Giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác mỹ thuật Thủ đô NSND.Trần Quốc Chiêm

Ngày đăng : 11:52:41 24-03-2023
Kính thưa các vị đại biểu, các nghệ sĩ tạo hình Thủ đô!
Với cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, tôi rất hoan nghênh sáng kiến của Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức tọa đàm: “Nâng cao chất lượng sáng tác trong Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô”. Đây là cuộc Tọa đàm cần thiết để nâng cao chất lượng sáng tác các tác phẩm tạo hình của Thủ đô trong tình hình mới.
Sau đây, tôi xin phép trình bày tham luận của mình đóng góp cho Hội thảo.
Mỹ thuật Thủ đô với một đội ngũ nghệ sĩ tạo hình là lực lượng sáng tác ngày càng lớn mạnh, lấy nội dung cuộc sống, con người, thiên nhiên đất n­ước làm nguồn cảm hứng sáng tạo; mở rộng tìm tòi nghệ thuật, đa dạng, phong phú đề tài tác phẩm.
Hội Mỹ thuật Hà Nội trong nhiều năm qua đã tích cực triển khai công tác, thúc đẩy hoạt động, tổ chức các “Chuyến đi thực tế”, hoặc các “Trại sáng tác” để tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận cuộc sống để sáng tác. Các họa sĩ, điêu khắc đi vào nhiều đề tài, khai thác nhiều khía cạnh trong đời sống để sáng tác, các loại tranh: sinh hoạt, phong tục, lễ hội, sản xuất, xây dựng, lịch sử đấu tranh cách mạng, bảo vệ tổ quốc, đến các loại chân dung, phong cảnh Hà Nội.
Cùng với vận động sáng tác, Hội đã duy trỉ tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô hàng năm định kỳ vào dịp 10/10, trở thành truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa tạo hình của thủ đô. Triển lãm là một hoạt động trọng tâm của Hội nhằm công bố tác phẩm với trưng bày những sáng tác mới của hội viên. Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô còn là quảng bá mỹ thuật, mở rộng nhu cầu đời sống văn hóa nghệ thuật tạo hình đến với công chúng.
Tuy nhiên, mỹ thuật Thủ đô vẫn còn thiếu tác phẩm có chất lượng cao mang tầm quốc gia và quốc tế. Tôi đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng tác phẩm tạo hình như sau:
1. Để nâng cao thành tích, tạo bước đột phá, Hội Mỹ thuật cần tiếp tục đổi mới, năng động hơn nữa trong việc mở các trại sáng tác gắn với tiềm năng, thế mạnh của mình nhằm khích lệ hội viên tìm tòi sáng tạo để có tác phẩm hay hơn, độc đáo hơn, chất lượng hơn. Muốn vậy, khâu đầu tiên là lựa chọn trại viên có đủ đam mê, năng lực sáng tạo và sức khỏe. Tiếp đến, là khâu lựa chọn đề tài, tổ chức sáng tác, nghiệm thu, tổng kết, khen thưởng, quảng bá tác phẩm sau bế mạc mỗi trại. Bên cạnh việc đầu tư đại trà, cần đầu tư trọng điểm cho các văn nghệ sĩ tài năng. Lấy chất lượng tác phẩm làm mục tiêu đầu tư, đây là khâu đột phá. Khuyến khích lực lượng sáng tác trẻ, sự tìm tòi, đổi mới, cách tân về nội dung và hình thức sáng tác. Thành quả các trại sáng tác cần được tuyên truyền, loan tỏa bằng nhiều hình thức, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung và quảng bá ra thế giới. 
2. Tổ chức tốt các cuộc thi sáng tác mỹ thuật. Đây là “sân chơi” bổ ích và lý thú của giới nghệ sĩ tạo hình. Thông qua các cuộc thi sẽ thu hút đông đảo nghệ sĩ và công chúng tham gia, là cơ hội để nghệ sĩ tạo hình thể hiện tài năng và khẳng định mình. Kho tàng tác phẩm dự thi ấy là nguồn tư liệu phong phú để quảng bá hình ảnh mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn vật đang hội nhập và phát triển. Vấn đề mấu chốt là cần đổi mới hơn nữa khâu tổ chức, chọn ban giám khảo, phương thức chấm và trao giải.
3. Đẩy mạnh hoạt động công bố và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đây là khâu yếu và hạn chế của Hội Mỹ thuật nói riêng và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật nói chung. Các tác phẩm tạo hình chủ yếu phục vụ triển lãm rồi đưa về kho lưu trữ, không có đầu ra. Nhằm tháo gỡ vấn đề này cần “tự cứu lấy mình” với phương thức xã hội hóa. Nghĩa là cần mối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nghệ sĩ. Theo đó, nghệ sĩ cung ứng tác phẩm chất lượng cao để doanh nghiệp và Nhà nước trả thù lao tương xứng (thực chất là mua tác phẩm).
Hằng năm, Hội thường xuyên tổ chức tốt các triển lãm mỹ thuật để giới nghệ sĩ tạo hình công bố, giao lưu với công chúng và du khách thập phương. Trong thời đại 4.0, các mạng xã hội Facebook, Zalo, Messenger, Youtube… là phương tiện “ngon, bổ, rẻ” miễn phí, lan tỏa nhanh rộng khắp, là xu thế thời đại. Mỗi văn nghệ sĩ nên sử dụng, làm chủ công nghệ, đăng tải những tác phẩm chất lượng tốt nhất khẳng định “thương hiệu” của mình và dễ dàng lan tỏa tác phẩm. Không nên dễ dãi đăng tác phẩm yếu kém về nội dung và nghệ thuật, hoặc bình luận nông cạn, cực đoan lên mạng xã hội. Bởi, mạng xã hội là hình ảnh, uy tín của chính văn nghệ sĩ với công chúng không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới.
4. Tăng cường hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, kết nạp hội viên trẻ. Thực tiễn hàng chục năm qua chứng minh rằng, nếu cấp hội, chi hội tăng cường, làm tốt hội thảo, tọa đàm, tập huấn chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, thì chất lượng sáng tác và hoạt động văn học, nghệ thuật khởi sắc, ngược lại thì sa sút, yếu kém. Thông qua sinh hoạt tập thể, ngoài việc cảm thông, thắt chặt tình đoàn kết, đông đảo văn nghệ sĩ còn được chia sẻ, nâng cao nhận thức về sáng tác, cảm thụ, phê bình tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Vấn đề, đáng lo ngại hiện nay là tuổi đời bình quân của giới văn nghệ sĩ khá cao, lực lượng sáng tác trẻ có tâm lý không muốn tham gia hoạt động Hội. Do vậy, việc tạo nguồn, kết nạp hội viên trẻ là việc “cần làm ngay”. Hàng năm, cần mở các lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ cũng như thành lập, kiện toàn, đầu tư cho các câu lạc bộ sáng tác trẻ. Kịp thời, phát hiện những nhân tố trẻ, tài năng trẻ để ưu tiên bồi dưỡng kết nạp. Việc làm này, phải thường xuyên, liên tục, kiên trì. Chú trọng xây dựng đội ngũ lý luận phê bình văn học, nghệ thuật có tâm - tầm – tài để góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm trong thời kỳ mới.
Trên đây là một một số giải pháp của tôi đóng góp cho Tọa đàm.
Chúc Tọa đàm thành công tốt đẹp!
Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2023
 
Tags: