Xanh lá cây từ lâu đã được gắn liền với môi trường. Nhắc tới xanh lá cây, người ta thường liên hệ tới những điều tích cực như sự tươi mát, sự sống, sự tái sinh nhưng ít ai biết rằng, việc chế tạo ra màu xanh lá cây không phải là điều đơn giản bởi nó cần tới những hóa chất độc hại.
Ảnh: Stock Photos - Sweet Art/Shutterstock
Mỗi gam màu đều có một câu chuyện riêng và xanh lá cây cũng không ngoại lệ. Ngày nay, nhắc tới xanh lá cây là nhắc tới tự nhiên. Chất diệp lục là một loại sắc tố quang hợp được tìm thấy trong thực vật, giúp chúng giữ vẻ tươi mới, mơn mởn. Xanh lá cây xuất hiện khắp mọi nơi xung quanh chúng ta, nhưng ít ai biết được rằng nó từng trải qua một chặng đường lịch sử gian nan với nhiều thử thách. Trên thực tế, ở thời xa xưa, việc đưa màu xanh lá cây vào các bức họa hay trang trí đồ vật không hề dễ dàng bởi nó từng là một trong những sắc tố độc hại nhất trong lịch sử.
Ngay bây giờ, hãy cùng Designs.vn giải đáp vì sao một gam màu độc hại như vậy lại có thể trở thành biểu tượng của tự nhiên và sự giàu có, thịnh vượng.
Phải mất hàng thập kỷ thì con người mới chế được gam màu xanh hoàn chỉnh. Ở Ai Cập cổ đại, xanh lá cây là biểu tượng của sự đổi mới và tái sinh. Người Ai Cập cổ đại sử dụng khoáng chất đồng Malachit để tô lên bức tường lăng mộ, tuy nhiên, nó khá tốn kém và rất nhanh bai sang màu đen. Để khắc phục, người La Mã cổ đại nghĩ ra cách ngâm đồng trong rượu để tạo ra verdigris, màu xanh đồng có được sau quá trình phơi nắng phơi sương. Đây cũng chính là màu xanh bạn nhìn thấy trên các tấm tôn, những đồng xu cổ, hoặc các tác phẩm điêu khắc. Người Ai Cập cổ sử dụng nó để trang trí cho đồ khảm, tranh tường, hay kính màu. Màu xanh này cũng được sử dụng trong các bản thảo bởi các thầy tu trung cổ.
Ảnh: Stock Photos - Savanevich Viktar/Shutterstock
Đến thời kỳ Trung cổ, màu sắc đại diện cho từng tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Tầng lớp quý tộc sẽ diện những trang phục đỏ trong khi nông dân phải mặc màu nâu và xám. Còn xanh lá cây là dành cho các nhà buôn, chủ ngân hàng, và tầng lớp quý tộc nhỏ. Nhân vật cô dâu trong bức tranh The Arnolfini Portrait của họa sĩ Jan van Eyck (1434) mặc chiếc đầm màu xanh lá, biểu tượng cho địa vị và sự giàu có phía nhà gái.
Cũng trong thời gian này, người ta bắt đầu chế tác màu xanh từ các nguyên liệu tự nhiên, như là cây cỏ, tuy nhiên, nó lại rất dễ phai. Tới thời kỳ đầu Phục hưng, các họa sĩ như Duccio di Buoninsegna khám phá ra rằng nếu ông tô khuôn mặt với nền xanh lá rồi sau đó thêm màu hồng thì sẽ giúp cho khuôn mặt trở nên tự nhiên hơn. Tuy nhiên, nhiều thế kỷ trôi qua, lớp màu hồng đã bai đi, chỉ để lại màu xanh, khiến các khuôn mặt trở nên xanh xao, ốm yếu.
"The Arnolfini Portrait" (1434) - Jan van Eyck (Ảnh: Wikimedia Commons)
Năm 1775, nhà hóa học Thụy Điển Carl Wilhelm Scheele đã chế ra một màu xanh lá sáng sử dụng arsenite, một chất hóa học độc hại. Màu xanh Scheele được sử dụng phổ biến vào cuối thế kỷ 19 và đã soán ngôi của các loại màu nhuộm trước đó được chế từ khoáng chất hay thực vật - tuy nhiên, cái giá phải trả khi sử dụng chất nhuộm màu xanh này là rất đắt.
Màu xanh Scheele được sử dụng trên giấy tờ, rèm cửa, vải vóc, và thậm chí trên đồ chơi của trẻ em. Tuy nhiên, đến thế kỷ 19 xuất hiện một số bài báo phản ánh về việc trẻ em trở nên ốm yếu khi ở trong những căn phòng màu xanh sáng, hay những người phụ nữ cũng trở nên ốm yếu khi mặc những chiếc đầm màu xanh. Các nhà sử học thậm chí còn cho rằng chính chất nhuộm màu xanh này đã gây nên cái chết của Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte vào năm 1821 ởi căn phòng của ông cũng sử dụng giấy dán tường màu xanh.
Cuối thế kỷ 19 xuất hiện chất nhuộm xanh lá tương tự với tên gọi Paris Green (Xanh lá Paris), thay thế cho màu xanh Scheele. Mặc dù vẫn chứa độc tố, nó được sử dụng phổ biến bởi các họa sĩ Ấn tượng của Pháp như Claude Monet, Paul Cézanne, and Pierre-Auguste Renoir trong các bức tranh phong cảnh. Một vài người tin rằng Paris Green là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh tiểu đường của Cézanne và khiến cho Monet mất đi thị giác. Paris Green chính thức bị cấm vào thập kỷ 60.
"Mont Sainte-Victoire and the Viaduct of the Arc River Valley" - Paul Cézanne (1885) (Ảnh: Wikimedia Commons)