Họa sĩ Phạm Hầu

Ngày đăng : 15:28:02 26-10-2022

Năm sinh: 02/03/1920 tại Điện Bàn, Quảng Nam
Năm mất: 03/01/1944 tại Huế
Phong cách nghệ thuật: Vẽ tranh, thơ
Các tác phẩm chính: Cô đơn (Hòn đá rêu xanh), Chiều buồn, Vọng hải đài, Lý tưởng

Phạm Hầu sinh ra trong một gia đình nho học ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là Phạm Liệu, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898), đứng đầu trong “Ngũ phụng tề phi” xứ Quảng, làm Thượng thư bộ Binh đời vua Bảo Đại. Lúc Phạm Hầu mới sinh ra, cha ông đã cảm tác bài thơ đặt tên cho ông:

Bút tích của bà Phạm Thị Lộc (chị ruột Phạm Hầu) ghi lại bài thơ đặt tên con của Tiến sĩ Phạm Liệu

“Nhờ phước ông bà có được con
Tai to mắt lớn mặt vuông tròn
Hầu sao giữ được tâm như tướng
May có duyên gì với nước non”

Lúc sinh thời, bà Phạm Thị Lộc (chị ruột của Phạm Hầu) kể lại : “Khi sinh đúng con trai, cha tôi đặt tên là Hầu, chữ đầu của câu thơ thứ ba. Cậu bé khôi ngô, tuấn tú, cha tôi rất vui sướng. Nhưng càng lớn, tâm càng sáng rỡ, thông minh thì thân thể cậu lại hay ốm yếu, eo oặt… Chú ấy thường sống gần với cha chúng tôi nhiều hơn ở kinh đô Huế. Cũng như các anh chị, chú Hầu được học hành đỗ đạt hanh thông, đậu Thành chung tuổi 18 ở Huế, rồi ra Hà Nội học, chỉ có hè mới về quê với các anh thăm làng, thăm bà con”.

Phạm Hầu theo gia đình ra học ở Trường Quốc học Huế. Sau đó, ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 13 (1939-1944), cùng khóa với các họa sĩ Trần Đình Thọ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Trọng Hợp và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim… Phạm Hầu có nét đặc biệt hơn các bạn họa sĩ là anh rất yêu thơ, và thích gặp gỡ, kết bạn với những nhà Thơ mới nổi tiếng như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên. Thậm chí anh còn ở chung phòng với Lưu Trọng Lư.

Về hội họa, anh đã để lại ấn tượng cho người bạn họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp: “Anh Hầu thích dùng màu xanh lam, lam hơi tím một chút. Đó là màu nền các bức tranh của anh, và là màu tâm hồn anh đã phủ lên tranh. Sau mỗi lần nghỉ hè về, anh Hầu bày tranh cho xem. Tranh anh có nhiều sáng tạo, vẫn màu lam nghiêng tím chủ đạo ấy, cảm thấy đẹp, có gì đó cô đơn, lạ lùng. Mỹ thuật mỗi khi nó vào người, nó giữ lại, nó lại lâu, mới lạ đến thế.”

Trong một cuộc triển lãm quốc tế tại Tokyo (1940), tác phẩm “Cô đơn (Hòn đá rêu xanh) của Phạm Hầu đạt giải nhất, chứng tỏ khả năng hội họa của Phạm Hầu không phải tầm thường. Họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp nói thêm về tranh Phạm Hầu: “Nó trầm lắng. Trong nghề, có trình độ chênh nhau, mà bị cuốn hút, bị rung động, nó đẹp, nó cô đơn, mà đó, đó chính là cái màu nền nghệ thuật mà Phạm Hầu sử dụng, đó chính là tính cách của con người Phạm Hầu, đó là nghệ thuật của Phạm Hầu và thành công của Phạm Hầu, không dễ gì tranh của một họa sĩ, sau 50 năm lưu lạc không còn thấy lại một lần tranh của họ, mà mình vẫn còn bị ám ảnh bởi cái màu tranh nghệ thuật ấy…”.

Theo thời cuộc, hầu như tranh của Phạm Hầu bị thất lạc. Trong tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du năm 1942, còn lưu lại bức tranh minh họa “Dập dìu lá gió, cánh chim” của Phạm Hầu. Vào tháng 5/2017, nhà văn Hòa Văn (quê làng Đông Bàn, xã Điện Trung) công bố trên blog của mình bài viết “Tìm thấy một họa phẩm của họa sĩ Phạm Hầu”. Đó là bức chân dung ông thợ mộc Trần Văn Anh cùng làng Trừng Giang với họa sĩ, vẽ bằng bút chì đường nét còn tốt. Tác giả dẫn lời ông Trần Cao Hoang (tên thường gọi Trần Văn Quận, cháu nội ông Trần Văn Anh hiện ở làng Trừng Giang) cho biết, ông Anh làm thợ mộc, thường hay đóng cho nhà ông Phạm Liệu các đồ gia dụng bằng gỗ. Hôm ấy họa sĩ – thi sĩ Phạm Hầu vừa về nhà gặp ông đang lắp ráp đồ mộc, Phạm Hầu ngỏ ý : “Trưa ông về lấy khăn đóng áo dài trở lại nhà đây tôi xin vẽ chân dung của ông”. Thế là bức chân dung được vẽ xong. Nay tuy không còn như ban đầu do giấy không tốt nhưng nét vẽ đúng thần thái của ông Trần Văn Anh, được người cháu nội lưu giữ làm di ảnh thờ.

Về thơ, thơ Phạm Hầu có chất, biểu hiện bằng một thị điệu riêng khá quyến rũ. Cái quyến rũ của chất thơ là lạ, rung cảm và mong manh. Đặc biệt, thơ Phạm Hầu toát ra một thứ khí vị tiêu trầm, sâu lắng vào lòng người đọc. Như Hàn Mặc Tử đã có lần thốt lên: Người thợ phong vận như thơ ấy, thơ Phạm Hầu là con người, là tinh túy của cõi trần ghé tạm vài mươi năm tuổi trẻ. Kỳ lạ còn vương đến từ chỗ, cái đẹp lụi tàn được dự cảm nhưng tha thiết đến rướm máu: “Buồn len lỏi trên đầu cây thi vị/ Gieo lệ vàng trên ngấn nắng chiều trôi” (Chiều buồn).

Nhà thơ Chế Lan Viên lúc sinh thời cũng từng bộc bạch: “Thơ anh ấy rất hay và xúc động: “Tôi đau, trời đẹp, nếu tôi đau/ Mà muôn đời mưa nắng hiểu lòng nhau”… Ôi! Thơ của những con người như thế, cầm lên tay một câu, một chữ nặng cả một cuộc đời người” (Vẫy ngoài vô tận, NXB Thanh Niên năm 2001). Không chỉ Chế Lan Viên mà các nhà thơ lớn khác, như Lưu Trọng Lư trong hồi ký “Nửa đêm sực tỉnh”, Huy Cận trong “Hồi ký song đôi”, phần viết về Phạm Hầu đều ghi lại một quãng đời đẹp đẽ trong tình bạn và sự trân trọng nuối tiếc về một thi tài mệnh yếu.

Trong Thi Ca Tiền Chiến, đã có một Xuân Diệu làm người thanh niên ráo riết, một Huy Cận làm người thanh niên ngậm ngùi, một Hàn Mặc Tử làm người thanh niên đau khổ cực độ, Chế Lan Viên làm người chứng nhân cho điêu tàn, Hồ Dzếnh làm người đề huề giao hảo… lại thêm một Phạm Hầu làm người nghệ sỹ cao vời trang trọng mang một thánh tính u u ẩn ẩn như Nerval. Phạm Hầu mở ra trở lại chân trời bát ngát của Nguyễn Du trong giai đoạn cuối buổi Hoàng Hôn. Ông nói ít hơn Nguyễn Du, ông không đi vào giữa những thiên vạn thể của biển dâu, ông chỉ đơn sơ có mấy lời, nhưng mấy lời đào sâu khôn tả trong mạch giếng tân thanh. “Mãi Dâng Trọn Hồn Vui” là một kỳ tác muốn chìm sâu xuống mạch thẳm sinh tồn. Rồi khi ta cũng chịu ngập mình xuống đáy thẳm kia, thì kỳ tác nọ bỗng hiện thị như một Tòa Cổ Tháp nguy nga.

Ngày 03 tháng 01 năm 1944 họa sĩ Phạm Hầu mất tại Đồng Hới (Quảng Bình) – Huế, hưởng dương 24 tuổi.

Một số tác phẩm của Họa sĩ Phạm Hầu
“Dập dìu lá gió, cánh chim”

Lý tưởng

Sầu hương hoa gạo đỏ bên chân,
Xa nắng chiều hoe nhạt mấy phần.
Một cột đèn cao mơ góa bụa,
Đường dài toan nối hận gian truân.
Tôi theo tư tưởng vô cùng tận,
Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu.
Sáng sớm: rạng đông, chiều: chạng vạng,
Những giờ mới lạ có bao nhiêu?
Thuở nhỏ đêm mơ nằm thấy bướm.
Giờ không mơ bướm lại mơ thơ.
Đời tôi nếu rụng bao nhiêu sắc,
Cũng bởi vì tôi quá mộng hờ.
– Ao ước ngày mai sắc nắng thơm
Chiều mai thôi ráng nhuộm cô đơn.
Chiều qua gió thổi lời tôi nguyện,
Quên thổi giùm tôi hận chập chờn.
Tôi đợi người đây, Tuyệt Đích ơi!
Dẫu xa, xa cách mấy phương trời.
Biết rằng vô ích sao tôi vẫn
Phung phí đời tôi mấy độ tươi.
(Bạn Đường số 24, ngày 4 tháng 4 năm 1942)

 

Vọng Hải đài

Chẳng biết trong lòng ghi những ai?
Thềm son từng bước gót vân hài.
Hỡi ôi! Người chỉ là du khách
Giây phút dừng chân Vọng Hải đài.
Cơn gió nào lên có một chiều
Ai ngờ thổi tạt mối tình kiêu
Tháng ngày đi rước tương lại
Làm rã chân thành sắp sửa xiêu.
Trống trải trên đài du khách qua
Mây ngày vơ vẩn, gió đêm tà,
Muôn đời e hãy còn vương vấn
Một sắc không bờ trên biển xa.
Lòng xiêu xiêu, hồn nức hương mai,
Rạng đông về thức giấc hoa nhài.
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?
(Tao đàn)

 

Chiều buồn
Tôi đã dám cầu xin hai giọt lệ
Trên mi nàng huyền bí vẻ say mê
Cho điệu buồn man mác tự đâu về
Đưa ngọn cỏ theo chiều mây lặng lẽ

Cho tôi được nghiêng kề nàng thỏ thẻ
Vì lời yêu rên siết ẩn trong tôi
Chỉ khi buồn may mới thoáng qua thôi
Mà hương lệ đó là trang sổ quý

Buồn len lỏi trên đầu cây, thi vị
Gieo lệ vàng trên ngấn nắng chiều trôi
Tôi kề nàng môi chạy kiếm làn môi
Lời tôi lặn trên môi nàng rung động

Yêu đương đến tất cả chiều mơ mộng
Buồn nhẹ nhàng trong làn khói thu không
Buồn mơn man trên đầu tóc rối bòng
Và vơ vẩn bên đôi người vô tội

Nàng và tôi, nhánh sầu chung rễ cội
Kề vai nhau khi lệ với chiều, rơi
Khi giọt sương âu yếm nhỏ lên người
Nàng và tôi là hai dòng lệ nối.

 

Nhà báo Phan Thanh Đà Hải và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Chủ tịch Hội Nghiên cứu và phát triển di sản Huế) trước mộ thi sĩ Phạm Hầu
Tags: