Hai bức phác họa được thực hiện năm 1886, khắc họa cảnh đồi Montmartre ở Paris (Pháp), hiện đang được trưng bày tại một bảo tàng ở Hà Lan.
Một trong hai bức phác họa đã được các chuyên gia nhận định là một “sự kết nối bị thất lạc” của Van Gogh. Trong vòng hơn một thế kỷ qua, bức phác họa này đã nằm im lìm trong bộ sưu tập tư nhân.
Các chuyên gia tại Viện bảo tàng Van Gogh ở thành phố Amsterdam đã phân tích phong cách, kỹ thuật, chủ đề và chất liệu được sử dụng trong hai bức phác họa, cũng như nghiên cứu về lịch sử của chúng.
Cho tới tuần này, bảo tàng đã khẳng định rằng bức “Đồi Montmartre và mỏ đá” chính là một bức phác họa do Van Gogh thực hiện. Van Gogh đã thực hiện bức phác họa này hồi năm 1886 khi còn đang sống ở Antwerp (Bỉ) và Paris (Pháp).
Dựa trên nghiên cứu của bảo tàng, một bức vẽ tương tự khác vốn nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng Van Gogh cũng được khẳng định là một bức phác họa do Van Gogh thực hiện.
Chuyên viên cấp cao tại Bảo tàng Van Gogh cho biết: “Hai bức phác họa rõ ràng được thực hiện bởi cùng một người và về phong cách, đều gợi nhắc tới cách vẽ của Van Gogh hồi đầu năm 1886. Chất liệu sử dụng trong cả hai bức phác họa đều giống nhau và đề tài cũng có sự liên kết với những bức vẽ được thực hiện bởi Van Gogh về đồi Montmartre”.
Những bức phác họa này thể hiện phong cách của Van Gogh thời kỳ đầu khi còn theo học hội họa ở Antwerp (Bỉ). Sau khi chuyển tới sống ở Paris, Van Gogh bắt đầu trở nên tự do, phóng túng hơn trong cách thể hiện.
Van Gogh được biết tới nhiều nhất với những bức tranh sơn dầu sống động, ngoài ra, họa sĩ còn để lại hơn 900 bức phác họa và 5 cuốn vẽ nháp. Bảo tàng Van Gogh hiện nắm giữ khoảng 500 bức phác họa và các cuốn vẽ nháp của Van Gogh.