NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÁNG TÁC TRONG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT THỦ ĐÔ -THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ? Hoạ sĩ, nhà báo Khánh Châm Hội Mỹ thuật Hà Nội

Ngày đăng : 11:55:28 24-03-2023
Trước hết phải khẳng định rằng : Chủ đề của buổi toạ đàm mà Thường trực Hội Mỹ thuật Hà Nội đề ra là rất sát thực và cần thiết. Đó là xây dựng nguồn trong sáng tạo Mỹ thuật, các giải pháp để nâng cao chất lượng sáng tác trong Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, tạo điều kiện cho hội viên sáng tạo… Đây cũng là động thái tích cực nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hy vọng rằng, qua những buổi toạ đàm, hội thảo, nhiều kinh nghiệm, bài học bổ ích được đúc kết, góp phần nâng tầm, đổi mới hoạt động hội cũng như chất lượng sáng tác của các nghệ sĩ tạo hình trong ngôi nhà chung của Hội Mỹ thuật Hà Nội. Trong bản tham luận của mình, tôi muốn đề cập đến những vấn đề sau :
1/ Thực trạng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô những năm qua.
Việc duy trì và tổ chức thành công các cuộc triển lãm mỹ thuật, nhất là cuộc triển lãm Mỹ thuật Thủ đô thường niên vào dịp 10/10 là một cố gắng đáng ghi nhận của Ban chấp hành, Ban tổ chức và sự đóng góp nhiệt tình của các hoạ sĩ, nhà điêu khắc Thủ đô. Các cuộc triển lãm đã giới thiệu với đông đảo công chúng những tác phẩm tiêu biểu, tâm huyết của các nghệ sĩ tạo hình, thể hiện những nét tiêu biểu của gương mặt Mỹ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới. Về số lượng, các cuộc Triển lãm mỹ thuật Thủ đô dịp 10/10 thường trưng bày, giới thiệu khoảng 240 đến 260 tác phẩm hội hoạ, điêu khắc, được các nghệ sĩ mới sáng tác trong thời gian một năm qua. Các cuộc triển lãm chuyên đề như “Triển lãm tranh giấy”, “Triển lãm sắc mầu Hà Nội”, triển lãm về biển đảo, về vùng cao…số lượng tác phẩm có ít hơn.
Các cuộc triển lãm mỹ thuật, dù là thường niên hay chuyên đề đều là lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu, có chất lượng nghệ thuật cao để giới thiệu tới công chúng thưởng thức nghệ thuật. Các giải thưởng mỹ thuật hàng năm cũng được duy trì, nhằm lựa chọn những tác phẩm tốt nhất để tôn vinh tác giả, tác phẩm’. Việc in vựng tập “Mỹ thuật Thủ đô” được tiến hành đều đặn sau các kỳ triển lãm thường niên là một việc làm ý nghĩa và đáng
ghi nhận.
Nhìn tổng thể, có thể ví các cuộc triển lãm Mỹ thuật Thủ đô là bức tranh toàn cảnh của Mỹ thuật Thủ đô, trung tâm văn hoá, chính trị của đất nước, nơi hội tụ nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc tài danh, với nhiều thế hệ hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nhà phê bình Mỹ thuật kế tiếp nhau. Đó là bức tranh đa sắc, phong phú về chất liệu, phong cách, đa dạng về nội dung, đề tài… phản ánh nhiều góc nhìn, cách cảm nhận của mỗi hoạ sĩ, nhà điêu khắc về cuộc sống sôi động của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, toàn cầu hoá hiện nay…
2/ Những vấn đề đặt ra qua các cuộc Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô
Nâng cao chất lượng sáng tác, chất lượng tác phẩm nghệ thuật qua các triển lãm Mỹ thuật là mong muốn không chỉ của Hội chuyên ngành mà là của mỗi tác giả- mỗi nhà điêu khắc, mỗi hoạ sĩ cũng như công chúng yêu mến nghệ thuật tạo hình. Có lẽ chẳng tác giả nào muốn “Đứa con tinh thần” của mình khi hoà nhập với cuộc sống với một thể trạng èo uột, nhợt nhạt, “thường thường bậc trung” cả. Hiện tượng nhiều lần được nhắc tới trong các cuộc hội thảo, các cuộc trao đổi riêng của các hoạ sĩ là số lượng tác phẩm ngày càng nhiều nhưng chưa tương xứng với chất lượng. Qua mỗi kỳ triển lãm thường niên đều có chọn lựa các tác phẩm tốt nhất để trao giải thưởng. Nhưng để chọn ra những tác phẩm thật sự xuất
sắc, có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, mang tầm vóc thời đại… thì thật khó.
 
Tuy nhiên, không thể đòi hỏi quá cao về chất lượng sáng tác đối với các nghệ sĩ, khi mà họ còn “lực bất tòng tâm”, còn phải “lấy ngắn nuôi dài” trong cơ chế thị trường với xu thế thương mại hoá các tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời, cũng không thể phủ nhận những cố gắng, tạo điều kiện cho sáng tác của Hội chuyên ngành cũng như tâm huyết với nghề của các nghệ sĩ tạo hình trong việc đầu tư, chăm chút cho các tác phẩm của mình.
Qua các kỳ triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, nhiều người xem có cảm nhận Mỹ thuật Thủ đô chưa có sự đột phá thực sự. Các triển lãm thường niên thường na ná giống nhau về cả đề tài và phong cách thể hiện. Các hoạ sĩ thường vẽ nhiều về cái họ thấy, ít vẽ về cái họ nghĩ ! Đương nhiên, những đề tài nho nhỏ như một lọ hoa, một góc phố…nếu đạt ngưỡng về tư tưởng và nghệ thuật cũng có thể là một tuyệt tác. Nhưng công chúng thưởng thức nghệ thuật vẫn gửi gắm và mong đợi ở các nghệ sĩ tạo hình Thủ đô những tác phẩm có tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao, phản ánh được thực tiễn sôi động của cuộc sống, thấm đẫm tinh thần nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc và mang vóc dáng của thời đại. Đó là một mong muốn, một đòi hỏi chính đáng, nhưng việc thực hiện không hề đơn giản, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và không thể tiến hành trong một sớm một chiều.
3/ Giải pháp nào để nâng cao chất lượng sáng tác trong Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô?
Trước hết, phải đề cập đến vai trò quan trọng của Hội chuyên ngành.Trong Báo cáo tại Đại hội Hội Mỹ thuật Hà Nội nhiêm kỳ 2020-2025, phần phương hướng công tác cũng đã xác định rõ: “Tiếp tục xây dựng Hội xứng tầm là một tổ chức chính trị và nghề nghiệp của những nghệ sĩ: Hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc có trình độ nghề nghiệp cao. Nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên , bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng và hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả. Nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn; Góp phần đào tạo, hỗ trợ, chăm lo đời sống, tạo điều kiện cho hội viên sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao… Tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, trại sáng tác cho hội viên, đưa hội viên đến các miền đất nước, những công trường lớn, những đơn vị quân đội, biển đảo…Tạo sự gắn bó của hội viên với xã hội và tìm nguồn cảm hứng sáng tác cho hội viên. Mở rộng quan hệ đối ngoại với các hội hoặc hoạ sĩ nước ngoài. Tăng cường các hoạt động Mỹ thuật liên kết với các Hội Văn học Nghệ thuật ở các tỉnh thành trong cả nước. Quan tâm tạo điều kiện sáng tác cho các hoạ sĩ cao tuổi, khuyến khích sự tìm tòi của lực lượng hoạ sĩ trẻ, phát hiện, thu hút các tài năng trẻ…Tăng cường các hoạt động liên kết, tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính của các cơ quan trong nước và nước ngoài để bổ sung nguồn tài chính cho các hoạt động của hội…”
Phương hướng công tác, nội dung hoạt động của Hội đề ra rất rõ ràng và đầy đủ. Thực hiện tốt các nội dung trên chắc chắn sẽ nâng tầm chất lượng hoạt động của Hội chính trị và nghề nghiệp, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng sáng tác của các nghệ sĩ hội viên. Tuy nhiên, công việc sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mang một đặc thù riêng, in đậm dấu ấn của người nghệ sĩ. Nói cách khác, việc nâng cao chất lượng sáng tác chủ yếu phụ thuộc vào ý thức và nhận thức, vào tâm huyết, tài hoa của mỗi hoạ sĩ, nhà điêu khắc, mà Hội không thể làm thay được!
Mặt khác, xin được bổ sung thêm: Hội mỹ thuật Hà Nội cũng như các hội chuyên ngành khác hoạt động trong thời kỳ công nghệ và phương tiện ngày càng hiện đại. Hội cũng như các nghệ sĩ đều có sự trợ giúp đặc biệt hữu hiệu của các phương tiện thông tin hiện đại, khái niệm không gian, thời gian dường như được co hẹp lại nhờ điện thoại di động, máy tính xách tay… Công nghệ hiện đại đã và sẽ tác động thế nào tới hoạt động của Hội và tư duy, cảm hứng sáng tạo của các nghệ sĩ tạo hình? Việc sưu tập, trao đổi, in sao, coppy, photoshop, biến ảnh thành tranh… được thực hiện rất đơn giản và dễ dàng nhờ sự tiến bộ về công nghệ. Vấn đề bản quyền tác phẩm, vấn nạn chép tranh, nhái tranh, đạo tranh… cũng cần được bàn thảo và có những chế tài phù hợp của các cơ quan có thẩm quyền. Gần đây, trí tuệ nhân tạo còn sáng tạo ra cả truyện tranh trông rất bắt mắt. Vấn đề đặt ra là trong tương lai gần các hoạ sĩ có thất nghiệp không ? Tin là không. Bởi máy móc không dễ làm
thay tất cả các phần việc của con người, có tư duy, tình cảm như con người. Nhà văn Tô Hoài từng viết “Không mượn được tâm hồn” !
Trên đây là mấy ý kiến đóng góp của cá nhân tôi vào nội dung buổi toạ đàm. Chắc chắn là chưa được đầy đủ. Tin rằng thông qua các buổi toạ đàm, hội thảo, là cơ hội tốt để Hội chuyên ngành cũng như các nghệ sĩ cùng nhau trao đổi, tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng tầm hoạt động của Hội cũng như hoạt động sáng tạo của các hoạ sĩ, nhà điêu khắc trong thời kỳ mới, trước mắt là đáp ứng yêu cầu choTriển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2023.
Chúc buổi toạ đàm thành công tốt đẹp !
 
Tags: