MỘT SỐ TRĂN TRỞ VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC TÁC PHẨM THAM GIA TRIỂN LÃM MĨ THUẬT THỦ ĐÔ

Ngày đăng : 11:49:51 24-03-2023
         Những thập niên gần đây, hoạt động nghệ thuật (NT) ở Thủ đô rất sôi nổi và khởi sắc. Riêng về lĩnh vực sáng tác, mỗi năm có hàng ngàn tác phẩm  nghệ thuật ra đời, trong đó có hàng trăm tác phẩm đoạt giải thưởng Thủ đô và toàn quốc. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm đỉnh cao tầm quốc gia, quốc tế làm rung động lòng người, “để lại dấu ấn cùng năm tháng” chưa nhiều. Điều trăn trở lớn nhất là, làm gì và làm thế nào để “Nâng cao chất lượng cho triển lãm mĩ thuật Thủ đô trong thời đại 4.0”, đang cần lời giải chính xác và thỏa đáng. Bài viết này, xin đề xuất 5 nhóm giải pháp, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và sau đại dịch Covid-19.
  • Một là, đổi mới nâng cao hiệu quả các trại sáng tác
         Mỗi năm, hội chuyên ngành Mĩ thuật Hà Nội đã tổ chức một số trại sáng tác (trực tiếp hoặc trực tuyến), thu hút nhiều hội viên tham gia, các họa sĩ tham gia đã sáng tác hàng trăm, vài trăm tác phẩm. Nhiều họa sĩ đã gặt hái một số giải thưởng khu vực, trong nước và quốc tế. Đây là niềm tự hào của giới văn nghệ sĩ và Nhân dân thủ đô.
         Để nâng cao thành tích, tạo bước đột phá, các Hội chúng ta cần tiếp tục đổi mới, năng động hơn nữa trong việc mở các trại sáng tác gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng chất liệu... Khích lệ hội viên tìm tòi sáng tạo để có tác phẩm hay hơn, độc đáo hơn, chất lượng hơn.
         Muốn vậy, khâu đầu tiên là lựa chọn trại viên có đủ đam mê, năng lực sáng tạo và sức khỏe. Tiếp đến, là khâu lựa chọn đề tài, tổ chức sáng tác, nghiệm thu, tổng kết, khen thưởng, quảng bá tác phẩm sau bế mạc mỗi trại. Nên mở trại theo chuyên ngành riêng (Sơn dầu, Sơn mài, Lụa, Đồ họa, Điêu khắc…) với không gian, thời gian, chỉ tiêu sáng tác phù hợp.
          Có thể khẳng định rằng, chất lượng tác phẩm là thước đo, là nền tảng tạo nên “thương hiệu”  Họa sĩ và tổ chức hội. Có những họa sĩ cả đời sáng tác hàng trăm (thậm trí hàng ngàn) tác phẩm nhưng chẳng ai biết tên. Ngược lại, có những  Họa sĩ chỉ cần một vài tác phẩm đỉnh cao là cả nước và thế giới biết đến, như 
Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) ...
Tô Ngọc Vân (1906-1954) ...
Nguyễn Tường Lân (1906-1946) ...
Trần Văn Cẩn (1910 – 1994) ...
Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016) ...
Dương Bích Liên (1924-1988) ...
Nguyễn Sáng (1923-1988) ...
Bùi Xuân Phái (1920-1988)
………………….
          Bên cạnh việc đầu tư đại trà, cần đầu tư trọng điểm cho các Họa sĩ có năng lực. Lấy chất lượng tác phẩm làm mục tiêu đầu tư, đây là khâu đột phá. Khuyến khích lực lượng sáng tác trẻ, sự tìm tòi, đổi mới, cách tân về nội dung và hình thức sáng tác. Thành quả các trại sáng tác cần được tuyên truyền, loan tỏa bằng nhiều hình thức, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam và quảng bá ra thế giới. 
  • Hai là, tổ chức tốt các cuộc thi sáng tác MT
         Đây là “sân chơi” bổ ích và lý thú của giới văn nghệ sĩ. Thông qua các cuộc thi (theo từng chuyên ngành), giải thưởng càng cao càng thu hút đông đảo Họa sĩ tham gia, là cơ hội để Họa sĩ thể hiện tài năng và khẳng định mình. Hàng chục năm qua, giới Họa sĩ Việt Nam tích cực dự thi các giải khu vực, quốc gia và quốc tế, thu về hàng nhiều giải thưởng, huy chương các loại. Vấn đề mấu chốt là cần đổi mới hơn nữa khâu tổ chức, chọn ban giám khảo, phương thức chấm và trao giải.
         Kho tàng tác phẩm dự thi ấy là nguồn tư liệu phong phú để báo chí khai thác, đăng tải, quảng bá hình ảnh đẹp về đất nước - con người Thủ đô đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ.
  • Ba là, đẩy mạnh hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm NT
          Đây là khâu yếu và hạn chế ở nhiều cấp hội. Bên cạnh Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, lí luận phê bình VHNT… sáng tác nhiều không có tiền in sách, nếu xếp hàng được tài trợ in sách, đa phần bán không ai mua, chủ yếu biếu tặng. Còn tranh, tượng chủ yếu phục vụ triển lãm, liên hoan rồi đưa về kho lưu trữ, không có đầu ra. Việc đăng báo - tạp chí, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương và Trung ương còn hạn chế.
          Tháo gỡ vấn đề này, cần làm đồng bộ, kiên trì, “tự cứu lấy mình” với phương thức “xã hội hóa” cao độ. Nghĩa là, cần liên kết “ba nhà” (Nhà nước, doanh nghiệp và văn nghệ sĩ). Hiểu theo khía cạnh kinh tế thì, văn nghệ sĩ cung ứng tác phẩm chất lượng cao để doanh nghiệp hoặc Nhà nước trả thù lao tương xứng (thực chất là mua tác phẩm).
          Hằng năm, Hội ta nên thường xuyên tổ chức tốt các “ngày” Mĩ thuật Thủ đô giống như  ngày: Thơ Việt Nam, Nhiếp ảnh Việt Nam, Âm nhạc Việt Nam,  Sân khấu Việt Nam…), Nên có sự giao lưu, phối hợp với các triển lãm mỹ thuật cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc…đó là dịp để giới văn nghệ sĩ công bố, giao lưu với công chúng và du khách thập phương. Với các cơ quan báo chí nên ưu tiên công bố tác phẩm của giới văn nghệ sĩ.
         Trong thời đại 4.0, các mạng xã hội Facebook, Zalo, Messenger, Youtube… là phương tiện “ngon, bổ, rẻ” miễn phí, lan tỏa nhanh rộng khắp, là xu thế thời đại. Mỗi văn nghệ sĩ nên sử dụng, làm chủ công nghệ, đăng tải những tác phẩm chất lượng tốt nhất khẳng định “thương hiệu” của mình và dễ dàng lan tỏa tác phẩm. Không nên dễ dãi đăng tác phẩm yếu kém về nội dung và nghệ thuật, hoặc bình luận nông cạn, cực đoan lên mạng xã hội. Bởi, mạng xã hội là hình ảnh, uy tín của chính văn nghệ sĩ với công chúng toàn thế giới. 
  • Bốn là, tăng cường hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, kết nạp hội viên trẻ
         Một trong những đặc tính của văn nghệ sĩ là “văn mình, vợ người”, văn mình thì hay, vợ người thì đẹp… đây là cái nhìn chủ quan, phiến diện nên từ bỏ. Thực tiễn hàng chục năm qua chứng minh rằng, nếu cấp hội, chi hội tăng cường, làm tốt hội thảo, tập huấn chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, thì chất lượng sáng tác và hoạt động NT khởi sắc, ngược lại thì sa sút, yếu kém. Thông qua sinh hoạt tập thể, ngoài việc cảm thông, thắt chặt tình đoàn kết, đông đảo văn nghệ sĩ còn được chia sẻ, nâng cao nhận thức về sáng tác, cảm thụ, phê bình tác phẩm NT.
         Vấn đề, đáng lo ngại hiện nay là tuổi đời bình quân của giới văn nghệ sĩ khá cao, hội viên là người dân tộc thiểu số còn ít. Do vậy, việc tạo nguồn, kết nạp hội viên trẻ (dưới 30 tuổi), người dân tộc thiểu số, những huyện, xã - phường quá ít hoặc chưa có hội viên là việc “cần làm ngay”.
        Hàng năm, cần mở các lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ cũng như thành lập, kiện toàn, đầu tư cho các câu lạc bộ sáng tác trẻ cấp quận và cấp huyện. Kịp thời, phát hiện những nhân tố trẻ, tài năng trẻ để ưu tiên bồi dưỡng kết nạp. Việc làm này, phải thường xuyên, liên tục, kiên trì. Chú trọng xây dựng đội ngũ lý luận phê bình NT có tâm - tầm - tài, đây là khâu yếu ở nhiều tỉnh thành và hội chuyên ngành chúng ta.
  • Năm là, Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của người làm công tác văn hóa nghệ thuật
         Đa số hội viên chúng ta không phải là người sáng tác chuyên nghiệp mà phải lo hoàn thành việc của cán bộ, công chức hoặc đơn giản là kiếm sống, sáng tác chỉ là công việc tay trái. Trong khi đó, văn học nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải “sống toàn thân, sống toàn trí, sống toàn hồn” (Xuân Diệu) cho công việc sáng tác như một tín đồ cuồng tín thì may ra mới có tác phẩm xuất sắc.Ít sáng tác là một trong những nguyên nhân làm cùn nhụt khả năng của người nghệ sĩ. “Văn ôn, võ luyện” - người xưa đúc kết không sai. 
 Ngoài nguyên nhân thuộc vấn đề tài năng là cái rất khó bàn, còn có những điều đáng cùng nhau suy nghĩ.
        Trước hết nâng cao chất lượng sáng tạo là nâng cao tầm tư tưởng tác phẩm.
 Chúng ta sống và sáng tác gắn với mảnh đất cụ thể từng dịa phương nhưng tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm không chỉ có ý nghĩa địa phương mà còn phải có ý nghĩa quốc gia, dân tộc, thời đại, nhân loại. Nghị quyết 05 (ngày 28/11/1987) của Bộ Chính trị về văn hóa, văn nghệ đã xác định: “Văn nghệ là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần và xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, của thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa, những công trình nghệ thuật được lưu truyền từ đời này sang đời khác, làm giàu đẹp thêm cuộc sống con người”(1). Như vậy, Đảng đòi hỏi ở văn học nghệ thuật sự kết tinh cao những giá trị tinh thần, những giá trị thẩm mỹ, có giá trị lâu dài.
 
        Là công dân Thủ đô, người nghệ sĩ có nghĩa vụ phải gắn bó với những nhiệm vụ chính trị có tính chất thời sự, giai đoạn của địa phương đồng thời phải hòa nhập vào đời sống của dân tộc và nhân loại để tạo nên những tác phẩm “thể hiện trình độ chung của đất nước, của thời đại”.
 
         Trước đây, do yêu cầu của cách mạng và kháng chiến, chúng ta tập trung vào những vấn đề của quốc gia, dân tộc, ít nói đến những vấn đề mang tính nhân loại. Giờ đây, trong điều kiện mở cửa, hội nhập, văn học, nghệ thuật vừa phải quan tâm đến những vấn đề của quốc gia, dân tộc, vừa phải quan tâm đến những vấn đề chung của nhân loại.Về một phía : thế giới tinh thần phức tạp, tinh tế của con người không phải là đã được khám phá và thể hiện hết.Một phía khác là những vấn đề như: Bảo vệ hòa bình trước nguy cơ chiến tranh hủy diệt, bảo vệ môi trường sống, khoan dung, đối thoại về văn hóa… Nhưng không vì thế mà lẫn lộn phải trái, chính nghĩa và phi nghĩa, xâm lược và chống xâm lược....
 
         Tự phê phán và phê phán trên tinh thần xây dựng là rất cần thiết . Văn học nghệ thuật là hình thái ý thức đặc biệt của con người. Nhưng trong tình hình hiện nay, phá hoại về nhân tâm, gây nghi ngờ hết thảy là rất nguy hiểm.. Không thể có tác phẩm văn học nghệ thuật được xem là hay,là đẹp mà lại quay lưng với những giá trị văn hóa của dân tộc, xa rời các giá trị chân, thiện, mỹ. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã chỉ rõ: “Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn của con người… Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”.
 
        Nâng cao chất lượng sáng tạo nghệ thuật còn là vấn đề sáng tạo cách thể hiện.
 
     Trong nghệ thuật chúng ta đều biết rằng nội dung nói cái gì? đã quan trọng nhưng quan trọng hơn là thể hiện bằng cách nào? Từ bản chất sáng tạo của văn nghệ, Nghị quyết 05 Bộ Chính trị chỉ rõ: “Đảng khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi và sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và mạnh mẽ trong sáng tạo nghệ thuật, trong việc phát triển các loại hình và thể loại nghệ thuật”(2). Nghệ thuật đồng nghĩa với sáng tạo. Tiếp xúc với tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự có giá trị chúng ta luôn luôn ngạc nhiên bởi khả năng sáng tạo khác thường của người nghệ sĩ.Theo quan sát của tôi nhiều văn nghệ sĩ chưa thật sự quan tâm đúng mức đến tính sáng tạo của tác phẩm.
 
 
       Sáng tác nghệ thuật không chỉ hướng tới cái hay, cái đẹp nói chung mà phải hướng tới cái hay, cái đẹp mới theo một cách riêng, không lặp lại.
 
       Thực tiễn sáng tạo nghệ thuật cho thấy không có cái mới chân chính nào cắt đứt với truyền thống.Tiếp nối và phát huy truyền thống văn học nghệ thuật của ông cha là rất quan trọng, nhưng nếu chỉ thế thôi thì chúng ta tự làm mình nghèo đi bằng sự tự thỏa mãn.Không ai cấm chúng ta tự làm giàu mình bằng việc tiếp nhận văn học nghệ thuật nước ngoài. 
Từ Đổi mới đến nay, nền nghệ thuật của chúng ta đang hiện thực hóa khát vọng tự do sáng tác của người nghệ sĩ, chấp nhận và khuyến khích mọi tìm tòi, khám phá về phương pháp sáng tác. Tự làm mới mình là không dễ nhưng trong lĩnh vực  nghệ thuật không có con đường nào khác. 
           Bản chất của công việc sáng tạo văn học nghệ thuật là tự vượt lên mình, vượt lên trước tầm đón nhận của công chúng.
 
           Để có tác phẩm hay đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có cả những yếu tố mà khoa nghiên cứu nghệ thuật học chưa hiểu hết. Vì vậy nên mới có người nói tác phẩm hay là do “trời cho”.Nhưng chí ít, cái ở trong tầm tay chúng ta có thể làm được là công việc sửa chữa, nâng cao tác phẩm của mình một cách miệt mài, nghiêm túc.
Người nghệ sĩ sáng tác dựa trên thực tế nhưng không phải là sao chép và mô phỏng cứng nhắc mà có những gia công về mặt nghệ thuật và gửi gắm vào đấy những tư tưởng thẩm mỹ.
          Nghệ sĩ cần nắm bắt kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, về VHNT nói riêng; tạo nền tảng cho tư duy, cảm xúc trong sáng tác các tác phẩm VHNT góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân..
         Cuối cùng để có được nhứng tác phậm nghệ thuật đích thực trong quá trình sang tác  đòi hỏi mỗi nghệ sỹ bên cạnh tài năng, năng khiếu, phải vươn lên là những nhà tư tưởng, vừa có tài, vừa có tâm, có tầm; bên cạnh đó, văn nghệ sĩ phải là những nhà đạo đức, làm gương cho xã hội, là những công dân với đầy đủ ý thức trách nhiệm, bổn phận đối với dân tộc, nhân dân, đất nước.
 
 
Tags: