Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng là một bức tranh sơn mài độc đáo bậc nhất của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Tác phẩm đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội và được coi là bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam trong hội họa.
Buổi lễ kết nạp Đảng đặc biệt
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là một mốc son lịch sử đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, đưa cuộc đấu tranh của dân tộc vào thời kỳ phát triển mới. Đảng trở thành lẽ sống của nhiều thanh niên ưu tú.
Năm 1954, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam. Gần chín năm sau chiến thắng “chấn động địa cầu” ấy, họa sĩ Nguyễn Sáng sáng tác bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” bằng chất liệu sơn mài, khổ 112.3x180 cm.
Không lãng mạn và đậm chất thơ, không bi lụy hay rực rỡ, giây phút tự hào nhất của những người lính cách mạng giữa khúc tráng ca Điện Biên đã để lại một cảm xúc mãnh liệt với người xem bởi những gam màu biết nói cùng tài năng của người họa sĩ.
Vẫn là những chất liệu quen thuộc của sơn mài, nhưng toát lên từ bức tranh lại là màu vàng nâu của đất, màu đỏ của khí thế chiến đấu và niềm tự hào khi người chiến sĩ Điện Biên được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Nguyễn Sáng đã chọn nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Có thể cảm nhận được không gian trang nghiêm của buổi kết nạp Đảng được diễn ra chóng vánh trong không gian chiến hào chật hẹp giữa thời khắc cam go giữa hai trận đánh. Người chiến sĩ được kết nạp Đảng (đầu quấn băng trắng) tay cầm súng, mắt nhìn nghiêm nghị về phía lá cờ Đảng trên vách hào. Các nhân vật không xuất hiện với vẻ nghiêm nghị như thường thấy, mà đều ở trạng thái chuyển động: Một chiến sĩ đỡ đồng đội bị thương (ở góc trái), một chiến sĩ hối hả chạy ra trận (trong phần hậu cảnh), các nhân vật ở trung tâm bức tranh gắn kết với nhau bằng cái bắt tay đầy quyết tâm… Tất cả được kết nối với nhau một cách chặt chẽ để tạo thành một chỉnh thể ấn tượng.
Giờ phút kết nạp Đảng thiêng liêng được thể hiện một cách giản dị trong một không gian nén chặt, mang đến cho người xem cảm nhận sâu sắc về sự khốc liệt, không khí căng thẳng của chiến tranh. Hình ảnh các chiến sĩ kết nạp Đảng nơi chiến hào là sự tượng trưng cho đỉnh cao của tinh thần cách mạng, toàn dân một lòng với Đảng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bức tranh như lát cắt của không gian chiến trận, có mất mát, có hy sinh, có quyết tâm và một niềm tin vững chãi: Đảng tiếp thêm sức mạnh để các anh xiết chặt cây súng xông ra chiến hào chiến đấu với kẻ thù.
Ở bức tranh này, họa sĩ Nguyễn Sáng đã thành công trong xử lý màu sắc, đưa màu đất của chiến hào làm nền cho hình ảnh các chiến sĩ trong tranh. Màu vàng son ấm áp như thửa đất vừa lật lên, nóng hổi mồ hôi, xương máu của chiến trường.
Bảo vật quốc gia
Trong không khí hân hoan mừng Đảng tròn 90 mùa xuân, tôi tìm đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) để một lần nữa được ngắm nhìn bức tranh kinh điển này của họa sĩ Nguyễn Sáng.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, từ việc gạn lọc ra những chi tiết đắt giá, họa sĩ Nguyễn Sáng đã nâng tầm khái quát cho tác phẩm để làm nổi bật lòng yêu nước, niềm tin vào Đảng và tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến đấu của những người chiến sĩ Điện Biên. Tác phẩm thành công không chỉ vì thể hiện một đề tài lớn, đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài Đảng, Bác Hồ mà bởi chính giá trị nghệ thuật tự thân của nó.
Còn họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: “Trên đất nước ta, đã có hàng triệu buổi kết nạp Đảng, nhưng “nhìn” ra vẻ đẹp của nghi lễ trang trọng này, trong hội họa chỉ có một Nguyễn Sáng với buổi “Kết nạp ở Điện Biên Phủ” mà thôi”.
Với giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg (ngày 30-12-2013) của Thủ tướng Chính phủ.
Cho tới bây giờ, bức tranh “Kết nạp Đảng ở chiến hào Điện Biên Phủ” vẫn là đỉnh cao của dòng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương niên khóa 1941-1945. Ông quê ở làng Điều Hòa tỉnh Mỹ Tho nay là Tiền Giang, nhưng thành danh ở Hà Nội. Đã có lần ông nói “không có Hà Nội thì không có Nguyễn Sáng”. Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Sáng được tôn vinh là bậc thầy trong hội họa và người mở đầu cho trào lưu sáng tạo mỹ thuật hiện đại trên nền tảng nghệ thuật của ông cha để lại. Ông dẫn đầu trong bộ tứ thứ hai của làng hội họa Việt Nam với câu vinh danh: “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”. Tên tuổi của ông được ghi trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật năm 1996. |