Tác giả: Đỗ Hồng Hạnh
Cùng với quá trình lớn mạnh và phát triển toàn diện các thể loại trong 9 ngành Văn học -Nghệ thuật Thủ đô, sau thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta từ mùa Xuân 1975 tới nay, phong trào Mỹ thuật Hà Nội đã có những bước tiến lớn mang tầm vóc lịch sử, cả về quy mô tổ chức và hình thức hoạt động, từ đó đã nâng cao lên đáng kể trình độ nghệ thuật và tay nghề sáng tạo của các nghệ sĩ. Đi cùng với những bước tiến này là những đổi thay mới mẻ trong sự bùng nổ và đa dạng hóa các thể loại trong nghệ thuật tạo hình, như hội họa, đồ họa và điêu khắc, những đổi thay ấy đã thể hiện rõ tầm phát triển phong phú về nội dung, cũng như sự mở rộng linh hoạt về chất liệu, và thể hiện rõ tính cách tân trong công phu thể hiện.
1. Nghệ thuật tạo hình Hà Nội thời kỳ 1975- 1990.
Chiến dịch Hồ Chí Minh và Đại thắng mùa Xuân 1975 đã đưa đất nước Việt Nam đến hoà bình thống nhất. Cuộc Kháng chiến chống Mỹ vừa thắng lợi. Hà Nội cùng cả nước đã nhanh chóng chuyển sang thời kỳ mới: Thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và xây dựng lại cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế văn hóa và xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và song song với nó là thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo vệ biên giới, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ. Mỹ thuật Việt Nam thống nhất cũng đã bước sang một chặng đường mới, với sự tham gia của các nghệ sĩ ba miền Bắc - Trung – Nam, cùng nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, có tiềm năng phát triển lớn. Đội ngũ nghệ sĩ Hà Nội hội tụ đủ các tên tuổi gạo cội, có uy tín cao, luôn gắng thể hiện được bản sắc, tính cách người Hà Nội ở vị thế Thủ đô, hòa nhập vào phong trào chung của cả nước.
Đề tài chiến tranh Cách mạng và chiến tranh nhân dân được đề cập trong nhiều tác phẩm như Điện Biên Phủ - sơn dầu của Trần Đình Thọ, Chiến lũy – sơn dầu của Lê Anh Vân, Tượng đài chiến sĩ vô danh – sơn mài của Quang Thọ, Niềm tin – sơn mài của Dương Viên, Cầu Long Biên – sơn dầu của Kim Thái, Hà Nội 1972 – khắc gỗ của Đinh Lực, Gia đình bộ đội - sơn dầu của Đặng Thị Khuê, Ngăn chặn chiến tranh - màu bột của Thục Phi và nhiều ký họa đẹp, được minh họa trên các báo, tạp chí lớn … Những anh Vệ quốc quân, các chiến sĩ cảm tử, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô...vốn là công nhân, dân nghèo thành thị mặc áo lính, được thể hiện khá thành công trong các tác phẩm. Ngoài đề tài chiến tranh, đề tài sản xuất, xây dựng...thể hiện con người Thủ đô trên giàn dáo, trên các tầm cao và mũi nhọn sản xuất, cũng chiếm tỷ trọng lớn trong sáng tác suốt thời kỳ này.
Mỹ thuật Hà Nội giai đoạn 1975 -1990 cũng “ gần gũi” hơn với việc xuất hiện ngày một nhiều tranh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung tươi tắn và hài hòa. Nếp sinh hoạt văn hóa, nếp sống mới của người Hà Nội sau hòa bình được khắc họa chi tiết và đầy ấn tượng. Khi cuộc sống cân bằng lại sau chiến tranh, các nghệ sĩ chúng ta quan tâm tới xu hướng tạo dựng những không gian riêng tư, bình ổn về tâm lý, từ đó nhận thức được giá trị tốt đẹp bên trong từng cuộc sống, giá trị tự do cá nhân, hạnh phúc gia đình, và mở rộng nhu cầu vào những đề tài đó.
Mỹ thuật giai đoạn 1975 – 1990 thể hiện được sức sống của người Thủ đô qua nhiều khía cạnh đa dạng, bình thản và tinh tế từ bên trong. Bên cạnh đó, tính phức tạp của công cuộc xây dựng xã hội mới với nhiều khó khăn cũng đặt Mỹ thuật đối đầu với những thử thách mới trong cách diễn tả và thể hiện. Những suy nghĩ, tìm tòi cũng được thể hiện khá rõ thông qua việc phấn đấu để đạt tới bản sắc riêng cùng dấu ấn thời đại. trong công cuộc tái thiết đất nước sau năm 1975.
2. Nghệ thuật tạo hình sau thời Đổi mới, giai đoạn từ 1990 (năm thành lập Hội Mỹ thuật Hà Nội) cho đến nay.
Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 đề ra đường lối Đổi Mới toàn diện. Đối với VHNT, nó đã tạo nên một dấu mốc cực kỳ lớn. Nghị quyết Hội nghị V BCH TW khóa VI nhấn mạnh: “Tăng cường lãnh đạo và quản lý cơ quan báo chí xuất bản, văn hóa, văn nghệ theo hướng phục vụ đắc lực công cuộc Đổi mới” Phát huy tác dụng tích cực đi đôi với khắc phục kịp thời những lệch lạc trong báo chí, xuất bản và văn hóa, văn nghệ”. Nghị quyết V đã mở ra một luồng gió mới vào hoạt động sáng tạo. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được khai phóng. Mỹ thuật cả nước thực sự có cuộc chuyển mình. Hà Nội cũng vậy. Những phòng tranh cá nhân, triển lãm nhóm, liên tục được mở ra với nhiều
phong cách đa dạng, nhiều thủ pháp cách tân. Chưa bao giờ Mỹ thuật có nhiều hoạt động mạnh mẽ, sâu rộng đến thế, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đội ngũ sáng tác mỹ thuật phát triển đông đảo, đồng đều, trong đó sôi động nhất là lớp trẻ. Chính họ đã góp phần to lớn và năng nổ mở hướng giới thiệu tác phẩm ra nước ngoài, cộng tác và giao lưu với các nghệ sĩ quốc tế. Đã xuất hiện nhiều phong cách mới, hấp dẫn.
Mỹ thuật Hà Nội đã có bước chuyển biến rõ nét, phát triển nhanh, rộng và đều, đặc biệt là từ sau khi Hội Mỹ thuật Hà Nội ra đời. Hội Mỹ thuật Hà Nội được chính thức thành lập từ năm 1990, với tiền thân trước đó chỉ là một Phân hội nhỏ trong Hội VHNT. Sau khi thành lập, Hội đã có đầy đủ tư cách pháp nhân riêng, tài khoản, con dấu riêng, chủ động tổ chức cho hội viên dự các trại sáng tác riêng, mở các cuộc hội thảo khoa học riêng, chủ động giao lưu với các họa sĩ nước ngoài và giới thiệu với hội viên các thành tựu mới của Mỹ thuật khu vực và thế giới, tạo điều kiện nâng cao vốn hiểu biết cho anh chị em sáng tác, tăng cường khả năng tiếp thu, học hỏi tinh hoa của nghệ thuật tạo hình thế giới. Từ đó, sản phẩm nghệ thuật của anh chị em càng đa dạng cả về nội dung, đề tài, hình thức và thể loại. Hình tượng con người Hà Nội được phản ánh khá đa diện trên mọi khía cạnh của cuộc sống. Đa diện, năng nổ và tạo ra được điều kiện hòa nhập thuận lợi chính là đặc điểm nổi bật của nghệ thuật tạo hình Hà Nội giai đoạn này.
Nhiều tác giả Hà Nội xuất sắc đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT như các nghệ sĩ: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Đỗ Cung, Sỹ Ngọc... Nhiều tác giả khác được trao Giải thưởng Nhà nước, như Mai Văn Hiến, Nguyễn Thụ, Lê Công Thành, Đinh Trọng Khang, Vũ Duy Nghĩa, Trần Lưu Hậu, Lương Xuân Nhị, Tạ Quang Bạo... Nhiều tác giả được Giải thưởng Thăng Long, (sau đó đổi tên là Giải thưởng VHNT Thủ đô, trao 5 năm một lần) như Trần Tía, Trần Nguyên Đán, Đỗ Thị Ninh, Vũ Tiến, Hoàng Truyền,v.v...Và còn rất nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc khác được Giải thưởng từ các Triển lãm Thủ đô 10 /10 hàng năm; và Giải thưởng VHNT của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội (tổ chức 2 năm một lần). Tác phẩm của họa sĩ và nhà điêu khắc Thủ đô, cả số lượng và chất lượng đều có thể coi là đứng hàng đầu cả nước, và càng về sau càng chứa đựng nhiều tìm tòi, cách tân rộng rãi hơn về nội dung và hình thức, dù vẫn giữ cốt cách truyền thống văn hiến Thăng Long, tuy nhiên, cách thể hiện không chịu rơi vào bảo thủ, không bằng phẳng và đơn điệu, trái lại, luôn chứa đựng nhiều suy tư mới, với cách tiếp cận hiện thực luôn luôn mới, do đó, thủ pháp nghệ thuật cũng không hề chịu tự lặp lại mình bao giờ.
Hơn bất cứ ngành nghệ thuật nào, Mỹ thuật lại dễ thích nghi nhanh với nền kinh tế thị trường. Do đặc thù của sáng tác Mỹ thuật, vai trò từng cá nhân - là tư cách nghệ sĩ, thường xuyên đóng vai trò quyết định, từ khâu sáng tác đến khâu tiêu thụ sản phẩm, nên cũng có thể nói, giới Mỹ thuật có khả năng thích ứng với Đổi mới và Hội nhập nhạy bén hơn các ngành khác, Vì thế, hôm nay nhìn lại, chúng ta thấy, giới Mỹ thuật Thủ đô thường có tầm nhìn xa hơn, phóng khoáng hơn trong sự nghiệp sáng tạo, với ý thức công dân vững vàng, với tư chất nghệ sĩ đích thực, sẵn sàng đóng góp hết mình vào sự nghiệp chung.
3. Tương lai của nghệ thuật tạo hình Thủ đô.
Trong chủ trương chung, nhằm xây dựng một nền Công nghiệp văn hóa của Thủ đô hiện nay, hai ngành có thế mạnh nhất chính là Âm nhạc và Mỹ thuật. Âm nhạc và Mỹ thuật- bản thân nó đã tạo ra một thứ ngôn ngữ quốc tế, không cần đến sự trợ giúp của ngôn ngữ, mà nhân loại sẵn sàng thấu hiểu. Văn học và kịch bản (cả Sân khấu và Điện ảnh), luôn bị mắc kẹt trong rào cản dịch thuật, còn ngôn ngữ của Mỹ thuật và Âm nhạc ( nhất là nhạc không lời), tự nó đã là một thứ ngôn ngữ không biên giới, thứ nghệ thuật để giao lưu ở tầm nhân loại. Vì thế, khả năng quảng bá, lan truyền của nó rất cao, hoàn toàn có ưu thế tuyệt đối trong sự phát triển Công nghiệp văn hóa của đất nước.Tác phẩm nghệ thuật Việt Nam, thực tế đang được săn lùng trong các cuộc bán đấu giá ở nước ngoài, vì vậy, trong tương lai, nó sẽ ngày càng được đánh giá cao hơn trên thị trường nghệ thuật thế giới ./.