnh đạc, luôn thể hiện sự tự tin của bản thân. Không vội vàng, hấp tấp, không kéo lê giầy dép, đi đứng ngả nghiêng. Ngay trong cách ngồi, nằm cũng ý tứ, phù hợp với giới tính, tuổi tác và hoàn cảnh cụ thể. - Trong giao tiếp, ứng xử Người Hà Nội luôn có thái độ hòa nhã đúng mực, khiêm tốn với mọi người. Biết kính già, yêu trẻ, biết giúp đỡ chia sẻ với mọi người khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Trong giao tiếp, ứng xử Người Hà Nội luôn tế nhị, lịch sự, luôn có ý thức về lời ăn tiếng nói, cử chỉ, tác phong của mình ở mọi nơi, mọi lúc cho phù hợp, nhất là ở nơi công cộng, nơi đông người, với người lạ và với người nước ngoài; biết nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi”, có sự tự trọng và thái độ tôn trọng gười khác. Tóm lại: Người Hà Nội có ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh chung, yêu và thân thiện với thiên nhiên, giữ gìn bảo vệ môi trường sống, bảo vệ di tích, danh thắng, bảo vệ của công, tài sản xã hội.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận xét: “Trong thời gian qua, thông qua nhiều hoạt động triển lãm, lễ hội, trưng bày, Hà Nội đã từng bước giới thiệu đến công chúng hình ảnh của một cộng đồng sáng tạo, trẻ trung và năng động. Tuy nhiên, tất cả những điều đó dường như là chưa đủ so với chiều dài lịch sử và cũng như tiềm năng sáng tạo mà cộng đồng cư dân nơi đây đang có. Yếu tố mang tính quyết định để đưa Hà Nội thực sự trở thành một thành phố sáng tạo về thiết kế là lĩnh vực này phải trở thành nguồn mạch trong việc bồi dưỡng phát triển tri thức và đóng góp trực tiếp vào đời sống kinh tế hằng ngày của cộng đồng cư dân địa phương”.

Để Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh và thúc đẩy sáng tạo thì văn hóa phải thực sự trở thành động lực cho quá trình phát triển Thủ đô. Việc phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội mà ở đó, các nguồn lực cần được tập trung vào yếu tố con người, di sản và hạ tầng văn hóa.

Mang trong mình tinh thần Thăng Long, sứ mệnh Kinh đô - Thủ đô của đất nước, là nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, Hà Nội có vai trò, trọng trách to lớn trong việc xây dựng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Phát huy giá trị văn hóa người Hà Nội - nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững của Thủ đô để Hà Nội thật sự là trái tim của cả nước, gương mặt của Việt Nam là trách nhiệm, niềm tự hào của mỗi công dân thành phố, mỗi người mang trong mình tình yêu Hà Nội.

 Trong văn hóa thì văn học nghệ thuật là loại hình, lĩnh vực quan trọng, đặc biệt, tinh tế, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Như vậy, có thể nói văn học nghệ thuật là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng,

phát triển văn hóa con người. Với vai trò như vậy, văn học nghệ thuật mang sứ mệnh và trách nhiệm rất lớn.

Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2022 của Hội Mỹ thuật Hà Nội là sự kiện thường niên lớn nhằm chào mừng ngày giải phóng Thủ đô 10/10 hàng năm, ngày hội của các nghệ sĩ hội viên và chưa là hội viên của hội.  Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội Trần Quốc Chiêm nhận định: “Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô là nơi hội tụ của các họa sĩ, điêu khắc Hà Nội, nhằm trưng bày những sáng tác mới đã trở thành truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa Thủ đô”. Các tác giả đã thể hiện cuộc sống của người dân Hà Nội hòa hoa thanh lịch, thành phố Hà Nội luôn luôn phát triển nhưng vẫn giữ được sự cổ kính ngàn năm văn hiến. Triển lãm phong phú với  nhiều chất liệu: sơn mài, sơn dầu, lụa, acrylic, khắc gỗ, đồng, gốm, gỗ, sành, tổng hợp… đồng thời phản ánh nhiều đề tài: từ phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất đến đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, phòng chống dịch Covid… Đáng chú ý, đề tài Hà Nội là một điểm nhấn của triển lãm năm 2022  giúp người xem cảm nhận vẻ đẹp, sức sống của Thủ đô dưới nhiều góc nhìn.

Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội khẳng định: "Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô là dịp để giới nghệ sĩ tạo hình Thủ đô hội ngộ, giao lưu và giới thiệu tác phẩm mới. Qua triển lãm này chúng tôi hi vọng các họa sĩ Thủ đô sẽ mang tới những sắc màu mới cho mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh phát triển và hội nhập”. “Triển lãm năm nay có sự góp mặt của nhiều họa sĩ trẻ cho thấy những tín hiệu vui của mỹ thuật Thủ đô, đem đến cho triển lãm “luồng gió mới” với nhiều phong cách, dấu ấn khác biệt” – NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của Mỹ thuật Hà Nội góp phần xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh bằng cách nâng cao chất lượng sáng tạo, giới thiệu với đông đảo công chúng những tác phẩm tiêu biểu, tâm huyết của các nghệ sĩ tạo hình, thể hiện những nét tiêu biểu của gương mặt Mỹ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới.

Phê bình VHNT với ưu thế áp sát, khả năng tiếp cận các hiện tượng văn nghệ, trở thành nhánh tư duy năng động nhất trong ý thức của một nền văn nghệ. Phê bình vừa thâm nhập, gắn kết với đời sống VHNT, vừa tạo ra một độ lùi, một giãn cách cần thiết để có được một tầm nhìn, một trường nghĩ nhằm phân tích và đánh giá về mỗi hiện tượng văn nghệ. Không chỉ đồng hành cùng sáng tạo, phê bình có chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả; phát hiện các giá trị, các quy luật; dự báo các khuynh hướng phát triển của VHNT; tham gia điều chỉnh, định hướng sự vận động, phát triển của VHNT…

Để công tác LLPB VHNT ngày một phát triển một cách toàn diện, khoa học cả về số lượng, chất lượng là vô cùng cần thiết bởi đây là nhân tố tác động nhiều mặt đến mảng sáng tác, sáng tạo và cả mảng tiếp nhận, thụ hưởng giá trị tác phẩm VHNT của công chúng.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh nên được chăm sóc vun bồi từ ba phía: người sáng tạo nghệ thuật, phê bình nghệ thuật, công chúng yêu và hiểu giá trị chân thiện mỹ của nghệ thuật mà Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Hội Mỹ thuật Hà Nội là nơi định hướng, kết nối, khích lệ, động viên, lan tỏa ra cộng đồng. Đặc biệt là thế hệ trẻ đã và đang được đào tạo tại các trường VHNT, Mỹ thuật ở Hà Nội chính là nguồn lực chính và quan trọng để tiếp nối và phát triển Thủ đô Hà Nội của chúng ta ngày càng giàu, đẹp, văn minh mà vẫn luôn thanh lịch hào hoa, xứng đáng là trái tim của đất nước Việt Nam ngàn đời bền vững.

Nhân dịp tọa đàm tôi xin đóng góp ý kiến cá nhân như sau:

1. Phổ biến nội dung xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, coi đó cũng là một trong những tiêu chí của giải thưởng.

2. Tổ chức các cuộc thi vẽ về Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có trao đổi, hướng dẫn, tổng kết, trao giải thưởng

3. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt học thuật để các nghệ sĩ giao lưu gần gũi với công chúng yêu nghệ thuật của Thủ đô hiểu thêm nhu cầu đương đại của họ, giúp công chúng tiếp cận các xu hướng mới của thế giới có chọn lọc phù hợp hơn

Tags: