Lược sử các Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam (phần 4- các kỳ MTTQ 1985, 1990)

Ngày đăng : 10:47:37 28-11-2024
Tác giả: Lê Hoài Linh (sưu tầm)
Khai mạc hồi 15h ngày 16/11/1985 tại khu triển lãm Vân Hồ. Đồng tổ chức: Bộ Văn hóa và Hội Nghệ sỹ Tạo hình Việt Nam (Hội MTVN đổi tên từ 7/10/1983).

12/ Triển lãm MTTQ lần thứ 12, năm 1985, nỗ lực vượt khó cuối thời bao cấp.

 Khai mạc hồi 15h ngày 16/11/1985 tại khu triển lãm Vân Hồ. Đồng tổ chức: Bộ Văn hóa và Hội Nghệ sỹ Tạo hình Việt Nam (Hội MTVN đổi tên từ 7/10/1983). Hồi ấy Khu triển lãm Vân Hồ vẫn còn là nơi “tá túc” của Xưởng MT Quốc gia (sau là Công ty MTQG), chưa xây lại như bây giờ. Rất tiếc, vựng tập MTTQ 1985 không in danh sách Ban tổ chức. Tổng số 716 tác phẩm của 506 tác giả từ 27 tỉnh-thành trong cả nước. Có 589 tranh của 419 họa sỹ, gồm 244 sơn dầu, 105 lụa-vải phin, 80 sơn mài, 14 sơn khắc, 44 bột màu, 65 khắc gỗ-khắc cao su-khắc thạch cao, 14 khắc đồng-kẽm, 8 in đá, 2 in lưới, 5 màu nước-mực nho/giấy dó, 2 chì màu, 2 tranh giấy (?), 2 tranh dán vỏ tràm, 1 acrylic. Điêu khắc có 127 tượng và phù điêu của 87 tác giả, gồm 34 gò đồng-nhôm, 32 tượng gỗ và chạm gỗ, 28 tượng thạch cao, 10 tượng đá, 7 đúc đồng-gang-nhôm, 6 bê tông-xi măng, 6 gốm-đất nung, 1 phối hợp đá-gỗ-sắt, 1 phối hợp gỗ-đồng-sừng, 1 bồi giấy trên thạch cao, 1 phối hợp thạch cao-nhôm. Có 80 tác giả nữ (gấp 4 lần MTTQ 1980), 16 tác giả dân tộc ít người (1980 là 12).Bối cảnh lịch sử: đất nước thống nhất đã 10 năm. Biên giới phía Bắc đang giảm dần tiếng súng. Bộ đội ta ở mặt trận Tây Nam đã đánh bại quân Pôn Pốt, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng, lập ra nước Cộng hoà Nhân dân CPC. Nhưng 1985 cũng là năm Gorbachov lên làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, mở ra công cuộc Cải tổ kỳ lạ mà ban đầu người Việt Nam chưa hiểu thực chất là gì, chỉ thấy viện trợ bắt đầu giảm. Đó cũng là lúc nước ta chưa hề có đổi mới và mở cửa nên đời sống đang hết sức khó khăn, thậm chí là đi xuống nếu so với giai đoạn 1975 - 1980.

 

Lê Anh Vân, Chiến lũy, sơn dầu, 1984

 

Đây chính là lúc dân ta buộc phải thật sự tự lực cánh sinh. Hoàn cảnh mỹ thuật: họa phẩm phải phân phối chặt chẽ ở Hội và các trường MT, kể cả hàng nội hoá như lụa Đà Nẵng. Các hoạ sỹ buộc phải biết thêm nghề thợ mộc để tự làm khung. Đánh vỡ khung kính còn đau hơn mất tranh. Và có lẽ đây là lúc dân ta phát huy sở trường ngàn đời: chỉ trong khó khăn mới tập trung sáng tạo để vượt thoát - xí nghiệp XTRAMYT ra đời tại Sài Gòn năm 1983 và bắt đầu bán sản phẩm từ 1984. Ai đã vẽ sơn đều biết: các màu đều có thể dùng tiết kiệm nhưng sơn trắng thì không. Do vậy mà hồi ấy thợ sơn chuyên nghiệp của trường Yết Kiêu là ông Dung được dịp hoạt động hết công suất: ông nghiền bột trắng với dầu lanh rồi rót vào trong vỏ tuýp thuốc đánh răng khá điệu nghệ. Chúng tôi chứng kiến đến cả danh hoạ như Bùi Xuân Phái và Văn Cao mà còn rưng rưng xúc động khi được biếu mấy tuýp trắng này. Mà cùng lúc ấy, thị trường chợ đen bắt đầu xuất hiện: sơn, màu nước, chì màu, phấn màu Liên xô và CHDC Đức bán ở Hàng Đào, chì đen từ 2B đến 6B và tẩy Tiệp bán ở Cửa Nam, bột màu bán lẫn vôi ve ở Ngõ Gạch, sau “chạy” sang phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội), lụa Trung Quốc theo đường tiểu ngạch sang ta, lụa Sài Gòn buôn ra Hà Nội, lụa Hà Nam đội danh Hà Đông để vẽ thì ăn màu hơn lụa Đà Nẵng, son sơn mài nội do nhà bà Khánh (vợ họa sỹ Hoàng Đạo Khánh) sản xuất.v.v… Một “đầu ra” kỳ diệu cho các hoạ sỹ: tranh lụa cảnh đẹp quê hương và gái xinh bán rất được khiến cho nhà nhà chuyển sang vẽ lụa và tận dụng mọi loại vải gần như lụa. (MTTQ 1985 có cả tranh vải phin của hoạ sỹ Tô Liên). Vựng tập MTTQ 1985: chữ màu cam trên nền bìa trắng, bên trong in ảnh đen trắng của 21 tranh, 6 tượng và danh sách tác giả- tác phẩm. Rất tiếc Lời nói đầu quá chung chung, chỉ đề cập đến chủ trương văn hoá- văn nghệ của Đảng và những đề tài chính. Cũng may còn có dòng thông tin: Triển lãm trưng bày 705 (con số này tính sai) tác phẩm chọn lọc trên tổng số 2.000 tác phẩm của các tác giả trong cả nước. Có lẽ việc in vựng tập rất cập rập nên phải kẹp thêm vào 1 tờ đánh máy bổ sung 9 tác giả (Mai Văn Hiến, Phan Gia Hương, Lê Lam, Đặng Công Ngoãn, Trần Công Phú, Khánh Phú, Mai San, Trần Tía, Hoàng Truyền).Giải thưởng MTTQ 1985 gồm đầy đủ các hạng Huy chương Vàng, Bạc, Đồng và Khuyến khích. 7 Huy chương Vàng trao cho các tác phẩm: Bên bếp lửatạc gỗ của Hứa Tử Hoài; Chiến luỹ, sơn dầu của Lê Anh Vân; Cắt tóc, tạc gỗ của Đào Phương; Qua chiến trường xưa, lụa của Nguyễn Thế Minh; Hồi ức về một con đường, sơn dầu của Đặng Đức Sinh; Tàn mà không phế (Anh thương binh), thạch cao của Phạm Mười; Rời lều cỏ, Bác tiếp tục hành quân, sơn dầu của Trọng Kiệm. 13 Huy chương Bạc trao cho các tác phẩm Thuyền về bến, khắc kẽm màu của Vũ Duy Nghĩa; bộ 3 tranh bột màu của Phạm Viết Hồng Lam gồm Cầu ao, Góc nhà nhỏ bé và Dậu râm bụt trước cổng, 2 bức chạm gỗ Uống rượu cần và Dệt khố của Đinh Rú; Bác Hồ đi chiến dịch, sơn khắc của Nguyễn Nghĩa Duyện; Phong cảnh, sơn mài của Phạm Việt Hải; Ngày hội Hai Bà Trưng, chạm gỗ của Phạm Văn Định; Chợ hoa ngày Tết, sơn mài của Đặng Thu Hương; bộ tranh Công nghiệp, khắc kẽm của Mai Khanh; Chiến thắng, sơn dầu của Thanh Châu; Trận địa mới, sơn dầu của Hoàng Trầm, Mặt trận phía nam cầu chữ Y, sơn mài của Huỳnh Phương Đông; Người xóm Chàm Phan Rang, sơn dầu của Nguyễn Vinh; Định canh định cư, mực nho của Huỳnh Văn Thuận. Huy chương Đồng kỳ này thật dồi dào, lên tới 34 chiếc, trao cho các tác giả: Nguyễn Thị Phi, Trần Thị Tú Miên, Lê Thị Minh Nhi (hoạ sỹ Phạm Mùi ký bút danh tên vợ), Cổ Tấn Long Châu, Trần Hùng, Trương Đình Hào, Đỗ Thị Ninh, Trần Trọng Vũ, Nguyễn Cao Thương, Phạm Đại, Lê Vân Hải, Dương Nguyên Phước, Quách Phong, Phạm Lung, Phan Bảo, Nguyễn Hồng Hưng, Phạm Nguyệt Nga, Nguyễn Văn Trường, Phan Kế An, Nguyễn Phúc Dự, Lương Xuân Đoàn, Trần Hay, Hồ Uông, Thái Hà, Mai Văn Kế, Bằng Lâm, Văn Thơ, Đào Minh Tri, Lê Thị Hiền, Đặng Quý Khoa, Lê Trọng Lân, Nguyễn Kim Xuân, Bùi Đình Lan, Nguyễn Đăng Khiêm. Riêng Giải Khuyến khích, do thiếu thông tin, chúng tôi chỉ biết 1 trường hợp là bức sơn mài Về phép của hoạ sỹ Trần Đốc. 

Những nét đặc biệt của triển lãm MTTQ 1985:

1/ Có 07 tranh to như bức sơn khắc của Thái Hà Rừng đước Cà Mau, 8 tấm, với kích thước lên tới 1m80 x 4m80, còn 5 tranh khác và 1 chạm gỗ khá to nhưng chưa cạnh nào dài tới 3m. Đó là Hàm Rồng quyết thắng, sơn mài của Văn Bình (2m25 x 1m91); Lam Sơn 1418, sơn dầu của Phan Bảo (1m85 x 2m65); Giải phóng, sơn mài của Quách Phong (2m45 x 1m25); Những người thợ dệt, sơn dầu của Phan Thăng (1m30 x 2m30), Phụ nữ Ấp Bắc chặn họng pháo Mỹ Diệm, sơn dầu của Kao Thương (2m95 x 1m25), Khúc quân hành, gỗ sơn thếp của Đỗ Quốc Vị (2m50 x 0m70). 2/ Có một số tác phẩm mini như Em bé, tượng đá của Nguyễn Minh Vũ chỉ cao 16cm, đặc biệt tranh khắc gỗ Sinh hoạt miền núi của Đỗ Đức chỉ có khuôn khổ 10 x 14cm, tức là đặt gọn trong lòng bàn tay.

3/ MTTQ 1985 đã có những tác phẩm lịch sử chính luận với chất lượng nghệ thuật tương xứng (đây vốn không phải là thế mạnh của mỹ thuật VN xưa nay) như Rời lều cỏ, Bác tiếp tục hành quân, sơn dầu của Trọng Kiệm; Bác Hồ đi chiến dịch, sơn khắc của Nguyễn Nghĩa Duyện; Bác Hồ ở chiến khu, tượng bê tông của Dương Nguyên Phước…4/ Một số tác phẩm đặc sắc năm 1985 chú ý đến những mất mát, đau thương, dằn vặt. Trên thực tế, ở giai đoạn 1981- 1985, sau những hào quang chiến thắng là lúc người Việt ta phải đối diện với những khó khăn truyền kiếp bên ngoài và đối mặt với những mất mát cùng cực của thời hậu chiến, những âu lo của đời thường bao cấp khốn khó cái ăn, cái mặc và nhất là của đêm trước Đổi mới ! Chúng tôi từng ngẫm nghĩ cùng bức tượng Tàn mà không phế của Phạm Mười và dằn vặt trước tranh sơn dầu Ở mỗi xóm của Đặng Đức Sinh, Tình cảm hoạ sỹ của Nguyễn Sáng hay Bài ca về ngã ba Đồng Lộc (Cắm tiêu) của Lê Huy Hoà… Chúng tôi cũng từng nao lòng trước Lá thư nhà trên đảo Trường Sa, sơn dầu của Phạm Mùi hay Hồi ức về những con đường, sơn dầu của Đặng Đức Sinh… cũng như nặng trĩu âu lo cùng những người đàn bà đang Chờ cá, sơn dầu của Đặng Chung hay Chờ con cơm chiều, sơn dầu của Nguyễn Trọng Khôi…

 

Vựng tập Triển lãm MTTQ năm 1985

 

Bì thư và giấy mời tham dự triển lãm MTTQ năm 1985 gửi họa sỹ Nguyễn Trọng Hợp

 

Hoa Thài Lài tím, Trần Trọng Vũ, sơn dầu

 

Một vĩ nhân từng nói (đại ý): Nỗi buồn cũng làm nên cái đẹp. 5/ Nhưng không chỉ có vậy, MTTQ 1985 cũng để lại những tác phẩm đẹp rực rỡ như: Hoa thài lài tím, sơn dầu của Trần Trọng Vũ; Phong cảnh, sơn mài của Phạm Việt Hải; Mùa xuân, sơn dầu của Đỗ Thị Ninh; Tắm sen, sơn dầu của Bùi Minh Dũng; Huyền thoại sông Đà, sơn dầu của Lò An Quang; Dấu vết khó quên, sơn dầu của Lưu Công Nhân; bộ 3 tranh sơn dầu vẽ Trường Sơn của Lương Xuân Đoàn; Anh bộ đội, khắc gỗ của Lê Trọng Lân; Thuyền về bến, khắc kẽm của Vũ Duy Nghĩa; tượng thạch cao Tiên Dung-Chử Đồng Tử của Hồng Hưng.v.v…   

Tags: