Tranh lụa là một loai hình nghệ thuật có nguồn gốc Á Đông mà ở đó thay vì vẽ tranh giấy, các nghệ nhân sẽ tô vẽ màu sắc và họa tiết sẽ được thể hiện trên nền tấm vải lụa.
Tranh lụa truyền thống đã từng phát triển mạnh mẽ ở các nước có nền văn hóa lâu đời như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Tranh lụa cổ ở Việt Nam chủ yếu tập trung miêu tả lối sống sinh hoạt của người dân và được dùng để tả lại chân dung các bậc quân phu tướng sĩ.
Đến những năm 30 của thế kỷ trước, tranh lụa hiên đại bắt đầu những bước tiến mới về nghệ thuật. Điểm khác biệt nhất giữa kỹ thuật vẽ tranh lụa cổ và tranh lụa hiện đại Việt Nam là ở chỗ: tranh lụa cổ thường được vẽ trực tiếp trên lụa khô, trong khi quá trình tranh lụa hiện đại giống như sự nhuộm đi nhuộm lại màu lên mặt lụa; lụa được căng trên khung gỗ và trong quá trình vẽ họa sĩ có thể rửa lụa nhiều lần rồi vẽ tiếp tới khi như ý.
Tranh lụa “Rửa rau cầu ao” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh – Người đi tiên phong mở đường cho tranh lụa hiện đại Việt Nam
Tranh lụa “Người bán gạo”, tranh lụa của nghệ sĩ Nguyễn Phan Chánh chịu ảnh hưởng bởi cả văn hóa Đông và Tây
Về chất liệu vẽ tranh, lụa vẽ thường là lụa tơ tằm, không lỗi, mịn hoặc hơi thô, dệt thủ công hay dệt bằng máy. Gần đây, do yêu cầu của ngành mỹ thuật, các nhà máy dệt đã sản xuất loại lụa chuyên dùng để vẽ tranh, mỏng và hơi thưa, nhìn rõ thớ lụa. Màu vẽ để vẽ lụa thường là màu nước, phẩm hoặc mực nho. Ngày nay, nhiều họa sĩ còn dùng những họa phẩm đục, dày hơn như tempera, màu bột, phấn màu,… để thử sức với lụa.
Vẽ tranh lụa đòi hỏi người họa sĩ có sự khéo léo và kiên trì nhất định vì đây là một chất liêu khá khó tả.Lụa trước khi vẽ phải căng lên khung. Thông thường, lụa mới được quét một lớp hồ loãng, người vẽ nên rửa qua lớp hồ này để màu có thể ngấm vào thớ lụa. Nếu lụa hút nhiều nước như lụa Trung Quốc thì nên quét một lớp hồ loãng lên trên, có pha lẫn một ít phèn chua để chống mốc.
Điểm mạnh của tranh lụa là ở sự trong trẻo và êm dịu của màu sắc, vì vậy phần lớn người vẽ tranh lụa thường xây dựng phác thảo (hình, mảng) hết sức kỹ càng trước khi thể hiện lên lụa. Nhiều người sử dụng cách can hình từ bản can giấy lên lụa để lưu lại nét một cách chính xác. Tuy nhiên cũng có thể vẽ lụa một cách thoải mái.
Khi vẽ lụa, người ta thường vẽ từ nhạt đến đậm, màu nhạt chồng lên nhau nhiều lần sẽ thành đậm nhưng vẫn nhìn thấy thớ lụa tạo nên vẻ đẹp của chất lụa. Vẽ chồng lên nhau bằng các màu khác nhau cũng là một cách pha màu. Thỉnh thoảng, khi màu đã khô, phải rửa nhẹ cho sạch những chất bẩn nổi lên mặt lụa và để cho màu ngấm vào từng thớ lụa.
Muốn cho các mảng màu cạnh nhau hòa vào với nhau không còn ranh giới tách bạch, tạo ra một hiệu quả mềm mại, mờ ảo, người ta vẽ khi mặt lụa còn hơi ẩm và không cần viền nét nữa. Ta cũng có thể sử dụng bột điệp và bạc thêm vào tranh lụa (dán ở mặt sau). Tranh lụa vẽ xong thường được bồi lên một lớp giấy, sau khi khô hoàn toàn, họa sĩ có thể rạch phần tranh ra khỏi khung lụa để đưa vào khung. Tranh lụa tăng hiệu quả thẩm mỹ nhiều khi với khung kính.
Cùng chiêm ngưỡng một số tác phẩm tranh lụa của học viên Mỹ Thuật Bụi bạn nhé!