Người có chuyên môn đánh giá mạnh về học thuật, người “nội tâm” nặng về cảm xúc kết nối, người “lý trí” nặng về phân tích đánh giá,… Rốt cuộc, tất cả chỉ là quan điểm cá nhân, không có một nguyên tắc nào là bất di bất dịch.
Tôi nghĩ cuộc sống đa dạng vì mỗi người mỗi quan điểm, mỗi người mỗi trải nghiệm, mỗi người mỗi cảm xúc và suy nghĩ riêng. Trong hội họa, khi đi xem các cuộc triển lãm, tôi thấy các họa sĩ và giám tuyển thường nhìn nhận về tranh của người khác từ góc nhìn học thuật, bố cục, chất liệu, nội hàm… để rồi đi đến kết luận về vị trí… của họa sĩ đó. Tuy nhiên, dù ý kiến đó phát xuất từ một người có học vị tốt, thì tất cả cũng đều là ý kiến chủ quan. Bởi nó được chi phối bởi tư tưởng riêng của anh ta, và trải nghiệm – kinh nghiệm sống của anh ta. Dù anh ta có cảm thán rằng “Khách quan mà thấy, tranh ông này rất dở!” Thì từ “khách quan” đó không thể là “khách quan” đích thực (tức không bị chi phối bởi ý kiến chủ quan). Lời nói của anh ta đều rút ra từ suy nghĩ và thậm chí là cảm xúc của anh ta. Và rằng, dù 100 người cùng đều nói rằng “tranh ông này” rất dở, điều đó không có nghĩa rằng nó “khách quan” thật sự mà về bản chất, 100 con người đánh giá này đều bị chi phối bởi một tư tưởng chung về cái đẹp. Như vậy, rốt cuộc, khách quan là khi người ta không bị chi phối bởi tư tưởng nào. Mà nếu thế, thì chỉ có duy nhất một trường hợp “trong thấy chỉ có thấy”, chứ không cổ súy đẹp hay xấu.
Tiêu chuẩn về cái đẹp mang tính khái niệm và là một thước đo dựa trên “tư tưởng” của một cộng đồng chung, khi mà họ chấp nhận điều đó. Và rồi có ngày, họ cũng có thể không còn chấp nhận điều đó nữa. Nó có thể biến đổi. Trong thế giới nghệ thuật mang tính thị trường, người ta bắt buộc phải nương tựa vào điều này để đánh giá. Đó là câu chuyện của thị trường, tôi nghĩ phê phán hay lên quan điểm thì cũng chỉ mang tính tương đối. Vì thế, khi nghe người khác đánh giá nghệ thuật nói chung hay hội họa của ai đó nói riêng, tôi tôn trọng ý kiến của họ. Điều quan trọng là tôi có chính kiến quan sát riêng của mình, và không bị chi phối bởi CHỈ học thuật, cảm xúc hay tư tưởng. Trong kinh nghiệm của mình, tôi chỉ có thể nói rằng, đôi khi mình cần vượt qua được điều đó để đi đến đúc kết một giá trị mang tính phản tỉnh nhiều hơn là phán xét.
Làm nghề nào, như họa sĩ, viết lách,… tôi nghĩ điều quan trọng là nội tâm phải vượt qua được sự khen và chê của giới học thuật, có chuyên môn, đến những “tay mơ”… Điều mà người họa sĩ, cây viết,… có thể độc lập tư tưởng là khi họ tin tưởng vào chính mình, và trong sáng tạo và đời sống, họ không làm hại mình và hại người. Tất nhiên, họ cũng cần quan sát lại bản thân rằng mình có thói định kiến bất cứ người nào khác hay không để sửa đổi. Tôi nghĩ lúc đó, nội tâm của họ mới vững mà không bị lệ thuộc vào đám đông.
Sự khen chê, hiểu nhầm, bôi nhọ,… trong ngành sáng tạo nói riêng và trong cuộc sống nói chung là một điều quá phổ biến, mà không cần phải đào sâu bàn luận. Quan trọng là khi sáng tạo, chúng ta biết rằng sáng tạo đó là một phương tiện để mình phản tỉnh lại chính mình. Vì nghề đơn thuần là cầu nối để ta biết mình. Chứ không phải là một mục tiêu mà ta tìm kiếm để khoác lên cho mình một chiếc áo thành công vô thường, vì rồi nó cũng sẽ mất đi khi mình về với cát bụi.
Tôi không cổ súy cho việc nghệ thuật là phải có học thuật không, phải có câu chuyện không, phải có tính kết nối với khán giả không… Vì đó đơn thuần là duyên, chứ cái gốc rễ vẫn là nơi nhận thức và hành vi của người sáng tạo. Vì tất cả những gì biểu hiện lên tranh, điêu khắc,… đều “trổ” ra từ nội tâm của họ. Vì thế, câu chuyện tâm hồn mới quan trọng, vì đó là “nhân” đẻ ra “quả” là nghệ thuật.
Rốt cuộc, khi chiêm ngưỡng một tác phẩm, tôi thường cảm thấy giá trị của nó nằm ở chỗ tôi học được điều gì về giá trị chân – thiện – mỹ trong cuộc sống. Giống như một cuốn sách, giá trị của nó nằm ở sự đọc để chiêm nghiệm được sự thật, thì ở một bức tranh, giá trị của nó nằm ở chỗ thưởng thức để có gì đó quý giá vừa khởi sinh trong tâm hồn mình.