Cùng với 70 tác phẩm mỹ thuật của rất nhiều hoạ sĩ tên tuổi, triển lãm giúp người xem không chỉ cảm nhận một Hà Nội sục sôi trong kháng chiến, Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón đoàn quân chiến thắng trở về, mà còn cảm nhận về một Hà Nội rất khác, trong cả thời chiến và hoà bình.
Xúc động và tự hào là cảm nhận chung của rất nhiều khách đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào ngày 8/10, khi chiêm ngưỡng các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Hà Nội: Niềm tin và sức sống”. Chăm chú ngắm và chụp từng bức tranh được trưng bày, chị Hương Sen cho biết, các tác phẩm sống động như được trở về Hà Nội xưa, cho thấy tấm lòng, tình cảm đặc biệt mà nhiều thế hệ hoạ sĩ dành cho vùng đất này. Dường như người họa sĩ có mặt trên mọi con đường, ngõ phố, kể cả những đêm Hà Nội không ngủ với những khoảnh khắc đặc biệt nhất.
Không chỉ chiêm ngưỡng các tác phẩm, nhiều nhóm du khách tranh thủ ghi lại những bức ảnh đẹp nhất cùng người thân và gia đình bên những không gian không gian không kém phần độc đáo là những tác phẩm hội hoạ nổi tiếng về Hà Nội được phóng chiếu lên tường, nhờ công nghệ hiện đại.
Tự hào giới thiệu đến khách tham quan triển lãm từng tác phẩm trưng bày, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến luôn là đề tài hấp dẫn, nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm mỹ thuật giá trị, đậm chất hiện thực, khắc họa những hình ảnh sinh động, chân thực và sâu sắc, thể hiện được sức sống, sức vươn lên không ngừng nghỉ của Thủ đô, qua đó cũng thể hiện niềm tin của nhân dân cả nước dành cho mảnh đất thân yêu này. 70 tác phẩm được chọn trưng bày tại trưng bày chuyên đề “Hà Nội: Sức sống và niềm tin” là một phần trong bộ sưu tập mỹ thuật hiện đại của bảo tàng nói chung. Với chất liệu đa dạng, ngôn ngữ tạo hình phong phú mang phong cách, dấu ấn riêng cùng tình cảm chân thành của người nghệ sĩ dành cho mảnh đất "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm". Ký ức hào hùng về một thời của quân và dân Thủ đô kiên cường, luôn mang đến những cảm xúc đầy tự hào cho mỗi chúng ta.
Tại triển lãm, người xem có dịp cảm nhận một Hà Nội sục sôi tinh thần cách mạng trước 1945 qua tác phẩm “Đánh chiếm Bắc Bộ phủ” của họa sĩ Trần Đình Thọ. Hà Nội anh dũng những ngày đầu kháng chiến, được tái hiện qua các tác phẩm “Chiến lũy Ngã Tư Sở”, “Chợ Mơ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, “Hà Nội năm 1947” của hoạ sĩ Công Văn Trung, “Thủ đô kháng chiến” của hoạ sĩ Quang Phòng… Ở đó, có cả những khoảnh khắc rưng rung của một Hà Nội - bình địa, với cả những hoang tàn một thời.
Cũng theo TS Nguyễn Anh Minh, Hà Nội cũng là mảnh đất gắn bó lâu nhất trong cuộc đời của Bác Hồ. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn dành thời gian đến thăm, động viên đồng bào, chiến sĩ, công nhân và cả thế hệ mầm non tương lai của Thủ đô. Hình ảnh gần gũi thân thương đó được ghi lại qua nhiều tác phẩm như “Bác Hồ với công nhân xe lửa Gia Lâm” của họa sĩ Phạm Văn Lung, “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng” của họa sĩ Đỗ Hữu Huề… Cũng tại triển lãm, qua nhiều tác phẩm, người xem còn có dịp cảm nhận một Hà Nội vừa anh dũng, quật cường vượt qua những khốc liệt của chiến tranh phá hoại, vừa là hậu phương vững chắc cho miền Nam. Nét trầm lắng, cổ kính đan xen sắc màu mạnh mẽ, tươi sáng của một Hà Nội mới. Hà Nội vươn mình xây dựng, kiến thiết Thủ đô ngày càng tươi đẹp…
Với việc kết hợp giữa trưng bày truyền thống và ứng dụng công nghệ trình chiếu, hoạt động trải nghiệm in tranh khắc gỗ trong không gian triển lãm, trưng bày chuyên đề “Hà Nội: Sức sống và niềm tin” là một món quà quý, một hoạt động nhiều ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dành tặng cho Hà Nội và công chúng yêu nghệ thuật