Họa sĩ, nhà văn hóa – Lê Bá Đảng

Ngày đăng : 10:11:49 23-06-2023

Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy (sưu tầm)

“Thủa sinh thời, họa sĩ Lê Bá Đảng đã mơ về những giấc mơ với một không gian mở tới vô biên và khép kín đến sâu thẳm. Những không gian mở này bộc lộ khát vọng sáng tạo nên một tác phẩm mênh mông, một quang cảnh đầy cảm hứng. Hôm nay, giấc mơ đó đãn được hiện thực hóa trên mảnh đất này cùng sự chung tay của nhưng con người yêu nghệ thuật Lê Bá Đảng.” Bà Lê Cẩm Tế kể lại.

le-ba-dang-12-1626238181.jpg
 

“Một trong những địa chỉ nên đến khi nói đến Nghệ thuật hội họa ở Huế” Ông Nguyễn Xuân Lý, nguyên Chủ tịch tỉnh Thừa thiên Huế, khuyên chúng tôi khi cùng ăn cơm tối. “Lê Bá Đảng, ông cũng là nhân vật rất đặc biệt, nhiều điều đáng để xem và nghiên cứu, trong đó, ông có dự án làm du lịch trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh – Hạt gạo Trường sơn. Với ý tưởng, mỗi nơi, làng xóm, có thể làm các khách sạn, homestay kiểu hạt gạo, ý tưởng nhà hạt gạp của văn minh lúa nước sẽ hấp dẫn khách du lịch, và quà lưu niệm cho họ cũng chính là các mô hình nhà hạt gạo…” ông Nguyễn Xuân Lý kể và nói thêm: “Ở Huế, hai nhân vật về Nghệ thuật là Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị rất đáng chú ý.”

Hôm sau,  chúng tôi đến thăm Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng, xem lẫn tò mò và thích thú vì nằm khá xa trung tâm, trên một quả đồi xung quanh là phong cảnh núi rừng Huế. Đây là địa điểm thứ hai tại Huế trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng. Theo dõi chúng tôi từ bên ngoài từ khi chúng tôi mới đến, một phụ nữ đứng tuổi đang hướng dẫn thợ làm vườn, để ý chúng tôi chụp ảnh, nói chuyện, đến khi bước vào trong phòng trưng bày chính… Chúng tôi đang xem các bức họa thì cô lễ tân lại gần và nói. “Xin lỗi các anh chị, em giới thiệu có cô Lê Ngọc Tế, giám đốc Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng này…” Bà đã lặng lẽ quan sát chúng tôi xem tranh và nghe bình luận, rồi bà quyết định đến để giới thiệu: “Chị quan sát mấy anh em vô, đoán là khách yêu nghệ thuật nên theo vào để giới thiệu.” Cách bà tiếp cận khách cũng rất tế nhị, không đường đột.

Bà Lê Cẩm Tế, Chủ tịch hãng phim tư nhân Khánh An tại Huế, đồng thời phụ trách toàn bộ phát triển, xây dựng Không gian hóa Lê Bá Đảng ở đây. Sự tình cờ và may mắn nên chúng tôi được đích thân bà giới thiệu và kể nhiều chuyện “Ông và gia đình tin tưởng và giao cho chị thực hiện ước mơ của ông để làm Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng này.” Được biết, công trình khánh thành vào ngày 21 tháng Tư năm 2019 và chính thức đón khách từ ngày 24 tháng Năm 2019. Một không gian mới, địa chỉ mới và cách xa thành phố, khi chúng tôi đến cũng mới mở vài tháng nên không có nhiều khách tham quan.

Ngọn đồi tách khỏi đô thị, thuộc thị xã Hương Thủy của Huế, có diện tích 20 ngàn m2 được bà Lê Cẩm Tế cất công tìm hiểu, mua lại và bắt đầu xây dựng từ năm 2014 với thiết kế của kiến trúc sư Hồ Việt Vinh. “Công trình cũng chính là một tác phẩm nghệ thuật về không gian của Lê Bá Đảng, mỗi tác phẩm của ông, mỗi không gian bố trí, đều sẽ biến hóa và có hiệu ứng nhất định theo thời tiết, ánh sáng, mùa và cảm nhận của người thăm vào thời gian trong ngày…” Bà Lê Cẩm Tế giới thiệu và chỉ cho chúng tôi kiến trúc của toàn nhà, có hình dáng đặc biệt, trên nóc là khoảng mở đón ánh sáng tự nhiên và luồng ánh sáng sẽ di chuyển trong lòng nhà theo thời gian trong ngày, tháng, năm khác nhau… Hiệu ứng đó mang lại cho góc nhìn từng tác phẩm trong phòng cũng khác nhau. “Bản thân mỗi vị khách, như các anh chị cũng đang tham gia vào như một nhân tố hòa nhập với tác phẩm, cùng chuyển động với không gian. Các tác phẩm, công trình của Lê Bá Đảng, luôn còn “Sống” và tương tác với xung quanh, với con người, thiên nhiên, không gian và thời gian…” Bà Lê Cẩm Tế mô tả. Từng khối nhà, cây cối, tác phẩm ngoài trời hay lối đi, đều là nét vẽ của tác phẩm không gian…

le-ba-dang-8-1626238181.jpg
 

Có lẽ, ở Việt Nam, bà Lê Cẩm Tế là một trong những người gần gũi và thân cận với ông Lê Bá Đảng nhất suốt hơn 15 năm cuối đời của ông. Bà kể giọng đầy tự hào, lần đầu làm việc với ông khoảng những năm 2000, Bà phải bay sang Pháp, ông khi đó cũng trên 80 tuổi, nhưng sức làm việc không mệt mỏi. “Chị vừa làm vừa chạy mà vẫn luôn bị la.” Bà cười và kể. “Ông là một người kỹ tính, nói ít hiểu nhiều. May mắn, chị được ông quý và suốt thời gian làm việc với ông là người ông tin tưởng nhất và hiểu những yêu cầu của ông.”

“Thủa sinh thời, họa sĩ Lê Bá Đảng đã mơ về những giấc mơ với một không gian mở tới vô biên và khép kín đến sâu thẳm. Những không gian mở này bộc lộ khát vọng sáng tạo nên một tác phẩm mênh mông, một quang cảnh đầy cảm hứng. Hôm nay, giấc mơ đó đãn được hiện thực hóa trên mảnh đất này cùng sự chung tay của nhưng con người yêu nghệ thuật Lê Bá Đảng.” Bà Lê Cẩm Tế kể lại.

Không gian có hàng trăm tác phẩm là của gia đình gửi về, bà Mishu vợ ông, rồi các bạn bè ông, những nhà sưu tập ở Nhật, Pháp, Ý… cũng đã gửi tặng các tác phẩm của ông, ảnh lưu niệm về các hoạt động của ông cho Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng này. Vừa trò chuyện, bà dẫn chúng tôi đi qua từng các tác phẩm và giới thiệu cặn kẽ. Phòng trưng bày có hơn 50 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa với đủ loại chất liệu, cách tạo hình… Những chú mèo nổi tiếng thời kì đầu ở Pháp của ông, nhưng tranh, điêu khắc, tạo hình về Ngựa rất “Quý tộc”. Những tác phẩm nhỏ “Tấn Tuồng Nhân Loại” gây chú ý. “Đây là thời kỳ đen tối của ông, khi đó, đứa con trai duy nhất của ông qua đời, cũng bằng tuổi chị…” Bà Lê Cẩm Tế trầm giọng giới thiệu khi thấy chúng tôi chăm chú ngắm các tác phẩm lạ này. Các tác phẩm tạo hình nhiều nhân vật con người khắc khổ, nhiều hình thái kích thước khá bé nhưng rất rõ ràng.

Chuyển qua các tác phẩm điêu khắc giấy cũng đặc biệt, các tác phẩm phong cảnh, “Bất khuất” vẽ Trường sơn, núi rừng nhưng ẩn dụ cơ thể phụ nữ rất sâu sắc. Bà Lê Cẩm Tế dẫn chúng tôi qua tường phía cửa giới thiệu: “Đây là một số bản gốc của ông vẽ cho một số công ty nước ngoài, họ sản xuất thảm hoa theo thiết kế này.” Treo trên tường, mấy bức thảo trên giấy và có một tấm thảm rất đẹp nền đen. “Đây là sản phẩm họ gửi tặng đấy.” Bà giới thiệu.

le-ba-dang-1-1626238183.jpg
 

“Các em có thể để ý các bộ trang sức trong tủ này.” Bà quay sang hai tủ bày đồ các vòng cổ, hoa ta khá hiện đại bằng vàng. “Bông tai kia là ông làm tặng chị hơn chục năm trước. Tuổi trên 80, nhưng đồ thiết kế trang sức của ông rất đương đại, trẻ trung và thậm chí, đi trước thời đại.” Bà chỉ bông tai có những vòng tròn, đan nhau và kể…

Các tác phẩm của ông, từ hội họa, điêu khắc hay sắp đặt, đều hướng tới sự hòa hợp, hòa quyện với tự nhiên xung quanh, tác phẩm phải sống động từ màu sắc, hình khối, đến ánh sáng chuyển động tự nhiên của mùa, của giờ và của thời tiết. Mỗi một khách, khán giả tham quan, bằng sự có mặt của mình cũng là một yếu tố trong tác phẩm của ông, sự di chuyển của khán giả, tương tác ánh sáng, màu sắc của trang phục sẽ mang đến sự sống động biến ảo của tác phẩm. “Ví dụ, bức tượng điêu khắc bàng thép inox, sự trong như gương, soi được bước chân của khán giả, mang hiệu ứng tương tác sống động.” Thanh Tư,một hướng dẫn viên giới thiệu khi bà Lê Cẩm Tế ra ngoài. “Có bức tượng Phật, từ các sợi thép, khổ lớn, cho phép người xem “đi vào” lòng tác phẩm. Sự triết lý trong tạo hình và tương tác với công chúng mang lại hiệu quả riêng của Lê Bá Đảng…”

Đi theo bà được giới thiệu và kể chuyện, cũng quá trưa, gần 2 giờ. Bà xin phép phải đi họp nên chia tay chúng tôi: “Chị sẽ trưng bày các tác phẩm của ông theo mùa, theo sự kiện, có lẽ đến tháng Tư sang năm 2020, sẽ là đợt tranh mới chị sẽ thay và đem ra một câu chuyện mới về các bức họa của ông.” Bà Lê Cẩm Tế tâm sự và nói thêm, “Chị sẽ thông báo, gửi thư mời tới các em, các em nhớ vào nhé. Còn bây giờ các em xuống hầm, có phòng chiếu phim, bộ phim chị làm về ông.”

le-ba-dang-11-1626238182.jpg
 

Bộ phim được hãng phim của bà Lê Cẩm Tế, Hãng phim Khánh An, làm khi ông sắp mất, rất yếu. Đạo diện Đặng Nhật Minh cùng thực hiện. Tuy chỉ 25 phút, nhưng mô tả cả cuộc đời của Lê Bá Đảng từ Bích La đến Paris. Trong phim, có những đoạn ông kể chuyện, những mẩu chuyện liên quan các tác phẩm của ông.

“Chỉ sau giải phóng năm 1975 vài tháng, tôi đề xuất lên tướng Hoàng Văn Thái, chính phủ cho thăm đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng họ cười, và nói, làm sao mà đi được? Tuy nhiên về sau vài tháng, chúng tôi với 3 xe Jeep, xe tướng đi trước, xe tôi và xe quản lý đường đi sau đã đưa tôi thăm suốt đường mòn” Ông Lê Bá Đảng kể trong một phim phóng sự… Khi đó, ông từ Pháp về Việt nam. Trong chuyên đi đó, rất nhiều điều ấn tượng không thể quên và giúp ông nhiều trong cuộc sống về sau. “Khi đi thăm chiến trường, vì mới chỉ vài tháng sau giải phóng nên hai bên đường ngổn ngang xác máy bay Mỹ, có cây thân to vòng người ôm bị phạt ngang thân. Dưới gốc cây, một bông hoa dại đang nở. Một anh lính đã xuống vũng nước bên dưới, dùng mũ cối múc nước tưới cho bông hoa…” Có lẽ câu chuyện không ấn tượng lắm nếu không hiểu cuộc đời ông đã trải qua.

Năm 1939, khi tròn 18 tuổi, ông tự nguyện tham gia vào đội ngũ nhân công bản xứ (M.O.I) của bộ Lao động Pháp, có lẽ cùng thời với ông Nội tôi trong đoàn lính thợ ONS, cũng đóng ở Mác Xây. Ông Nội tôi làm y tá Mác Xây tận năm 1949, còn Lê Bá Đảng, giải ngũ và 1942 đến 1948, ông theo học khóa học tại trường Mỹ thuật ở Toulouse dạng vừa học vừa làm. Như ông giải thích việc chọn trường “Chỉ có trường này cho phép vừa học vừa làm kiếm sống.”

Ông trải qua nhiều thời kỳ, nhưng khó khăn, bức bách của cuộc sống, đã cho ông sức sáng tác ra nhiều tác phẩm tương ứng. Khởi đầu là loạt tranh mèo được vẽ từ năm 1950, những bức tranh mèo này thuộc nhóm tác phẩm đầu tiên Lê Bá Ðảng bán được ở Paris, do đó được xem là những bức tranh khởi nghiệp, giúp ông "khởi sự vươn vai Phù đổng trong làng hội họa thế giới"...

le-ba-dang-9-1626238181.jpg
 

Loạt tranh “Tấn Tuồng Nhân Loại”, đứa con duy nhất của ông mất đi khi 25 tuổi vào năm 1980, lúc đó là một cú sốc rất lớn với ông, để vượt qua không phải dễ dàng, và có lẽ, câu chuyện ông kể về bông hoa nở dưới gốc cây bị phạt ngang bởi bom đạn khi đi thăm đường mòn Hồ Chí Minh có liên quan đến sự gượng dậy của ông lúc này.

Ông cũng là bạn với nhiều danh họa thế giới, Picasso, nhưng ông lặng lẽ sáng tác, không như Picasso quảng bá nhiều bản thân và trở nên nổi tiếng, vẫn nhưng, ông khác nữa ở Picasso là ông có cuộc sống sung túc về tài chính ngay khi còn trẻ, còn sống và ông sống thọ 94 tuổi. Các tác phẩm của ông đã mang lại giàu có cho ông.

Năm 1992 được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới

Năm 1994 được Nhà nước Pháp tặng "Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp". Được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây.

Năm 2005, Họa sĩ được nhận huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt do báo điện tử VietnamNet phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng.

le-ba-dang-4-1626238181.jpg
 

Sau khi xem phim, chúng tôi thăm một vòng quanh bên trên và khu vườn, có những tượng, phù điêu, điêu khắc, những mạng nhện trên cây,… nhưng đáng chú ý, rất nhiều theo motip bàn chân “Bàn chân Giao chỉ” và trong nhiều tác phẩm, luôn có cấu trúc 3 nhân vật, Cha, Mẹ và đứa con bên trong. Ông luôn nhớ về đứa con của mình, với ông, gia đình, quê hương luôn trong tim. Dù ông ra đi từ năm 17 tuổi, và gần như cả đời người ở nước ngoài, nhưng ông luôn dõi theo đất nước, cả trong chiến tranh lẫn sau này…

Chi tay bảo tàng, chia tay sự hiếu khách của các bạn quản lý, chúng tôi rời Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng khi hơn 3 giờ chiều. Dự kiến tháng Tư này chúng tôi vào Huế thăm loạt tranh mới như bà Lê Cẩm Tế mời, tuy nhiên, dịch Covid-19 đã không cho phép thực hiện, rất hy vọng tháng 5 hay tháng 6, mùa dịch đi qua và chúng tôi có thể được thăm lại…

le-ba-dang-5-1626238181.jpg
 
le-ba-dang-6-1626238181.jpg
 
le-ba-dang-7-1626238181.jpg
 
le-ba-dang-10-1626238181.jpg
 
le-ba-dang-3-1626238181.jpg
 
le-ba-dang-2-1626238181.jpg
 
Tags: