Họa sĩ Nguyễn Trường Linh: Vẽ để hướng đến những ngày tươi đẹp

Ngày đăng : 14:41:18 29-03-2024

Tác giả: Đặng Thủy

 - Say mê sáng tạo với chất liệu sơn ta truyền thống, họa sĩ Nguyễn Trường Linh ghi dấu ấn bằng hàng loạt giải thưởng mỹ thuật, khiến nhiều người nể phục bởi năng lượng sáng tác dồi dào. Trong những ngày Hà Nội cùng cả nước căng mình chống dịch Covid-19, anh kịp thời có ngay sáng tác ghi lại cảm xúc về những ngày tháng không quên và niềm tin vào tương lai phía trước.

- Dịch Covid-19 khiến sinh hoạt bị đảo lộn nhưng nhiều nghệ sĩ lại cho rằng đây là cơ hội để “tĩnh” lại, tập trung vào sáng tác. Với anh thì sao?

- Từ đầu năm 2020 đến nay chúng ta đã trải qua những lần bùng phát dịch Covid-19 nhưng chưa lần nào căng thẳng như lần này. Cả nước đang căng mình chống dịch. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, thực hiện giãn cách xã hội, sinh hoạt, công việc đều đảo lộn. Giới họa sĩ cũng chịu nhiều tác động. Nhiều triển lãm phải hủy nhưng đa số chúng tôi coi đây là thời điểm lắng đọng, tư duy sáng tác. Các họa sĩ ngồi lại trong xưởng vẽ, hoặc tại nhà, vẽ nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn với luồng suy nghĩ, trăn trở về đại dịch.

Khi viết email này trả lời phỏng vấn bạn, tôi đang ở trong khu phong tỏa do nơi tôi ở có ca F0 (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội), nhưng với tôi, đây là thời điểm thuận lợi: Ở nhà, sáng tác, vẽ tranh, thời gian nhiều, không bị chi phối bởi ngoại cảnh, bởi vậy tôi không có cảm giác buồn chán, bức bối. Và có một việc nữa cũng giúp anh em họa sĩ rất vui, đó là họ lập ra các trang đấu giá trực tuyến, bán tác phẩm nghệ thuật với mục đích từ thiện. Rất nhiều người yêu nghệ thuật, các nhà sưu tầm đã nhiệt tình ủng hộ. Số tiền đã bán đấu giá được gửi tới các quỹ hỗ trợ người nghèo trong tâm dịch, quỹ vắc xin... Điều này mang lại hạnh phúc cho các họa sĩ khi chung tay cùng cả nước chống dịch.

- Ngoài công việc sáng tác, anh còn là Trưởng khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội, trưởng nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam. Vậy trong những ngày giãn cách, anh xoay xở như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình?

- Tuy ở nhà giãn cách, tôi vẫn làm việc online, bởi vì đây là những ngày cuối năm học 2020 - 2021 và chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022 nên có rất nhiều việc phải thực hiện.

Tôi thường dậy sớm, làm việc từ 6h. Sơn mài là chất liệu sở trường của tôi, nên tôi dành nhiều thời gian cho các tác phẩm, suy nghĩ, chỉnh sửa để tạo ra sự đột phá cho mỗi bức tranh. Chính sự yên tĩnh của buổi sáng sớm giúp tôi quyết định các bước chuyển mạnh trong sáng tạo. Không thể đến xưởng vẽ, tôi vẽ ở nhà, cũng may mắn là tôi có căn buồng nhỏ khoảng 10m2, đủ cho công việc vẽ tranh. Mỗi ngày, ngoài việc sáng tác tranh sơn mài, tôi làm rất nhiều phác thảo, lên kế hoạch cho các dự án triển lãm sắp tới.

- Đại dịch Covid-19 có thể nói là một biến động mang tính lịch sử. Ngoài việc theo đuổi và hoàn thiện những ý tưởng nghệ thuật trước đây, anh có tác phẩm nào liên quan tới Covid -19?

- Tôi thường theo dõi trên tivi, trên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh, quá nhiều người chết. Nhiều gia đình ly tán. Nhiều đứa trẻ thành mồ côi. Doanh nghiệp suy kiệt... Tôi hình dung ra những con phố, những làng quê, những phố đêm ảm đạm không bóng người. Hình ảnh những đứa trẻ trong đại dịch luôn ám ảnh tôi. Những ánh mắt ngây thơ dường như chưa hiểu hết mọi việc, những đứa trẻ chui trong bộ áo bảo hộ rộng thùng thình, ánh mắt trong sáng, ngỡ ngàng.

Với niềm đam mê với sơn ta, tôi đã nhờ chất liệu đặc biệt này để truyền tải ý tưởng. Đây chính là chủ đề bức tranh sơn mài khổ lớn mà tôi đang hoàn thiện, tác phẩm có tên “Trong tâm dịch”. Với tác phẩm này, tôi gửi gắm mong mỏi, hy vọng cho đại dịch qua nhanh, mong cho những đứa trẻ sớm được đến trường, mong cho chúng sớm được vui chơi trong sự che chở của bố mẹ và những người thân yêu.

- Dự định nghệ thuật của anh khi tình hình dịch được kiểm soát, cuộc sống quay trở lại bình thường?

- Trong năm 2021, chúng tôi phải hoãn lại khá nhiều hoạt động: Triển lãm lần thứ VI của nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam dự định tổ chức vào tháng 6-2021 tại thành phố Hồ Chí Minh; Triển lãm “Nét đẹp thiên nhiên” dự định tổ chức tháng 9 tại Hà Nội; Dự án Mỹ thuật MSC - Ngôi sao miền núi, đưa mỹ thuật đến với trẻ em... Vì vậy, dự kiến sau khi dịch được kiểm soát, chúng tôi sẽ tiếp tục các triển lãm nhóm, cũng như chuẩn bị cho triển lãm cá nhân. Từ nay đến ngày đó, tôi và các họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ, làm việc, hướng tới những ngày tươi đẹp.

- Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Họa sĩ  Nguyễn Trường Linh là một trong những gương mặt tiêu biểu của dòng tranh sơn mài truyền thống. Anh say mê và gặt hái nhiều thành công với chất liệu sơn ta. Các sáng tác của anh mang phong cách trừu tượng kết hợp dân gian, giàu hoài niệm nhưng có những sáng tạo mới mẻ, hiện đại và ấn tượng. Anh từng giành nhiều giải thưởng cao: Giải A Triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài chiến tranh cách mạng (2014), Huy chương Vàng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc (2010), Giải A Khu vực 1 Hội họa (2009), Giải Nhất  Triển lãm 1000 năm Thăng Long (2009)...

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh: Say mê những giá trị vượt thời gian

Tại Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí Bộ Quốc phòng (giai đoạn 2014-2019) vừa qua, tác phẩm sơn mài Công trường xanh của Nguyễn Trường Linh được nhận Giải B. Bức tranh khắc họa hình ảnh những người lính đang hăng say lao động, xây dựng công trình cầu, đường; góp sức vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay. Những đường kỷ hà, gấp khúc và tạo hình lớn góp phần đem đến sự hoành tráng cho tác phẩm. Và màu xanh áo lính như nét chấm phá nổi bật, làm mềm lại khung cảnh thô tháp, rộng lớn của công trường. Công trường xanh gửi gắm thông điệp về sức trẻ của những người lính trên mặt trận mới, góp phần xây dựng một tương lai tươi xanh cho đất nước. Nguyễn Trường Linh cho biết, ý tưởng sáng tác được ấp ủ khi anh tham gia trại sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang (LLVT) và chiến tranh cách mạng (CTCM), nhưng phải mất tới hai năm để thực hiện tác phẩm. Trong thời gian sáng tác, vướng mắc về bố cục, tạo hình khiến tranh đã vẽ nền, mài rồi nhưng có lúc anh bỏ dở chừng, không muốn làm; sau lại mày mò từ đầu. Đề tài người lính làm cầu, đường lâu nay vốn ít người khai thác, và vẽ về cầu là thế mạnh của Trường Linh khi tên tuổi anh gắn liền với những tác phẩm đẹp về cầu Long Biên, Hà Nội. Song khát vọng tìm ra cái mới lạ luôn làm anh trăn trở. Linh bảo, sau giải thưởng này, anh vẫn tiếp tục chăm chút, chỉnh sửa Công trường xanh, bởi tác phẩm vẫn còn những mảng khối thô, nặng nề cần được làm nhẹ bớt để hình tượng người lính trở nên lãng mạn hơn. Năm 2019, tác phẩm này cũng từng nhận giải C của Hội Mỹ thuật Việt Nam (triển lãm khu vực Hà Nội); dự kiến sắp tới sẽ tiếp tục tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020.

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh và tác phẩm Công trường xanh.

LLVT và CTCM luôn là đề tài Nguyễn Trường Linh dành nhiều tâm sức và đạt được thành công thời gian qua. Đó là Rừng cười (Giải B, Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí Bộ Quốc phòng năm 2009) vẽ về những cô gái thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ; Bình minh (Giải A, Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí Bộ Quốc phòng năm 2014), khắc họa hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân trong ngày đầu thành lập; … Và giờ đây, tiếp tục là Công trường xanh. Trường Linh tâm niệm, lịch sử và chiến tranh là đề tài khó; sáng tác không chỉ phản ánh hiện thực đạn bom mà phải tìm tòi cái khác lạ, tránh gợi những đau đớn hận thù và cần khai thác được những điều sâu xa hơn, những yếu tố lãng mạn, nhân văn phía sau cuộc chiến.

Nguyễn Trường Linh sinh năm 1971 tại Hà Nội, tốt nghiệp Thạc sĩ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; từ năm 1997 tới nay anh theo nghề giảng dạy, hiện là Trưởng khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật Hà Nội. Là một trong những gương mặt họa sĩ tiêu biểu của dòng tranh sơn mài, chuyên sử dụng chất liệu sơn ta, sáng tác của anh mang phong cách trừu tượng kết hợp mô-típ dân gian, giàu hoài niệm lại có những sáng tạo mới mẻ, hiện đại và ấn tượng. Say mê lịch sử và văn hóa truyền thống dân tộc, tranh Trường Linh thường vẽ về những địa danh, tích sử; về cuộc sống, con người Hà Nội hôm qua và hôm nay. Đặc biệt, những tác phẩm về cầu Long Biên trong chiến tranh và hòa bình từng đem lại cho anh nhiều giải thưởng cao, như Phố gầm cầu (Giải A Khu vực Hà Nội-Hội Mỹ thuật Việt Nam, 2005); Mùa đông 1946 (Giải nhất Cuộc vận động sáng tác Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, 2009); Hà Nội có cầu Long Biên (Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, 2010)…

Dù việc giảng dạy chiếm phần lớn thời gian, song Trường Linh luôn dành nhiều tâm sức cho sáng tác. Tranh của anh có mặt tại nhiều triển lãm trong và ngoài nước, trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử quân sự, Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế; từng đoạt nhiều giải thưởng giá trị. Bên cạnh đó, anh vẫn dành một góc cho hoạt động thiện nguyện, phổ cập mỹ thuật cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn. Từ năm 2014 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Thạc sĩ Văn hóa Việt Nam Quách Ngạn Vỹ, một người bạn Ðài Loan, Trường Linh đã xây dựng dự án “Ngôi sao miền núi” tập hợp nhiều họa sĩ trẻ, tổ chức đi thực tế sáng tác kết hợp dạy vẽ cho trẻ em các địa phương; tổ chức nhiều triển lãm, trong đó có những triển lãm để lại ấn tượng với công chúng. Đặc biệt, với khát vọng gìn giữ, quảng bá và phát huy giá trị của mỹ thuật sơn mài truyền thống, từ năm 2013, anh cùng một số đồng nghiệp tâm huyết thành lập Nhóm họa sĩ Sơn Ta với nhiều hoạt động tích cực; từng tổ chức 5 triển lãm trong và ngoài nước được dư luận chú ý; hoạt động giao lưu, trao đổi với các làng nghề truyền thống như Hạ Thái, Chuyên Mỹ nhằm hỗ trợ, tư vấn mở ra hướng sáng tạo, phá cách nhằm đưa hội họa vào mỹ nghệ…

Luôn ấp ủ những sáng tác về văn hóa truyền thống, năm 2020 này, Trường Linh đặt quyết tâm hoàn thành bộ tranh về đề tài dân gian, dựa trên các truyện Người con gái Nam Xương (Truyền kỳ mạn lục) và cổ tích Sự tích hòn Vọng Phu; đặc biệt là sử thi Đẻ đất đẻ nước (dân tộc Mường) về nguồn gốc của đất, trời, con người và vũ trụ. Năm 2010, tác phẩm Đẻ đất đẻ nước số 1 từng đem lại cho anh Giải B của Hội Mỹ thuật Việt Nam (Triển lãm khu vực Hà Nội); năm 2015, tác phẩm số 2 được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Không ngừng tìm tòi, sáng tạo để thắp sáng những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống là khát vọng và con đường anh lựa chọn; để từng bước không ngừng đi tới thành công.

Tags: