50 năm qua Mỹ thuật Hà Nội đã có một diện mạo mới tươi tắn, bừng sáng ở đời sống nghệ thuật và dấu ấn cá nhân của người nghệ sỹ. Các Triển lãm Mỹ thuật liên tục được tổ chức, hầu như tuần nào cũng có 1-2 triển lãm được khai mạc, Triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân…ở các nhà Triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật, các Gallery tư nhân.
Năm 2025 là năm nước Việt Nam có nhiều sự kiện Lịch sử lớn: kỷ niệm
50 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. 71 năm ngày giải phóng thủ đô…và năm 2025 nhân dân Việt Nam đang chứng kiến một sự thay đổi lớn: Đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới. Tháng tư này Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm: “Mỹ thuật Hà Nội 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”, là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực, để đánh giá thực trạng phát triển của Mỹ thuật thủ đô, giúp các nhà hoạch định chính sách đề ra các chủ trương mới để đưa Mỹ thuật vào đời sống, phục vụ đời sống kinh tế tăng thu nhập cho thủ đô. Hội MTHN đã duy trì được cuộc Triển lãm Mỹ thuật thủ đô 10 tháng 10 hàng năm là một hoạt động có ý nghĩa, và có giá trị Lịch sử. Triển lãm MTTD năm 2024 đã là cuộc triển lãm thường niên lần thứ 52 của Hội MTHN. Cuộc triển lãm này đã quy tụ được đông đảo các họa sỹ và nhà điêu khắc với tình yêu Hà Nội, sống và làm việc ở Hà Nội tham gia bày tranh.
Trong bản tham luận này tôi chỉ muốn đề cập đến sự phát triển của Mỹ
thuật thủ đô từ năm 2010 - đến năm 2025. Tham vọng đánh giá và tổng kết 50 năm Mỹ thuật thủ đô là việc làm đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu và nhận định của nhiều nhà Lý luận, và nhiều họa sỹ tâm huyết với Hà Nội mới có thể làm được.
Cả nước đang có sự thay đổi hành chính rất lớn. Sát nhập tỉnh, sát nhập phường, xã…nhưng riêng Hà Nội không bị mở rộng hay sát nhập với bất cứ tỉnh thành nào. Bởi lẽ Hà Nội đã rộng lớn về diện tích, và đã sát nhập Hà Tây (nền Văn hóa xứ Đoài), và địa giới hành chính đã mở rộng hơn 10 năm nay rồi. Hà Nội chỉ đứng sau thành phố HCM về thu nhập GDP, cả nước.
Nhưng để nói về sự phát triển của Mỹ thuật thủ đô 50 năm qua, là một
điều không tưởng, quá khó. Thực ra hội viên hội MTHN cũng là hội viên Hội MTVN. 15 năm qua Tôi theo dõi triển lãm thường niên của Hội MTHN luôn chỉ có khoảng hơn 260 họa sỹ, nhà điêu khắc có tác phẩm tham gia triển lãm thường niên hàng năm 10/10. Mà tổng số hội viên là gần 500 nghệ sỹ.
- Phong trào sáng tác của Mỹ thuật thủ đô: Ngày càng có nhiều họa sỹ, nhà điêu khắc tự sáng tác, tự trưng bầy tác phẩm, và tự bán tác phẩm của mình. Sự hỗ trợ của nhà nước ngày càng ít và không cần thiết nữa. Sáng tác Nghệ thuật luôn là sự Tự thân của các nghệ sỹ.
- Những hoạt động của các nhóm họa sỹ trẻ, các giảng viên của các trường đại học Mỹ thuật. Đại học MTCN, Đại học kiến trúc…Đại học sư phạm nhạc họa trung ương, cũng khá là phá triển, vì gắn với việc đào tạo.
- Những nhóm họa sỹ trẻ tự rủ nhau, góp kinh phí làm triển lãm nhóm, hoặc triển lãm cá nhân.
- Hà Nội có những địa điểm triển lãm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, phòng triển lãm chuyên đề, Nhà triển lãm Art Space 42 Yết Kiêu, nhà triển lãm 16 phố Ngô Quyền của Hội MTVN. Ngôi biệt thự di sản 49 Trần Hưng Đạo từ khi sửa chữa xong đến nay cũng tổ chức rất nhiều triển lãm Mỹ thuật, của bộ Ngoại giao, kết hợp với các họa sỹ Hà Nội, đã tổ chức được một số cuộc triển lãm tranh hấp dẫn người xem.
- Nhà TL 29 Hàng bài, thuộc sự quản lý của cục Mỹ thuật và nhiếp ảnh, cũng liên tục có các cuộc triển lãm tranh…
- Và rất nhiều Gallery tư nhân: quanh hồ Hoàn kiếm trưng bầy và bán các tác phẩm giúp các nghệ sỹ có tiền để đầu tư sáng tác.
+ Thế hệ họa sỹ trẻ sinh năm 1980, 1981, 1970 -1975, 1990… đang sáng tác rất sung sức; Nhiều họa sỹ đã định hình phong cách riêng. Có nhiều tác phẩm đẹp, chín…ngày càng ít tham gia Triển lãm MTTD. Họ tham gia triển lãm chỉ để tìm kiếm giải thưởng. Khi đã có giải thưởng, thì họ không gửi tranh tham gia triển lãm nữa.
+ Khái niệm: Công nghiệp Văn hóa, và thương mại Văn hóa đã được các tờ báo chính thống và VTV nói đến rất nhiều hiện nay;
Đó chỉ là sự công nhận về đường lối và chính sách của Đảng và nhà nước. Còn trong lĩnh vực Mỹ thuật: các họa sỹ tự bán tranh của mình, hoặc bán tranh qua Gallery đã được thực hiện từ những năm 1925, khi có trường Mỹ thuật Đông dương do người Pháp xây dựng. Và được thực hiện nhiều năm đến thời kỳ Đổi mới
1986, và đặc biệt phát triển từ những năm 1990 của thế kỷ XX. Lấy Văn hóa làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, điều này được các văn kiện của Đảng nhắc đến rất nhiều…Nhưng còn là vấn đề nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống như thế nào?
+ Đề tài và đối tượng phản ánh cuộc sống xã hội, của các Nghệ sỹ - Mỹ thuật thủ đô. Đây cũng là một vấn đề cần bàn trong tọa đàm hôm nay. Lâu nay các đề tài: phong cảnh làng, phố, hoa, chân dung, chợ miền núi, tâm linh… luôn tràn ngập trong các triển lãm Mỹ thuật. Các anh em nghệ sỹ hay nói đùa là: chim, hoa, cá, gái…đó là những đối tượng dễ vẽ, và dễ bán…thị trường tranh nhiều khi cũng chi phối và ảnh hưởng đến sự sáng tác của các Nghệ sỹ. Rất ít các tác phẩm về hình ảnh của anh bộ đội trong thời bình giúp dân tăng gia sản xuất. Những anh công an biên phòng dạy chữ cho các trẻ em miền núi…hay những công trường đang xây dựng khắp đất nước: sân bay, đường cao tốc…chưa được phản ánh một cách Nghệ
thuật trong các tác phẩm Mỹ thuật. Nói hơi chủ quan: 15 năm qua Mỹ thuật thủ đô thiếu vắng các tác phẩm đỉnh cao, có tầm tư tưởng lớn…như các tác phẩm thời chống Pháp, chống Mỹ. Đó là: Kết nạp Đảng ở Điện Biên phủ của họa sỹ Nguyễn Sáng, Bác Hồ đi công tác của họa sỹ Dương Bích Liên, Cái bát của họa sỹ - Sỹ
Ngọc. Con nghé quả thực của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm. Giao thừa Hồ Gươm, Gióng của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm. Tát nước đồng chiêm, Khi mùa đông sắp đến… của họa sỹ Trần Văn Cẩn…Nhà máy cơ khí Gia Lâm của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung. Chúng ta tự hào có những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa, những tác phẩm Đinh, chốt của Mỹ thuật Việt Nam, và hiện tại đang được lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật quốc gia, 66 phố Nguyễn Thái học. Và phần lớn các họa sỹ đó đã sống và sáng tác tại Hà Nội. Hà Nội luôn là nơi các danh họa sống và sáng tác những tác phẩm bất hủ còn mãi với thời gian.
- Vài Ý kiến cá nhân tôi về cuộc tạo đàm này: Phạm vi, thời gian của MTTD (50 năm), là quá rộng, và không có một bản đề cương cụ thể, để người viết có thể chọn lấy một vấn đề để viết. Để nghiên cứu về Mỹ thuật thủ đô trong thời gian 50 năm là một việc quá khó. Đòi hỏi có sự nghiên cứu nghiêm túc của nhiều nhà lý
luận và nhiều họa sỹ, để cùng phản ánh được nửa thế kỷ của Mỹ thuật thủ đô, cần nhiều thời gian và kinh phí, và cách tổ chức để đạt hiệu quả cao là một việc khó.
+ Trên đây là một số ý kiến tản mạn của tôi về tình hình phát triển của Mỹ thuật thủ đô trong 15 năm qua. Chúng ta tụ hội ở đây hôm nay cũng để nói lên những tâm tư tình cảm và nguyện vọng của mình để đóng góp cho Mỹ thuật thủ đô ngay càng phát triển và tiến tới xây dựng một Trường phái Mỹ thuật thủ đô đậm đà bản sắc riêng của người Hà Nội, xứng đáng là trung tâm Văn hóa Nghệ thuật của cả nước. Chúc sức khỏe các vị đại biểu, các bạn họa sỹ. Chúc tọa đàm thành công rực rỡ./.
Đặng Thanh Vân.