Bàn về hệ sinh thái duyên hải trên trống đồng Đông Sơn
Ngày đăng : 10:11:21 20-04-2022
Bài thứ nhất: TRẢ LẠI TÊN CHO ẾCH
Cho đến nay, sau hàng nghìn năm, nghệ thuật Đông Sơn vẫn làm chúng ta say mê, khâm phục và chứa đựng rất nhiều bí ẩn. Có rất nhiều loài động vật được chạm khắc lên trống, thạp, rìu đồng. Có một số loài vật hiện vẫn chưa xác định được chính xác danh tính, hoặc chưa có sự nhất trí đồng thuận của các nhà khoa học.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, Việt Nam là một trong 16 nước có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Trải qua hàng ngàn năm, môi trường sinh thái của người Đông Sơn xưa có thể không còn giống như hôm nay. Dẫu vậy không thể bỏ qua thực tế hệ sinh thái này để nghiên cứu, truy tìm, gọi đúng tên các loài động vật xuất hiện trên trống đồng Đông Sơn.
Có thể đinh ninh rằng tri thức về tự nhiên của người xưa vượt xa phần đông chúng ta hôm nay, và đó là khó khăn khi phải gọi tên chúng.
Nhiều học giả đã khẳng định khả năng nhận biết đặc biệt về động thực vật, các hiện tượng gió, ánh sáng, màu sắc, nước và không khí của thổ dân thuộc các bộ lạc cổ xưa mà người hiện đại chúng ta khó có thể theo kịp. Ví dụ, người Hanunoo có thể phân biệt được 75 loài chim, 12 loài rắn, hơn 60 loài cá; hoặc hầu hết đàn ông Negrito có thể liệt kê một cách dễ dàng tên và mô tả ít nhất 450 loài cây, 75 loài chim, hầu hết các loài côn trùng… [Tài liệu tham khảo số 4, tr. 461]
Đã từ lâu, nghiên cứu mỹ thuật nói riêng và nghiên cứu văn hóa nói chung không thể tách rời các phẩm vật mỹ thuật với môi trường tự nhiên bao quanh nó. “Môi trường không chỉ tác động đến cuộc sống vật chất của con người mà nó còn tác động đến tâm trí, tư tưởng và đời sống tinh thần của con người.” [4. tr 458]. Loạt bài viết “Bàn về hệ sinh thái duyên hải trên trống đồng Đông Sơn” bắt đầu từ việc xem xét lại tên gọi con vật thường được gắn nổi trên mặt trống đồng. Trong hầu hết tất cả các công trình nghiên cứu về trống đồng ở Việt Nam đều gọi con vật này là cóc. Liệu có thể đã có sự nhầm lẫn. Giống như con ếch ở vườn hoa đối diện với Bắc Bộ Phủ đã bị gọi nhầm là con cóc bao lâu nay. Vườn hoa này vốn là Quảng trường Chavassieux có tục danh là vườn hoa con cóc.
ĐIỂM LẠI NHỮNG QUAN ĐIỂM TRÁI NGƯỢC
Tạ Đức là nhà nghiên cứu đầu tiên đề xướng cách gọi tên ếch. Trong cuốn sách “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn” (NXB Tri thức, 2017), ở chương 28 ông đã điểm lại các nhóm nhà khoa học gọi tên ếch và cóc. Nhóm gọi ếch đa số là các nhà khoa học nước ngoài.
Trong cuốn “Từ điển biểu tượng văn hóa thế gới”, khi viết về biểu tượng ếch có viết: “Ếch được dùng trong nhiều quan niệm biểu tượng khác nhau, trong đó quan niệm chính liên quan đến môi trường tự nhiên của nó là nước, ở Trung Hoa cổ đại, ếch được dùng hay được mô phỏng, để cầu mưa. Có hình ếch trên trống đồng bởi vì trống gợi đến sấm và gọi được mưa”. [1.tr.334]
Hay trong cuốn “Đồng cổ cập kỳ văn sức” (hoa văn trang trí trống đồng) viết:
“Các đặc điểm chính của ếch đứng của trống đồng ở miền Bắc Việt Nam được chuẩn hóa rất rõ ràng: ① Tất cả đều được trang trí trên cạnh mặt trống; ② Bốn con ếch đơn, cự ly cách đều và ngược chiều kim đồng hồ; ③ Cơ thể của ếch được chia thành hai khu vực, và được phủ kín bởi kiểu thức hình học đối xứng; ④ Hiệu ứng trang trí được nhấn mạnh và kiểu dáng phù hợp với hình thức mảng phẳng” [5, tr.155]
Ở Việt Nam có Đào Duy Anh, Vũ Thế Long và Tạ Đức là nhóm đề xuất tên gọi ếch. Nhóm gọi cóc thì có nhiều nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam như Phạm Huy Thông, Hà Văn Tấn, Nguyễn Duy Hinh…
Trong cuốn “Trống đồng quốc bảo Việt Nam” (Nguyễn Duy Hinh, 2001) đều gọi con vật này là cóc (chỉ có trong một vài trống ngoại lệ Giáo sư Hinh mới cho rằng đó là ếch hoặc nhái). Gần đây hơn là hồ sơ Bảo vật Quốc gia về Trống Đồng đền Hùng cũng tiếp tục khẳng định đó là cóc.
Trống đồng Đào Thịnh.
ẾCH HAY CÓC NHÌN TỪ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI CỦA NGƯỜI ĐÔNG SƠN
Người Đông Sơn là các cư dân duyên hải, sinh sống quanh các con sông đổ ra biển. Họ canh tác, săn bắn, hái lượm chủ yếu ở vùng duyên hải ngập mặn. Trong minh họa về hệ động thực vật ở vùng ngập mặn (wetland) ta thấy gần như trùng khít với các loài động vật xuất hiện trên trống đồng.
Hình ảnh những chiếc thuyền đi biển cùng những loài chim nước, những loài hải sản đặc trưng của biển cả cho chúng ta phỏng đoán phương thức sinh tồn của người Đông Sơn. Trong số các con vật bơi phía dưới chiếc thuyền được khắc trên trống đồng Đào Thịnh, có hình ảnh con cá đuối. Ngoại trừ ở các con sông ở khu vực Amazon, tuyệt đại đa số cá đuối chỉ sinh sống ở đại dương, trong môi trường nước mặn. Cá đuối là loài xương sụn, hình dẹt, đầu thân mắt bụng xếp tròn nhìn trông giống chiếc quạt, đuôi cá dài ra ngoài như cái cán quạt. Với một môi trường sinh thái như vậy, rất khó để tin rằng người Đông Sơn lại đúc hình những con cóc trên mặt trống.
PHÂN TÍCH CỤ THỂ ĐẶC ĐIỂM TẠO HÌNH
Dù rằng tính chất trang trí trong nghệ thuật trống đồng rất cao, nhưng không vì thế mà cho rằng không thể phân biệt được đâu là cóc và đâu là ếch. Để có thể trả lời dứt khoát về con vật xuất hiện trên mặt trống đồng Hữu Chung, Đồng Hiếu, Đa Bút, Phú Phương, Nông Cống, Thôn Bùi, Chợ Bờ, Thôn Mống, đền Hùng… là ếch chứ không thể là cóc chúng tôi xin đi vào những lập luận cụ thể.
Một: Đặc điểm hình thể chung của các con vật này là mông nở đùi to, bụng thót, thân dài, mõm hơi nhọn, đó là đặc điểm hình thể của ếch. Lý do là ếch có xu hướng nhảy khi di chuyển chứ không bò như cóc nên phần đùi và hông rất phát triển.
Hai: Đặc điểm bề mặt da của các con vật này đều khá nhẵn, không hề thấy xuất hiện các lớp mụn. Lý do ếch sống ở vùng đầm hồ, sông suối nên da trơn nhẵn do thường xuyên phải bơi lội. Tuy cùng là loài lưỡng cư nhưng cóc sống ở trên bờ, rất xa nguồn nước. Ca dao có câu “Ếch kêu uôm uôm/Ao chuôm đầy nước”.
ẾCH LÀ ẾCH NÀO ?
Ở vùng ngập mặn ở đảo Hải Nam, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á có loài ếch chịu được nước mặn. Lưu ý đây là loài cực hiếm trên thế giới, tên khoa học là Fejervarya cancrivora ( tục danh là ếch ăn cua). Loài này chịu được nước biển, có thể bơi và sinh sản trong nước mặn. Đây là loài ếch có thể sống ở vùng ngập mặn, cửa sông.
Hình ảnh những loài chim nước như cò, vạc, bồ nông và đặc biệt là con cá đuối mách bảo cho chúng ta rằng người Đông Sơn là những cư dân duyên hải. Họ sống ở cửa sông, cửa bể. Họ gắn bó với sông nước. Hình ảnh những con ếch với hình thức lưỡng cư nửa ở trên bờ, nửa ở dưới nước cũng chính là phương thức sống của người Đông Sơn.
TẠM KẾT
Nhà nghiên cứu Tạ Đức đã dừng lại ở việc xác định tên gọi ếch và tập trung đi sâu về phần ý nghĩa biểu tượng của con ếch trên trống đồng Đông Sơn. Ở một hướng khác, phân tích từ đặc điểm tạo hình và môi trường sinh thái, chúng tôi muốn đi tới một khẳng định đó là hình ảnh loài ếch biển rất đặc trưng ở vùng duyên hải của biển Đông. Hình ảnh những con ếch biển tuy nhỏ bé trên mặt trống đồng, cũng như những người Việt cổ bé nhỏ trước đại dương bao la, nhưng đó là những hình ảnh chứa trong nó một khí phách lớn lao. Riêng với tôi, hình ảnh hai con ếch con trên lưng ếch mẹ trên trống đồng Đào Thịnh thật dung dị, đậm tình mẫu tử và rất đỗi thân thương cho tôi nhiều suy ngẫm về dân tộc, về đất Việt mến yêu.
Trần Hậu Yên Thế (tapchimythuat.vn)
Tài liệu tham khảo
1. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1999) – Từ điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới, Nxb Đà Nẵng
2. Tạ Đức (2017) – Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn, Nxb Tri thức
3. Nguyễn Duy Hinh (2001) – Trống đồng quốc bảo Việt Nam , Nxb Khoa học xã hội
4. Bùi Quang Thắng, chủ biên ( 2008) – 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, Nxb Khoa học xã hội
5. 李 伟 卿 (2000 ) – 铜鼓及其纹铈 ( Hoa văn trống đồng) , 云南技出版社