Tác giả: Nguyễn Khánh Châm (sưu tầm)
Ngày sinh: 10/05/1927 tại khu phố Đông Thành, phố Hàng Bút, Hà Nội
Ngày mất: 7 giờ 30 phút ngày 11/10/2009
Phong cách nghệ thuật: tranh lụa, tranh sơn mài, tranh ký họa chân dung, đời sống, phong cảnh miền Bắc, đặc biệt về Tây Bắc
Tác phẩm chính: Tất cả cho Điện Biên, Về nông thôn sản xuất, Dân quân Châu Yên, Bình minh Tam Bạc, Khỏa thân chăn trắng, Khỏa thân và gối, Bướm và hoa, Tuổi áo trắng, Mùa Tổ quốc thống nhất, Chùa Sài Sơn
Ngô Minh Cầu cùng với 20 sinh viên khác học lớp mỹ thuật kháng chiến (1949-1954) tại Việt Bắc, do danh họa Tô Ngọc Vân thành lập và chủ nhiệm. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở ra, trường giải thể, Ngô Minh Cầu cùng các họa sĩ khác như Trần Đông Lương, Trần Dư Tá, Linh Chi… được phân công vào Sở Văn nghệ Trung ương (đóng tại Tuyên Quang).
Năm 1956, ông được bổ nhiệm về Hà Nội dạy hình họa trường Mỹ thuật tại Yết Kiêu, chuyên phụ trách các sinh viên – cán bộ miền Nam. Năm 1960, ông cùng với họa sĩ Huỳnh Văn Gấm ở trong ban sáng lập NXB Mỹ thuật – Âm nhạc, và tại đây, ông cũng đã cùng nhiều nghệ nhân ở Đông Hồ, Hàng Trống… nghiên cứu mỹ thuật dân gian. Đây là giai đoạn ông đi nhiều nơi, vẽ nhiều phác thảo, ký họa và tranh lụa. Năm 1965, ông trở về Hội Mỹ thuật, dạy Trường Mỹ thuật Công nghiệp và sau đó biên tập tạp chí Mỹ thuật.
Do gần gũi với các bậc thầy tranh lụa và tranh màu nước đương thời, và cũng do có nhiều năm đi thực tế, nên ông rất thuần thục về kỹ thuật của hai thể loại này. Theo ước đoán của giới sưu tập, ông đã có khoảng 100 ký họa về mảng đời sống Tây Bắc, nhiều ký họa được ông chuyển thành tranh lụa, tranh sơn mài. Ví dụ tiêu biểu là tác phẩm lụa Về nông thôn sản xuất, nhận HCB tại triển lãm họa sĩ trẻ quốc tế ở Vienna (Áo) năm 1958.
Ông vẽ khá nhiều tranh lụa từ sau cải cách ruộng đất, một phần ở trong bảo tàng, một phần trong tay giới sưu tập tư nhân và cả bị thất lạc. Ông cũng có khoảng 5 năm đi theo Tô Ngọc Vân vẽ tranh, nên nhiều ký họa, phác thảo có cùng bố cục, cùng góc nhìn với “hình mẫu” mà thầy chọn.
Thập niên 1970, do tranh lụa Việt Nam trở thành món quà có ý nghĩa trong công tác ngoại giao, ông đã được bảo tàng và Ban Thống nhất Trung ương giao chép hàng trăm phiên bản từ các tác phẩm lụa của Nguyễn Tường Lân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tiến Chung…, đặc biệt là Nguyễn Phan Chánh. Trong nhiều lần tiếp xúc, ông đã nói rằng nhiều tác phẩm in trong vựng tập của nhà đấu giá, của chính gia đình các họa sĩ… là do ông chép, chứ không phải tranh thật, vì trên mỗi bức chép ông đều để một ký hiệu riêng.
Cuộc đời ông bắt đầu từ sơn mài (năm 1948), nhưng một quãng thời gian dài, ông chỉ vẽ tranh lụa, tranh màu nước. Năm 1982, khi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, do có xưởng vẽ rộng, ông đã chuyển, đã “tái tạo” nhiều ký họa, phác thảo và tranh lụa lúc trước thành sơn mài.
Có những tác phẩm khổ lớn như Dân quân Châu Yên (năm 1992,101 x 360cm, gồm 6 tấm), Bướm và hoa (năm1993,121 x 242cm, 3 tấm), Tuổi áo trắng (năm 1993,120 x 486cm, 6 tấm), Mùa Tổ quốc thống nhất (năm 1993, 120 x 320cm, 4 tấm), Chùa Sài Sơn (năm 2005, 120 x 240cm, 3 tấm). Triển lãm sơn mài đầu tiên sau 1975 và cũng là triển làm cá nhân duy nhất của Ngô Minh Cầu được thực hiện vào năm 1992 tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, với 75 tác phẩm, kéo dài trong khoảng 4 tháng.
Ông vẽ khoảng 100 tác phẩm sơn mài, nhưng thành công nhất là mảng chuyển thể từ các ký họa Tây Bắc.
Về sơn mài của ông, nhà phê bình Nguyễn Kim Loan nhận xét: “Chọn chất liệu sơn mài truyền thống, nhưng ông thích tìm tòi cải tiến kỹ thuật để làm giàu thêm bảng màu sơn mài cổ điển.
Ông phát huy khả năng diễn tả chất, không gian, thời gian theo yêu cầu của nội dung bức tranh, làm sống động những nhân vật trong tranh, như muốn cựa quậy, có hồn, không thua kém chất liệu sơn dầu châu Âu”.
Trong những lần tiếp xúc, ở tuổi 80, tôi thấy ông vẫn hăng say sáng tác sơn mài, một chất liệu khá nặng nhọc, kỳ công. Trong câu chuyện, ông nói rằng, đóng góp lớn nhất của ông, nếu có, là về kỹ thuật sáng tạo, còn đẹp xấu là chuyện vô chừng lắm.
Ông cũng còn giữ khá nhiều giấy tờ có liên quan về việc chép tranh, về các tài liệu, các ghi chép mà nói theo giới sưu tập là chứng cứ, là cơ sở để phân biệt tranh thật tranh giả sau này. Rất tiếc, đến nay, các “bí mật”, các lưu trữ và ghi chép của ông vẫn chưa có dịp công bố. Khi ông ra đi ở tuổi 83 (theo Âm lịch), những người biết chuyện đã nói: “Người giữ bí mật đã chia xa”.
Ngô Minh Cầu là hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh các giải thưởng mỹ thuật, ông cũng được nhận khá nhiều huy chương và giải thưởng, tiêu biểu là trao Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam. Linh cữu ông được quàn tại tư gia (1125 Tự Cường, Phường 4, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh). Lễ động quan và đưa đi an táng tại Nghĩa trang thành phố vào 7h30’ ngày 13-10-2009.
TỔNG HỢP