10 nghệ sĩ đương đại nổi bật trên thế giới năm 2020

Ngày đăng : 08:53:52 17-06-2022

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ liệt kê 10 gương mặt xuất sắc nhất của năm 2020, những người sở hữu danh tiếng và thị trường trên đà phát triển. Những nghệ sĩ này đã tạo được tiếng vang tại các buổi triển lãm, sự kiện nghệ thuật danh giá trên khắp thế giới. Họ đã thu hút được ánh mắt của những nhà sưu tầm nghệ thuật nổi tiếng và phá vỡ các kỷ lục đấu giá, nhưng quan trọng nhất, họ đã mở rộng phạm vi nghệ thuật, thay đổi cách nhìn của công chúng với nghệ thuật cùng năng lực vô biên của nó. 

Bên cạnh đó, còn một điểm giao giữa các nghệ sĩ này đó chính là sự hứng thú của họ với tranh chân dung, đây quả thật là một xu hướng thú vị của nghệ thuật đương đại. 

duongdai-2
Ảnh: widewalls.ch
Matthew Wong
duongdai-3
Matthew Wong – Look, the Moon, 2019, Instagram.

Là một gương mặt đầy tiềm năng, họa sĩ tự học người Canada Matthew Wong đã thu hút sự chú ý của giới nghệ thuật bằng những bức tranh phong cảnh, rừng thẳm, và tĩnh vật ấn tượng. Đáng tiếc thay Matthew Wong đã không thể vượt qua căn bệnh tự kỷ và trầm cảm rồi tự tử năm 2019, một thời gian ngắn sau buổi triển lãm cá nhân đầu tiên của anh tại New York gây được tiếng vang lớn trong giới. 

Matthew Wong bắt đầu hoạt động hội họa chuyên nghiệp vào năm 2013, nam nghệ sĩ xây dựng cho mình một phong cách khác biệt chịu ảnh hưởng của các giai đoạn hội họa trong lịch sử. Kết hợp lối cách điệu hóa, màu sắc rực rỡ, và chủ đề thần bí, Wong cho ra đời những tác phẩm phong cảnh viễn tưởng và nội tâm đặc sắc. 

Năm nay là một năm đắt khách với cố họa sĩ với nhiều tác phẩm đạt kỷ lục đấu giá. Bức tranh Homecoming (2017) của anh đã được bán với mức giá xấp xỉ 9.26 tỷ VNĐ tại buổi đấu giá của Christie’s Global ONE ở Hồng Kông ngày 10 tháng 7, vượt qua mức giá dự đoán 1.37 tỷ – 1,92 tỷ VNĐ, trong khi đó, tác phẩm Warmth (2017) cũng được bán với mức giá khoảng 7.87 tỷ VNĐ gấp 5 lần mức giá dự đoán là 1.16 tỷ – 1.85 tỷ VNĐ.

Amoako Boafo
duongdai-4
Amoako Boafo – Joy Adenike, 2019, Widewalls.ch

Nam họa sĩ chân dung và tượng trưng người châu Phi hiện tại đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Vienna của Áo đã đã khám phá mối liên hệ giữa nhân vật và kết cấu bằng cách đặt nhân vật da màu làm trọng tâm của tác phẩm. Baofo giải thích về loạt tác phẩm chân dung của nói về “sự đại diện, ghi chép, ca ngợi, mang đến lối tiếp cận mới cho cộng đồng da màu”. 

Việc đặt các nhân vật trên nền màu trơn mang lại sự mềm mại và yên bình trong khi đó vẫn truyền tải được thông điệp mạnh mẽ. Nam nghệ sĩ thể hiện góc nhìn cá nhân từ những trải nghiệm về các vấn đề nổi cộm, ví dụ như việc nam giới được gắn liền với sự nam tính và hung hăng. 

Boafo đạt giải thưởng Walter Koschatzky Kunstpreis vào năm 2017, giải thưởng danh giá Strabag Price năm 2019, được lựa chọn bởi các nhà sưu tập, và gần đây nhất là họa sĩ chân dung da màu nổi tiếng Kehinde Wiley bên cạnh Bảo tàng Albertina và Bảo tàng Nghệ thuật Hessel. Trong năm nay, bức tranh The Lemon Bathing Suit (2019) của Boafo được bán ra với giá 20.4 tỷ đồng tại buổi đấu giá Phillips’ 20th Century & Contemporary Art Evening Sale ở Luân Đôn, vượt xa mức giá dự đoán là 900 triệu – 1.49 tỷ VNĐ tới 10 lần. 

Titus Kaphar
duongdai-5
Titus Kaphar – Seeing Though Time, 2018, Instagram

Tác phẩm của nghệ sĩ người Mỹ Titus Kaphar khám phá lịch sử biểu diễn bằng cách mang đến sự đổi mới cho phong cách và chất liệu, nhấn mạnh tính chất vật lý và kích thước của vải và vật liệu. Trải dài từ bức tranh, tác phẩm điêu khắc và tác phẩm sắp đặt, Kaphar tìm cách khơi gợi tính chất thời đại của lịch sử.

Kaphar thực hiện các bức tranh và tác phẩm điêu khắc của mình theo nhiều cách, chẳng hạn như cắt, xé, khâu, xoắn, uốn hoặc bẻ, nam nghệ sĩ tái cấu trúc chúng để tiết lộ những điều bí ẩn về lịch sử cũng như sức mạnh của lịch sử.

Kaphar nhận được khá nhiều giải thưởng bao gồm Học bổng MacArthur 2018, Giải thưởng của Quỹ Nghệ thuật vì Công lý năm 2018, Giải thưởng Robert R. Rauschenberg năm 2016 và Giải thưởng Creative Capital năm 2015. Anh cũng là người sáng lập NXTHVN, một vườn ươm nghệ thuật và chương trình cư trú có trụ sở tại New Haven, Connecticut, Mỹ.

Năm 2020, bức tranh của Kaphar xuất hiện trên trang bìa của Tạp chí TIME trong bối cảnh các cuộc biểu tình Black Lives Matter (Mạng sống của người da màu cũng đáng giá).

Mequitta Ahuja
duongdai-6
Mequitta Ahuja – The Italy Drawings – Duomo, 2014, MIA, Creative Commons.

Họa sĩ người Mỹ người Mỹ gốc Phi và Nam Á sống ở Weston, Connecticut, Mequitta Ahuja tự đóng vai những chiến binh thần thoại, anh hùng sử thi và những nhân vật quyền lực có của nền văn hóa. Cô tổng hợp di sản đa văn hóa được thừa hưởng thành những tác phẩm khơi gợi quá trình xây dựng bản sắc.

 

Lấy cảm hứng từ các bản thảo Mughal, các bức vẽ trên tường Phật giáo và nghệ thuật phương Tây, cô khám phá nhiều phương thức miêu tả, bao gồm trừu tượng, văn bản, chủ nghĩa tự nhiên, mô tả sơ đồ, độ phẳng đồ họa và ảo ảnh. Thông qua hội họa, cô đặt ra những câu hỏi kịp thời về động lực làm nền tảng cho việc sản xuất hình ảnh và lịch sử nghệ thuật.

Ahuja đã nhận giải thưởng Guggenheim fellowship năm 2018.

Petrit Halilaj
duongdai-7
Ảnh: Miguel de Guzman and Rocio Romero

Là một nghệ sĩ gốc Kosovo sống và làm việc ở Đức, Kosovo và Ý, Petrit Halilaj nghiên cứu lịch sử đất nước và hậu quả của những căng thẳng về chính trị và văn hóa trong khu vực. Tác phẩm của ông thường là những đúc kết từ cuộc sống cá nhân, phản ánh ký ức, sự tự do, bản sắc văn hóa và đời sống. Trong suốt cuộc hành trình chinh phục nghệ thuật, nam nghệ sĩ tìm cách định nghĩa “quê hương”, “quốc gia” hoặc “bản sắc văn hóa”.

Halilaj đại diện cho Kosovo tham gia Venice Biennale 2013. Triển lãm cá nhân của anh hiện đang được trưng bày tại Palacio de Cristal, Parque del Retiro ở Madrid cho đến ngày 28 tháng 2 năm 2021. Triển lãm tập hợp nhiều tác phẩm sắp đặt về các chủ đề như quê hương, quốc gia, tình yêu và bản sắc văn hóa.

Tác phẩm của Halilaj gần đây cũng được giới thiệu trong một buổi triển lãm tại phòng trưng bày Fondazione Merz ở Turin, Ý. Nam nghệ sĩ cũng đã rút tác phẩm của mình khỏi Belgrade Biennale 2020, sau khi các nhà tổ chức của cuộc triển lãm chú ý đến cách thể hiện quốc tịch của anh ấy trong các chất liệu đi kèm.

Genieve Figgis
duongdai-8
Genieve Figgis – Powder room, 2017, Instagram

Là một họa sĩ đương đại người Ireland sinh ra ở Dublin, Genieve Figgis khám phá lịch sử nghệ thuật thông qua lăng kính hiện đại của trừu tượng tượng hình. Tham khảo văn học Ireland-Anh và các tác phẩm của Old Masters (các nghệ sĩ kỳ cựu của châu Âu trước thế kỷ 19), cô vẽ khung cảnh những ngôi nhà của tầng lớp trưởng giả, những bức chân dung truyền thống hoặc phong cảnh, thường bị ám bởi những bóng ma kỳ quái hay những sinh vật le lói với gậy và mũ chóp núp dưới lớp sơn loang lổ.

Các tác phẩm của Figgis được đặc trưng bởi bảng màu phấn hay lớp acrylic dày tạo cảm giác ghê rợn, mang hơi hướng Rococo. Sử dụng sự hài hước đen tối, Figgis đưa ra những nhận xét ma quái nhưng thú vị về thực trạng xã hội.

Bắt đầu sự nghiệp trên nền tảng mạng xã hội do ít có cơ hội tham gia triển lãm, Figgis được chính thức gia nhập giới nghệ thuật New York sau khi tác phẩm của cô lọt vào mắt xanh của Richard Prince, một khách hàng của cô. Các phòng trưng bày tiếp cận tới cô và vào năm 2015 phòng trưng bày Almine Rech bắt đầu đại diện cho Figgis.

Ida Ekblad
duongdai-9
Ảnh: Ida Ekblad at Giti Nourbakhsch © BERND BORCHARDT

Nghệ sĩ Na Uy Ida Ekblad được biết đến nhiều nhất với những bức tranh trữ tình và điêu khắc bê tông kết hợp các đồ vật và vật liệu phong phú, nữ nghệ sĩ kết hợp cả nghệ thuật biểu diễn, làm phim cũng như thơ ca vào quá trình sáng tạo nghệ thuật. Các bức tranh biểu cảm của cô thường miêu tả các đường uốn lượn và xoắn óc, mang hình dáng con người hoặc phong cảnh.

Tương tự như vậy, cảm hứng nghệ thuật của nữ nghệ sĩ đến từ nhiều nguồn bao gồm: CoBrA, Chủ nghĩa hiện thực, Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng, văn hóa đại chúng như graffiti hoặc phim hoạt hình, Ekblad tạo ra các tác phẩm bán trừu tượng đặc trưng bởi sự chuyển động tràn đầy năng lượng của các tác phẩm, ứng dụng táo bạo của màu sắc và các vật liệu đa dạng.

Salman Toor
duongdai-10
Salman Toor – Four Friends, 2019. Bộ sưu tập của Christie Zhou.

Là một nghệ sĩ người Pakistan, Salman Toor khai thác chủ đề đồng tính luyến ái thông qua lăng kính chân dung cổ điển vừa hoài cổ vừa hiện đại. Kết hợp kỹ thuật hàn lâm với phong cách phác thảo nhanh chóng, Toor mang đến cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của những người đàn ông da màu trẻ tuổi, kỳ quặc sống giữa Thành phố New York và Nam Á.

Các câu chuyện của Toor được rút ra từ kinh nghiệm sống, kết hợp các yếu tố kỳ ảo. Trong các tác phẩm được đặc trưng bởi bảng màu tuần hoàn và các tham chiếu đến lịch sử nghệ thuật, Toor tạo ra các bối cảnh lý tưởng, với hình ảnh những người bạn khiêu vũ, xem các chương trình truyền hình say sưa, chơi với thú cưng hay dán mắt vào điện thoại thông minh – tất cả đều nằm trong một không gian xanh. Trong khi các đối tượng trong tranh của Toor dường như được giải phóng khỏi những áp đặt của thế giới bên ngoài, họ cũng đem lại một cảm giác hoài cổ và xa lạ.

Triển lãm cá nhân của nam nghệ sĩ có tựa đề  Salman Toor: How Will I Know theo kế hoạch sẽ được ra mắt tại Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney ở New York, như một phần của chương trình nghệ sĩ mới nổi của bảo tàng. Rất tiếc nó đã bị hoãn lại vô thời hạn do đại dịch COVID 19.

Tala Madani
duongdai-11
Tala Madani – Untitled, 2019 © 2019 Andrea Rossetti.

Một nghệ sĩ Iran ở Los Angeles, Tala Madani nổi tiếng bởi những bức tranh mô tả sự kết hợp của bạo lực, sự thất vọng, nghịch cảnh và khôi hài trong những cảnh quay ngớ ngẩn có sự xuất hiện của những người đàn ông trung niên hói đầu. Tự sự và giàu tính mỉa mai, những tác phẩm này miêu tả những cảnh tàn tạ và tàn khốc của các nghi lễ hư cấu.

 

Hội họa Madani phản ánh sự đối lập của ngây thơ và bất chính, lén lút và tỉnh táo, hài hước và bạo lực, những bức tranh tạo thành một quần thể kỳ cục bao gồm những kẻ đa nhân cách. Với các cuộc hoan ái đồng tính, chủ nghĩa khủng bố, hình xăm và lông lá trên cơ thể, những tác phẩm này như một diễn ngôn hài hước về bản sắc văn hóa và tình dục cũng như các chuẩn mực truyền thống. Phong cách tượng hình được kết hợp với hình thái cơ bản của một người theo chủ nghĩa hiện đại về trình tự, chuyển động và tốc độ.

Shara Hughes
duongdai-12
 Shara Hughes – Reaching My Plateau, 2016, Jonathan Lurie

Họa sĩ đương đại người Mỹ, Shara Hughes cân bằng giữa trừu tượng và biểu hiện, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tự phát, đơn giản và phức tạp. Nữ họa sĩ mô tả những cảnh quan hư cấu đầy màu sắc với những mặt trăng lơ lửng, cây cối rậm rạp và ánh nắng chói chang.

Bất chấp những mô tả thông thường về không gian và ánh sáng, cô ấy sử dụng kết cấu, hoa văn và phối cảnh để mô tả một không gian theo những cách mà có lẽ không phải lúc nào cũng có ý nghĩa. Điều này được tăng cường bởi những màu sắc đậm, xung đột và sự chuyển đổi phối cảnh thành những cảnh quan trong mơ.

Tác phẩm của Hughes nằm trong nhiều bộ sưu tập của các bảo tàng nổi tiếng bao gồm Bảo tàng Nghệ thuật Dallas, Dallas, TX; Bảo tàng Nghệ thuật Denver, Denver, CO; Viện Nghệ thuật Đương đại, Miami, FL; Bộ sưu tập Jorge M. Perez, Miami, FL; Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, NY; Bảo tàng M Woods, Bắc Kinh, Trung Quốc; Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian, Washington, DC; và Bảo tàng Nghệ thuật Whitney, New York, NY; và một số bảo tàng khác.

Tags: