CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÁNG TÁC TRONG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT THỦ ĐÔ Nhà PBMT Trần Thị Quỳnh Như

Ngày đăng : 13:36:04 05-04-2023

Phải khẳng định Hà Nội là nơi hoạt động Mỹ thuật phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu, phác vài nét về diện mạo Mỹ thuật Thủ đô, ta thấy hàng ngày có nhiều cuộc Triển lãm được tổ chức tại các Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, 29 Hàng Bài, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật số 2 Hoa Lư, Bảo tàng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Các Triển lãm tổ chức tại các Gallery, Quán Cà phê, tại các Trung tâm thương mại như Mipec, các Khu đô thị mới như Royalcity, Sân Golf Long Biên, các Khách sạn lớn, các Di tích Văn hóa như Đình trong khu phố cổ... Đặc biệt là Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày tiếp quản Thủ đô 10/10 hàng năm. Kế thừa những thành tựu những năm trước, trong giai đoạn mới này chúng ta cùng tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng sáng tác.
Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ ngày 16/8/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, Nghệ thuật trong thời kỳ mới". Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 22/2/2022 của Thành Ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045" và Nghị quyết Đại hội XIII Hội Mỹ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16/8/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Hà Nội, nhấn mạnh: "Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đã phát triển toàn diện, mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa – tinh thần ngày càng cao của nhân dân... Nhờ sự mở rộng về không gian sáng tạo, tư duy nghệ thuật, quan niệm nhân sinh của văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới nên văn hóa, nghệ thuật nước nhà vừa phản ánh được những nỗ lực và thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...". Văn học Nghệ thuật Hà Nội trong đó có Mỹ thuật cũng trong dòng "chuyển động" như vậy.
Để minh chứng cho điều trên và tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng sáng tác cho Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, xin tiếp cận ở những vấn đề sau:
1. Thực trạng sáng tác
2. Các Tác giả hay lực lượng sáng tác
3. Các giải pháp
1. Thực trạng sáng tác:
Phải nói các Hội Nghề nghiệp trong đó có Hội Mỹ thuật Hà Nội quan tâm đến sáng tác của các Họa sỹ, Nhà Điêu khắc Hà Nội và sáng tác tranh tượng cũng là sự thôi thúc tự thân, là trách nhiệm của Nghệ sỹ đối với xã hội. Lấy 1 vài con số để minh chứng: Trong 5 năm từ 2015 đến 2020 có 5 cuộc Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô được tổ chức thành công với 1.250 tác phẩm của 1.250 tác giả của các chuyên ngành Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc. Sau hơn 2 năm Đại dịch Covid 19 hoành hành (2020 – 2022) Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2022 là Triển lãm đầu tiên của Nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Hội Mỹ thuật Hà Nội. Hơn 2 năm giãn cách xã hội vì Đại dịch Covid 19, người Hà Nội chúng ta phải đối mặt với ban rủi ro, phải test, tiêm vắc xin, kinh tế suy giảm phải ở yên một chỗ, rồi mắc bệnh, thậm chí phải cách ly trong bệnh viện và không ít người phải "ra đi"... nhưng Giới Mỹ thuật lại tận dụng thời gian để sáng tác các tác phẩm, đưa lên mạng xã hội để trao đổi nghề với nhau. Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2022 đã tập hợp 240 tranh, tượng của 240 tác giả, đề tài phong phú đa dạng, phần lớn ca ngợi vẻ đẹp cuộc sống như phong cảnh, tĩnh vật, chân dung... những tác phẩm về công nghiệp, nông nghiệp có những cách thể hiện khác, tác giả tìm một phương pháp mới của thời kỳ 4.0. Đặc biệt những tác phẩm về ngành y, chống Covid khá ấn tượng. Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô là hoạt động thường xuyên của Giới Mỹ thuật Hà Nội được công chúng đón nhận là cách thức đưa Mỹ thuật đến với công chúng.
Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô hàng năm dành cho những tác phẩm có chất lượng cao được Hội đồng Nghệ thuật lựa chọn trong những tác phẩm được chọn trưng bày trong Triển lãm, Thống kê 5 năm từ 2015 – 2020 có 30 Giải chính thức (Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba), 50 Giải Tặng thưởng của 80 tác giả trong đó có 30% họa sỹ, nhà điêu khắc chưa là Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội. Năm 2022 có 6 Giải Chính thức, 10 Giải Khuyến khích. Ngoài ra Hội đã có 10 Hội viên nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
Bên cạnh đó Hội Mỹ thuật Hà Nội còn tổ chức nhiều cuộc Triển lãm Quốc tế, Triển lãm Chuyên đề trong nước được đông đảo Hội viên các thế hệ tham gia từ Nghệ sỹ cao tuổi đến các Tác giả trẻ mới vào nghề, đó là các Triển lãm "Sắc màu Hà Nội", "Triển lãm Tranh Giấy", "Triển lãm về Biển đảo", "Triển lãm của các Tác giả Hà Nội – Yên Bái" (trưng bày 350 tác phẩm của 350 tác giả). Tham gia các Triển lãm Quốc tế tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
2. Các tác giả hay lực lượng sáng tác:
Số Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội tăng nhanh, năm 2008 có 350 Hội viên thì đến năm 2023 (sau 15 năm) là 540 Hội viên. Các tác giả được bổ sung từ các nguồn đào tạo như từ các trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Sư phạm Nghệ thuật, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Khoa Mỹ thuật truyền thống Trường Nghề Tổng hợp Hà Nội, các khoa Mỹ thuật từ các trường Đại học trong và ngoài nước... các Câu lạc bộ Mỹ thuật, Trung tâm dạy vẽ v.v.
Để tạo điều kiện cho Hội viên đi thực tế, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức các buổi tham quan, dã ngoại tại các vùng văn hóa, tổ chức Trại sáng tác để các Hội viên tập trung thể hiện các phác thảo đã được duyệt thành tác phẩm. Hội đã tổ chức được nhiều Trại sáng tác, đây là hoạt động trọng điểm, nâng cao chất lượng tác phẩm chuẩn bị cho Triển lãm thường niên của Hội. Từ 2015 đến 2020 tổ chức cho 150 Họa sỹ, Nhà Điêu khắc Hội viên tham gia 5 trại sáng tác dài ngày tại Trung tâm hỗ trợ sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Đại Lải, Tam Đảo, Đà Lạt, Nha Trang. Có 65 Hội viên tập hợp trong 5 trại sáng tác đi vẽ về các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tại Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Cà Mau. 2 Hội viên do Hội cử đi sáng tác tại đảo Trường Sa đã có những tác phẩm tốt. Hà Nội thật tự hào về đội ngũ tác giả mỹ thuật có tay nghề, được đào tào bài bản, đam mê nghề... đã góp phần làm nên chất lượng của Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô.
3. Các giải pháp giúp nâng cao chất lượng của Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô
a - Các Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội của các chuyên ngành Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc, Phê bình Mỹ thuật cùng nhau góp phần xây dựng Hôi Mỹ thuật Hà Nội phát triển bền vững toàn diện, xứng tầm là một Tổ chức Chính trị xã hội nghề nghiệp của những nghệ sỹ. Trong đó vai trò của Chủ tịch và Ban chấp hành rất quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của Hội viên, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn góp phần tạo điều kiện cho Hội viên sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng cao, có giá trị nghệ thuật, phong cách sáng tác đa dạng, có tư tưởng và ý nghĩa xã hội sâu sắc; chú ý những tác phẩm có tìm tòi mới, đột phá.
b - Các tác giả không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận, trau dồi cảm xúc, đẩy mạnh sự sáng tạo để có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật xuất sắc giúp nâng cao nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân, để người dân tiếp cận ngày càng nhiều với mỹ thuật, phù hợp với nhu cầu công chúng thưởng ngoại Nghệ thuật ngày càng cao của Thủ đô Hà Nội.
c - Tổ chức những chuyến đi thực tế để đưa Hội viên đến những không gian văn hóa, di tích lịch sử, cảnh đẹp của đất nước, những nhà máy, ruộng đồng, đơn vị quân đội, biển đảo... để các tác giả thâm nhập thực tế có những xúc cảm để sáng tác và tạo sự gắn kết giữa Hội viên với Hội, giữa Hội viên với nhau.
d - Tổ chức những trại sáng tác để giúp Hội viên trao đổi chuyên môn, có thời gian đầu tư để làm tác phẩm lớn, dài hơi, có chất lượng. Nên chăng như Nhà nghệ thuật quần chúng Thủ đô (Nhà NTQCTĐ) trước đây (từ những năm 60 TK XX) hàng năm tổ chức Trại sáng tác, những tác phẩm tốt gửi dự TLMTTĐ thì các trại viên đều có phác thảo được thông qua Hội đồng nghệ thuật, khi tham gia Trại sáng tác đều có những Họa sỹ, Nhà Điêu khắc có chuyên môn cao trao đổi góp ý, phát hiện.
đ - Hội mở rộng liên kết, giao lưu với các Hội Văn học Nghệ thuật trong nước để tổ chức triển lãm hay đi sáng tác cùng.
e - Mở rộng quan hệ đối ngoại với các Hội Mỹ thuật, Nghệ sỹ nước ngoài hoặc có thể mời Triển lãm chung tại Việt Nam và nước ngoài.
g - Củng cố và đẩy mạnh hoạt động Phê bình mỹ thuật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong các cuộc họp báo nên mời các Nhà Phê bình Mỹ thuật tham gia. Nên tổ chức Lễ phát động sáng tác cho Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, đây cũng là dịp để mọi người cùng trao đổi chuyên môn. Tổ chức Hội thảo, tọa đàm về Triển lãm.
h - Hội cần quan tâm đến những người tham gia mỹ thuật không chuyên tại Hà Nội, hiện nay có nhiều cơ sở đào tạo mỹ thuật cho những người ở nhiều ngành nghề khác nhau, trình độ khác nhau nhưng đam mê mỹ thuật, họ (có người là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Luật sư) muốn dành thời gian thử nghiệm với việc vẽ tranh, nặn tượng như lớp vẽ Green Art Center của Họa sĩ Vũ Xuân Tình ở Lý Thường Kiệt, Trung tâm Mỹ thuật Hoa Tâm của Họa sỹ Nguyễn Thị Nhàn v.v hiện có Câu lạc bộ Mỹ thuật quần chúng Thủ đô (CLB MT QC TĐ) các thành viên là những người từng học tại Nhà NTQC TĐ họ trưởng thành và trở thành những tác giả có vị trí với Mỹ thuật Hà Nội, nhiều người là Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tôi nghĩ các lớp mỹ thuật không chuyên ấy cũng cần sự quan tâm của Hội và đây cũng là nguồn cho hoạt động Mỹ thuật Thủ đô.
i - Quan tâm, tạo điều kiện cho các Họa sỹ, Nhà Điêu khắc cao tuổi sáng tác, khuyến khích sự tìm tòi của các Nghệ sỹ trẻ, phát hiện các tài năng, đẩy mạnh kết nạp hội viên.
k - Rất mong các cấp lãnh đạo của Thành phố dành kinh phí mua các Tác phẩm chất lượng của Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô hàng năm để treo nơi công sở.
l - Cuốn vựng tập về Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô được in hàng năm đáp ứng sự mong mỏi của các Hội viên, chúng tôi rất hoan nghênh và cảm ơn, rất mong ấn phẩm này góp phần thông tin và đưa mỹ thuật đến với công chúng, rất mong cuôn sách được nâng cao về chất lượng, nhiều thông tin, xứng tầm là một sản phẩm Mỹ thuật của Thủ đô.
Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô được tổ chức hàng năm làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân, cho ta thấy những đổi thay của cuộc sống, xã hội. Qua triển lãm ta thấy Mỹ thuật Hà Nội có bước phát triển về đội ngũ tác giả, những đổi thay trong sáng tác, phong cách của từng Nghệ sĩ, các trào lưu Mỹ thuật, không khí sáng tác, niềm đam mê, cảm hứng sáng tạo. Qua Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô đã giúp các tác giả trưởng thành. Cho thấy tấm lòng Nghệ sỹ với tình yêu và trách nhiệm với Hà Nội, đất nước, dân tộc.
Qua các tác phẩm các nghệ sỹ đã tạo ra một phong cách Hà Nội, làm giàu bản sắc văn hóa Việt Nam trong xu thế Hôi nhập và phát triển.
Ngày 24/3/2023
TTQN

Tags: