Lê Thị Lựu: Nữ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam

Ngày đăng : 10:53:59 06-12-2022

Bà được xem là nữ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Thi đỗ và tốt nghiệp thủ khoa khóa 3 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bà còn làm thơ và cộng tác với các tạp chí nổi tiếng một thời: Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới. Từ năm 1940, bà theo chồng sang sống tại Pháp và từ đó tới khi mất, bà đã có những hoạt động thiết thực ủng hộ phong trào kháng chiến trong nước (bà từng là thủ quỹ của Hội Văn hóa Liên hiệp Pháp cho đến ngày ký Hiệp định Geneve về Việt Nam).

Họa sĩ Lê Thị Lựu thời trẻ.

Trong hơn nửa thế kỷ sáng tạo, mặc dù số tranh bà để lại không nhiều và không phải bạn trẻ nào cũng biết đến sự nghiệp hội họa của bà, song với những người hoạt động trong lĩnh vực này, khi nhắc đến tên tuổi bà, ai nấy đều có một thái độ vị nể.

Họa sĩ Lê Thị Lựu sinh ngày 19/1/1911 tại làng Thổ Khối, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc về địa giới quận Long Biên, Hà Nội) và mất ngày 6/6/1988 tại Antibes (Pháp).

Bà là người phụ nữ thuộc tầng lớp tân tiến, tây học. Trong khi tuyệt đại bộ phận phụ nữ cùng thế hệ với bà vẫn còn nhuộm răng đen và bẽn lẽn ẩn mình trong những chiếc áo dài thâm thì bà đã mạnh dạn thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và thuyết phục gia đình cho học lớp vẽ tranh… khỏa thân. Năm 1932, ra trường với tấm bằng thủ khoa, Lê Thị Lựu trở thành cái tên được nhiều báo nhắc tới. Những bức tranh đầu tiên của bà đã được Hiệp hội Nữ họa sĩ và điêu khắc tổ chức trưng bày tại một cuộc triển lãm và giành được giải nhất. Ngay lập tức, nữ họa sĩ trẻ được kết nạp làm thành viên của Hiệp hội.

Trong 7 năm liền (từ 1932 tới 1939) kể từ khi ra trường, ngoài đam mê vẽ tranh, Lê Thị Lựu còn là cô giáo dạy vẽ tại các trường có uy tín thời đó như Trường Bưởi, Trường Hàng Bài (tức Trường Trưng Vương sau này), Trường làm Ren, Trường Hồng Bàng (Hà Nội) và Trường Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn). Họa sĩ Phan Kế An, một học sinh cũ của bà từng kể lại ấn tượng mà ông không bao giờ quên về nữ họa sĩ đẹp người đẹp nết này: “Trong lớp, bà đi đến từng học sinh, chỉ dẫn cặn kẽ cho mỗi người. Chỉ một thời gian, bà đã nhận ra những ưu điểm và nhược điểm của từng học sinh, ai chăm ai lười, bà đều nhẹ nhàng động viên khuyên nhủ”. Không chỉ có Phan Kế An mà không ít họa sĩ thành danh sau này đã nhận được sự chỉ dẫn ân cần của Lê Thị Lựu trong những bước đi chập chững đầu tiên của họ đến với hội họa.

Vào những năm giữa thập niên ba mươi của thế kỷ trước, phong trào Hướng đạo (một phong trào có phạm vi toàn cầu với mục đích trợ giúp giới trẻ trong việc phát triển tâm linh, tâm trí và sức khỏe để đóng góp cho xã hội) phát triển mạnh ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Là người có lối sống trẻ trung và luôn hướng tới các hoạt động mang tính cộng đồng, Lê Thị Lựu đã tích cực tham gia một nhánh của tổ chức này. Việc làm đáng nhớ nhất của bà với tư cách một thành viên của phong trào chính là: Khi tham dự Trại Họp bạn Hướng đạo toàn quốc tại sân Mayer – Sài Gòn, bà đã kết hợp sử dụng 5 thứ ngũ cốc để tạo thành một bức tranh chân dung ông Baden Powell – người sáng lập phong trào Hướng đạo thế giới. Bức tranh có kích cỡ 1m x 0,8 m được đặt trên con đường chính của trại. Không chỉ có vậy, nữ họa sĩ còn tham gia thiết kế mẫu huy hiệu “Hướng đạo Việt Nam” với biểu trưng được cách điệu từ hoa sen và mẫu huy hiệu này sau đó đã được nhiều báo giới thiệu.

Cùng với hội họa, Lê Thị Lựu còn làm thơ (ký bút danh Thạch Ẩn) và viết bài cộng tác với các tạp chí: Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới (ký bút danh Văn Đỏ). Năm 1939, bà lập gia đình cùng kỹ sư kiêm họa sĩ Ngô Thế Tân. Năm 1940, sau một trận ốm nặng, bà được đưa sang Paris chữa chạy và bà đã cùng chồng định cư tại đó. Trong thời gian nước Pháp bị Đức phát xít chiếm đóng, Lê Thị Lựu đã theo chồng sang làm việc tại châu Phi. Khi hai vợ chồng trở về Pháp thì cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta vào hồi cam go, quyết liệt. Với lòng yêu nước chan chứa, bà đã từ bỏ cuộc đời viên chức để mở một cơ sở nhỏ ủng hộ chính phủ và đồng bào trong nước. Đã không ít lần bà bị mật thám Pháp khám nhà và tra vấn. Rồi bà trở thành thủ quỹ của Hội Văn hóa Liên hiệp Pháp cho đến ngày ký kết hiệp định Geneve. Miền Bắc giải phóng, vì hoàn cảnh riêng, họa sĩ Lê Thị Lựu ở lại Paris, chỉ để mình đức lang quân trở về làm việc tại Việt Nam (ở Bộ Thương nghiệp). Cho tới năm 1959, ông Ngô Thế Tân bị bệnh nặng, phải qua Pháp điều trị và ông đã cùng vợ con ở lại đây cho đến cuối đời.

Trong hơn nửa thế kỷ sáng tạo, nữ họa sĩ Lê Thị Lựu đã để lại một khối lượng tranh không nhiều, chỉ chừng 300 bức. Đã vậy, phần nhiều trong số ấy bị thất tán. Rất may là một số bức tiêu biểu của bà còn được lưu giữ tại một số bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Phụ nữ và trẻ em là đề tài thường gặp trong tranh của Lê Thị Lựu (http://lethiluu.free.fr)
Phụ nữ và trẻ em là đề tài thường gặp trong tranh của Lê Thị Lựu (http://lethiluu.free.fr)
Phụ nữ và trẻ em là đề tài thường gặp trong tranh của Lê Thị Lựu (http://lethiluu.free.fr)
Kim Kiều gặp gỡ (http://lethiluu.free.fr)
Một trong những bức tranh vẽ cảnh hiếm hoi của họa sĩ Lê Thị Lựu (http://lethiluu.free.fr)

Theo các đồng nghiệp của Lê Thị Lựu kể lại thì không mấy khi bà hài lòng với những nét vẽ đầu tiên của mình. Thường thì bà cứ vẽ rồi lại xóa. Có những bức bà vẽ đi vẽ lại tới cả năm trời (như các bức “Kim Kiều gặp gỡ”, “Tam đại đồng đường”…). Hồi mới qua Pháp, nhận thấy lối vẽ của mình quá xưa cũ với trường phái Paris, Lê Thị Lựu đã rất băn khoăn. Thậm chí, có lúc thất vọng với năng lực của chính mình, bà đã tính quay hẳn sang chất liệu tranh lụa.

Lê Thị Lựu ít vẽ cảnh (chỉ vài bức bằng chất liệu sơn dầu), còn thì đa phần là vẽ người. Và nhân vật của bà chủ yếu là phụ nữ (ai đó đã gói gọn trong mấy chữ “thiếu”: thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi). Vẽ chân dung người đẹp, bà thực hiện theo đúng khuôn thước cổ điển: Mặt trái xoan, cân đối, hài hòa. Màu sắc mà nữ họa sĩ ưa sử dụng thường tươi sáng, mặc dù trong nét vẽ vẫn phảng phất đây đó một nét buồn thanh tĩnh. Xem tranh của Lê Thị Lựu, ta thường bắt gặp những cô gái có cái nhìn lơ đãng, thậm chí có lúc như đang chìm trong mộng mị. Về cơ bản, dù cả đời từng theo đuổi nhiều trường phái, khi Ấn tượng, lúc Cổ điển, song tranh của Lê Thị Lựu, ở những bức tiêu biểu vẫn thấm đẫm chất Á Đông. Và mặc dù rất ít vẽ tranh khỏa thân, song chỉ với một bức “Thiếu nữ tắm hồ sen”, ta có thể thấy được nét đẹp thẩm mỹ của bà.

Trên thị trường tranh quốc tế, tranh của Lê Thị Lựu có giá vừa phải. Cách đây mấy năm, trong phiên đấu giá “Tranh Đông Nam Á hiện đại và đương đại” tổ chức ở Hồng Kông, một bức tranh của bà được bán với giá nếu quy đổi ra tiền Việt là hơn 600 triệu đồng.

Lê Thị Lựu không phải là người “ảo tưởng” về tài năng của mình. Có lẽ vì thế mà trước đây, mức giá bà đặt cho các bức tranh cần bán cũng… khiêm tốn. Làng hội họa chẳng đã có câu chuyện như thể giai thoại sau đây: Vào năm 1987 (tức là trước khi bà qua đời một năm), một nhà môi giới nghệ thuật ở Anh đã tìm gặp Lê Thị Lựu để chọn mua một họa phẩm cho bảo tàng tại London. Cuộc trao đổi về giá cả bị nhầm thế nào đó, nên khi về nước, nhà môi giới nọ đã ký một ngân phiếu 400 ngàn bảng Anh, trong khi thực tế tác giả bức tranh chỉ đề nghị giá bán là… 40 ngàn bảng. Khi được ngân hàng tại Pháp mời ra nhận tiền, thấy số tiền lớn gấp 10 lần số tiền mình yêu cầu, bà Lựu vô cùng ngạc nhiên. Rồi bà cũng hiểu ra là có sự nhầm lẫn. Xét về góc độ pháp lý, bà hoàn toàn có thể hưởng trọn số tiền ấy. Bởi tại một số bảo tàng quốc tế, những nhà môi giới nghệ thuật uy tín thường có toàn quyền chọn tác phẩm và quyết định giá mua, và vì số tiền 360 ngàn bảng này vẫn nằm trong khung giá mà bảo tàng cho phép nhà môi giới quyết định.

Tất nhiên, với tư cách của mình, họa sĩ Nguyễn Thị Lựu đã trả lại người môi giới số tiền thừa nói trên. Và có lẽ nghĩ rằng đây là cách hành xử bình thường, nên bà cũng chẳng kể với ai chuyện này. Mọi người chỉ biết chuyện do chính nhà môi giới nghệ thuật người Anh cảm kích viết lại trong một cuốn sách….

Dương Đức (báo Văn nghệ Công an)

Tags: