Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do họa sĩ – nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung sáng lập năm 1966 là nơi trưng bày, gìn giữ những tác phẩm quý về nghệ thuật tạo hình cổ đại – hiện đại Việt Nam. Với các bộ sưu tập quý từ điêu khắc cổ Việt Nam, điêu khắc gỗ dân gian đình làng thế kỷ 16 – 17 – 18, gốm cổ triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống đến sưu tập hội họa, điêu khắc cận hiện đại, nhiều bộ sưu tập đã được triển lãm ở nước ngoài và các thành phố lớn tại Việt Nam, đặc biệt bộ sưu tập các tác phẩm Cận hiện đại do thế hệ các họa sĩ vun đắp và tạo một diện mạo riêng trong khu vực Đông Nam Á.
Để có một sưu tập tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam từ thời cận đại Mỹ thuật Đông Dương đến hiện đại, đương đại, các chuyên viên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt đi sưu tầm tại các triển lãm, tìm đến các họa sĩ trò chuyện, tập hợp tranh của họ về Bảo tàng Mỹ thuật để có một hệ thống trưng bày đầy đủ nhất tác phẩm thuộc các trường phái khi Việt Nam tiếp xúc với phương Tây vào đầu thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Đi cùng hướng tìm tòi sáng tạo phong cách diễn tả mang tính dân tộc như hội họa sơn mài truyền thống, tranh lụa Việt Nam cũng có bước phát triển theo dòng chảy lịch sử với những đặc điểm riêng biệt của thẩm mỹ Việt Nam. Qua Bộ sưu tập tranh lụa Bảo tàng Mỹ thuật chúng ta có cơ hội tìm hiểu về sự phát triển tranh lụa Việt Nam cùng nằm trong không gian tranh lụa Trung Hoa – Nhật Bản tìm sự tương đồng, khác biệt trong cái nhìn thẩm mỹ Châu Á từ xưa để thấy được phong cách tranh lụa luôn nương theo dòng chảy lịch sử hội họa Việt Nam trong thế kỷ 20.
Chúng ta cũng nên nhớ lại vào những năm đầu thế kỷ 20, tranh lụa xuất hiện với tư cách là một loại hình nghệ thuật độc đáo cả về chất liệu, cách vẽ, diễn tả màu sắc. Xưa kia vẽ lụa, vẽ giấy, vẽ vải là công việc thường xuyên của các họa công làm theo ý muốn của người đặt tranh. Tác giả là những nghệ nhân khuyết danh làm việc trong các nhóm thợ vẽ chuyên nghiệp, trong các phường thợ xây dựng, kiến trúc.
Theo sử sách, nghề dệt lụa của ta đã phát triển khá cao từ đời nhà Lý, nhân dân ta trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Các vua thời Lý, Trần đều có sai vẽ tranh các bậc hiền tài để thờ ở Văn Miếu vào những năm 1070 và 1253 gồm chân dung 72 người học trò xuất sắc của Khổng Tử.
Vẽ tranh lụa xưa có tranh chân dung Nguyễn Trãi (phiên bản) hiện bầy ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tranh chân dung Phùng Khắc Khoan (lưu trữ tại nhà thờ gia tộc ở huyện Thạch Thất – Hà Nội), chân dung 04 danh sĩ dòng họ Phan Huy, chân dung Nguyễn Siêu.
“…Phần lớn tranh lụa vẽ các danh nhân xưa đều thường đã mất bản gốc, những bản còn lại chỉ là sao chép vẽ lại dùng trong việc thờ cúng. Vì bão lũ ẩm mốc, vì chiến tranh liên miên tranh lụa không giữ được lâu và còn một thói quen mỗi khi tranh rách nát, con cháu thuê thợ Việt Nam vẽ lại bức mới và hóa (đốt) những tranh cũ đi (như trường hợp tranh Phùng Khắc Khoan). Nhân dân ta xưa chưa có ý thức bảo tồn và lưu giữ vốn cổ về nghệ thuật tạo hình, ngoài tính chất thờ cúng và cái vòng “hóa tranh” được nhắc lại nhiều lần…”
Tranh lụa cổ Việt Nam theo các nhà nghiên cứu đầu thế kỷ 20 cho rằng có hai lối vẽ. Đó là vẽ nét và vẽ mảng lớn. Tranh Chân dung Nguyễn Trãi vẽ theo nét cách điệu, màu tế nhị pha chế nhiều màu để có hòa sắc điêu luyện, hình họa tỉa tót tinh vi, nhiều đường cong để thể hiện những công thức về mũ áo, đai, hia nhất định. Tác giả nắm bắt được độ nhòe, mờ của tranh lụa, màu vẽ nhuyễn vào thớ lụa với một kỹ thuật từng trải mượt mà. Kiểu vẽ này thiên về trang trí từng nét từng nét tinh tế, thanh mảnh kỹ càng. Trái lại, tranh Chân dung Phùng Khắc Khoan vẽ trên lụa khổ rộng, phong cách vẽ khác hẳn. Nét vẽ chắc khỏe, tả thực, sắc mặt đen dữ tướng giống thần thái ông Trạng Bùng theo như lời kể của con cháu sau này. Màu sắc mộc mạc, đặt mảng dày xốp gần với hiện thực. Tác giả dùng màu thuốc cái (thuốc cái là màu làm từ thảo mộc xưa kia dùng để vẽ tranh dân gian Đông Hồ) cùng với son, mực nho, điệp, chất lụa hiện ra với sợi dệt thưa, nét vẽ thoải mái không có ý phô trương lối vẽ. Phía sau tranh có quét một lần sơn ta làm bức lụa dễ giòn gãy.
Từ những cách thể hiện trên lụa đó, các họa sĩ Việt Nam vươn lên nghệ thuật vẽ lụa hiện đại, có thể bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ 20. Công chúng Châu Âu đã biết có một nền nghệ thuật hội họa hiện đại Việt Nam qua tranh lụa với những tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn ở thời Cận đại 1930 – 1945.
Trong Sưu tập tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có thể khẳng định những tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh là điển hình cho phong cách vẽ lụa Việt Nam trải dài quá trình lịch sử mỹ thuật tạo hình từ cận đại đến hiện đại. Sự nghiệp vẽ lụa Nguyễn Phan Chánh được bắt đầu vào những năm 1928, 1930 khi ông được tiếp cận với một chính bản tranh lụa Trung Hoa và những xấp lụa Vân Nam do ông hiệu trưởng Victor Tardieu đi Trung Quốc mang về riêng cho ông Phan Chánh.
Sự hòa đồng trong cảm nhận nghệ thuật Phương Đông từ nét mực nho lan tỏa đậm nhạt, từng vệt thủy mặc sơn thủy thấm đượm một tinh thần triết học sâu xa về vũ trụ, nhân sinh, những nét chải gân guốc hay phóng túng với một bảng màu nhã nhặn, trầm lắng rất thích hợp với nghệ thuật thư họa ông đã từng quen thuộc từ buổi đầu cầm bút. Và Nguyễn Phan Chánh bắt đầu nghiên cứu về lụa. Lối vẽ của ông vẫn dựa vào kỹ thuật dựng hình Châu Âu nhưng giữ được bố cục, hòa sắc của phương Đông truyền thống. Trên chất lụa dịu mềm, bảng màu hội họa Nguyễn Phan Chánh với màu nâu đen đậm nhạt trên y phục, màu đen trên mái tóc, khóe mắt điểm xuyết thêm những màu hoa lý, hoa hiên của thắt lưng dải yếm, màu xanh non của tàu chuối bụi tre, màu vàng nổi váng trên ao bèo đã gợi ý cho nhiều họa sĩ cận đại “có mặt” trong bộ sưu tập này với Ra đồng, Đôi chim bồ câu dưới rặng trúc, Đi chợ về của Nguyễn Phan Chánh; Hiện vẻ hoa của Nguyễn Tường Lân, Bức thư của Tô Ngọc Vân, Hai thiếu nữ trước bình phong của Trần Văn Cẩn…
Thời cận đại họa sĩ Lê Văn Đệ tốt nghiệp khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã có nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kết quả những cuộc đi sưu tầm tìm kiếm của các chuyên gia Bảo tàng, đó là những tranh lụa đặc sắc: Chân dung bà Hoàng Xuân Hãn (1944), Cô dâu (Vu quy) sáng tác năm 1945, Thiếu phụ bồng con (1945), Thiếu nữ bên cầu ao (1943). Đã một thời những cô gái thành thị lãng mạn ủy mị là nguồn cảm hứng của nhiều họa sĩ cận đại, chính vì vậy Lê Văn Đệ vẽ Thiếu nữ bên cầu ao với cảnh vật là bờ ao, cầu tre, vại nước sành, chiếc gáo dừa… những mô típ đậm nét vùng quê nhưng lồng vào khung cảnh đó Lê Văn Đệ không đặt một thôn nữ mà ông chọn một thiếu nữ chốn thị thành với dáng hình mảnh mai, làn da mịn hồng, suối tóc dài óng ả buông lơi trên mặt ao, bộ đồ trắng thanh khiết và đôi mắt buồn vô cớ, tư lự. Tác giả không sử dụng độ nhòe mờ đặc trưng của lụa để phóng bút mà cẩn thận diễn tả những đường nét mảnh mai, âm hưởng xa vời nào đó của ký ức đến với những người thưởng ngoạn. Lời tự bạch của Lê Văn Đệ về giai đoạn vẽ tranh này cũng là cảm nhận của một thế hệ họa sĩ Đông Dương khi đến với tranh lụa
“…Nói đến lụa thì ta đã hình dung ra trong ý nghĩ cái gì đó đài các, uyển chuyển, nhẹ nhàng, vì thế tôi nghĩ là vẽ trên lụa ta cần tìm những thể chất màu sắc thiên nhiên có thể ngấm sâu vào thớ lụa chứ không phải màu chỉ bám trên mặt lụa như trên mặt giấy hay vải. Như thế tranh mới giữ được tính chất nhẹ nhàng bền bỉ của nó”.
Sau này tranh lụa của đồng nghiệp ông có mặt trong bảo tàng là Trang điểm (1940) của Nguyễn Văn Long, Thiếu nữ bên hoa cúc (1940) của Nguyễn Thị Nhung, Cổng thành Huế, Chợ Đông Ba (1941) của họa sĩ người Huế Tôn Thất Đào; tranh lụa của học trò Lê Văn Đệ: Trẻ thơ (1977) của Nguyễn Thị Hợp, Chăm sóc thiếu nhi (1978) của Nguyễn Thi đã tạo một phong cách hòa hợp giữa Nguyễn Phan Chánh và Lê Văn Đệ nhưng cái chung nhất vẫn là sự trong trẻo, mờ ảo, quý phái của chất liệu này đã được các họa sĩ Lương Xuân Nhị với Cầu ngói Thanh Toàn (1938), Nón bài thơ (1942), Mùa gặt (1943); của Trần Bình Lộc với Vũ nữ Campuchia (1938) nối dài trên những tác phẩm ở giai đoạn sau này với Nguyễn Tiến Chung có tranh lụa Được mùa (1960)…
Tranh lụa ở thời kỳ Cận đại 1930-1945 rất vững chãi về bố cục, đầm ấm về hòa sắc, bút pháp kín đáo và linh hoạt. Mỗi tác giả đều biết khéo léo đặt những mảng màu êm dịu trên những khuôn hình được nghiên cứu kỹ. Sự kết hợp tinh vi giữa cái thực của hình và cái thần của hiện thực qua những hòa sắc dân tộc, mảng đặt màu thì trong trẻo với kỹ thuật rửa lụa của Nguyễn Phan Chánh, để lụa trắng thì thanh thoát như khí trời ánh sáng, khoảng trống trên tranh cũng tham gia tạo hình hội họa. Tuy vậy ta cũng không tìm thấy ảnh hưởng của hội họa Trung Hoa cổ đại phô diễn của giới văn nhân họa với những nét chải búa bổ hay rìu chặt của Mã Viễn, Hạ Khuê hay hệ nét chải hạt mưa hay hạt gạo của cha con Mễ Phất – Mễ Hữu Nhân. Đó là nét khác biệt trên tranh lụa Việt Nam thời nhập môn hội họa thế giới đầu thế kỷ 20.
Đi tìm hướng sáng tạo phong cách diễn tả mang tính dân tộc thời cận đại, trong không khí hòa bình, hoan hỉ các họa sĩ Hà Nội mặc dù mới ở chiến khu về, nhưng họ đã nhanh chóng tìm về chất liệu thơ mộng, yêu kiều xưa cũ. Và tất nhiên chất liệu lụa mỏng mềm êm ái đó chỉ có thể chuyên chở những hình hài thơ mộng của hiện thực. Mà hiện thực lúc đó là một Hà Nội thanh bình đã quyến rũ các nét bút của Trần Đông Lương, Nguyễn Thụ, Mai Long, Năng Hiển, Vũ Giáng Hương, Trần Thanh Ngọc, Nguyễn Thị Minh Mỹ và cả ký ức chiến tranh của hai tác giả Phan Thông, Trọng Kiệm.
Người đương thời với xu hướng ngả theo hiện thực trong miêu tả đời sống xã hội dưới cái nhìn cụ thể thì Nguyễn Phan Chánh đã tìm một hướng đi khác, trong tranh ông không có cảnh nhà máy ồn ào nhả khói, những công nhân say mê làm việc bên máy – một biểu tượng cho không khí xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc giai đoạn hòa bình 1955-1975. Không hình thức cũng không công thức, Nguyễn Phan Chánh tìm thấy cái đẹp ở khắp nơi và tụ lại ở trong bộ sưu tập tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn này với các tác phẩm vẽ sau 1957: Cô hàng xén, Chị đi chống hạn, Sau giờ lao động, Ba mẹ con, Thêu hoa, Cảnh thuyền bờ sông Hồng, Bữa cơm mùa thắng lợi (1960) và sau này là những tác phẩm về cuộc kháng chiến chống Mỹ những năm 70 như: Sau giờ trực chiến, Bát nước giải lao cùng những tìm tòi phá cách trong bố cục ở những tranh bán khỏa thân: Sau buổi bừa đêm (Trăng tỏ), Sau buổi bừa đêm (Trăng lu), Sáng cho con bú, Tối cho con bú đều vẽ vào năm 1970.
Hai cặp tranh này đã một thời gây nhiều tranh cãi về chủ đề Tắm và Người đẹp mà tác giả tâm đắc nhất trong cuộc đời mình. Hàng loạt tác phẩm sáng tác theo chủ đề này được tác giả thể hiện bằng một nét bút hào hoa phơi phới thanh xuân chẳng còn màu nâu u trầm, mộc mạc hoa hiên hoa lý. Những gam màu đồng sắc (một màu) dập dìu lan tỏa nhẹ như sương khói mong manh thoáng qua: ửng hồng, ửng lam, ửng tím, rồi lại phớt xanh phớt vàng cứ lan tỏa trong lòng tranh hư hư thực thực. Trong sưu tập của Bảo tàng có được tác phẩm Chống hạn về gặp mưa (1970), Chị chăn vịt (1971). Tiếc rằng hai tác phẩm đẹp nhất của cuộc đời Nguyễn Phan Chánh là Tiên Dung tắm (1973) và Kiều tắm (1973) lại không có mặt trong sưu tập tranh lụa của Bảo tàng.
Trở lại những tranh lụa sáng tác ở thập niên 60, 70 chúng ta không thể quên những tác phẩm có mặt sớm nhất trong Sưu tập tranh lụa Bảo tàng, đó là tranh của hai tác giả từ chiến khu trở về với ký ức chiến tranh qua Hành quân mưa (1958) của Phan Thông, Ghé qua nhà (1958) của Trọng Kiệm mà cho đến nay vẫn là những tác phẩm vẽ lụa xuất sắc nhất của hai ông ở sắc thái tình cảm mới, trong sáng, đầy trách nhiệm, công nhận một phương pháp biểu đạt mới mà lúc đó gọi là lạc quan cách mạng. Với đề tài lãng mạn mà tranh lụa có khả năng diễn đạt được nhiều họa sĩ thể hiện ở thời kỳ cận đại thì ở giai đoạn này duy nhất có một họa sĩ vẽ thiếu nữ Hà Nội trong tà áo dài duyên dáng, đó là bức Tổ thêu của Trần Đông Lương (1958).
Cùng với tác phẩm Anh hùng Phạm Ngọc Thạch và Tổ thêu là hai sáng tác để đời của Trần Đông Lương, đã tiếp nối bảng màu hội họa thăng bằng trong không gian cổ điển, đã nuôi được cảm hứng qua hành trình sáng tác nhuộm màu rửa màu để tạo một tác phẩm mềm mại đầy rung động.
Với bảng màu nâu ấm, thế hệ họa sĩ cận kề những năm 60 được học từ những người thầy mẫu mực mở đầu cho một khuynh hướng tranh lụa mới, tiếp thu lối vẽ lụa là những mảng màu lớn không chuyển tiếp đột ngột ứ tràn khỏi đường viền hình họa. Kỹ thuật rửa lụa nhiều lần sau mỗi lần vẽ để màu sắc thấm nhuộm vào từng thớ lụa được họa sĩ Vũ Giáng Hương vẽ Hợp tác xã đánh cá về (1960), Ghé qua bản (1970) của Nguyễn Thụ, Làm mũ lá (1964) của Linh Chi. Các tác phẩm công bút tỷ mỉ trau truốt hàn lâm của Trần Duy ở những tranh vẽ ngôi chùa cổ Làng Thổ Hà, chân dung họa sĩ một thời gian dài để lại ấn tượng sâu sắc về tranh lụa thập niên 60.
Họa sĩ Nguyễn Thụ học khóa đầu tiên mang tên khóa Tô Ngọc Vân (1958 – 1963), hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa (1978 – 1991) đã truyền cho sinh viên cảm nhận về lụa từ hiện thực thiên nhiên phóng khoáng. Trên mặt lụa mảnh mềm, tranh Nguyễn Thụ ngả về miền núi với những mảng tím lam nơi triền núi, đồi cọ bạt ngàn xanh, bầu trời luôn ướt nước mờ sương ở những tác phẩm trong sưu tập: Ghé qua bản, Mưa, Làng ven núi, Thiếu nữ Thái, Mẹ con, Dệt vải. Các họa sĩ kế cận tuy bị cuốn hút vào hội họa Đường – Tống (Trung Hoa) hay bảng màu Ấn tượng Châu Âu nhưng đều có những suy nghĩ khoáng đạt trước vật thể, cách dùng màu, bố cục, đường nét đôi khi công bút mang đậm chất biểu cảm trên tác phẩm của mình như tranh đông người Góp thóc vào kho, Trên đồng cỏ nông trường Đồng Giao của Tạ Thúc Bình, tranh lịch sử Nguyễn Trãi của Đặng Quý Khoa, Tranh lụa đề tài lịch sử của Thanh Châu : Trên trặng đường chiến dịch (1976). Ở những tranh này yếu tố trong trẻo, mềm mại trên vẫn được chú ý, nhìn xa đã biết là tranh lụa. Những nét tỷ mỉ tinh tế diễn tả các nhân vật trong các động tác thường nhật không che phủ cái bóng bẩy của nền lụa tao nhã truyền thống.
Những năm 80, 90 các họa sĩ thuộc thế hệ thứ ba đã dành nhiều công sức nghiên cứu sự biến hóa của tranh lụa ở hội họa hiện đại để đọc lên được đời sống vật chất của nó dưới nét bút mảng màu cũng như độ nhòe mờ trong tạo hình tác phẩm. Cái lợi thế của chất nền lụa với lượng nước lượng màu ấn tượng, ẩn chứa những yếu tố bất ngờ ngẫu hứng qua tranh Tỉa thảm len, Cây trái quê hương của Kim Bạch, Làm cỏ lúa xuân của Lê Anh Vân, Sầm Sơn của Đỗ Thị Ninh, Hội mùa xuân, Dưới chân núi Mai Pha của Chu Thị Thánh.
Năm 2004 một triển lãm tranh lụa của họa sĩ Phạm Thanh Liêm mang tiêu đề Sự biến ảo của lụa đã mạnh dạn mở rộng đường biên hội họa của mình trên một chất liệu được coi là khó tính đó là “nền lụa” trong ngôn ngữ tạo hình đương đại. Từ bỏ chất lụa mềm mại, uyển chuyển nuột nà tơ óng, tác giả lựa chọn chất lụa thô đanh xốp để chuyên chở hết những phá cách, màu đủ độ thấm trong xử lý những vệt loang của biểu đạt. Tuy vậy năm 1982 tác phẩm Cô Tấm với suối tóc mây bồng bềnh ngã xuống dòng suối trong vắt – đại diện cho vẻ đẹp dịu dàng thuần khiết Á Đông, rất Việt Nam – đã có mặt trong sưu tập tranh lụa Bảo tàng.
Ở giai đoạn tiếp biến với nghệ thuật đương đại phương Tây, hiện nay tranh lụa Việt Nam mang một sắc thái mới mạnh mẽ phiêu bồng. Sưu tập tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã kịp có những tác phẩm phá cách trong thập niên 90 và đầu thế kỉ 21. Đó là tác phẩm một màu đỏ rực của Lương Xuân Đoàn tên gọi Chiều trên đảo Hòn Tre, họa sĩ Đào Minh Tri rẽ hẳn vào không gian trừu tượng với tác phẩm Khiêu vũ (1999), màu sắc trườn ra khỏi đường viền hình họa và tác phẩm theo phong cách siêu thực của Vũ Đình Tuấn – Mùa thu vàng (2017) gọn ghẽ trong đường viền hư ảo mong manh.
Bộ sưu tập tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã song hành cùng lịch sử gần một thế kỷ. Một chất liệu có một số phận nghiệt ngã dưới áp lực của thời gian, khí hậu nóng lạnh nhiệt đới gió mùa thất thường. Các tranh cận đại thường được thể hiện trên nền lụa Vân Nam, việc bảo quản vô cùng khó khăn trong trưng bày và cả trong phòng lưu trữ. Việc phục chế những tranh giai đoạn 30-45 của Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Lân, Lê Văn Đệ, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân những danh họa vẽ lụa Việt Nam trên nền lụa Vân Nam cần được quan tâm cũng như bảo vệ giá trị bản quyền của Bảo tàng Mỹ thuật với những danh tác này trên sàn đấu giá quốc tế chủ yếu là sàn Sotheby’s. Bảo tàng Mỹ thuật đã có kế hoạch số hóa các tác phẩm hội họa tạo hình, điêu khắc trải dài một thế kỷ thăng trầm lịch sử. Công việc số hóa các giá trị nghệ thuật, các bộ sưu tập trong Bảo tàng nói chung và riêng Sưu tập tranh lụa với những đặc thù hội họa, lụa sẽ tạo điều kiện diện mạo các bộ sưu tập đến tay các nhà nghiên cứu trong sự khẳng định một nền nghệ thuật nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho nhân dân qua nhiều kênh truyền thông hiện hữu.
Theo tôi việc số hóa các tác phẩm hội họa, điêu khắc trong Bảo tàng Mỹ thuật cần có những đặc thù riêng, không chỉ là thống kê tên các tác phẩm, tác giả, năm sáng tác, kích thước mà cần thêm vài thông tin hữu ích mà các bảo tàng trên thế giới hay đề cập đến như:
– Chữ ký và năm sáng tác ở vị trí nào, bên phải hay bên trái, ở trên hay ở dưới bức tranh.- Sưu tập tư nhân (tranh cận đại Việt Nam), mua của tác giả ở triển lãm nào: Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm của cá nhân tác giả, triển lãm nhóm và thập niên 2000 là triển lãm khu vực (8 khu vực) do Hội Mỹ thuật tổ chức.
Công việc số hóa là công nghệ thông tin đương đại (IT) như một nội dung về tác giả, tác phẩm dưới dạng từ điển bách khoa thu nhỏ rất cần cho việc giới thiệu tác phẩm, tác giả hàng đầu của Việt Nam. Trải qua một thế kỷ với những biến động xã hội được ghi lại trong nghệ thuật tạo hình, lịch sử mỹ thuật cổ đại Việt Nam.
NGUYỄN HẢI YẾN (tapchimythuat.vn)
1. Tham luận của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ tại Hội nghị tranh lụa Nguyễn Phan Chánh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1978
2. Tạp chí Bách Khoa số 114/85 Sài Gòn năm thứ 7 ngày 1/1/1963