GIỚI THIỆU HỌA SĨ LÊ BÁ ĐẢNG

Ngày đăng : 12:39:50 12-06-2023

Tác giả: Trần Thị Quỳnh Như (sưu tầm)

Lebadang (Lê là họ; Bá là tên đệm và Đảng là tên) là một danh họa, nghệ sĩ điêu khắc lừng danh người Pháp gốc Việt, sinh ngày 27 tháng 6 năm 1921, ở làng Bích La Đông (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, gần Thành phố Huế, kinh đô xưa của nước Việt Nam).  Ông qua đời ngày 7 tháng 3 năm 2015 tại Paris, hưởng thọ 94 tuổi.

Ông đã dành cả phần lớn cuộc đời của mình tại Pháp và một khoảng thời gian tại Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã cảm thấy cần phải thoát ra khỏi cái nghèo, cái khó trên chính mảnh đất Quảng Trị – nơi đồng khô cỏ cháy và quyết định xuất ngoại sang Pháp.

Năm 1939, khi tròn 18 tuổi, ông tự nguyện tham gia vào đội ngũ nhân công bản xứ (M.O.I) của bộ Lao động Pháp.

Ngay đầu thế chiến thứ hai, ông là một trong những «người lính thợ Đông Dương» thường được huy động và làm việc chủ yếu trong các nhà máy thuốc súng được tuyển dụng bởi Chính phủ Pháp.

1940

Đến Marseille vào tháng 3 năm 1940, sau một quá trình chuyển sang nhà tù mới Baumettes, ông đã gia nhập vào một trại lính như nhiều lính thợ Đông Dương khác.

1940 – 1941

Làm tù nhân của người Đức trong hơn 14 tháng, ông đã trốn thoát và trở về đơn vị cũ ở Camargue – nơi ông làm việc trên những vựa lúa cùng với những lính thợ Đông Dương.

 1942

Quay trở lại trại lính của Nhân công bản xứ, ông được gửi đến trại kỷ luật Lannemezan thuộc vùng Les Hautes-Pyrénées sau cuộc ẩu đả với một giám sát viên người Pháp.

Một lần nữa, ông tìm cách trốn thoát khỏi trại kỷ luật Lannemezan và di chuyển đến Toulouse.

1942 – 1948

Từ 1942 đến 1948, ông theo học khóa học tại trường Mỹ thuật ở Toulouse dạng vừa học vừa làm.

1948 – 1949

Tháng 6 năm 1948, ông đỗ đầu trường và chiến thắng trong một cuộc thi Áp phích quảng cáo. Với số tiền thưởng này, ông đã chuyển đến sống tại Paris.

1950

Năm 1950, với mối tình đẹp trên cây cầu Pont des Art , ông kết hôn với bà Myshu (tên thật là Micheline Mourrieettee Louus Hai Nguyen), sinh ngày 5 tháng 7 năm 1929 tại Havre.

Đặc biệt, trong chính năm này, họa sĩ Lê Bá Đảng có cuộc triển lãm ra mắt đầu tiên tại Paris cũng như sáng tác bộ sưu tập “Mèo” – vẽ theo đường nét ký họa mực nho theo lối thư pháp phương Đông – đánh dấu chặng đường khởi nghiệp

1951

Năm 1951, ông vẽ chân dung người cha đã khuất của mình ở Bích La Đông, Việt Nam nhằm tỏ lòng thành kính, biết ơn. Ra đi từ năm 1939, ông không còn cơ hội gặp lại cha mình lần nào nữa. Cũng trong năm này, tại Paris, ngày 14 tháng 5, vợ chồng ông sinh được một cậu bé, đặt tên là Fabrice (tên thường gọi là Touty)

Khởi nghiệp của ông bắt đầu tại Paris, trên con đường La Montagne-Sainte-Genevieve. Đây là thời kỳ sống lang thang ở khu phố Latin, phố Chat qui Pêche, phố Mouffetard và galerie Au Seuil Étroit, đối diện nhà thờ Đức Bà.

1953

Với nỗi nhớ của người con xa quê, ông vẽ một loạt những tác phẩm bằng mực tàu và màu nước về quê hương đất nước, bắt đầu là vẽ thuyền và ngựa.

1953 – 1954

Bộ sưu tập « Mèo » thể theo bài bơ của Charles Baudelaire.

1956 – 1960

Những cuộc triển lãm tại Paris và các tỉnh thành được chào đón nồng nhiệt bởi giới báo chí Pháp.

Galerie de l’Odéon, Galerie Fontaine, Librairie Galerie du Globe,

Galerie Pierre Hautot, Galerie Plein Vent,

Galerie Au Seuil Étroit ở Paris,

Galerie Cézanne, Galerie du Drap d’Or ở Cannes,

Galerie Sources ở Aix-en-Provence,

Galerie Mirage ở Montpellier,

Galerie Mignon-Massard ở Nantes.

1964 – 1973

Năm 1964, ông vẽ «Tám chú ngựa», tác phẩm in nổi đầu tay của ông, trên những bài thơ và thư pháp của Chou Ling. Mở đầu cho những cuộc nghiên cứu về chất liệu và kỹ thuật tranh in.

Năm 1966, Bảo tàng Nghệ thuật The Cincinnati đã tổ chức cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Hoa Kỳ. Cùng năm đó, ông đã triển lãm tại nhà trưng bày Nghệ thuật The Newman Contemporary ở Philadelphie.

Năm 1967, ông thực hiện tác phẩm in thạch bản với chủ đề «Thiên nhiên cầu nguyện không lời» theo một bài thơ của Lão Tử.

Năm 1968, ra đời tác phẩm Ngựa in.

Trong những năm 1969 – 1973, bộ sưu tập «Phong cảnh bất khuất» giới thiệu những bức tranh và tác phẩm điêu khắc về chủ đề chiến tranh Việt Nam bao gồm các ký họa về chiến dịch Điện Biên Phủ, loạt tranh về đường mòn Hồ Chí Minh, một số tác phẩm điêu khắc được làm từ xác máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi như đầu ngựa, mặt người, tay và những chú chim – biểu tượng của hòa bình, hạnh phúc…

Nhà văn Georges Conchon đã dành riêng cho ông một bài viết được xuất bản trên tờ Éditions d’Art G.R.G.

1974 – 1978

Trong khoảng thời gian này, Lê Bá Đảng sáng tác rất nhiều tranh trên nhiều chủ đề khác nhau, như : Mười  chú ngựa (1974), Sự tưởng tượng tiếp theo (1976), bộ sưu tập Hoa (1977) và sáng tạo ra nhiều phương thức, phương tiện và kỹ thuật mới trong in ấn: dập nổi, in thạch bản trên giấy kép Nhật Bản…

Năm 1974, ông triển lãm ở Circle Gallery tại Hoa Kỳ. Sau đó ông có một loạt triển lãm đặc biệt trên khắp châu Mỹ.

Năm 1978, ông thiết kế và tạo những bộ phục trang cho vở nhạc kịch «MỴ CHÂU-TRỌNG THỦY» của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo tại Nhà Hát Opera ở Paris.

1978 – 1979

Năm 1977, ông đã sáng chế, hoàn thiện và ứng dụng một kỹ thuật in tranh độc đáo, «Kỹ thuật vàng» được làm bởi các nghệ sĩ trong xưởng vẽ Circle Fine Art Gallery ở Chicago và New–York tại Hoa Kỳ, được giới chuyên môn gọi là “lebadangraphy”

1981

Năm 1981, ông  cho ra đời «Tấn tuồng nhân loại» đề cập đến tác phẩm của Honoré de Balzac trong đó có 12 tác phẩm điêu khắc, hai mươi bốn tác phẩm hội họa trong bộ tranh này sử dụng cả hai kỹ thuật in nổi và màu nước, hay in thạch bản

1984

Năm 1984, ông nhanh chóng cho ra bộ sưu tập «Mỹ thuật để mà đeo» –  các mẫu thiết kế nữ trang được làm bằng vàng với ngọc trai và đá quý kiểu cách

1985

« Không gian »

Năm 1985, ông bắt đầu vẽ «Không gian» bộ tranh được làm bằng giấy này kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau như cắt dán và xếp chồng lên nhau, như một sự tổng hợp giữa 2 dạng điêu khắc và phù điêu.

Lê Bá Đảng đã tự làm ra loại giấy này ở Moulin de Larroque tại Couze, Dordogne, một loại giấy thủ công, rất dày được tạo hình bằng tay và chồng lớp lên nhau cho đến khi đạt đến một không gian «Đắp nổi»

Những «Không gian» này cho chúng ta thấy một sự phân tầng của thế giới, một trí nhớ địa chất, chứa đựng một tầm nhìn bao la hơn về sự tương quan giữa con người, vũ trụ, thiên nhiên và nghệ thuật.

1991

Năm 1991, ông được giao nhiệm vụ tạo ra thanh kiếm cho viện sĩ Ngài Giáo sư Jacques Ruffié, người dàn dựng cảnh và trang phục cho vở nhạc kịch Mỵ Châu Trọng Thủy tại nhà hát Opéra Paris.

1997 – 2002

Năm 1997, ông thực hiện Động Lê Bá Đảng, môi trường thiên nhiên to lớn «Không gian» rộng 300m2 và cao 10m, trong các mỏ đá của «Thánh đường hình ảnh» ở ngôi làng thời trung cổ Beaux-de-Provence, tại Pháp.

«Chất liệu được sử dụng để làm nên tác phẩm là các thành phần đặc trưng của nghệ sĩ để bước tới gần hơn với các bức tường mỏ và tạo sự kỳ diệu ở nơi độc nhất vô nhị này» (trích từ catalogue).

Năm 2000, ông quay lại sáng tác những bức tranh sơn dầu, màu nước qua bộ sưu tập Mắt. Tiếp đó, ông bắt đầu vẽ các bức họa Thiền xanh với những mặt người, nửa Thiền nửa Phật, nhưng ông bảo, không phải là Thiền là Phật mà đó là chính cái tâm của ông, cái tâm luôn hướng Thiền, hướng Phật.

2006

Ở Việt Nam, năm 2006, với sự hiện diện của họa sĩ Lê Bá Đảng năm 2006, thành phố Huế và các nhà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã khánh thành Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng. Trung tâm hiện đang bảo quản và trưng bày hơn 400 tác phẩm phản ánh hơn 70 năm sáng tác của họa sĩ.

Năm 2006, Lê Bá Đảng xuất bản quyển sách trường ca H’Mong, người yêu của dòng sông đen, xuất bản trên Éditions Alternatives và được chuyển thể bởi Mireille Gansel với sự cắt dán giấy những nhân vật và các loài thú, tái hiện lại mô típ dệt vải của người H’Mong và những cảnh sinh hoạt hằng ngày trên những bản làng miền Bắc Việt Nam.

2014

Một tấm bia tưởng niệm 20.000 lính thợ Việt Nam theo yêu cầu của Chính phủ Pháp trong Thế chiến thứ hai được khánh thành vào ngày 5 tháng 10 năm 2014 tại Salin – de – Giraud. Hiệp hội M.O.I (Đài tưởng niệm những công nhân Đông Dương)  được thực hiện dựa trên ý tưởng ban đầu của họa sĩ Lê Bá Đảng dưới hình thức của một người nông dân Việt Nam đi trên ruộng lúa và tay đang cuốc đất.

2015

Năm 2015, bà Myshu Lebadang, vợ của họa sĩ, đã tặng cho bảo tàng Cernuschi (bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở thủ đô Paris) toàn bộ những tác phẩm trên giấy của ông, phản ánh những nghiên cứu nghệ thuật và những cải tiến kỹ thuật của nghệ sĩ trong lĩnh vực tranh in bao gồm 33 bản in, một danh mục 17 bức in thạch bản, 2 tranh màu nước và 2 tranh sơn dầu.

Các giải thưởng

Năm 1989 : Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ tặng ông danh hiệu “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo”

Năm 1991: Họa sĩ được vinh danh là “Công dân danh dự của thành phố New Orleans”

Năm 1992: Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới

Năm 1994Nhà nước Pháp tặng “Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp“. Được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông – Tây.

Năm 2005: Họa sĩ được nhận huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước do chủ tịch nước trao tặng và nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt do báo điện tử VietnamNet phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng

Tags: