Nữ họa sĩ Việt đầu tiên tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

Ngày đăng : 09:37:34 22-03-2023

Cuốn "Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn" cho người đọc tìm hiểu cuộc đời và chiêm ngưỡng những tác phẩm đặc sắc của nữ họa sĩ đầu tiên tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Lê Thị Lựu (1911-1988) là nữ sinh viên đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau một năm học dự bị, bà trở thành sinh viên chính thức của trường vào năm 1927 và tốt nghiệp thủ khoa khóa III năm 1932, với rất nhiều lời khen ngợi của thầy hiệu trưởng Victor Tardieu.

Với ngòi bút chinh phục giới hội họa cũng như công chúng Pháp và châu Âu, Lê Thị Lựu nổi danh với những bức tranh lụa toàn bích của mình. Chủ đề chính trong tranh Lê Thị Lựu là thiếu nữ, thiếu phụ và thiếu nhi. Ngoài ra, những bức chân dung bạn bè, cả người Việt và người châu Âu của bà cũng gây ấn tượng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, do từ những năm 1940, bà sống ở Pháp và hầu như toàn bộ tác phẩm của bà vẽ xong đều đã được bán hết, nên công chúng Việt Nam không có cơ hội thưởng thức tranh của bà.

Rất may, nữ họa sĩ luôn hướng lòng về với tổ quốc. Trước khi mất, bà đã căn dặn chồng là kỹ sư canh nông, đồng thời là họa sĩ nghiệp dư Ngô Thế Tân trao tặng 18 bức tranh lụa và sơn dầu, 1 phiên bản và 1 tranh bìa cho bảo tàng Việt Nam. Bộ sưu tập này đã được ông Ngô Thế Tân trao cho nhà văn, nhà phê bình Thụy Khuê lưu giữ từ năm 1994.

Bộ sưu tập này đã được bà Thụy Khuê trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cuối năm 2018. Đồng thời, bà Thụy Khuê và chồng là ông Lê Tất Luyện cũng trao tặng cho bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM 9 tác phẩm nữa (8 tác phẩm của Lê Thị Lựu và 1 tác phẩm của ông Ngô Thế Tân) từ bộ sưu tập cá nhân. Nhờ đó, công chúng Việt Nam đã có thể thưởng thức những tác phẩm đặc sắc của nữ họa sĩ tài danh.

Nhân dịp này, NXB Tổng hợp TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã xuất bản sách Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn của tác giả Thụy Khuê, giới thiệu chi tiết cuộc đời của nữ họa sĩ, những đánh giá về tác phẩm, cũng như các giá trị nghệ thuật mà bà tạo dựng nên.

 
Cuốn Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn giúp công chúng tìm hiểu về cuộc đời và thưởng thức các tác phẩm đặc sắc của nữ họa sĩ.
Le Thi Luu, Vu Cao Dam, tranh lua, Le Pho, hoa si Viet Nam anh 1
Cuốn Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn giúp công chúng tìm hiểu về cuộc đời và thưởng thức các tác phẩm đặc sắc của nữ họa sĩ.

Tác giả Thụy Khuê là người trong gia đình bà Lê Thị Lựu (ông Ngô Thế Tân, chồng bà Lựu là em ruột ông Ngô Thế Loan, ông ngoại chồng bà Thụy Khuê) nên bà gắn bó thân thiết với vợ chồng họa sĩ. Là người nhiều năm nghiên cứu, phê bình văn nghệ, nên bà cũng đã có những cuộc phỏng vấn với các họa sĩ người Việt nổi danh tại Pháp là Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, những người bạn thân thiết với vợ chồng Lê Thị Lựu, để tạo dựng nên những lát cắt chi tiết về cuộc đời và sáng tác của nữ họa sĩ và làm phong phú nội dung cuốn sách.

Tác giả Thụy Khuê đã có những nhận xét rất chuyên sâu về tranh lụa của Lê Thị Lựu: "Ban đầu bà vẽ theo kỹ thuật Trung Quốc, nhưng màu sắc tươi hơn. Trong một thời kỳ rất ngắn, Lê Thị Lựu bị ảnh hưởng của Modigliani, sau cùng, bà chuyển hướng và tìm ra đường lối riêng biệt của mình. Tranh bà, tuy có phong cách ấn tượng, nhưng thoát ly khỏi lề lối phương Tây, tạo không khí và bản chất Việt. Cũng như phái ấn tượng, bà dùng màu tươi, bật ánh sáng, lấy nhật quang làm nền rực rỡ cho tranh, nhưng bà không chối bỏ kỹ thuật cổ điển, dùng cả sáng lẫn tối, chuyển sắc độ dần dần”.

Theo tác giả Thụy Khuê, trong bộ sưu tập tặng bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, hai bức tranh lụa Chị dạy em viết chữ Nho (1946) và Nhị Kiều (1954) là minh chứng rõ rệt của sự chuyển hoán từ tranh lụa lối Trung Hoa sang tranh lụa Lê Thị Lựu.

 
Tác phẩm Chị dạy em viết chữ Nho của Lê Thị Lựu vẽ trên lụa năm 1946.
Le Thi Luu, Vu Cao Dam, tranh lua, Le Pho, hoa si Viet Nam anh 2
Tác phẩm Chị dạy em viết chữ Nho của Lê Thị Lựu vẽ trên lụa năm 1946.

Đặc biệt, cuốn sách in toàn bộ ảnh các bức tranh mà gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu và gia đình bà Thụy Khuê hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, giúp người yêu hội họa Việt Nam có cơ hội tiếp cận với những tác phẩm đặc sắc của bà.

Trong một bài viết in trong sách, ông Ngô Thế Tân, chồng họa sĩ, chia sẻ: "Những bức tranh được soạn để tặng bảo tàng tiêu biểu cho các thời kỳ có sự thay đổi đáng kể trong bút pháp, nghệ thuật để người xem tranh có được một khái niệm tổng quát về một đời sáng tác của họa sĩ. Ngoài ra, tôi dành riêng hai bản phác thảo mà tôi cho là tuyệt diệu để thấy Lê Thị Lựu là người có đặc tài".

Một lãnh đạo bảo tàng chia sẻ, nếu không được hiến tặng, thì với cơ chế tài chính như hiện tại, bảo tàng không thể nào mua nổi khi giá trị của bộ sưu tập lên tới hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, sách cũng có những bức ảnh tư liệu về cuộc sống của Lê Thị Lựu, một người phụ nữ được đánh giá là có vẻ đẹp hoàn hảo.

Trong suốt 30 năm sáng tác không ngừng nghỉ, họa sĩ Lê Thị Lựu đã vẽ khoảng 300 tác phẩm. Ngay từ hai bức họa đầu tiên thuộc dạng bài tập nộp cho trường để trưng bày năm 1929 của bà, đều đã có người mua với giá tới 400 đồng Đông Dương, khi mà tiền ăn ở và nhà trọ của bà chỉ hết 3 đồng mỗi tháng!

Cuốn sách cũng cho độc giả biết, năm 1975, khi họa sĩ Lê Thị Lựu về thăm đất nước, theo yêu cầu của Hội Mỹ thuật Việt Nam, bà có vẽ tặng Hội bức tranh lụa Phụ nữ gặt lúa để đưa vào bảo tàng, nhưng tiếc là sau đó, không ai được biết tác phẩm hiện ở đâu.

Tags: