Hoa văn thủy ba Lý, Trần và những biến đổi trên điêu khắc tượng đài đương đại

Ngày đăng : 09:03:38 17-06-2022

Tập cổ là thuật ngữ chỉ cách sử dụng những thành quả của thế hệ đi trước để ứng dụng vào một số lĩnh vực đương đại mà không làm mất đi bản chất vốn có của nó, bên cạnh đó lại sản sinh ra một thành quả mới mang vẻ đẹp và nội dung gắn liền với thời hiện tại. Hình tượng thuỷ ba có một ý nghĩa nhất định trong tâm thức của người Việt, nó hội tụ nhiều yếu tố triết học và tâm linh, khi được ứng dụng trong lĩnh vực mỹ thuật đương đại nó vẫn mang vẻ đẹp truyền thống gắn liền với quan niệm triết học của người Việt từ xưa đến nay.

 

KHÁI NIỆM ĐIÊU KHẮC VÀ HOA VĂN THỦY BA.

Khái niệm điêu khắc

Điêu khắc là một loại hình nghệ thuật sử dụng các chất liệu như gỗ, đá, đồng, đất, thạch cao… để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật tồn tại và chiếm chỗ trong không gian thực bằng cách tạc, đục, nặn, gò… [1].

Yếu tố tạo hình của điêu khắc

Các yếu tố tạo hình điêu khắc gồm có: Yếu tố đường nét, yếu tố mảng, hình khối, yếu tố chất liệu, yếu tố bề mặt, yếu tố không gian. Trong phạm vi của bài viết này chỉ đề cập đến hai yếu tố là yếu tố đường nét, yếu tố hình, khối.

Yếu tố đường nét

Đường nét trong điêu khắc không giống với cách vẽ đường nét trong tranh. Ở đây sự kết hợp giữa các khối hình cũng đồng nghĩa với việc tạo nên đường nét cho tác phẩm. Trong điêu khắc thời Lý, từ tượng tròn đến phù điêu, các nghệ nhân thiên về sử dụng đường cong, nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển nhịp nhàng và hầu như không xuất hiện đường thẳng, nét thẳng. [1]

Yếu tố hình khối

Trong nghệ thuật ta thường thấy sự biểu hiện của điêu khắc ở các dạng khối như:  Khối lồi – khối lõm, khối đóng – khối mở, khối mềm – khối cứng, khối tĩnh – khối động… Mỗi cách tạo khối đưa lại cảm giác khác nhau. [1]

Trong sáng tác điêu khắc, trải qua thời gian, có nhiều cách biểu hiện khác nhau về khối và hình. Trong điêu khắc cổ, các tác giả thường chú ý đến cách tạo hình giống thực, do đó thường biểu hiện hình tượng điêu khắc bằng khối tròn, chắc và đóng kín. Cách sử dụng khối kiểu này đã tạo ra  các tác phẩm điêu khắc mang tính hiện thực. Sang thế kỷ XX, với những trào lưu nghệ thuật hiện đại, các nhà điêu khắc cũng tìm cho tác phẩm của mình những cách biểu hiện khối mới. [1]

Hoa văn Thủy ba thời Lý, Trần

Trong tiếng Hán Việt, thủy nghĩa là nước, ba là sóng, thủy ba tức là sóng nước. Ở một cách hiểu khác thuỷ ba không chỉ là sóng nước mà còn mang ý nghĩa là khởi nguồn của sự sống, là khởi nguồn của mọi nguồn năng lượng nó phản ánh sự luân chuyển không ngừng của sự sống.

Lịch sử hình thành hoa văn thủy ba và các dạng thức của hoa văn thủy ba ở các thời kỳ trong điêu khắc cổ Việt Nam thể hiện rõ nhất từ Hoa văn khuông nhạc, được cho tiền thân của hoa văn thủy ba xuất hiện cuối thời kỳ tiền sử, là đặc trưng riêng của văn hóa Đồng Đậu. Phân loại hoa văn thủy ba có văn thủy ba hình nấm, hình núi, hình sin, sóng bạc đầu, cột thủy… theo hình dạng của chúng.

Sự chuyển biến trong phong cách của hoa văn thủy ba thời Lý sang thời Trần

Mặc dù nhà Lý và nhà Trần là hai triều đại kế tiếp nhau nhưng về nghệ thuật thì những công trình của hai triều đại này về mặt thời gian là không liền kề liên tục mà có một khoảng trống. Những di vật thời Lý tập trung khoảng 77 năm từ 1049 đến 1126, thời Trần tập trung thời gian 40 năm đầu và 30 năm cuối và như vậy có sự không liên tục trong thời gian và khoảng vắng này tương đương với độ dài của khoảng có mặt của cả hai giai đoạn mỹ thuật Lý và mỹ thuật Trần cộng lại, vì thế ta không thể đồng nhất hai giai đoạn mỹ thuật Lý và mỹ thuật Trần làm một. Mỹ thuật Trần ra đời và tiếp thu mỹ thuật Lý nhưng hoàn toàn không phải sự phục hưng của mỹ thuật Lý.

Do đặc trưng về xã hội nên các di tích mỹ thuật thời Lý hầu như là nhà nước tổ chức xây dựng bằng công quỹ quốc gia, còn ở thời Trần là do sự đóng góp của dân làng. Xét về quá trình hình thành và phát triển của hoa văn thủy ba thì thủy ba hình nấm, thủy ba hình núi và thủy ba hình sin phát triển rực rỡ nhất dưới thời Lý và Trần.

Thủy ba hình nấm và thủy ba hình núi thời Lý và thời Trần thoạt nhìn có vẻ có nét tương đồng và khó phân biệt, xong nếu ta nghiên cứu kỹ hơn sẽ thấy được văn thủy ba thời Lý và văn thủy ba thời Trần mỗi thời đều có vẻ đẹp riêng của nó.

Thủy ba hình nấm thời Lý, như theo một khuôn mẫu nhất định, có phần sóng lừng là ba đường chạy ngang song song uốn lượn hình sin kéo dài, kèm xen kẽ các sóng lệch pha ngắt quãng, phần nấm nhô cao, uốn lượn hài hòa, khi các dải được xếp hàng song song nhau (Bệ tượng chùa Phật Tích) trông rất lộng lẫy choáng ngợp, so với thủy ba hình nấm thời Trần có chút khác biệt là một vài đồ án thủy ba hình nấm thời Trần có thêm nhiều chi tiết hoa văn xoắn nhỏ trang trí ở giữa hình nấm như đồ án ở chân tháp Phổ Minh, ở đây từng đường nét được khắc chìm vào đá, từng chi tiết mảnh, sắc nét uốn lượn tinh xảo, lại so với thủy ba trên tháp Huệ Quang thì hoa văn có độ uốn lượn ít hơn, và nét đục có phần khỏe khoắn phóng khoáng, so với nét đẹp của thủy ba hình nấm thời Lý ta ví như một nàng tiểu thư khuê các yểu điệu và một cô gái nông thôn tràn đầy nhựa sống.

Ta phân tích văn thủy ba trên bộ cánh cửa gian giữa nhà Tiền đường của chùa Phổ Minh. Thủy ba ở đây phát triển từ thủy ba nhà Lý lên, nhưng không vun vút nữa theo kiểu đặc trưng của thủy ba Lý mà bị ấn bè ra, các cung cách nhau đều đặn, kiểu thủy ba này sang thời Lê sơ có biến dạng đơn giản hơn một chút nhưng vẫn giữ được dáng chung chạm thành dải, như ở diềm chân trước mặt bia Lê Thái Tổ (1433) và diềm chân mặt sau bia Lê Thánh Tông (1498), ở hai đầu diềm chân tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu (1613).

Dù triều Lý và triều Trần là hai triều đại kế tiếp nhau và cũng là hai triều đại có nền nghệ thuật phát triển rực rỡ nhất so với các triều đại nhưng mỗi triều trong mỹ thuật lại có vẻ đẹp riêng biệt không giống nhau và cũng không thể tách rời, nó đi cạnh nhau để tôn nhau lên thành một vệt vàng son chói rực trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

 

CHẠM KHẮC TRANG TRÍ HOA VĂN THỦY BA TRÊN BỆ TƯỢNG ĐÀI ĐƯƠNG ĐẠI.

Từ xưa đến nay Việt Nam ta thường dùng tượng thờ là chính ít sử dụng tượng đài, sau năm 1975 mới thấy xuất hiện nhiều tượng đài. Khi đó tượng đài có quy mô – khối tích nhỏ, vừa phải, giản dị, không cầu kỳ, khoa trương.Tượng đài được cho là những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, là điểm nhấn của nơi đặt nó và có tác dụng tuyên truyền, nâng cao thẩm mỹ cho nhân dân, những tượng đài này luôn hướng về một mục đích rõ ràng, nhân văn, đảm bảo các yếu tố tạo hình. Đi theo những tượng đài đang tỏa sáng ấy là thấp thoáng bóng dáng của thủy ba trên những công trình.

Thủy ba là cái gốc, cái cội nguồn tạo nên sự sống, nó được quan niệm là cái trường tồn, bền vững và tạo lên sự phát triển như quan niệm về “nước” của người Việt. Từ quan niệm của “nước” hình thành lên biểu tượng các con sóng và cao hơn ở dạng hoa văn thủy ba. Các họa tiết thủy ba luôn ở dưới của công trình để nâng đỡ tác phẩm mà nó có nhiệm vụ tô điểm. Tượng là mảng khối khỏe lớn, để cân bằng và tạo được sự hài hòa thì từ điêu khắc cổ đến nay người ta thường làm cho nó nhẹ nhàng hài hòa đi bằng cách đặt thủy ba bên dưới tượng. Những đường lượn sóng mềm mại cân bằng nhẹ nhàng, giảm bớt đi những dáng cao vút, dáng thẳng, khỏe, không phải ngẫu nhiên mà trong mỹ thuật cổ và hiện đại thủy ba được đặt bên dưới các tác phẩm, công trình. Cảm thụ được vẻ đẹp của hoa văn vốn cổ dân tộc từ thời xa xưa là vốn quý và luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế trong mọi lĩnh vực, đã có nhiều tác phẩm ra đời lấy văn thủy ba để trang trí và đã đạt được thành công nhất định cho tác phẩm.

Tượng đài Ngô Quyền

Ngô Quyền (897 – 944) hay còn gọi là Tiền Ngô Vương là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Năm 2010 quận Hải An, Hải Phòng đã cho xây dựng tượng đài để tưởng nhớ công lao to lớn của ông.

Tượng đài Ngô Quyền (Hải Phòng)

 

Bệ tượng đài Ngô Quyền (Hải Phòng)

Điều đáng nói ở đây chính là phần bệ tượng. Phần bệ tượng hình vuông, vững chãi, bốn xung quanh có chạm hoa văn thủy ba, thủy ba đặt bên dưới phần núi non và tượng vị tướng Ngô Quyền có ý nghĩa rất to lớn như nhắc lại chiến thắng Bạch Đằng và những gì giang sơn ta có đến ngày hôm nay là nhờ vào sức mạnh của nước, của trí tuệ con người Việt. Thủy ba được đặt bên dưới theo quan niệm về nước trong triết học phương Đông như một sức mạnh tiềm tàng nâng thúc giang sơn đất nước. Với ý nghĩa đó, trong tượng đài này tác giả hẳn rất am hiểu về ý nghĩa của thủy ba cũng như quan niệm của nước trong triết học phương Đông.

Hoa văn thủy ba ở bệ tượng mang dáng dấp thời Trần bởi đồ án họa tiết khá giống thủy ba hình nấm ở chân tháp Phổ Minh.

Thủy ba hình nấm & chân tháp Phổ Minh (Nam Định)

Thủy ba hình nấm có trên đồ án trang trí chân tháp Phổ Minh và tháp Huệ Quang. Bố cục của đồ án thủy ba hình nấm thời này gần giống với loại của thời Lý. Nhất là bố cục của sóng nước hình nấm ở tháp Phổ Minh, chỉ khác nhau ở chỗ đồ án tháp Phổ Minh được thể hiện theo lối khắc chìm, ở mặt bằng nhỏ bé giữa hình nấm còn có thêm một số văn xoắn hình hoa. Còn họa tiết thủy ba hình nấm ở tháp Huệ Quang có độ lượn ít hơn và nét đục có phần khoẻ khoắn hơn [3], phần dưới cùng chân bệ là đường lượn của thủy ba hình sin, so với thủy ba hình sin ở chân tháp Phổ Minh ở dạng thoai thoải thì thủy ba hình sin ở bệ tượng Ngô Quyền cung hình sin tròn trặn hơn, các cung sóng sin ẩn cũng cong hơn so với phần sin ẩn của chân tháp Phổ Minh. Ở tượng Ngô Quyền phần sin ẩn là ba đường parabol lồng nhau chứ không phải là bốn đường parabol lồng nhau như sin ẩn của chân tháp Phổ Minh. Phần thủy ba hình nấm ở chân tháp Phổ Minh có ba lớp, nhỏ dần vào tâm, hoa văn trang trí có nhiều họa tiết và tâm có hình hoa nhỏ. Thủy ba hình nấm ở bệ tượng Ngô Quyền đã có sự tinh giản đi nhiều, tâm cũng không có hoa nhỏ nữa, điều đó phù hợp với một tượng quan võ và xu hướng hiện đại trong trang trí khi ứng dụng vốn cổ vào thiết kế mỹ thuật hiện đại. Họa tiết đã được đơn giản và cách điệu hóa nhưng vẫn nằm trong kết cấu và tiết tấu của thủy ba cổ. Mặc dù tượng ở hiện đại, và hoa văn ứng dụng trong hiện đại nhưng thủy ba không thoát đi, không mất gốc, chính sự giản lược tinh tế này tạo lên vẻ đẹp của thủy ba hiện đại.

 

Tượng đài nữ tướng Lê Chân

Tượng đài được dựng lên để tôn vinh nữ tướng Lê Chân – người đã có công gây dựng trang An Biên tức thành phố cảng Hải Phòng ngày nay.

Tượng được đặt trên một khối bệ có trang trí hoa văn thủy ba hình nấm cách điệu, dạng hoa văn giống của thời Lý. Phần thân trên của hình nấm được vuốt thành đường cong tinh giản. Sóng hình sin hơi thoải hơn, phần sin ẩn có ba đường. Sự tinh giản trong trang trí này trên bệ tượng rất phù hợp với đường nét mềm mại của tượng bởi toàn thể tượng hầu như sử dụng các đường chuyển động.

Tượng đài nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng)

 

Bệ tượng đài nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng)

 

Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội)

Tượng đài Lý Thái Tổ được đặt nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Tượng đài khắc hoạ hình tượng người có công khởi lập và tạo dựng lên mảnh đất ngàn năm văn hiến – vua Lý Thái Tổ.

Tượng được đặt trên đài hình bát giác (tượng trưng cho tám hướng), phần trên đài cách điệu bốn cổng thành Hà Nội, phần bệ giật cấp ba bậc thềm tượng trưng cho thiên thời – địa lợi – nhân hoà, những yếu tố làm cơ sở để vua Lý Thái Tổ đặt niên hiệu Thuận Thiên. Phần bệ bát giác và chân đỉnh lư hương lớn trước tượng có trang trí rất nhiều văn thủy ba, trên vạt áo của tượng cũng thấy xuất hiện thủy ba hình sin và thủy ba hình nấm.

Thủy ba trên tế tất và gấu áo tượng

Thủy ba ở bệ bát giác là thủy ba hình nấm, hình dáng khá giống với thủy ba hình nấm thời Lý bởi chân nấm thót, hai bên vuốt lên trên có độ lượn nhẹ.

Thủy ba hình nấm thời Lý: Thủy ba hình sin ở dưới cùng của đồ án. Nửa phần trên, cũng có ba đường uốn lượn song song liên tục, nhưng độ cong của các đường uốn không tròn và dàn đều kiểu hình sin như ở dưới nữa mà chúng đã nhô cao hơn lên rồi phình to phía trên ra lúc quay xuống lại thắt lại tạo ra một dạng như hình nấm. Bởi vậy các nhà nghiên cứu gọi đó là thủy ba hình nấm [3]. Đồ án thủy ba gần giống nhất với đồ án ở bệ bát giác này chính là đồ án thủy ba hình nấm ở bệ tượng Adida chùa Phật Tích.

Mỹ thuật thời Lý là một nền mỹ thuật hoàn chỉnh, vững chãi, từng đường nét là mẫu mực của sự chau chuốt, toàn bộ bó chặt trong quy phạm khắt khe.Bất cứ một sự thay đổi nào dù thêm vào hay bớt đi ở những tác phẩm điêu khắc ấy đều không thể được. Ở đấy, những mảng khối rất hài hòa với đường nét, chi tiết nào cũng rất nhuần nhị, nét chạm nào cũng mịn màng, toàn thể trông rất tự nhiên [4], khi được ứng dụng cho trang trí bệ bát giác nó đã được giản lược đi và giữ nguyên hình dáng, các cung sóng hình sin và sin ẩn có độ tròn giống nhau, chỉ khác về số đường sóng. Nhưng chính sự giản lược này đã khiến cho đồ án rất phù hợp với toàn thể tượng đài và phù hợp với xu hướng ứng dụng hoa văn cổ vào trang trí đương đại. Văn thủy ba mới này vẫn giữ nguyên được cái cốt cách đặc trưng của thủy ba thời Lý mà lại vô cùng phù hợp với xu hướng điêu khắc tượng đài đương đại.

Thủy ba hình nấm ở bệ bát giác của tượng đài

 

Thủy ba ở chân lư hương trước tượng đài

Thủy ba ở chân đỉnh lư hương lớn trước tượng đài gần giống với đồ án thủy ba hình nấm ở chân tháp Huệ Quang, đường nét dung dị, độ chạm nhẹ. Thủy ba hình sin vẫn giống với thủy ba hình sin ở bệ bát giác.

Thủy ba trang trí ở tế tất (dải vải có trang trí hoa văn buông từ thắt eo xuống chân phía đằng trước): Đây là dạng thủy ba gần giống với thủy ba bạc đầu tại đồ án cá hóa rồng ở đàn Nam Giao trên thành bậc phía sau điện Kính Thiên trong thành cổ Hà Nội. Thủy ba ở vạt áo là thủy ba hình nấm thời Lý đã được đơn giản hóa, cách điệu giản lược. Đây có lẽ là tượng đài thành công nhất trong số những tượng đài mang giá trị nghệ thuật, nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và đương đại cho ta một cảm giác hết sức hài hòa. So với tượng đài Lý Thái Tổ ở Bắc Ninh thì cảm giác các hoa văn trang trí và họa tiết ở đây khá chân phương, giản dị không lộng lẫy như thủy ba ở tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội.

Ý NGHĨA VĂN HÓA, LỊCH SỬ, TRIẾT HỌC CỦA HOA VĂN THỦY BA

Triết học phương Đông nhấn mạnh mặt thống nhất trong mối quan hệ giữa con người với vũ trụ. Ở phương Đông, thiên nhiên ưu đãi, giữa con người với vũ trụ dường như không có điều gì tách biệt. Cái cơ sở ban đầu ấy dần dần được người phương Đông khái quát thành tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”, con người chỉ là một tiểu vũ trụ. “Thiên nhân hợp nhất” là xuất phát điểm của triết học phương Đông.Nó là cơ sở quyết định những đặc điểm khác của nền triết học này.

Việc xuất hiện hình tượng thủy ba trong tạo hình phương Đông bắt nguồn từ nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước.

Chính vì vậy, nguồn nước là nền tảng, là khởi nguồn của sự sống, của vạn vật trong đó có con người. Nước được đưa lên thành một vật chất hữu linh và hiện còn tồn tại những dấu tích thờ thần nước như đền Tam Giang (đền Cô Bơ, Mẫu Thoải tại Hà Nam), đền Lảnh Giang (đền Quan Lớn Đệ Tam tại Hà Nam), đền Diềm (Bắc Ninh)…, lễ rước nước, lễ mộc dục (tắm tượng thần, thần vị)… được cho là nghi thức tâm linh rất đặc sắc của cư dân lúa nước. Dân tộc chúng ta là cư dân nông nghiệp, nguồn nước vô cùng quan trọng đối với sự sống. Trên thế giới “Nước” cùng với “Đất”, “Lửa” là Cổ Mẫu, “Sóng” là biểu tượng phát sinh của “Nước”.

Thủy ba hình nấm trên bệ tượng Phật Adiđà chùa Phật Tích

Bởi nước vốn không có hình thù cụ thể nên để biểu tượng nước người ta phải sử dụng những hình ảnh tượng trưng, và như thế không thể có hình tượng nào biểu thị nước rõ ràng hơn bằng hình tượng sóng, bằng những đường nét miêu tả con sóng. Cứ như vậy, hình tượng sóng nước được biến đổi dần dần theo nhận thức cái đẹp của con người và được đưa vào nghệ thuật tạo hình với nhiều hình thức khác nhau theo quan niệm về cái đẹp từng giai đoạn.[2] Ngay từ khi mới hình thành, ở thời tiền sử, hoa văn khuông nhạc được cho là tiền thân của hoa văn thủy ba với những đường nét còn sơ khai đã chắp cánh để dần tạo được một đỉnh cao rực rỡ nhất của nghệ thuật tạo hình thủy ba ở kỷ Lý – Trần. Thuỷ ba là một nguồn năng lượng, một môtip quý giá trong mỹ thuật tựa như son không thể thiếu vàng vậy.

Hình tượng nước và sóng đã tồn tại rất lâu trong tiềm thức và quan niệm nói chung của nhân dân ta, hình tượng này được coi như một biểu tượng quan trọng và được trân trọng lưu giữ qua những hình thức khác nhau. Nhìn ra thế giới, trong khối chung Phương Đông, Trung Quốc hay Nhật Bản hoặc Đài Loan thì quan niệm về tính Nước cũng giống nhau, cũng là một nhân tố quan trọng, được thiêng hóa và đưa lên thành biểu tượng, đi vào đời sống văn hóa được thể hiện trong mỹ thuật dưới nhiều hình dạng khác nhau, nhưng rõ nét nhất vẫn là những đường lượn, những cung sóng tràn ngập khắp các điêu khắc, tranh vẽ, trên trang phục… nó mang giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa triết học sâu sắc.

KẾT LUẬN

Hoa văn thủy ba trang trí trên những tượng đài đương đại vẫn mang được cốt cách của thủy ba cổ, tuy có cách điệu, biến điệu đi cho phù hợp với thời đại nhưng nhìn chung chúng đều giữ được tính thống nhất, kết cấu cơ bản các đường nét và bố cục.

Hoa văn thủy ba mang ý nghĩa văn hóa và triết học sâu sắc, nó đi vào tiềm thức con người ảnh hưởng lên những sáng tác mỹ thuật đương đại tạo ra những tác phẩm giữ tính truyền thống mà vẫn mang vẻ đẹp hiện đại.

Phạm Thị Ngọc Anh

Tags: