Dấu ấn sáng tạo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Ngày đăng : 15:04:48 20-09-2024

 

Tác giả : Lê Hoài Linh (sưu tầm)

Cuộc thi sáng tác tranh cổ động, logo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) do thành phố Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức; giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa Cơ sở trực tiếp thực hiện.

Dấu ấn sáng tạo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Đỗ Đình Hồng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết: "Công tác tổ chức đã được triển khai kỹ lưỡng, bài bản, từ việc xây dựng kế hoạch đến ban hành thể lệ cuộc thi; từ việc xây dựng tiêu chí đến việc tổ chức chấm chọn các tác phẩm.

Sau hơn 2 tháng phát động, cuộc thi đã thành công rực rỡ. Hội đồng chấm chọn các tác phẩm dự thi đã quy tụ được những tên tuổi có uy tín cao trong ngành Mỹ thuật, đồ họa của cả nước."

Cuộc thi lần này được đánh giá có quy mô lớn nhất với 50 tỉnh thành và các cơ quan, đơn vị hưởng ứng tham gia.

Số lượng tác giả dự thi cũng nhiều nhất với hơn 300 tác giả chuyên nghiệp và không chuyên, trong đó có những tác giả chuyên sáng tác về tranh cổ động, nhiều lần đạt giải cao tại các cuộc thi sáng tác tranh cổ động toàn quốc như: Trần Duy Trúc, Hà Huy Chương, Nguyễn Công Quang, Đỗ Trung Kiên, Phạm Bình Định, Nguyễn Văn Công, Phạm Minh Trang, Nguyễn Duy Thành…

Tác giả lớn tuổi nhất tham gia cuộc thi là họa sỹ Trần Duy Trúc, 80 tuổi, đã nhiều lần đoạt giải thưởng tại các cuộc thi sáng tác tranh cổ động. Tác giả nhỏ tuổi nhất 20 tuổi, là các em sinh viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội. Có tác giả chuyên sáng tác logo như Tô Minh Trang, Trần Hoài Đức, Lê Quý Hải…

Dấu ấn sáng tạo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Ban Tổ chức trao giải Nhất sáng tác logo cho tác giả Nguyễn Công Quang.

Thông qua cuộc thi này, Ban Tổ chức đã tuyển chọn được 1 logo nhận diện và 70 tác phẩm tranh cổ động có chất lượng tốt để phục vụ công tác tuyên truyền và tuyên truyền cổ động trực quan, làm đẹp cảnh quan đô thị tại các vị trí trọng điểm của thành phố, tạo các điểm nhấn thu hút khách tham quan và người dân Thủ đô trong đợt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Thông qua cuộc thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 26 tác phẩm tiêu biểu để trao giải: Giải thiết kế logo có 1 giải Nhất; Giải sáng tác tranh cổ động có 3 giải Nhất, 5 giải Nhì, 7 giải Ba, 10 giải Khuyến khích.

Dấu ấn sáng tạo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Ban Tổ chức trao giải Nhất cho các tác giả sáng tác tranh cổ động.

Sự kiện tổ chức Lễ tổng kết, trao giải, khai mạc triển lãm tranh cổ động và logo tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là sự kiện quan trọng, mở đầu cho chuỗi sự kiện thành phố Hà Nội tổ chức từ nay đến ngày 10/10/2024.

Thay mặt Hội đồng xét tặng giải thưởng, ông Nguyễn Nghĩa Phương - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: "70 tác phẩm tranh cổ động và logo được lựa chọn để trưng bày tại triển lãm thể hiện chất lượng của cuộc thi khá cao.

Cuộc thi nhận được hơn 700 tác phẩm gửi tới, điều đó thể hiện sự quan tâm, tình cảm rất lớn của các tác giả ở các tỉnh thành trên cả nước với dịp đặc biệt, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô thân yêu của đất nước chúng ta".

Dấu ấn sáng tạo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Các đại biểu tham quan triển lãm.

Xét về mặt nội dung, tất cả các tác phẩm này đều bám sát thể lệ của cuộc thi, trọng tâm là hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tuy nhiên, xung quanh đó cũng có những đề tài khẳng định truyền thống nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, thể hiện những thành tựu mới trong quá trình phát triển của Thủ đô qua 70 năm, đặc biệt là thời gian gần đây.

Những ý nghĩa đó được thể hiện rất sáng tạo, đặc biệt có những điểm rất mới về vấn đề tạo hình. Mặc dù những hình tượng, biểu tượng, tín hiệu đồ họa vẫn là những điều chúng ta thường thấy, nhưng riêng ở cuộc thi này Hội đồng cũng có những nhận xét các tác giả đã có những thay đổi, nhìn nhận mới để khẳng định rằng tranh cổ động, tuyên truyền ngày nay vẫn bám sát với phát triển của khoa học công nghệ.

"Nhiều bộ tranh cổ động có tứ rất lãng mạn như một bài hát, bài ca thiết tha. Đó là những điểm mà Hội đồng thống nhất đánh giá rất cao những điểm mới trong cuộc thi này. Sự đóng góp của các tác giả là rất lớn để tạo nên thành công của cuộc thi", ông Nguyễn Nghĩa Phương nhấn mạnh.

Tags: