THAM LUẬN THAM GIA TOẠ ĐÀM ” VĂN NGHỆ SĨ THỦ ĐÔ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH TRONG SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUẬT GIAI ĐOẠN HIỆN NAY “

Ngày đăng : 10:52:12 22-05-2023

        Tác giả: Nguyễn Khánh Châm

Là một hoạ sĩ thuộc hội Mỹ thuật Hà Nội, tôi xin phép được tham gia một bài tham luận ngắn, với đề tài “Văn nghệ sĩ Thủ đô học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sáng tác Văn học Nghệ thuật giai đoạn hiện nay”

     Kính thưa các vị đại biểu, các văn nghệ sĩ !

     Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Trọn cả cuộc đời Người hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với các văn nghệ sĩ nói chung và văn nghệ sĩ Thủ đô nói riêng.

     Thực hiên Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khoá XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cáh Hồ Chí Minh”, đã trở thành phong trào có sức lan toả trong toàn xã hội, trong toàn hệ thống chính trị, trong đó có lĩnh vực Văn học Nghệ thuật.

      Trong bản tham luận , tôi muốn đề cập tới hai nội dung sau :

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Văn học Nghệ thuật và văn nghệ sĩ cách mạng.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của Văn hoá Văn nghệ đối với công tác tư tưởng. Văn hoá có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng con người. Hoạt động Văn hoá Nghệ thuật được xem là “binh chủng đặc biệt”, bằng các tác phẩm văn hoá nghệ thật có khả năng tác động vào tâm hồn, tình cảm, cảm xúc của con người, góp phần bồi đắp những phẩm chất cao đẹp, phát triển toàn diện về trí, đức, thể , mỹ cho con người.

     Trong thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp Triển lãm hội hoạ năm 1951, Hồ Chí Minh đã khẳng định “ Văn hoá Nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đồng thời, Người đặt ra yêu cầu người nghệ sĩ phải không ngừng nâng cao trí tuệ, trau dồi nghiệp vụ nghệ thuật để phục vụ tốt nhất cho quần chúng nhân dân, có lý tưởng cách mạng đúng đắn, trong sáng về đạo đức, cao đẹp về tâm hồn và có tài năng nghệ thuật xuất sắc để dẫn dắt tinh thần dân tộc, hướng đến các giá trị cao đẹp, góp phần thực hiện chức năng thẩm mỹ của văn hoá nghệ thuật.

      Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hoá là đời sống, là nền tảng tinh thần của xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng, nên trong quan hệ với chính trị thì chính trị, xã hội được giải phóng, văn hoá mới được giải phóng. Chính trị mở đường cho văn hoá phát triển, và khi “ Dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng” (Hồ Chí Minh toàn tập). Do đó, văn nghệ sĩ phải là những chiến sĩ thực thụ và dùng ngòi bút của mình để phò chính trừ tà, giành lại quyền thống nhất, độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân. Thấm nhuần lời dạy của Người, từ buổi ban đầu của cách mạng, rất nhiều nhân sĩ trí thức , văn nghệ sĩ đã đồng hành cùng dân tộc. Về mỹ thuật, có các hoạ sĩ, nhà điêu khắc như : Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Trọng Kiệm, Lê Lam, Diệp Minh Châu, Nguyễn Thị Kim, Lương Xuân Nhị…

      Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn học nghệ thuật là dùng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới, con người mới. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật có giá trị to lớn, góp phần bổ sung tư tưởng văn hoá văn nghệ của dân tộc. Đồng thời định hướng cho Đảng ta hoạch định về đường lối văn hoá văn nghệ. Tư tưởng của Người đã góp phần tạo ra một nền văn nghệ quần chúng, vì nhân dân phục vụ.

      Mặc dù không phải là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, bản thân Người là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ… vĩ đại, là tấm gương sáng cho các văn nghệ sĩ học tập và làm theo. Chúng ta đều biết : Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập ra nhiều tờ báo như : Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế nông dân (1924), Thanh niên (1925), Công nông (1925), Việt Nam độc lập (1941)… và trực tiếp vẽ tranh minh hoạ, biếm hoạ. Gía trị tiên phong chứa đựng trong các tác phẩm biếm hoạ, minh hoạ chính trị do nhà báo Nguyễn Aí Quốc thực hiện từ những năm 1920 chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng và tạo ra thành quả rực rỡ của nghệ thuật tranh cổ động và biếm hoạ Việt Nam sau này.

       Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu văn nghệ sĩ phải gắn với đời sống thực tiễn của nhân dân. Văn nghệ phải phản ánh được thực tế lao động sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt và xây dựng xã hội mới của nhân dân. Người từng phê bình các nghệ sĩ “ Chất mơ mộng quá nhiều mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít…Phải trở về với cuộc sống thực tại của con người. Tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ phải gắn liền với đời sống nhân dân,  lấy thực tiễn đời sống của nhân dân làm nhựa sống cho tác phẩm”.

      Hồ Chí Minh cũng hết sức quan tâm đến việc sáng tác như thế nào. Người luôn đặt vấn đề “ Viết để làm gì ? Viết cái gì ? Viết cho ai ? Viết thế nào ? Có nghĩa là phải xác định đúng mục đích, nội dung, đối tượng, phương pháp. Theo Hồ Chí Minh, văn hoá nghệ thuật phải có những tác phẩm xứng tầm với dân tộc và thời đại, phải phản ánh cho được đời sống nhân dân. Tác phẩm phải có giá trị, để khi “ Chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích “.

      Hồ Chí Minh viết “ Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới, chẳng những làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta mai sau”. (HCM toàn tập ).

      Đồng thời, Hồ Chí Minh yêu cầu “ Trong thời kỳ quá độ, bên những thành tích tốt đẹp là chính, vẫn còn sót lại những cái xấu xa của xã hội cũ như: Tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu, đánh con, đập vợ… Đối với những thói xấu đó, văn nghệ sĩ cũng cần phải phê bình rất nghiêm khắc, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh, tốt đẹp hơn”. Người còn căn dặn “ Cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp”.

      2/ Văn nghệ sĩ Thủ đô học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sáng tác văn học nghệ thuật giai đoạn hiện nay.

       Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tấm gương sáng, những lời dạy của Người về văn hoá văn nghệ là những bài học lớn, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Đối với văn nghệ sĩ Thủ đô nói chung, các hoạ sĩ, nhà điêu khắc Thủ đô nói riêng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc vô cùng quan trọng và cần thiết. Thấm nhuần tư tưởng cùng những lời dạy của người đối với các văn nghệ sĩ, Hội Mỹ thuật Hà Nội luôn đồng hành cùng Thủ đô trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển. Các tác phẩm tạo hình của các hoạ sĩ, nhà điêu khắc đã bám sát thực tiễn, phản ánh kịp thời và sinh động

đời sống muôn mặt của Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hoà bình, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước.

       Để bám sát thực tiễn sôi động của cuộc sống, hàng năm Hội Mỹ thuật Hà Nội  đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, mở trại sáng tác cho hội viên, đưa hội viên đến với nhiều miền đất nước, những công trường lớn, những đơn vị quân đội, chiến sĩ bộ đội biên phòng tại các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Cát Bà, Móng Cái, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Cà Mau… Hội đã cử hội viên đi thực tế sáng tác tại đảo Trường Sa, các hoạ sĩ đã có nhiều tác phẩm chất lượng về biển đảo của Tổ quốc.

       Những tác phẩm tạo hình của các hoạ sĩ, nhà điêu khắc Thủ đô qua các cuộc triển lãm thường niên nhìn chung cả về nội dung và hình thức đều đậm đà bản sắc dân tộc, mang hơi thở của thời đại, phong phú về đề tài và chất liệu, hướng tới chân, thiện, mỹ, được đông đảo công chúng ghi nhận…

      Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023), thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, tin rằng trong thời gian tới các văn nghệ sĩ Thủ đô sẽ có nhiều tác phẩm có nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao, góp phần vào sự nghiêp xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ đổi mới, hội nhập trong giai đoạn hiện nay.

 

            Chúc buổi toạ đàm thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cám ơn!

 

 

                                                       Hoạ sĩ, nhà báo Khánh Châm

                                                             (Hội Mỹ thuật Hà Nội)

Tags: