THAM LUẬN THAM GIA TOẠ ĐÀM “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÁNG TÁC VỀ ĐỀ TÀI XÂY DỰNG THỦ ĐÔ TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI”

Ngày đăng : 12:04:35 23-08-2024

  

Tác giả: Nguyễn Khánh Châm

Được sự phân công của Thường trực Hội mỹ thuật Hà Nội, tôi xin phép  tham gia một số ý kiến đóng góp vào buổi toạ đàm, với nội dung: “Nâng cao chất lượng sáng tác về đề tài xây dựng Thủ đô trong thời kỳ đổi mới”.

   Kính thưa các vị đại biểu!

   Việc nâng cao chất lượng sáng tác các tác phẩm nghệ thuật nói chung, các tác phẩm sáng tác về đề tài xây dựng Thủ đô trong thời kỳ đổi mới nói riêng vừa là tâm nguyện của mỗi nghệ sĩ, vừa là đòi hỏi của xã hội.

   Đề tài của nghệ thuật tạo hình rất phong phú, đa dạng. Các hoạ sĩ, nhà điêu khắc có thể diễn tả được cả quá khứ, hiện tại, tương lai. Cả hiện thực và trừu tượng…Tuy nhiên, nghệ thuật là tấm gương phản chiếu xã hội. Từ xa xưa tới nay, dấu ấn của thời đại luôn in dấu sâu đậm trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

   Chúng ta đang sống trong thời kỳ đổi mới mạnh mẽ của Thủ đô và cả nước. Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến,thành phố vì hoà bình, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, nghệ thuật… của cả nước. Hà Nội là vùng đất linh thiêng, hào hoa, đất kinh kỳ, Kẻ chợ nổi tiếng từ ngàn xưa, với các làng nghề, phố nghề, với nét thanh lịch của người Trang An, các lễ hội và văn hoá ẩm thực phong phú và đa dạng. Hà Nội còn là  mảnh đất dày đặc các di tích lịch sử, văn hoá : Văn Miếu, Khuê văn các, Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Khu phố cổ, Nhà hát lớn, Cột cờ Hà Nội, Ô Quan Chưởng cầu Long Biên, bến bãi Sông Hồng… Chính vì vậy, Thủ đô Hà Nội luôn là đối tượng, là đề tài phản ánh của các thế hệ hoạ sĩ, nhà điêu khắc, dù là người Hà Nội gốc, hay ở các địa phương khác, về sinh cơ lập nhiệp ở Thủ đô.

   Để góp phần phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn thủ đô trong thời kỳ mới, đòi hỏi mỹ thuật thủ đô cần những bước đi đột phá, sáng tạo, những giải pháp hữu hiệu nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sáng tác những tác phẩm nghệ thuật tạo hình, phản ánh được cuộc sống phong phú, sôi động của thủ đô trong thời kỳ đổi mới.

    Thực tế trong thời gian qua, Hội Mỹ thuật Hà Nội cũng như các cá nhân hoạ sĩ, nhà điêu khắc đã có nhiều cố gắng, đổi mới trong hoạt động sáng tác, đóng góp vào sự phát triển không ngừng của mỹ thuật thủ đô, cả về số lượng và chất lượng. Điều này được thể hiện rõ nét qua các kỳ triển lãm mỹ thuật Thủ đô hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10 tháng 10. Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm đa dạng về đề tài, phong phú về chất liệu, được đông đảo công chúng yêu mến nghệ thuật ghi nhận. Tuy vậy, có một thực tế là trong gần 300 tác phẩm hội hoạ, điêu khắc được chọn trưng bày hàng năm, những tác phẩm có đề tài về xây dựng thủ đô trong thời kỳ mới chiếm tỷ lệ không nhiều.

   Chúng ta đều biết : Thăng Long, Hà Nội là thủ đô có bề dày của ngàn năm văn hiến, là đối tượng, đề tài của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, nhiều loại hình nghệ thuật. Riêng về nghệ thuật tạo hình, công chúng đã được định hình bởi những bức tranh phố cổ rêu phong, mái ngói thâm nâu của Bùi Xuân Phái. Hình bóng những thiếu nữ Hà Nội đoan trang, thanh lịch trong tranh của Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị…Rồi hình ảnh Hồ Gươm, Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Khuê Văn Các, Chợ Đồng Xuân, Cầu Long Biên, Ô Quan Chưởng… xuất hiện dày đặc trong các tác phẩm tạo hình. Quả thực, đó là những di tích, những địa danh tiêu biểu đã làm nên hồn cốt của vùng đất kinh kỳ linh thiêng Thăng Long, Hà Nội.

   Việc khai thác những nét cổ kính, thanh lịch của Hà Nội ngàn năm văn hiến là đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng việc khai thác những nét đẹp, tươi mới của Hà Nội mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhâp quốc tế cũng là một đòi hỏi đối với mỗi hoạ sĩ, nhà điêu khắc. Thủ đô Hà Nội hiện là thành phố lớn nhất nước về mặt diện tích, với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và một thị xã…Ngày 1/8/2008,Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khoá XII. Đây là dấu mốc quan trọng trong phát triển đô thị, đưa Hà Nội trở thành một trong những thủ đô lớn về tàm vóc, mới về diện mạo, ngày càng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Theo báo cáo của Thành uỷ Hà Nội, từ  năm 2008 đến nay, kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh và đối ngoại của Thủ đô đạt nhiều thành tựu nổi bật. Kinh tế Hà Nội giữ vững vị trí đầu tàu và là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước. Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy nhanh  tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác đường vành đai 4 và xây dựng đường  vành đai 5 trước năm 2027, phấn đấu đến năm 2025 có từ 3-5 huyện phát triển thành  quận, trong đó có Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng và Thanh Trì. Đến năm 2030 sẽ có thêm 1đến 2 huyện phát triển thành quận...

    Hà Nội đang đổi mới từng ngày trên tất cả các lĩnh vực, là đề tài, là đối tượng phong phú và hấp dẫn cần được phản ánh trong các tác phẩm của nghệ thuật tạo hình.

   Hướng tới Triển lãm mỹ thuật thủ đô năm 2024 và các năm tiếp theo, nhằm tạo cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ, nên chăng Hội mỹ thuật Hà Nội tổ chức các chuyến đi thực tế, trực hoạ ở các làng nghề, các xã , huyện nông thôn mới ngoại thành, các khu đô thị, khu du lịch hoặc các công trình mới trên địa bàn thủ đô. Nếu có điều kiện, có thể tổ chức triển lãm và trao giải chuyên về đề tài xây dựng thủ đô trong thời kỳ mới, ngoài việc tổ chức triển lãm thường niên vào dịp tháng 10, nhằm khích lệ, động viên kịp thời các tác giả, tác phẩm sáng tác về đề tài xây dựng Thủ đô trong thời kỳ đổi mới.

   Trên đây là một vài ý kiến cá nhân đóng góp vào nội dung buổi Hội thảo. Chúng ta cùng tin tưởng và đón đợi nhiều tác phẩm mới về đề tài xây dựng thủ đô trong thời kỳ đổi mới của các hoạ sĩ, nhà điêu khắc có nhiều gắn bó, kỷ niệm với Hà Nội trong dịp Triển lãm Mỹ thuật thủ đô năm 2024 và các năm sau.

                                                         Xin trân trọng cám ơn !

                                                       

 

 

 

 

Tags: