Nguồn gốc
Việc sản xuất và sử dụng lụa được bắt đầu khoảng 5.000 năm trước. Trong triều đại nhà Thương và Chu, có nhiều loại lụa như: la, ỷ, cẩm. Sau thời Tần và Hán, sản xuất tơ lụa đã hình thành một hệ thống kỹ thuật hoàn chỉnh. Từ đó đến giữa thời Đường, trung tâm sản xuất tơ lụa nằm ở giữa và hạ lưu sông Hoàng Hà, và nó đã đóng góp quan trọng cho ngân sách triều đình. Lụa Trung Quốc và công nghệ sản xuất đã được xuất khẩu sang phương Tây thông qua Con đường tơ lụa trên đất liền. Từ giữa thời Đường đến thời Minh, Thanh, sản xuất tơ lụa của Trung Quốc đã hình thành một hệ thống kỹ thuật mới dựa trên sự hội nhập của kỹ thuật dệt may phương Tây. Trung tâm công nghiệp tơ lụa dần dần di chuyển về phía nam sông Dương Tử, và sản xuất theo hướng chuyên môn hóa. Con đường tơ lụa trên biển trở thành kênh chính cho buôn bán tơ lụa.
Dựa vào kết quả khảo cổ, người ta thấy rằng tranh lụa đã xuất hiện vào thời nhà Chu. Ở một số ngôi mộ cổ thời kỳ này đã xuất hiện tranh và thư pháp được viết trên lụa. Có thể chúng được coi là những vật phẩm quan trọng và có giá trị tinh thần cao, được chọn để đồng hành cùng con người đi sang thế giới bên kia.
Lụa trước hết được dùng để viết thư pháp, hình thức nghệ thuật cao nhất của người Trung Hoa cổ đại. Sau đó nó được dùng để vẽ tranh với ba đề tài chính: phong cảnh, nhân vật, hoa điểu. Trước khi phát minh ra giấy vào vào thời Đông Hán (thế kỷ 1), hội họa Trung Hoa được thực hiện trên lụa là chủ yếu. Lụa được căng ra và quét lên bởi keo có nguồn gốc động vật để có thể thấm mực và màu. Mực thì được làm từ bồ hóng của gỗ thông.
Về kỹ thuật, tranh lụa (cũng như tranh giấy) được thể hiện bởi hai lối vẽ chính là Công bút và Tả ý.
Lối vẽ Công bút
Công bút (工筆) là lối vẽ hiện thực với cách dụng bút cẩn thận, điềm tĩnh. Lối vẽ này sử dụng các nét rất chi tiết để định hình chính xác và không có sự phóng bút mang tính biểu hiện. Nó sử dụng màu sắc nhiều hơn lối vẽ Tả ý và thường dùng để thực hiện các chủ đề nhân vật, cảnh sinh hoạt, phong cảnh kéo dài, hoặc tường thuật một câu chuyện. Có bốn loại bút để đi nét trong lối vẽ Công bút là: thứ nhất, bút dùng để vẽ các nét dày trong phong cảnh và nền; thứ hai, bút dùng để vẽ các nét dài, ví dụ như quần áo; thứ ba, bút dùng để vẽ viền hoa hoặc ga trải giường; thứ tư, bút dùng để vẽ các chi tiết nhỏ, như côn trùng chẳng hạn. Về kích cỡ bút chia thành ba loại từ lớn tới nhỏ là: đại bạch vân, trung bạch vân, tiểu bạch vân. Khi vẽ, họa sĩ vẽ bản phác thảo trước, chỉnh sửa cho vừa ý rồi can lên lụa đã được căng và phết keo. Sau khi đi xong các nét đường viền thì vờn sắc độ nhiều lớp đến khi đạt. Các họa sĩ tiêu biểu cho lối vẽ Công bút là: Diêm Lập Bản, Trương Huyên, Chu Phưởng, Đường Dần, Cừu Anh…
Lối vẽ Tả ý
Tả ý (写意) là lối vẽ mang tính biểu hiện, đề cao cảm xúc tức thời, với cách dụng bút phóng khoáng. Lối vẽ này thường được sử dụng đối với chất liệu giấy nhiều hơn là lụa. Nó được thúc đẩy và phát triển bởi các văn nhân, đạo sĩ, thiền sư yêu thích hội họa. Tả ý được vẽ rất nhanh để bắt kịp cảm xúc, nó không sử dụng những nét viền của hình một cách rõ ràng và chậm rãi như Công bút. Một nét bút của Tả ý đã bao gồm cả nét viền và sự chuyển sắc độ. Nói chung, Công bút phù hợp với lụa hơn, Tả ý phù hợp với giấy hơn. Công bút hay ở khả năng biến ảo sắc độ, Tả ý hay ở khả năng biến đổi nét. Thạch Đào, một họa sĩ bậc thầy của lối vẽ Tả ý cho rằng tất cả các nét trong tranh đều được biến hóa từ một nét, ông gọi đó là Nhất họa pháp. Những họa sĩ tiêu biểu cho lối vẽ Tả ý là Thạch Đào, Bát Đại Sơn Nhân, Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng…
Ảnh hưởng ở Việt Nam
Tranh lụa hiện đại Việt Nam, được khởi xướng bởi các bậc thầy tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Phan Chánh, Mai Thứ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị… Dù đã tạo ra được lối vẽ đặc sắc riêng bởi sự kết hợp hội họa Pháp với tinh thần Việt, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra sự ảnh hưởng ít nhiều và đồng thời từ cả hai lối vẽ Công bút cũng như Tả ý của Trung Quốc. Mức độ chịu ảnh hưởng của mỗi họa sĩ cũng khác nhau, ví dụ, tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, Mai Thứ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Tường Lân có tính Công bút nhiều hơn, còn Phan Thông, Nguyễn Thụ có tính Tả ý nhiều hơn.
Việt Nam không có truyền thống hội họa lụa. Chỉ khi Victor Tardieu lấy tài liệu về tranh lụa Trung Quốc, nhất là thời Đường, Tống, cho các học trò An Nam tham khảo và phát triển, thì chúng ta mới bắt đầu có hội họa lụa. Sự thật thì hội họa lụa trên toàn thế giới đều có nguồn gốc từ Trung Hoa, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thật sự hiểu hết tinh thần và kỹ thuật cổ xưa của chất liệu này. Dù sao, cái thâm trầm, lãng đãng, mơ màng của lụa khá hợp với thể trạng, tâm tính, thẩm mỹ của người Việt Nam. Thế nên, sau ít năm xuất hiện nó đã thành công vang dội.
Huệ Viên
19:47:51 17-02-2016
19:46:41 29-06-2016
10:05:52 27-08-2018
10:17:33 16-10-2018