Cuộc sống đương thời là một nguồn cảm hứng lớn của họa sĩ Ấn tượng. Trong trường phái Ấn tượng, các bức tranh thường được vẽ rất nhanh cốt ghi lại ấn tượng tổng quát của tác giả với những khoảng khắc phù du thay vì tập trung vào chi tiết. Vậy nhưng, trên thực tế, không phải họa sĩ ấn tượng nào cũng sử dụng lối tiếp cận này bởi một số gương mặt trung thành của trường phái Ấn tượng lại chịu nhiều tác động của Trường phái Hiện thực và danh họa người Pháp Gustave Caillebotte với tác phẩm huyền thoại Paris Street; Rainy Day là một ví dụ điển hình.
Ra đời vào năm 1877, Paris Street; Rainy Day là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Gustave Caillebotte – nhân tố quan trọng của trường phái Ấn tượng. Ngay lúc này, bạn có thể thắc mắc rằng tại sao Paris Street; Rainy Day, với một lối tiếp cận khác biệt, lại được xếp vào danh mục các tác phẩm thuộc trường phái Ấn tượng. Để giải mã câu hỏi này, ta cần phải nhìn vào hoàn cảnh ra đời của bức họa, bắt đầu với cuộc đời và sự nghiệp của Caillebotte.
Danh họa người Pháp Gustave Caillebotte sinh năm 1848 tại thủ đô Paris, Pháp. Mặc dù luôn có một niềm đam mê lớn với hội họa, Caillebotte lại học Luật, trở thành một kỹ sư, rồi tham gia Chiến tranh Pháp-Phổ. Tuy vậy, tới năm 1873, ông theo học tại École des Beaux-Arts (“Trường dạy Mỹ thuật”), một năm sau đó, ông gia nhập Société Anonyme Coopérative des Artistes Peintres, Sculpteurs, Graveurs (“Hiệp hội Họa sĩ, Nhà Điêu khắc, Nghệ sĩ Khắc chạm”), một nhóm các họa sĩ tại Paris mà sau này được biết đến với tên gọi Ấn tượng.
Năm 1874, nhóm họa sĩ tổ chức tám buổi triển lãm độc lập với mục đích trưng bày các sáng tạo nghệ thuật tân tiến, đổi mới thay cho triển lãm Salon thường niên của Académie des Beaux-Arts (“Học viện Mỹ thuật”). Buổi triển lãm thu hút sự chú ý của Caillebotte. Trong một lần tới tham quan buổi triển lãm, Caillebotte nhận được lời mời trưng bày tranh tại triển lãm lần 2 vào năm 1876 – bao gồm tác phẩm Les raboteurs de parquet, hay còn được biết đến với tên gọi Thợ nạo sàn mà trước đó đã bị từ chối bởi triển lãm Salon.
Đáng ngạc nhiên, sự xuất hiện của Caillebotte tại buổi triển lãm Ấn tượng lần hai đã nhận được những phản ứng tích cực. Sự kiện này đã kết nối Caillebotte với hai gương mặt đầy tài năng của trường phái Ấn tượng bao gồm Edgar Degas và Pierre-Auguste Renoir, là bước đầu gia nhập trường phái Ấn tượng của Caillebotte. Đến năm 1877, người họa sĩ tiếp tục góp mặt trong buổi triển lãm độc lập lần 3 với tác phẩm Paris Street; Rainy Day bên cạnh một số tác phẩm nổi tiếng khác.
Paris Street; Rainy Day khắc họa lối giao tại thủ đô Paris hoa lệ trong một ngày mưa phùn. Tác phẩm lấy bối cạnh cụ thể tại Carrefour de Moscou (ngày nay là Place de Dublin) – một con đường ở quận 8 của Paris. Mặc dù hiện lên như một bức ảnh chụp nhanh, trên thực tế, bức tranh đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Xuất hiện đằng xa là công trình Haussmann thuộc dự án tái quy hoạch và hiện đại hóa thủ đô Paris của Pháp dưới thời Napoléon III; cận cảnh là con đường gạch phủ mưa; và những dòng người che ô lướt qua.
Xét trong bối cảnh hiện tại, chủ đề cuộc sống đương thời của Paris Street; Rainy Day có lẽ không phải điều gì quá mới lạ, tuy nhiên, ngược về thời điểm bức tranh được ra đời, khi mà hội họa Pháp vẫn chỉ đắm chìm trong những chủ đề về thần thoại, lịch sử, hay ngụ ngôn thì đó quả thật là một cuộc cách mạng hóa hội họa của trường phái Ấn tượng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa hội họa ấn tượng không hề chịu ảnh hưởng của các trào lưu/phong cách nghệ thuật. Trên thực tế, Caillebotte đã sớm biết đến và chịu nhiều tác động từ nghệ thuật nhiếp ảnh, bộ môn nghệ thuật mà em trai ông – Martial Caillebotte theo đuổi.
Ở giai đoạn đầu của trường phái Ấn tượng, nhiếp ảnh vẫn là một bộ môn vô cùng mới lạ. Hứng thú với loại hình nghệ thuật mới lạ sử dụng công nghệ, rất nhiều họa sĩ Ấn tượng, bao gồm Degas, một trong những người bạn thân thiết nhất của Caillebotte đã thử nghiệm cropping bức tranh như của máy ảnh. Lối tiếp cận này cho ra đời hàng loạt tác phẩm có kết cấu khác lạ, bất đối xứng.
Caillebotte không nằm ngoài số này, rất nhiều tác phẩm của ông, bao gồm Paris Street; Rainy Day có sử dụng kỹ thuật nhiếp ảnh. Cụ thể là ở cách họa sĩ sắp xếp nhân vật trong tranh – đặc biệt là nhân vật ở rìa bên phải của bức tranh thường chỉ xuất hiện nửa người, như vô tình đi ngang qua ống kính. Tương tự như vậy, một số nhân vật khác có thể bị che lấp bởi người qua đường, những chiếc ô hay một con ngựa.
Ngoài kỹ thuật cropping, Caillebotte còn áp dụng một kỹ thuật nhiếp ảnh khác đó chính là kỹ thuật lấy nét và làm mờ. Cụ thể hơn, các nhân vật ở gần ống kính máy được khắc họa rõ nét nhất và mờ dần về phía sau.
Paris Street; Rainy Day thuộc quyền sở hữu của gia đình Caillebotte cho đến năm 1955, sau khi nó được mua bởi nhà sưu tầm nghệ thuật nổi tiếng Walter P. Chrysler Jr. Gần một thập kỷ sau, Chrysler đã bán bức tranh cho công ty môi giới tranh cổ Wildenstein and Company và sau đó vào năm 1964, công ty này lại tiếp tục chuyển giao bức tranh cho Viện Nghệ thuật Chicago.
Gần 65 năm sau, Paris Street; Rainy Day vẫn tiếp tục là một điểm sáng của bộ sưu tập tại bảo tàng. Tương tự các tác phẩm hội họa khác được lưu giữ và trưng bày tại Viện Nghệ thuật Chicago – bao gồm tác phẩm A Sunday Afternoon on the Island of La Grande Jatte, Nighthawks, và American Gothic – Paris Street; Rainy Day đã chứng minh rằng đôi khi, kiệt tác nghệ thuật có thể bắt nguồn từ những chủ đề nhỏ bé, đơn giản nhất.