Chủ nghĩa hậu hiện đại biểu hiện trong mỹ thuật Việt Nam Tư tưởng hay hình thức

Ngày đăng : 11:34:18 22-05-2023
Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy (sưu tầm)
 
Tiếp theo Hội thảo 20 năm mỹ thuật thời kỳ đổi mới năm 2007 mang tính tổng kết và nhận định về tình hình mỹ thuật Việt Nam chuyển đổi trong hoàn cảnh kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường với những mặt được và chưa được, Hội thảo Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhằm đi sâu tìm hiểu các vấn đề cốt yếu của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Thực tế cho thấy, những yếu tố của chủ nghĩa hậu hiện đại đã có mặt trong các lĩnh vực và đời sống xã hội ở Việt Nam, trong đó có ngành mỹ thuật, song lý thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn chưa thực sự được cập nhật để trở thành vấn đề học thuật đối với ngành mỹ thuật. Dù rằng nó đã được bàn luận trên báo chí và nêu lên trong một số hội thảo văn học nghệ thuật ở Việt Nam.
Văn hóa hậu hiện đại nảy sinh trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa đa quốc gia, mang nặng yếu tố mở rộng thị trường, chủ nghĩa tiêu thụ và sự toàn cầu hóa. Chữ hậu hiện đại vừa bao hàm ý nghĩa chỉ thời gian (thời kỳ hậu hiện đại), vừa đồng thời chỉ ý nghĩa, tính chất văn hóa của một thời kỳ (tính chất hậu hiện đại). Nếu như chủ nghĩa hiện đại xuất hiện trong giai đoạn cuối của thời kỳ hiện đại, thì chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện gần như đồng thời với thời kỳ hậu hiện đại. “Thế giới phẳng”, theo cách nói của Thomass L.Friedman, đã tạo cơ hội cho mọi người, cho mọi quốc gia. Phần mềm, cùng tất cả các loại ứng dụng của nó và sự sáng tạo ra mạng cáp quang toàn cầu đã biến tất cả thế giới thành láng giềng sát vách. Trong thời đại thông tin hiện nay, những thông tin về nghệ thuật hậu hiện đại dễ dàng được cập nhật ở Việt Nam. Hay nói một cách khác, khi thế giới là phẳng nghệ sĩ có thể đổi mới mà không cần phải di cư.
Vào những năm cuối thế kỷ 20, những nhà lý thuyết phương Tây đã tranh luận về các phương diện văn hóa và mỹ học của chủ nghĩa hậu hiện đại. Các tên tuổi như Barthes, Foucault, Derrida, Baudrillard, Rorty… đã cáo chung cho chủ nghĩa hiện đại, khẳng định sự tất yếu của chủ nghĩa hậu hiện đại. Cho đến nay ở Việt Nam đã có những tác phẩm dịch và viết về hậu hiện đại, có thể tạm nêu một số ví dụ như: Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn hậu hiện đại (2000) của Nguyễn Hưng Quốc, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết (2002) của Hoàng Ngọc Tuấn, Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lý thuyết (2003) của nhà xuất bản Hội nhà văn, Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại (2006) của Richard Appignanesi – Chris Gattat, người dịch Trần Tiễn Cao Đăng, Chủ nghĩa hậu hiện đại (2006) của Trần Quang Thái, Nghệ thuật Môđéc và Hậu Môđéc (1996) của Lê Thanh Đức… Ngoài ra còn có những tiểu luận chuyên đề về chủ nghĩa hậu hiện đại của Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Minh Quân… Tuy nhiên, trong lĩnh vực mỹ thuật thì đã số nghệ sĩ ít quan tâm đến thuật ngữ, nội hàm khái niệm, những tranh luận về hậu hiện đại trên phương diện triết học của các học giả phương Tây; cũng không chú ý lắm đến những bình luận, nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại, những ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhưng có lẽ do nằm trong xu thế chung của văn hóa thế giới giai đoạn hậu hiện đại và mạng internet kết nối toàn cầu giúp người nghệ sĩ hội nhập nhanh, sâu hơn bao giờ hết với các hình thức nghệ thuật mới trên thế giới, dẫn đến những vấn đề của văn hóa hậu hiện đại, tính chất, cách nhìn của nghệ thuật hậu hiện đại đã xuất hiện trong lĩnh vực mỹ thuật.
Giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ hai đánh dấu sự phát triển các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ tiên tiến giúp nâng cao mức sống vật chất, phát triển văn hóa đại chúng. Bắt đầu thời kỳ của nghệ thuật Hậu hiện đại với xu hướng đề cao nghệ thuật dễ ứng tác, dễ hoà nhập, mang hơi thở của cuộc sống đời thường, tính cập nhật, thời sự của nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Đối với âm nhạc ra đời các thể loại nhạc Jazz, Rock, Pop, Rap, Hip hop…; còn trong tạo hình là Pop Art, Minimal Art, Hyperrealism, Happening, Conceptual Art, Body Art, Op Art, Cinetism Art, Instalation Art, Performance Art, Video Art, Digital Art… Trong bối cảnh toàn cầu hóa, một số nghệ thuật mới đã được du nhập vào Việt Nam và ảnh hưởng đến nghệ sĩ trẻ.
Ở Việt Nam, trong khoảng hai mươi năm trở lại đây Instalation Art, Performance Art, Video Art ngày càng xuất hiện nhiều trong các triển lãm mỹ thuật. Từ chỗ chỉ lác đác một số họa sĩ làm nghệ thuật mới với tính chất thể nghiệm thì nay đã có những người chuyên tâm, đam mê thể hiện các hình thức nghệ thuật này. Thoạt tiên, các tác phẩm Instalation Art, Performance Art hay Video art còn mang tính mô phỏng sự kiện có thực trong cuộc sống thì dăm năm trở lại đây một số sáng tác đã có cách diễn đạt tập trung, cô đọng và súc tích hơn. Chẳng hạn như Nguyễn Minh Thành từ những tác phẩm Instalation lần đầu tiên trình làng cho đến những sáng tác sau này là cả một quá trình cho thấy sự tiến bộ của nghệ sĩ. Người ta thấy cách tìm ý, lối kể chuyện mang ý nghĩa xã hội sâu sắc thuyết phục trong “Chiến tranh.com”, “Danh tiếng.com”, “Thành tích.com”, “Tình yêu.com”… khi Thành bày triển lãm “Những quân bài” năm 2004. Không ít người đã cho rằng họa sĩ trẻ bị ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây, thích thể hiện nghệ thuật mới để gây sự chú ý…  Song thực tế cho thấy, xã hội Việt Nam ngày nay thay đổi khác xa so với vài chục năm trước đây. Nhịp sống xã hội đương đại diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Lĩnh vực nào cũng có những thay đổi và đòi hỏi sự thay đổi. Hội họa giá vẽ trở nên không đủ để phản ánh, đáp ứng với cuộc sống hiện đại. Chính vì thế mà ngày càng có nhìều người tìm đến những phương thức biểu đạt mới, bởi nó có khả năng chuyển tải mạnh mẽ tinh thần, mạch sống của xã hội đương đại đến với công chúng. Không chỉ họa sĩ trẻ mà ngay cả một số sinh viên mỹ thuật cũng thích thú và háo hức với các hình thức nghệ thuật mới này. Tuy nhiên, cũng giống như phong trào đổi mới trong lĩnh vực mỹ thuật diễn ra sau khi đất nước mở cửa hội nhập với thế giới, nhiều họa sĩ  mơ hồ với lý thuyết về chủ nghĩa hiện đại nói chung cũng như lý thuyết và quan niệm của các trường phái nghệ thuật hiện đại nói riêng, nhưng họ vẫn sáng tác theo những ngôn ngữ, hình thức của các trường phái nghệ thuật hiện đại như Lập thể, Đa đa, Siêu thực hay Trừu tượng… và phản ánh những dấu ấn của nghệ thuật hiện đại trong các sáng tác tranh, tượng. Tình hình hiện nay tương tự như vậy, hiếm họa sĩ hiểu lý thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại là gì, tư tưởng then chốt của chủ nghĩa hậu hiện đại ra sao, cũng như về lịch sử của các phong cách nghệ thuật hậu hiện đại từ Pop Art đến Land Art, Body Art…  Nhưng, ngôn ngữ nghệ thuật hậu hiện đại đã xuất hiện trong mỹ thuật đương đại Việt Nam. Như vậy, xét về mặt hình thức, những yếu tố của chủ nghĩa hậu hiện đại đã biểu hiện trong sáng tác mỹ thuật, nhưng về mặt tư tưởng thì chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn là xa xôi, mơ hồ với các họa sĩ. Một nghệ sĩ trẻ đã bộc bạch rất thật về việc học tập nghệ thuật thế giới của mình trong buổi trao đổi giữa giảng viên người Thuỵ Điển với một số học viên curator và nghệ sĩ cho dự án triển lãm Bình đẳng là gì tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2008. Sau khi xem và nghe họa sĩ giới thiệu về sáng tác nghệ thuật của mình, giảng viên Thụy Điển đã hỏi tác giả là anh học cách làm Instalation Art ở đâu và chịu ảnh hưởng của họa sĩ thế giới nào…? Nghệ sĩ này cho biết, anh được học những kiến thức cơ bản về mỹ thuật ở trường Mỹ thuật, nhưng nhà trường không dạy môn Instalation Art. Khi ra trường, anh yêu thích nghệ thuật này và tiếp cận với tác phẩm Instalation Art của các nghệ sĩ phương Tây qua sách báo, internet…, nhưng anh không thể nhớ tên nghệ sĩ nước ngoài nào do tiếng Anh kém. Ví dụ trên phản ánh một tình trạng khá phổ biến trong sáng tác của các họa sĩ trẻ Việt Nam hiện nay, đồng thời cho thấy nghệ sĩ của ta chủ yếu mới tiếp cận với các phong cách nghệ thuật hậu hiện đại ở bề mặt chứ chưa ở bề sâu do những nguyên nhân như chương trình giáo dục mỹ thuật chưa cập nhật, trình độ ngoại ngữ hạn chế khả năng nghiên cứu, tự học… Đây chính là điểm yếu của họa sĩ Việt Nam. Nó dẫn đến tình trạng nghệ thuật của ta tuy phong phú về hình thức, bút pháp nhưng không có chiều sâu tư tưởng.
Trong nhiều năm, tình trạng sáng tác mỹ thuật phổ biến ở Việt Nam là  mỗi khi triển lãm với một chủ đề nội dung nào đó, nghệ sĩ sáng tác theo phong cách có sẵn, rồi đặt cho tác phẩm một tên gọi gắn với đề tài của triển lãm, trước ngày khai mạc mang tác phẩm đến trưng bày. Đối với triển lãm cá nhân và nhóm của các họa sĩ tự tổ chức thì thường thiên về những thể nghiệm kỹ thuật, hình thức hơn là thể hiện những vấn đề xã hội đang diễn ra ngay trong đời sống hàng ngày. Các triển lãm do Hội Mỹ thuật hay Vụ Mỹ thuật tổ chức thường mang tính phong trào, hoặc nhân dịp kỷ niệm một sự kiện quan trọng nào đó; và các họa sĩ khi tham gia những triển lãm này cũng theo tinh thần đó. Trong khi đó, sau Đổi mới  đã có những loại hình nghệ thuật bám khá sát những vấn đề xã hội, như srường hợp nghệ thuật sân khấu với chương trình Gặp nhau cuối năm. Có thể về mặt nghệ thuật của một số vở diễn còn những điều cần phải bàn nhưng thực trạng những vấn đề của giao thông, giáo dục, y tế… và nhiều lĩnh vực trong xã hội Việt Nam đã được phản ánh trong các vở diễn. Có lẽ vì thế, đây là chương trình được nhiều người Việt Nam đón đợi thưởng thức. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng  có số ít họa sĩ đối thoại với cuộc sống xã hội thông qua nghệ thuật của mình. Song thực tế là cho chúng ta vẫn chưa có nhiều triển lãm đặt câu hỏi về các vấn đề xã hội theo kiểu triển lãm Ai kiếm tiền năm 2006. Triển lãm chỉ tập trung mô tả cuộc sống mưu sinh, về những điều quan tâm thường nhật của những con người khác nhau trên phố Yết Kiêu, nhưng lại là phổ biến cho nhiều phố của Hà Nội. Điều đáng nói ở đây là cách đặt vấn đề cho một triển lãm mỹ thuật hướng về thực tế xã hội Việt Nam như Ai kiếm tiền lại được bắt đầu từ những curator, nghệ sĩ nước ngoài chứ không phải từ nghệ sĩ Việt Nam. Nguyên nhân là do trong nhiều năm chủ yếu nghệ sĩ quan tâm đến kỹ thuật, bút pháp và hình thức chứ chưa quen với cách tư duy về đề tài, chủ đề cho một triển lãm. Trong khi đó các nghệ sĩ phương Tây làm việc theo cách trước tiên quan tâm đến một vấn đề nào đó của xã hội, trên cơ sở đó phát hiện ý tưởng tạo hình, nghiên cứu hình thức nghệ thuật thích hợp để thể hiện. Gần đây ở Việt Nam ngày xuất hiện nhiều hơn các triển lãm mỹ thuật được tổ chức theo hình thức này. Như trường hợp dự án nghệ thuật và văn hóa sông Mê Kông vói triển lãm Ở dưới. Các curator và nghệ sĩ phát triển những kiến thức về xã hội và nghệ thuật thông qua các hội thảo, sáng tác dựa trên nghiên cứu khám phá các vấn đề về con người, xã hội, gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật và người xem qua những trao đổi trước triển lãm, trong triển lãm và hậu triển lãm. Đây cũng đồng thời là tính chất mở của nghệ thuật hậu hiện đại, người xem tham gia vào quá trình đối thoại với nghệ sĩ và tác phẩm. Hết triển lãm chưa phải là kết thúc mà thông qua các buổi Curatortalk (trao đổi giữa curator, nghệ sĩ và người xem) những vấn đề của triển lãm dường như vẫn tiếp tục.
Nghệ thuật hậu hiện đại có khuynh hướng xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại, nó có thể kết hợp pha trộn nhiều nghệ thuật khác nhau, nó chấp nhận cảm nhận chủ quan của người xem, khuyến khích người xem có cách nhìn mới về ý nghĩa của tác phẩm chứ không nhất thiết là chỉ một cách nhìn của người nghệ sĩ… Tất nhiên không phải tác phẩm hậu hiện đại nào cũng mang trong mình tất cả những đặc tính trên, nhưng ít hay nhiều nó không thể không mang một vài đặc tính ấy. Các nghệ sĩ huy động nhiều phương tiện và ngôn ngữ cho một sáng tác. Tác phẩm nghệ thuật có thể kết hợp Installation với Video art, hay Perfomance art, hoặc có khi sử dụng cả ba hình thức… Họ không chỉ trình bày nghệ thuật của mình cho công chúng xem, mà nhấn mạnh đến yếu tố mở. Nghệ sĩ không diễn dịch ý nghĩa chủ quan của mình, mà người xem có thể tự tìm thấy trong tác phẩm, thậm chí có khi còn tham gia như một thành phần của tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời các sáng tác cũng không cố gắng chuyên trở hay diễn tả một ý nghĩa nhất định, mà mang tính đa nghĩa, chấp nhận cách cảm thụ, giải nghĩa tác phẩm của người xem. Ý tưởng của nghệ thuật tạo hình hậu hiện đại tạo sự kết dính giữa họa sĩ – người xem – tác phẩm, quan tâm đến không khí của triển lãm và thái độ của công chúng. Tương tự, ở âm nhạc hậu hiện đại ý tưởng hay nhạc đề được đặt vào một ngữ cảnh âm nhạc văn hóa mới để thính giả có cơ hội tiếp cận ở góc độ mới. Nó chấp nhận ý nghĩa của tác phẩm không chỉ hàm ẩn trong bản ký âm, hay những cuộc trình tấu mà còn sinh ra từ sự cảm thụ của người nghe nhạc. Trong những triển lãm mỹ thuật gần đây, triển lãm “Vào chợ” năm 2007 được ghi nhận như một mô hình triển lãm mang phong cách mới. Khán giả đến triển lãm không chỉ để ngắm mà còn tham gia thể hiện quan điểm và cảm xúc riêng của mình. Hay như Nguyễn Thúy Hằng muốn người xem có toàn quyền mở rộng trí tưởng tượng khi đứng trước các tác phẩm của mình trong triển lãm “Một bọn”… Còn đối với Ly Hoàng Ly thì những hiệu ứng từ cảm xúc của khán giả như cười đùa, xầm xì, im phăng phắc, hưởng ứng hay chê bai cũng được coi như là một thành tố tạo nên tác phẩm. Như vậy, khi chú ý đến việc tạo ra không gian nghệ thuật mở dành cho khán giả quyền tham gia theo cách riêng của mình, những tác phẩm nghệ thuật được sáng tác theo khuynh hướng đó đã mang tính chất của nghệ thuật hậu hiện đại. Với hội họa giá, dù dễ cảm nhận hay khó lĩnh hội thì vai trò của người xem chỉ là chiêm ngưỡng, thì nay các hình thức nghệ thuật đương đại chi phối nhiều giác quan của người xem cùng một lúc và thậm chí họ còn đóng một vai trò trong triển lãm, có sự phản hồi về cách nhìn, quan niệm đối với triển lãm và tác phẩm.
Trước thực trạng nghệ thuật đương đại Việt Nam, một số người đặt câu hỏi: vì sao Installation, Video art, Performance, Digital art, Body art… lại lan tỏa nhanh và được họa sĩ trẻ yêu thích đến vậy? Nghệ thuật phát triển bằng giá trị tự thân của mình. Các phong cách nghệ thuật mới cho phép người nghệ sĩ linh hoạt trong việc thể hiện những ý tưởng. Nghệ sĩ trẻ ngày nay làm nghệ thuật mới và khán giả thưởng thức tán đồng cách làm việc của họ cũng chủ yếu là người trẻ. Khi xem các triển lãm mỹ thuật đương đại, thưởng thức sáng tạo của nghệ sĩ trẻ, nghe họ trình bày về quan niệm nghệ thuật của mình… tôi tin vào thế hệ họa sĩ mới. Trong tương lai, có thể một vài người trong số họ sẽ đặt một dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ những sáng tác mang tính thể nghiệm ngày hôm nay. Dù vẫn có người không hiểu, không đồng cảm được với nghệ thuật mới…, nhưng có lẽ cũng giống như câu chuyện về Chrick Corea, nghệ sĩ chơi Jazz fusion nổi tiếng. Khi có người hỏi ông về số phận của Jazz, Chrick Corea đại ý nói rằng Jazz sẽ trở thành âm nhạc cổ điển của tương lai. Các phong cách nghệ thuật mới cần có thời gian để khẳng định, tạo cho mình công chúng. Cũng giống như nhiều trường phái nghệ thuật trong lịch sử mỹ thuật như Ấn tượng, hay Dã thú, Vị Lai, Siêu thực khi ra đời vào thời của mình, ít người nghĩ rằng nó sẽ trở thành phong cách nghệ thuật cổ điển trong tương lai. Nếu như những năm trước, nghệ thuật trình diễn và sắp đặt ở Việt Nam mang đậm màu sắc thử nghiệm, thì vào thời điểm về sau đã mang những thông điệp xã hội cụ thể, hình thức nghệ thuật cũng ngày một đa dạng hơn, đẹp hơn. Và chính họ, những nghệ sĩ thử nghiệm các hình thức nghệ thuật mới buổi đầu nay được nhắc đến như những nghệ sĩ chuyên về nghệ thuật Instalation Art, Performance Art như Trần Lương, Đào Anh Khánh, Trương Tân, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Ly Hoàng Ly…. 
Như vậy, đã có những nghệ sĩ sáng tác theo phong cách nghệ thuật hậu hiện đại, đã có những biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại trong trong mỹ thuật đương đại Việt Nam. Tuy nhiên, mỹ thuật Việt Nam cần có những tác phẩm không chỉ mang hình thức mà phải thực sự chyên chở tư tưởng, tình thần hậu hiện đại. Những thuận lợi của toàn cầu hóa đã giúp nghệ sĩ Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với nghệ thuật hậu hiện đại thế giới. Song bên cạnh đó, thói quen về tư duy của phần đông nghệ sĩ lại cản trở những tiếp nhận về tư tưởng triết học, các lý thuyết nghệ thuật tiền đề cho những đột phá sáng tạo đỉnh cao. 
Bùi Thị Thanh Mai
 
Tiếp theo Hội thảo 20 năm mỹ thuật thời kỳ đổi mới năm 2007 mang tính tổng kết và nhận định về tình hình mỹ thuật Việt Nam chuyển đổi trong hoàn cảnh kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường với những mặt được và chưa được, Hội thảo Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhằm đi sâu tìm hiểu các vấn đề cốt yếu của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Thực tế cho thấy, những yếu tố của chủ nghĩa hậu hiện đại đã có mặt trong các lĩnh vực và đời sống xã hội ở Việt Nam, trong đó có ngành mỹ thuật, song lý thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn chưa thực sự được cập nhật để trở thành vấn đề học thuật đối với ngành mỹ thuật. Dù rằng nó đã được bàn luận trên báo chí và nêu lên trong một số hội thảo văn học nghệ thuật ở Việt Nam.
Văn hóa hậu hiện đại nảy sinh trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa đa quốc gia, mang nặng yếu tố mở rộng thị trường, chủ nghĩa tiêu thụ và sự toàn cầu hóa. Chữ hậu hiện đại vừa bao hàm ý nghĩa chỉ thời gian (thời kỳ hậu hiện đại), vừa đồng thời chỉ ý nghĩa, tính chất văn hóa của một thời kỳ (tính chất hậu hiện đại). Nếu như chủ nghĩa hiện đại xuất hiện trong giai đoạn cuối của thời kỳ hiện đại, thì chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện gần như đồng thời với thời kỳ hậu hiện đại. “Thế giới phẳng”, theo cách nói của Thomass L.Friedman, đã tạo cơ hội cho mọi người, cho mọi quốc gia. Phần mềm, cùng tất cả các loại ứng dụng của nó và sự sáng tạo ra mạng cáp quang toàn cầu đã biến tất cả thế giới thành láng giềng sát vách. Trong thời đại thông tin hiện nay, những thông tin về nghệ thuật hậu hiện đại dễ dàng được cập nhật ở Việt Nam. Hay nói một cách khác, khi thế giới là phẳng nghệ sĩ có thể đổi mới mà không cần phải di cư.
Vào những năm cuối thế kỷ 20, những nhà lý thuyết phương Tây đã tranh luận về các phương diện văn hóa và mỹ học của chủ nghĩa hậu hiện đại. Các tên tuổi như Barthes, Foucault, Derrida, Baudrillard, Rorty… đã cáo chung cho chủ nghĩa hiện đại, khẳng định sự tất yếu của chủ nghĩa hậu hiện đại. Cho đến nay ở Việt Nam đã có những tác phẩm dịch và viết về hậu hiện đại, có thể tạm nêu một số ví dụ như: Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn hậu hiện đại (2000) của Nguyễn Hưng Quốc, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết (2002) của Hoàng Ngọc Tuấn, Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lý thuyết (2003) của nhà xuất bản Hội nhà văn, Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại (2006) của Richard Appignanesi – Chris Gattat, người dịch Trần Tiễn Cao Đăng, Chủ nghĩa hậu hiện đại (2006) của Trần Quang Thái, Nghệ thuật Môđéc và Hậu Môđéc (1996) của Lê Thanh Đức… Ngoài ra còn có những tiểu luận chuyên đề về chủ nghĩa hậu hiện đại của Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Minh Quân… Tuy nhiên, trong lĩnh vực mỹ thuật thì đã số nghệ sĩ ít quan tâm đến thuật ngữ, nội hàm khái niệm, những tranh luận về hậu hiện đại trên phương diện triết học của các học giả phương Tây; cũng không chú ý lắm đến những bình luận, nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại, những ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhưng có lẽ do nằm trong xu thế chung của văn hóa thế giới giai đoạn hậu hiện đại và mạng internet kết nối toàn cầu giúp người nghệ sĩ hội nhập nhanh, sâu hơn bao giờ hết với các hình thức nghệ thuật mới trên thế giới, dẫn đến những vấn đề của văn hóa hậu hiện đại, tính chất, cách nhìn của nghệ thuật hậu hiện đại đã xuất hiện trong lĩnh vực mỹ thuật.
Giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ hai đánh dấu sự phát triển các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ tiên tiến giúp nâng cao mức sống vật chất, phát triển văn hóa đại chúng. Bắt đầu thời kỳ của nghệ thuật Hậu hiện đại với xu hướng đề cao nghệ thuật dễ ứng tác, dễ hoà nhập, mang hơi thở của cuộc sống đời thường, tính cập nhật, thời sự của nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Đối với âm nhạc ra đời các thể loại nhạc Jazz, Rock, Pop, Rap, Hip hop…; còn trong tạo hình là Pop Art, Minimal Art, Hyperrealism, Happening, Conceptual Art, Body Art, Op Art, Cinetism Art, Instalation Art, Performance Art, Video Art, Digital Art… Trong bối cảnh toàn cầu hóa, một số nghệ thuật mới đã được du nhập vào Việt Nam và ảnh hưởng đến nghệ sĩ trẻ.
Ở Việt Nam, trong khoảng hai mươi năm trở lại đây Instalation Art, Performance Art, Video Art ngày càng xuất hiện nhiều trong các triển lãm mỹ thuật. Từ chỗ chỉ lác đác một số họa sĩ làm nghệ thuật mới với tính chất thể nghiệm thì nay đã có những người chuyên tâm, đam mê thể hiện các hình thức nghệ thuật này. Thoạt tiên, các tác phẩm Instalation Art, Performance Art hay Video art còn mang tính mô phỏng sự kiện có thực trong cuộc sống thì dăm năm trở lại đây một số sáng tác đã có cách diễn đạt tập trung, cô đọng và súc tích hơn. Chẳng hạn như Nguyễn Minh Thành từ những tác phẩm Instalation lần đầu tiên trình làng cho đến những sáng tác sau này là cả một quá trình cho thấy sự tiến bộ của nghệ sĩ. Người ta thấy cách tìm ý, lối kể chuyện mang ý nghĩa xã hội sâu sắc thuyết phục trong “Chiến tranh.com”, “Danh tiếng.com”, “Thành tích.com”, “Tình yêu.com”… khi Thành bày triển lãm “Những quân bài” năm 2004. Không ít người đã cho rằng họa sĩ trẻ bị ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây, thích thể hiện nghệ thuật mới để gây sự chú ý…  Song thực tế cho thấy, xã hội Việt Nam ngày nay thay đổi khác xa so với vài chục năm trước đây. Nhịp sống xã hội đương đại diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Lĩnh vực nào cũng có những thay đổi và đòi hỏi sự thay đổi. Hội họa giá vẽ trở nên không đủ để phản ánh, đáp ứng với cuộc sống hiện đại. Chính vì thế mà ngày càng có nhìều người tìm đến những phương thức biểu đạt mới, bởi nó có khả năng chuyển tải mạnh mẽ tinh thần, mạch sống của xã hội đương đại đến với công chúng. Không chỉ họa sĩ trẻ mà ngay cả một số sinh viên mỹ thuật cũng thích thú và háo hức với các hình thức nghệ thuật mới này. Tuy nhiên, cũng giống như phong trào đổi mới trong lĩnh vực mỹ thuật diễn ra sau khi đất nước mở cửa hội nhập với thế giới, nhiều họa sĩ  mơ hồ với lý thuyết về chủ nghĩa hiện đại nói chung cũng như lý thuyết và quan niệm của các trường phái nghệ thuật hiện đại nói riêng, nhưng họ vẫn sáng tác theo những ngôn ngữ, hình thức của các trường phái nghệ thuật hiện đại như Lập thể, Đa đa, Siêu thực hay Trừu tượng… và phản ánh những dấu ấn của nghệ thuật hiện đại trong các sáng tác tranh, tượng. Tình hình hiện nay tương tự như vậy, hiếm họa sĩ hiểu lý thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại là gì, tư tưởng then chốt của chủ nghĩa hậu hiện đại ra sao, cũng như về lịch sử của các phong cách nghệ thuật hậu hiện đại từ Pop Art đến Land Art, Body Art…  Nhưng, ngôn ngữ nghệ thuật hậu hiện đại đã xuất hiện trong mỹ thuật đương đại Việt Nam. Như vậy, xét về mặt hình thức, những yếu tố của chủ nghĩa hậu hiện đại đã biểu hiện trong sáng tác mỹ thuật, nhưng về mặt tư tưởng thì chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn là xa xôi, mơ hồ với các họa sĩ. Một nghệ sĩ trẻ đã bộc bạch rất thật về việc học tập nghệ thuật thế giới của mình trong buổi trao đổi giữa giảng viên người Thuỵ Điển với một số học viên curator và nghệ sĩ cho dự án triển lãm Bình đẳng là gì tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2008. Sau khi xem và nghe họa sĩ giới thiệu về sáng tác nghệ thuật của mình, giảng viên Thụy Điển đã hỏi tác giả là anh học cách làm Instalation Art ở đâu và chịu ảnh hưởng của họa sĩ thế giới nào…? Nghệ sĩ này cho biết, anh được học những kiến thức cơ bản về mỹ thuật ở trường Mỹ thuật, nhưng nhà trường không dạy môn Instalation Art. Khi ra trường, anh yêu thích nghệ thuật này và tiếp cận với tác phẩm Instalation Art của các nghệ sĩ phương Tây qua sách báo, internet…, nhưng anh không thể nhớ tên nghệ sĩ nước ngoài nào do tiếng Anh kém. Ví dụ trên phản ánh một tình trạng khá phổ biến trong sáng tác của các họa sĩ trẻ Việt Nam hiện nay, đồng thời cho thấy nghệ sĩ của ta chủ yếu mới tiếp cận với các phong cách nghệ thuật hậu hiện đại ở bề mặt chứ chưa ở bề sâu do những nguyên nhân như chương trình giáo dục mỹ thuật chưa cập nhật, trình độ ngoại ngữ hạn chế khả năng nghiên cứu, tự học… Đây chính là điểm yếu của họa sĩ Việt Nam. Nó dẫn đến tình trạng nghệ thuật của ta tuy phong phú về hình thức, bút pháp nhưng không có chiều sâu tư tưởng.
Trong nhiều năm, tình trạng sáng tác mỹ thuật phổ biến ở Việt Nam là  mỗi khi triển lãm với một chủ đề nội dung nào đó, nghệ sĩ sáng tác theo phong cách có sẵn, rồi đặt cho tác phẩm một tên gọi gắn với đề tài của triển lãm, trước ngày khai mạc mang tác phẩm đến trưng bày. Đối với triển lãm cá nhân và nhóm của các họa sĩ tự tổ chức thì thường thiên về những thể nghiệm kỹ thuật, hình thức hơn là thể hiện những vấn đề xã hội đang diễn ra ngay trong đời sống hàng ngày. Các triển lãm do Hội Mỹ thuật hay Vụ Mỹ thuật tổ chức thường mang tính phong trào, hoặc nhân dịp kỷ niệm một sự kiện quan trọng nào đó; và các họa sĩ khi tham gia những triển lãm này cũng theo tinh thần đó. Trong khi đó, sau Đổi mới  đã có những loại hình nghệ thuật bám khá sát những vấn đề xã hội, như srường hợp nghệ thuật sân khấu với chương trình Gặp nhau cuối năm. Có thể về mặt nghệ thuật của một số vở diễn còn những điều cần phải bàn nhưng thực trạng những vấn đề của giao thông, giáo dục, y tế… và nhiều lĩnh vực trong xã hội Việt Nam đã được phản ánh trong các vở diễn. Có lẽ vì thế, đây là chương trình được nhiều người Việt Nam đón đợi thưởng thức. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng  có số ít họa sĩ đối thoại với cuộc sống xã hội thông qua nghệ thuật của mình. Song thực tế là cho chúng ta vẫn chưa có nhiều triển lãm đặt câu hỏi về các vấn đề xã hội theo kiểu triển lãm Ai kiếm tiền năm 2006. Triển lãm chỉ tập trung mô tả cuộc sống mưu sinh, về những điều quan tâm thường nhật của những con người khác nhau trên phố Yết Kiêu, nhưng lại là phổ biến cho nhiều phố của Hà Nội. Điều đáng nói ở đây là cách đặt vấn đề cho một triển lãm mỹ thuật hướng về thực tế xã hội Việt Nam như Ai kiếm tiền lại được bắt đầu từ những curator, nghệ sĩ nước ngoài chứ không phải từ nghệ sĩ Việt Nam. Nguyên nhân là do trong nhiều năm chủ yếu nghệ sĩ quan tâm đến kỹ thuật, bút pháp và hình thức chứ chưa quen với cách tư duy về đề tài, chủ đề cho một triển lãm. Trong khi đó các nghệ sĩ phương Tây làm việc theo cách trước tiên quan tâm đến một vấn đề nào đó của xã hội, trên cơ sở đó phát hiện ý tưởng tạo hình, nghiên cứu hình thức nghệ thuật thích hợp để thể hiện. Gần đây ở Việt Nam ngày xuất hiện nhiều hơn các triển lãm mỹ thuật được tổ chức theo hình thức này. Như trường hợp dự án nghệ thuật và văn hóa sông Mê Kông vói triển lãm Ở dưới. Các curator và nghệ sĩ phát triển những kiến thức về xã hội và nghệ thuật thông qua các hội thảo, sáng tác dựa trên nghiên cứu khám phá các vấn đề về con người, xã hội, gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật và người xem qua những trao đổi trước triển lãm, trong triển lãm và hậu triển lãm. Đây cũng đồng thời là tính chất mở của nghệ thuật hậu hiện đại, người xem tham gia vào quá trình đối thoại với nghệ sĩ và tác phẩm. Hết triển lãm chưa phải là kết thúc mà thông qua các buổi Curatortalk (trao đổi giữa curator, nghệ sĩ và người xem) những vấn đề của triển lãm dường như vẫn tiếp tục.
Nghệ thuật hậu hiện đại có khuynh hướng xóa nhòa ranh giới giữa các thể loại, nó có thể kết hợp pha trộn nhiều nghệ thuật khác nhau, nó chấp nhận cảm nhận chủ quan của người xem, khuyến khích người xem có cách nhìn mới về ý nghĩa của tác phẩm chứ không nhất thiết là chỉ một cách nhìn của người nghệ sĩ… Tất nhiên không phải tác phẩm hậu hiện đại nào cũng mang trong mình tất cả những đặc tính trên, nhưng ít hay nhiều nó không thể không mang một vài đặc tính ấy. Các nghệ sĩ huy động nhiều phương tiện và ngôn ngữ cho một sáng tác. Tác phẩm nghệ thuật có thể kết hợp Installation với Video art, hay Perfomance art, hoặc có khi sử dụng cả ba hình thức… Họ không chỉ trình bày nghệ thuật của mình cho công chúng xem, mà nhấn mạnh đến yếu tố mở. Nghệ sĩ không diễn dịch ý nghĩa chủ quan của mình, mà người xem có thể tự tìm thấy trong tác phẩm, thậm chí có khi còn tham gia như một thành phần của tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời các sáng tác cũng không cố gắng chuyên trở hay diễn tả một ý nghĩa nhất định, mà mang tính đa nghĩa, chấp nhận cách cảm thụ, giải nghĩa tác phẩm của người xem. Ý tưởng của nghệ thuật tạo hình hậu hiện đại tạo sự kết dính giữa họa sĩ – người xem – tác phẩm, quan tâm đến không khí của triển lãm và thái độ của công chúng. Tương tự, ở âm nhạc hậu hiện đại ý tưởng hay nhạc đề được đặt vào một ngữ cảnh âm nhạc văn hóa mới để thính giả có cơ hội tiếp cận ở góc độ mới. Nó chấp nhận ý nghĩa của tác phẩm không chỉ hàm ẩn trong bản ký âm, hay những cuộc trình tấu mà còn sinh ra từ sự cảm thụ của người nghe nhạc. Trong những triển lãm mỹ thuật gần đây, triển lãm “Vào chợ” năm 2007 được ghi nhận như một mô hình triển lãm mang phong cách mới. Khán giả đến triển lãm không chỉ để ngắm mà còn tham gia thể hiện quan điểm và cảm xúc riêng của mình. Hay như Nguyễn Thúy Hằng muốn người xem có toàn quyền mở rộng trí tưởng tượng khi đứng trước các tác phẩm của mình trong triển lãm “Một bọn”… Còn đối với Ly Hoàng Ly thì những hiệu ứng từ cảm xúc của khán giả như cười đùa, xầm xì, im phăng phắc, hưởng ứng hay chê bai cũng được coi như là một thành tố tạo nên tác phẩm. Như vậy, khi chú ý đến việc tạo ra không gian nghệ thuật mở dành cho khán giả quyền tham gia theo cách riêng của mình, những tác phẩm nghệ thuật được sáng tác theo khuynh hướng đó đã mang tính chất của nghệ thuật hậu hiện đại. Với hội họa giá, dù dễ cảm nhận hay khó lĩnh hội thì vai trò của người xem chỉ là chiêm ngưỡng, thì nay các hình thức nghệ thuật đương đại chi phối nhiều giác quan của người xem cùng một lúc và thậm chí họ còn đóng một vai trò trong triển lãm, có sự phản hồi về cách nhìn, quan niệm đối với triển lãm và tác phẩm.
Trước thực trạng nghệ thuật đương đại Việt Nam, một số người đặt câu hỏi: vì sao Installation, Video art, Performance, Digital art, Body art… lại lan tỏa nhanh và được họa sĩ trẻ yêu thích đến vậy? Nghệ thuật phát triển bằng giá trị tự thân của mình. Các phong cách nghệ thuật mới cho phép người nghệ sĩ linh hoạt trong việc thể hiện những ý tưởng. Nghệ sĩ trẻ ngày nay làm nghệ thuật mới và khán giả thưởng thức tán đồng cách làm việc của họ cũng chủ yếu là người trẻ. Khi xem các triển lãm mỹ thuật đương đại, thưởng thức sáng tạo của nghệ sĩ trẻ, nghe họ trình bày về quan niệm nghệ thuật của mình… tôi tin vào thế hệ họa sĩ mới. Trong tương lai, có thể một vài người trong số họ sẽ đặt một dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ những sáng tác mang tính thể nghiệm ngày hôm nay. Dù vẫn có người không hiểu, không đồng cảm được với nghệ thuật mới…, nhưng có lẽ cũng giống như câu chuyện về Chrick Corea, nghệ sĩ chơi Jazz fusion nổi tiếng. Khi có người hỏi ông về số phận của Jazz, Chrick Corea đại ý nói rằng Jazz sẽ trở thành âm nhạc cổ điển của tương lai. Các phong cách nghệ thuật mới cần có thời gian để khẳng định, tạo cho mình công chúng. Cũng giống như nhiều trường phái nghệ thuật trong lịch sử mỹ thuật như Ấn tượng, hay Dã thú, Vị Lai, Siêu thực khi ra đời vào thời của mình, ít người nghĩ rằng nó sẽ trở thành phong cách nghệ thuật cổ điển trong tương lai. Nếu như những năm trước, nghệ thuật trình diễn và sắp đặt ở Việt Nam mang đậm màu sắc thử nghiệm, thì vào thời điểm về sau đã mang những thông điệp xã hội cụ thể, hình thức nghệ thuật cũng ngày một đa dạng hơn, đẹp hơn. Và chính họ, những nghệ sĩ thử nghiệm các hình thức nghệ thuật mới buổi đầu nay được nhắc đến như những nghệ sĩ chuyên về nghệ thuật Instalation Art, Performance Art như Trần Lương, Đào Anh Khánh, Trương Tân, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Ly Hoàng Ly…. 
Như vậy, đã có những nghệ sĩ sáng tác theo phong cách nghệ thuật hậu hiện đại, đã có những biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại trong trong mỹ thuật đương đại Việt Nam. Tuy nhiên, mỹ thuật Việt Nam cần có những tác phẩm không chỉ mang hình thức mà phải thực sự chyên chở tư tưởng, tình thần hậu hiện đại. Những thuận lợi của toàn cầu hóa đã giúp nghệ sĩ Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với nghệ thuật hậu hiện đại thế giới. Song bên cạnh đó, thói quen về tư duy của phần đông nghệ sĩ lại cản trở những tiếp nhận về tư tưởng triết học, các lý thuyết nghệ thuật tiền đề cho những đột phá sáng tạo đỉnh cao. 
Tags: