Tác giả: Đỗ Ngọc Oanh (sưu tầm)
Tràn đầy tình yêu hội họa, tình yêu quê hương, đất nước, họa sĩ Bá Sơn (giảng viên Khoa Mỹ thuật, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh) đã đưa không gian làng quê Kinh Bắc với nét cổ kính, thâm trầm vào trong những bức tranh của mình như thể hiện trách nhiệm, nỗi lòng với quê hương. Với anh, mỗi bức tranh là một sự trải nghiệm, suy tư, trăn trở, qua đó giúp mỗi người tìm thấy chính mình trong đó.
Sinh ra và lớn lên ở thị xã Thuận Thành, vùng đất Luy Lâu cổ kính, trù phú đã gieo mầm trong lòng cậu bé Bá Sơn đam mê tìm hiểu và lòng tự hào về di tích lịch sử, phong cảnh làng quê. Hơn nữa, cậu còn được truyền dạy kiến thức hội họa từ một người thầy và cũng là người chú trong gia đình là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Nghĩa Duyện, nguyên Trưởng khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. “Ngày ấy, cứ thấy chú Duyện vẽ là tôi lại chạy sang chăm chú xem rồi yêu hội họa từ lúc nào không hay. Mỗi khi chú mang giá vẽ đi quanh làng để lấy cảm hứng vẽ là tôi lại lon ton đi theo. Tôi được chú dạy từ cách pha màu đến vẽ một bức tranh hoàn chỉnh. Hai chú cháu cứ thế đồng hành cùng nhau suốt những tháng hè”, họa sĩ Bá Sơn tâm sự.
Họa sĩ Bá Sơn say sưa bên giá vẽ.
Để theo đuổi ước mơ, năm 1998, Bá Sơn thi đỗ vào Khoa Sư phạm, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 1. Từ đây, cánh cửa hội họa mở toang với chàng trai trẻ. Anh được thầy cô là các họa sĩ hàng đầu của Việt Nam truyền dạy kiến thức về hội họa và sư phạm. Có niềm đam mê lại được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, anh dần trưởng thành. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Đại học, anh được mời về công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh. Năm 2011, anh tiếp tục được cử đi học Thạc sĩ chuyên ngành hội họa tại Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam. Công việc giảng dạy và sáng tạo nghệ thuật song hành, bổ trợ nhau giúp anh có thêm nhiều nguồn cảm hứng. Thấm thoát 21 năm đứng trên bục giảng, đến nay, họa sĩ Bá Sơn đã giảng dạy, đào tạo hàng trăm họa sĩ, giảng viên mỹ thuật cho tỉnh nhà. Hội họa là lĩnh vực có kiến thức rộng, cần sự siêng năng, sáng tạo, tâm huyết nên trong quá trình giảng dạy, anh luôn khuyến khích, động viên sinh viên có điều kiện hãy tiếp tục học cao hơn. Bởi thế, nhiều học sinh của anh sau khi tốt nghiệp trung cấp đã tiếp tục “dùi mài kinh sử” thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành hội họa tại Hà Nội. Nhìn vào quá trình công tác của họa sĩ Bá Sơn thì thấy một tinh thần vươn lên, cố gắng, quyết tâm, không ngừng sáng tạo. Anh đã dẫn dắt nhiều lứa sinh viên tham gia các giải do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, như: Triển lãm Mỹ thuật học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc. Năm 2008, anh được kết nạp vào Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh. Từ đó đến nay, anh thường xuyên tham gia triển lãm khu vực II Đồng bằng Sông Hồng, triển lãm nhóm tại Hà Nội, triển lãm tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang,… do UBND tỉnh Bắc Ninh, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức. Năm 2019, anh đã giành giải Khuyến khích Giải thưởng Mỹ thuật tỉnh Bắc Ninh với tác phẩm “Vụ bội thu của nhà nông”… Từ những thành tích đó, năm 2021, anh chính thức trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Chủ đề trong tranh của họa sĩ Bá Sơn rất đa đạng, mang đậm tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người. Các mái nhà rêu phong, cổng làng, đình, chùa và các làng nghề, như: đúc đồng Đại Bái, gốm Phù Lãng… đi vào trong tranh của anh với những nét vẽ tinh xảo, bay bổng và đầy lôi cuốn. Có thể kể đến một số bức tranh nổi bật của anh như: “Chiều thu”, “Nét xưa”, “Ngõ quê”, “Khu chung cư”, “Vụ mùa”, “Hoa mặt trời”, “Xóm nhỏ”… Sinh ra và lớn trên quê hương Quan họ, Bá Sơn cũng hướng ngòi bút vẽ về các liền anh, liền chị hát trên thuyền với mong muốn các thế hệ cùng nhau tiếp nối, gìn giữ và phát huy Quan họ trong đời sống mới. Như trong một bài báo, nhà báo Quang Khải khẳng định: “Khi ngắm tác phẩm trong triển lãm “Ngũ sắc” hẳn người xem không thể không xúc động trước một làng quê Bắc Bộ xưa được hoạ sĩ Bá Sơn tái hiện trong tranh đầy nên thơ, mộc mạc. Đó là chiếc cổng cũ với tường gạch rêu phong, lô xô những mái ngói thâm nâu. Đó là một ngõ quê đầy rơm cùng dáng mẹ tần tảo dắt con về trong một ngày tràn nắng… Từng mảng màu như hòa quện, đơn giản mà tinh tế. Những mảng vàng, mảng bạc, mảng trắng, mảng nâu như tĩnh lặng tôn những nét đỏ son chấm phá khiến không gian lãng mạn như một bài thơ”. Là người bạn gần gũi và thân thiết với họa sĩ Bá Sơn, họa sĩ Nguyễn Hồng Quang cho rằng, tranh của Bá Sơn có nội dung mộc mạc, giản dị, như: góc ngõ, đường làng, mùa vàng… nhưng với bút pháp phóng khoáng, màu sắc ấn tượng đã giúp người xem cảm nhận được vẻ đẹp của vùng đất và con người Kinh Bắc mến yêu. Qua đó, công chúng cũng thấy được tâm hồn và tình yêu của họa sĩ dành cho vùng quê Kinh Bắc. Còn theo họa sĩ Nguyễn Văn Trà, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh, người có nhiều năm công tác cùng họa sĩ Bá Sơn, cho rằng: “Họa sĩ Bá Sơn là người miệt mài, chịu khó, luôn mày mò, sáng tạo. Với nét vẽ tinh xảo, anh đã khắc họa được nét cổ kính, thâm sâu của làng quê. Những bức tranh của anh đã gợi lên được thâm niên, lịch sử của làng quê đó. Đây là điều mà không phải họa sĩ nào có thể làm được”. Họa sĩ Bá Sơn từng tâm sự, vẽ tranh không chỉ thỏa sức sáng tạo trong người nghệ sĩ mà còn là tiếng nói đầy trách nhiệm và yêu thương làm đẹp cho đời. Bởi thế mà ngày ngày trong căn nhà nhỏ ở phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh), họa sĩ gốc Thuận Thành vẫn say đắm, miệt mài trong từng nét vẽ những mong qua những bức tranh của mình, người xem sẽ nhận lại một điều gì đó. Đó có thể là trách nhiệm gìn giữ các giá trị xưa cũ, đồng thời có ý thức bảo vệ môi trường để các làng quê Kinh Bắc luôn hiện lên đầy đẹp đẽ, nên thơ, là niềm tự hào bất tận trong mỗi người dân tỉnh nhà.
Nhóm “Ngũ sắc" gồm 5 hoạ sĩ: Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Quang Pháp, Ngô Văn Sơn, Nguyễn Bá Sơn, Dương Văn Chung.
Phát biểu mở đầu triển lãm, ông Ngô Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật Nhiếp ảnh 29 Hàng Bài (Hà Nội) cho biết: “Nếu như những bức tranh của hoạ sĩ Nguyễn Bá Sơn tái hiện lại những hình ảnh làng quê Bắc Bộ thì tranh của hoạ sĩ Nguyễn Quang Pháp lại mang đến màu sắc tươi trẻ của tuổi đôi mươi. Ở tranh của hoạ sĩ Ngô Văn Sơn có các sắc màu chỉn chu, tinh tế thì các tác phẩm của học sĩ của hoạ sĩ Dương Văn Chung có đặc thù chung của vùng núi Tây Bắc. Các bức tranh của hoạ Nguyễn Hồng Quang lại tái hiện hiện thực cuộc sống. Ở đó có sự yêu nghề có sự tâm huyết và có bước đi rõ ràng trong sự nghiên cứu của mình”.
Người xem tranh thích thú với những hình sắc trong tranh.
Triển lãm tranh "Ngũ sắc" mở cửa từ 7/7 đến hết ngày 13/7.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận xét: “Nếu không có nền cốt của Ngũ hành, làm sao mà Ngũ Sắc đủ hình sắc để cất giọng muôn chiều ở mỗi chất liệu khác nhau, hòa điệu nhẹ nhõm với thiên nhiên của người Việt. Cách yêu làng, yêu quê chẳng ai giống ai. Chẳng ai mách bảo ai mà vẫn chung nhau sự bình dị, thân gần. Tranh của họ cứ làm ta nhớ ngày cũ ngày xưa, quê cũ quê xưa. Trời, nước, cây mây, lạ chưa, cơn cớ gì mà bạn và tôi phải thổn thức khi đụng chạm vào hình sắc nơi bức họa”.
“Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Bá Sơn, Dương Văn Chung, Nguyễn Quang Pháp, Ngô Văn Sơn cũng lạ khi họ chụm lại với nhau, buông những tiết điệu bí ẩn của Ngũ cung len lỏi trong hình hài của muôn vật như vừa muốn khoe lại vừa muốn cất giấu trong mỗi bức tranh”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết.
Một số hình ảnh từ buổi khai mạc triển lãm:
Tác phẩm “Lễ hội vùng cao” của tác giả Nguyễn Quang Pháp vẽ bằng chất liệu sơn dầu.
Tác phẩm “Xuân vùng cao” của tác giả Nguyễn Quang Pháp vẽ bằng chất liệu màu nước.
Tác phẩm Ngày vui của tác giả Dương Văn Chung vẽ bằng chất liệu sơn dầu.
Hình ảnh làng quê đầy ắp trong tranh.
Triển lãm tranh "Ngũ sắc" kéo dài đến hết ngày 13/7.
Người xem tranh tại triển lãm.