Tác giả: Nguyễn Hữu Hạnh (sưu tầm)
Từ đứa trẻ con muốn kiếm đường thoát ra khỏi chốn đồng khô cỏ cháy cho đến hôm nay là một chặng đường dài giăng giẳng (1940 – 2005). Hồi ấy tay không, đầu trống, tôi đã làm liều bỏ cả gia đình, quê quán (làng Bích La Đông, Tỉnh Quảng Trị) ra đi Tây trong hàng ngũ lính thợ mà chính quyền thuộc địa Pháp bày ra để giúp đỡ mẫu quốc lúc có giặc ngoài xâm chiếm. Cũng hồi ấy tôi chưa biết chi hết, hay chỉ biết thế nào cũng phải bỏ ra đi, đi đâu cũng được, cốt là hòng may ra thay được hình đổi được dạng, tránh khỏi nghèo nàn lạc hậu.
Hơn một tháng tàu thủy đưa đến Maseli (2/1940). Cái xứ chi lạ. Đàn bà khộng bận quần (nhưng có váy), cây không có lá, ăn không dùng đũa, mưa không có nước, nước lại thành đá, đá chảy ra nước, con người hay giắt chó đi chơi, hôn hít chó mà không ăn thịt chó. Từ bở ngỡ này qua bở ngỡ khác. Nhưng đã làm cho đầu óc đứa trẻ nhà quê tìm hiểu, cái chi cũng phải học, học cho kỳ được, rồi kiếm đường học hỏi thêm vì cái gì cũng mới, cũng lạ, cũng muốn hết. Mà muốn biết thì chỉ có một đường là phải học. Học thầy học bạn, học người dưng, học đêm học ngày. Học từ lối ăn lối đi, lối làm, học văn hóa. Học ngoài sáng, trong tối, học khi đói học khi no.
Sau hai năm bị tù túng trong hàng ngũ lính tráng tôi quyết tìm cách lập thân, bỏ hàng ngũ tìm đường bay nhảy. Vừa đi làm công xưởng vừa đi học, không một nơi nương tựa, thiếu cả vật chất lẫn tinh thần may ra chỉ có tinh thần như sắt đá. Người xưa đã nói: “ Có công mài sắt có ngày nên kim”. Vừa học tiếng Pháp vừa học vẽ.
Vì sao lại học vẽ? Vì không một trường nào chấp nhận chân trong chân ngoài. Trường Mỹ thuật Toulouse đào tạo tôi ra người thợ vẽ (1942 – 1948). Trường đời đào tạo tôi ra con người kiên nhẫn, tháo vát, siêng năng, anh nhà nghề khó tánh, bướng bỉnh, cứng đầu, không chịu làm nô lệ một trường phái nào không chịu bắt chước ai, không Đông, không Tây, hiện đại hay sơ khai, hay tất cả thì cũng là tôi. Không nhắm mắt a dua, khen chê nịnh hót một trường phái nào, một tên tuổi nào, dù ông nào đi nữa cũng có cái tốt và cái không tốt. Có thích thì khen, có không thích thì nói không thích, cái gì cũng đưa ra phân tích, chọn lọc như người có tật. Đã biết thế nào mà vẫn chịu tật. Cho đến nhiều khi tôi không thích những cái của tôi sáng tác ra với mồ hôi nước mắt. Nóng tánh tôi đập phá tất cả, rồi hì hục làm lại thì cũng là tôi. Cái tôi ở đây thiếu mềm dẻo không biết uốn xương sống như nhiều người khác hay cúi đầu một tí làm xã giao. Đeo đuổi nghề nghiệp mấy chụ năm trời mà chẳng quen tay. Tuổi đã khá cao mà không thuần tánh. Ngày mới ra trường (1948) chân ướt chân ráo đã kiếm đường mò đến Paris tìm đàng bay nhảy. Người ta nói Paris là nơi mà anh tài tứ xứ tìm đến. Paris là kinh đô nghệ thuật cả loài người nhưng quên rằng muốn bay nhảy phải có cánh với có lông. Mình trần thân trụi, tôi không có cánh cũng chẳng có lông, nhưng tôi tin ở: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Ở đây, ánh sáng mặt trời chiếu xuống cho tất cả mọi người, ít phân biệt màu da, giàu hay nghèo. Quanh quẩn giữa Paris như người đầu đường xó chợ vì thiếu thốn tất cả. Nhất là ở giữa cái xã hội người ta rất lắt léo, rất bí mật, phải có một thứ văn hóa giáo dục riêng rất kín đáo. Phải biết lúc nào chèo, lúc nào chống, phải biết chỗ nào là bến đậu được, phải biết bến trong hay đục, lúc nào có gió, lúc nào mưa, nhiều khi phải có cả giáo dục gia, lại phải gặp thời phải biết mềm dẻo, phai biết nhìn xa nhìn rộng chứ chỉ cúi đầu bươn tẩu như chốn nhà quê thì hỏng mất. Có tài mà cậy chi tài. Phải đời gió mới phất cờ, phải biết chọn bạn mà chơi. Phải biết lúc nào chiếu tướng như đánh cờ. …
Rồi một hôm (1949) đi ngang qua con đường ngắn nhất của Paris, bên cạnh sông Sien, trước nhà thờ Đức Mẹ. Con đường mang tên “Con mèo đi câu” (La rue du chat qui pêche) không nhớ có hứng lên không nhưng vì hoàn cảnh, tôi vẽ mấy con mèo, mỗi con một nét bút. Lại kiếm được người bán mèo ở góc đường “Con mèo đi câu” và như vậy tôi mới biết bắt đầu đi câu. Sống nhờ mèo và ngày nay nhiều bạn vẫn còn nhớ được thưởng thức lúc hàn vi. Vẽ mèo là lối kiếm ăn. Vẽ ngựa là muốn chạy tới cho nhanh. Đủ thứ ngựa, đủ kiểu cách. Ngựa đứng, ngựa nằm, ngựa đen, ngựa đỏ và cả ngựa hai ba đầu. Ngựa cứ phi, tôi cứ vẽ. Ngựa đưa tôi vào đời ăn no mặc ấm. Vợ con thơi thới ra một tí, nhà cửa tốt hơn chuồng ngựa. Mấy tập sách ngựa, chỉ có hình không có chữ, mấy chục bản in màu trên đá, trên đồng. Tôi lại bày vẻ ra ngựa trắng in nổi, làm ra tập sách “Tám con ngựa” với anh bạn Chou – Ling người Trung Hoa, anh ta làm thơ rất ngắn như thơ Đường. Chữ và ngựa tôi tìm ra kỹ thuật in nổi trên một thứ giấy trắng làm bằng tay, không một tí màu sắc. Lần đầu tiên nhiều báo chí nói đến tập sách không màu, không rõ có giá trị gì không? Nhưng may quá sách bán hết ngay và được bày trong tủ kính giữa thư viên quốc gia ở Paris. Cao hãnh và sung sướng, hầu như ngày nào tôi cũng ghé đến ngắm mấy con ngựa của tôi đang phi trong tủ kính. Kỹ thuật chưa chu đáo, in ấn chưa hoàn chỉnh chỉnh nhưng cũng đã giúp tôi có can đảm và tự tin thêm tí nữa. Rồi tiếp đó, mấy chục bản in màu về ngựa mà mấy nhà buôn tranh đặt mua trước, mỗi mẫu in ra hai trăm bản mà không đủ. Hầu như ở bên Mỹ nhiều Cowboy trở nên giàu có, cần tranh ngựa. Nhiều phòng tranh có ngựa của Libidang. Cho đến khi tôi qua Mỹ (1971) đi quanh các bang làm triển lãm, người Mỹ gọi Libidang hoóc xít mà tôi không biết là ngựa của tôi. Ngựa cứ chạy, tôi cứ giục ngựa phi để mua xe hơi nhiều ngựa, mua nhà nghỉ mát bên bờ biển Mediterrannos ( Cannes).
Vì sao Cannes? Vì tôi muốn tắm chung nước biển cùng mấy ông vua bà hoàng. Tôi yêu ngựa vì nhiều lẽ, nhưng ngựa chẳng thương tôi. Nhiều lần tôi muốn làm hoanh cỡi ngựa cho sang nhưng ngựa quá khôn ngoan đâu có để cho tôi muốn làm chi cũng được như trong tranh. Ngựa làm cho tôi ngã lên ngã xuống, u đầu, chợt vai nằm mê mẫn mấy ngày. Nhiều người buôn tranh đến thăm và khuyên nên cẩn thận vì họ còn cần tay nghề. Tôi chắc là tánh mạng của tôi bắt đầu có giá trị Lại có người buôn tranh tốt bụng, muốn ký hợp đồng độc quyền. Tôi toàn vẽ ngựa, anh ta bán ngựa để tôi khỏi lo lắng chạy ngược chạy xuôi. Nhưng tôi đâu có phải là ngựa (đời trâu ngựa). Tôi từ chối ký hợ đồng để có tự do và hơn nữa trong đời đâu chỉ có ngựa là đủ và hơn nữa hồi này không phải chạy kiếm ăn, kiếm mặc nữa vì ngựa chạy thế cho tôi. Choáng váng cả con người, tôi khônghiểu vì sao người ta thích ngựa của tôi đến thế Có lẽ ngựa là con vật có hình thù trang trí, dễ xem chăng? Ngựa mang lại cho người ta hạnh phúc chăng? Hay là ngựa của tôi có cái gì đặc biệt mà tôi không biết? Có vài đồng nghiệp (có con mẹ bé tí mà cái mồm thì lớn) hay nói sau lưng: Lê Bá Đảng không phải là nghệ sĩ vẽ ngựa mà là nhà chuyên môn bán súc vật. “Mặc ai nói ngả nói nghiêng” Về phần tôi, tôi tin rằng có những linh hồn của người thân bên kia chín suối vẫn đeo đuổi và giúp đỡ tôi tỉnh táo lại, nhìn lại cuộc đời, không chỉ có tranh ngựa, có xe hơi nhiều ngựa là đủ. Tôi sống đầy đủ với ngựa nhưng ngựa là ngựa tôi vẫn là tôi. Thêm vào ngựa tôi hay vẽ thuyền bè, chài lưới, non nước, sơn thủy hữu tình. Ủy mị, đầy màu sắc nịnh hót con mắt người thường, muốn lôi kéo người mua tạo ra những phong cảnh chỉ có vui mắt bề ngoài mà thôi, thiếu hẳn bề sâu mà không biết. Mấy năm sau nhìn lại, thật như tranh “bờ hồ, bờ giếng”, càng nhìn càng xấu hổ.
Tình thế giặc giã trên quê hương tôi, dẫn tôi đến hình ảnh của đồng bào đau khổ rồi đưa tôi đến “phong cảnh bất khuất” (1970) tả con đường từ Bắc đến Nam mà báo chí Phương Tây ca tụng hàng ngày. Trong rừng sâu hiểm trở, trên núi dưới đèo, bom đạn liên miên, cài gì cũng chống lại con người. Khí hậu thất thường, nguy hiểm từng ly từng tý, nhưng con người vẫn sắt đá. Mạch máu hồng vẫn hồn nhiên xẽ lối đưa đường, tìm cách SỐNG. Đây là vạn cái đường mòn của xứ tôi. Đây không phải là xu hướng chính trị, phe phái mà là am hiểu cái tin tưởng, cái sáng tạocái gan góc của những người đồng chủng muốn sống, không chịu làm nô lệ, đem cả tài trí, sức lực và niềm tin để chống ngoại xâm. Người Trung Hoa xây Vạn Lý Trường Thành bằng gạch, bằng đá để ngăn cản ngoại xâm. Đồng bào tôi mở ra con đường mòn từ Bắc đến Nam với tài trí sức lực của kẻ yếu để tìm lẽ sống. Tôi đắp con đường với màu sắc, với mỹ thuật trong nhà cao cửa ráo ở giữa Paris, rồi đưa ra phô trương nhiều xứ để tỏ lòng kính trọng những ai đã không tiếc máu xương với con đường này.
Có gì tươi đẹp hơn không? Tranh của tôi mang tính cách mỹ thuật và tinh thần bất khuất hơn chi hết và tôi cao hãnh đưa đi bày nhiều lần, nhiều xứ, Thụy Điển, Pháp, Mỹ… Tôi đưa vào đây tất cả tâm hồn, tài nghệ và tấm lòng cao hãnh, kính trọng những con người không chịu khuất phục. Tựa đề triển lãm là: PHONG CẢNH BẤT KHUẤT.
Năm 1976 tôi được phép trở về thăm quê sau 36 năm xa cách. Có những con người quá cẩn thận, xách vali tôi đi xem xét thử có thiếu gì không? Có những người khác nhã nhặn tình cảm, đã xem tranh đọc báo về tranh tôi ở nước ngoài, đưa tôi đi xem con đường THẬT. Cám ơn những ai đã cho tôi đủ điều kiện nhẳm chân lên những bức tranh THẬT, cho tôi có dịp so sánh cái THẬT và cái tượng tượng. Mấy ngày đi dọc theo con đường mòn, người tôi như tỉnh như mơ. Tôi đinh ninh rằng nếu mang giá và cọ ra đây vẽ lại thì tôi chắc không làm được như ở Paris, vì hôm nay mất cả lòng tin mà tôi ấp ủ mấy năm trời.
Sau đây tiếp theo một giai đoạn rất quan trọng, xáo trộn cả đời tôi mà tôi không muốn kể lể làm đây chi. Nhưng lần đầu tiên tôi chứng kiến một cái chi đi trái lại với lẽ tự nhiên, với tình cảm con người, giữa những con người cùng chí hướng. Cắt mất cái thiêng liêng giữa dân tộc tôi và tôi. Cả dân tộc tôi thắng trận mà tôi thì mất nước. Nhưng dù sao tiếng hát đồng quê vẫn còn xao xuyến trong tôi:
“Còn trời còn nước con non
Còn cô bán rượu, tôi còn say xưa”
Có lẽ quá say sưa, quá thất vọng nên mấy tháng trời không làm ra gì được, đầu óc trống rỗng, cảm hứng bị cắt đứt, trí óc như kẻ thất tình. Mấy tháng trời sống trong ác mộng gay mà tả được, cả một tấn tuồng nhân loại. Tôi sống để ghét bỏ con người, mang súc vật tính.
Vợ con tôi mang lại cho tôi lẽ sống. Mấy tháng sau tôi bắt đầu vẽ hoa. Hoa là để cho sáng sủa hơn một tí. Hoa nở được trên cả bùn lầy nhơ bẩn. Hoa của tôi có khác gì hoa của các bạn tôi không? Hoa của bạn tôi có nhiều màu sắc, có cành, có nhụy, có cả cô gái cắm hoa chải tóc, đứng nằm mơ mộng, chiêm bao bên hoa hay đua sắc cùng hoa.
Hoa của tôi lạnh lẽo, ngây ngô, thô tục ô uế. Nhưng dù sao hoa cũng mang lại cho tôi đời sống bình thường. Nhìn hoa mà tưởng đến cành. Màu sắc hoa chỉ để che đậy cái xấu xa, cái nhơ bẩn, nhưng rồi hình thức hoa là hình thức giản dị, làm rùng rợn những con mắt của người khó tính.
Hết mùa hoa tôi lại vẽ người. Xưa nay tôi rất trọng con người như cậu mạ tôi gia đình tôi đã tạo nên nề nếp. Tôi vốn yêu con người, yêu sắc đẹp con người, cách cư xử của con người, tình cảm giữa con người mà từ nay có lúc đâm ra ghét bỏ con người, vì con người mất cả lương tâm, mất cả tính cách, con người thật. Đâu rồi: Chị ngã em nâng?
Đâu rồi: “Miếng khi đói đọi khi no”, “Anh em như thể chân tay” con người đâu mà trở thành không con người. Trong nghề vẽ, tôi không có tài, có khiếu để vẽ ra mặt ông này, chấm phá đít bà kia. Con người của tôi là bầy người trong tấn tuồng nhân loại thì tôi còn bêu nó ra mới thỏa. Cả một bầu trời thương ghét, chân thật, gian xảo, giả dối, nịnh hót, yêu thương, thù hằn, mánh lới, ăn cháo đá bát, dối thày lừa bạn, sống như đóng tuồng, đeo mặt nạ, lấy sức mạnh làm nền tảng, lấy tiền thay nề nếp cha ông, thay trắng đổi đen, xáo lộn cả tình cảm gia đình, bạn bè, anh em cùng chí hướng, xóa bỏ nền nếp của người xưa.
Tôi muốn bêu ra những cái ẩn núp trong da thịt, áo quần, mặt nạ mà con mắt tầm thường ít khi nhìn thấy hay phải cần đến con mắt của trái tim.
Bâng khuâng tôi đặt lại vấn đề, tất cả vấn đề trong nghề nghiệp và nhất là trong bạn bè, xã hội. Có tả được hay không là chuyện nhà nghề. Tôi cố làm cho bằng được qua tranh, sách, in ấn trên đá, trên kẽm, tượng bằng đồng, bằng gỗ, bằng đất nung. Nhiều khi trong những đống bẩn thỉu, ô uế mà tôi vẫn tìm thấy mặt từng bầy người ấy.
Tác phẩm của tôi có thể treo trên vách, để giữa bàn, bày trên kệ, choàng quanh cổ, gắn lên áo, cuốn vào tay, đeo lên vai, dấu trong tủ, chưng ngoài vườn hay để chửi bới mấy đứa thất tâm. Đã nhiều lần đưa ra bày tứ xứ mà chưa thỏa dạ, cho nên tôi còn quanh quẩn với con người để thương, để ghét. Có lẽ tôi còn tiếp tục mãi cho đến khi không thương, không ghét được nữa mới thôi.
Đấy cũng là một tấn tuồng, tấn tuồng lại đuổi theo tôi.
Một đoạn đời đen tối nhất trong đời tôi. Năm 1980, con trai độc nhất của vợ chồng tôi, đau ốm rồi bỏ chúng tôi ra đi. Khủng hoảng tinh thần, trí óc mờ ám, tâm hồn đen tối.
Tấn tuồng bắt đầu tấn công.
Bao nhiêu hình ảnh gia đình tan rã vì giặc giã. Trong lúc ba em tôi hy sinh, cậu tôi bị giết oan một cách thê thảm, vô chứng cứ, vô nhân đạo, mẹ tôi thiếu thốn, đau buồn cũng lìa bỏ con cháu ra đi về nơi chín suối. Nhà cửa cháy thành tro rồi gió lùa cả tro đi đâu mất. Cả một tấn tuồng mà con người là trụ cột. Con người nào?
Cậu mạ tôi ở bên kia cõi trần nhưng vẫn đeo đuổi phù hộ cho đứa con trai đầu lòng, giúp đỡ đứa con trở lại minh mẫn làm ăn, đeo đuổi nghề nghiệp như xưa.
Nhìn lại xã hội, con người với cặp mắt khác. Không chịu thua, mấy tháng trờ tôi làm được vài chục mẫu tranh in nhiều màu trên đá (thạch bản) mỗi mẫu in ra vài trăm bản. Rất nhiều tượng gỗ, tượng bằng thép đưa ra thị trường với đồ nữ trang, đồ nữ trang với mỹ thuật như những tác phẩm tí hon làm nên sang trọng, mở rộng thị trường, mở rộng tấn tuồng.
Trong tất cả các tác phẩm, tôi cố ý làm cho linh hồn con tôi lai vãng trong đây. Rồi tôi làm mộ con tôi bằng một thứ thiếc rất cứng và long lanh phản chiếu như gương soi. Trên mộ có hơn vài chục tượng nhỏ tả đời sống con tôi, có cây có lá xoay theo chiều gió đẩy, mấy ống sáo than van lúc gió thổi cũng bằng thép, có ngọn đèn leo lét đêm ngày, khói hương nghi ngút cũng hoa màu lục và màu trắng. Gắn bó sống với chết vào một khối. Nhìn vào mộ con tôi có mây, có sao, có mặt trời, chim bay, mây tỏa, trong cả bề sâu vô tận.
Có và không. Không và có.
Mỗi ngày chúng tôi ra mộ, tình cảm gắn bó, giúp chúng tôi sống lại và từ đây tôi tìm thấy một không gian mới lạ có hình ảnh con tôi. Ở đây tình cảm và mỹ thuật cùng nhau là một. Từ nay tôi ít nhìn thẳng vào con người và cảnh vật mà nhìn từ trên không nhìn xuống, từ nhiều khía cạnh, góc độ, như loài chim bay lượn hay như những nhà du hành vũ trụ. Con người không còn chi tiết rườm rà mà thiếu tinh khiết thì chả vào đâu?
Hình dạng con người là đủ, không gian của tôi riêng biệt phần tôi.
Mặc ai nói ngả nói nghiêng, tôi đây cứ vững như kiềng ba chân.
Tôi cũng không muốn dùng chất liệu quý hóa làm chi mà chỉ dùng chất liệu có sẵn chung quanh. Cũng không cần bày ra tranh hay tượng, hay kiến trúc mà là tất cả là một, miễn là vừa ý, vui lòng đẹp mắt là đủ.
Thừa dịp, tôi bày ra một thứ giấy gồ ghề như mặt đá với anh bạn người Pháp (Henri Dachane) chuyên môn làm giấy. Thứ giấy rất dày mà dễ xé, dễ cắt, dễ dán để thay thế các chất cũ. Với giấy, với cách tìm từ nhiều góc độ, với cặp mắt của trí óc, tấm lòng, bày vẽ ra một kỹ thuật mới không bắt chước ai hết, tạo nên một không gian Mới. Một thế giới riêng biệt phần tôi mà con người, tình cảm giữa con người vẫn giữ vai trò chính. Một lối không gian mang lại cái mới trong làng mỹ thuật quốc tế. Có cả họa, khắc, xây dựng, xã hội hài hòa tất cả để làm thành môt cái gì chưa có. Xáo trộn tất cả các đường mòn, nguyên tắc, trường phái, lí thuyết đã có
Người ta gọi “Không gian Lê Bá Đảng”.
Không gian của tôi chưng bày trong nhiều galery ở nhiều nước mà nhất là Mỹ và Nhật. Tôi sống bằng không gian của tôi, vật chất và tinh thần. Trên quả đất này có nhiều người ưa chuộng cho nên tôi cứng rắn nhưng không lẻ loi. May ra còn có những con người có tình người, có văn hóa, có hiểu biết, họ kính trọng nghệ thuật của tôi lẫn cả con người tôi, dù rằng tôi không phải giống nòi của họ. Họ mời tôi làm công dân danh dự một thành phố (New Orlians) lúc tôi đến làm triển lãm. Cùng lúc ấy bang Louisiana tuyên bố một ngày Lê Bá Đảng. Tôi rất sung sướng và cao hãnh. Họ cho tôi phần thưởng đầu tiên và mỗi năm phần thưởng ấy trao tặng cho một nhân vật có tài, có tình. Thành thật cảm ơn tất cả.
Họ suy xét tôi qua tác phẩm của tôi, cách ăn ở của tôi vì họ biết trong tác phẩm của tôi có đủ tất cả về tôi, dù có không đồng ý với nhau đi nữa cũng trong tinh thần cao cả của trí thức, của nhân loại khác hẳn với cái lối suy bụng ta ra bụng người, mình đã xấu thì mọi người phải xấu. Những người khác biếu tôi “Huân chương nghệ thuật Pháp” năm 1991.
Cám ơn và biết ơn mãi những ai xa gần đã biết tôn trọng nghệ thuật của tôi. Tôi yêu cầu các bạn đọc đừng nghĩ tôi muốn khoe khoang nhưng sự thực tôi cao hãnh là tôi xứng đáng là người con của cậu mạ tôi, xứng đáng với dân quê vùng tôi mà tôi vẫn gắn bó như chân với tay và họ gắn bó với tôi, nhìn tôi như hoa nở trên cây cổ thụ. Và mặt khác tôi cao hãnh sống trong xã hội người ta không bị khinh rẻ mà được chuộng nữa. Đến đây tôi cũng không quên bà xã tôi đã chịu đựng nhiều thiếu thốn vật chất những ngày đầu và tính nghệ sĩ của tôi cũng không dễ dãi cho lắm. Cũng không quên một nhóm bạn bè vẫn vun quén tình bạn từ ngày thiếu thốn cho đến ngày nay.
Xa quê hương xứ sở nay đã gần 65 năm rồi nhưng từ ý nghĩ sáng tác, cách sống vợ chống chúng tôi vẫn hướng về gia đình xứ sở. Gia đình rất đông anh em trai gái và sống với tinh thần thôn quê xứ sở, biết nhường cơm xẻ mắm, không hề xê xích. Gia đình lớn lên như nhóm cây xanh lá tốt thì thế nào cũng có sâu bọ chen vào. Và nhất là thời buổi này cái giống nòi mặc áo cà sa ăn thịt chó làm sao mà tránh khỏi.
Từ nay tôi cố phân biệt cái tốt và cái xấu trong con người tốt và xấu, nhưng tôi không phân biệt vẽ, nắn, khắc, xây dựng, viết hay gì gì đi nữa. Mọi nghệ thuật là một, đi vào cái đẹp là đủ. Kỹ thuật là chuyện chân tay, ý nghĩ là chuyện trí óc, còn chất liệu thì đâu chẳng có. Mà không có thì dùng cái không. Có thiếu thốn thì dùng cái nghèo. Dùng mãi cái không với trí óc, tình cảm thì thế nào cũng thành cái có. Đã có lý thuyết “sắc sắc không không” rồi cơ mà.
Lê Bá Đảng