Độc nhất là phẩm chất hàng đầu của một nghệ sỹ thượng hạng

Ngày đăng : 10:14:51 21-03-2022

Gần năm năm về trước, ngày 22.12.2016, Thomas Bass có gửi email xin phép tôi cho ông in lại trong cuốn sách sắp xuất bản của ông nhan đề “Censorship in Vietnam: Brave New World” (Kiểm duyệt ở Việt Nam: Một thế giới can đảm) bức tranh “Giấc mơ nghệ sỹ / Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp” tôi vẽ năm 1990. Tôi đã đồng ý. Sau đó Bass đã cho người đến tận địa chỉ nhà sưu tập bức tranh này ở Hà Nội để chụp lại bức tranh. Lúc đầu Bass định đăng bức tranh trên bìa nhưng vì không in được màu (có lẽ do kinh phí eo hẹp) nên cuối cùng bức tranh đã không xuất hiện trên bìa sách. Hôm nay tôi thấy trên amazon cuốn sách này, do Đại học Massachusetts xuất bản, có hình trên bìa là một cái chân cầu hoặc cột đèn nhằng nhịt dây điện. Tôi không biết nội dung trong sách song có một trích đoạn trên trang mekongreview nhan đề “Nguyen Huy Thiep“, trong đó có in lại bức tranh của tôi. Có thể xem bản dịch bài này ra tiếng Việt của Nguyễn Trung Kiên tại FB của Nguyễn Trung Kiên.

Nguyễn Đình Đăng, Giấc mơ nghệ sỹ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp), 1990, sơn dầu trên canvas, 97 x 130 cm, sưu tập tư nhân.

Ngay sau khi Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời ngày 20.3.2021 ở tuổi 71, một ông bạn già của tôi ở bển gửi email cho tôi có đoạn viết:

“Báo chí Việt Nam dám ngang nhiên viết: sở dĩ có một tài năng như Nguyễn Huy Thiệp là nhờ vào chính sách… đổi mới! Biết nói gì trước những luận điệu như vậy? Cũng có một hai ‘nhà văn’ viết truyện ngắn, không đến nỗi, nhưng đọc xong, thấy khéo có khéo, chải truốt có chải truốt, nhưng tầm thường, không có cái ‘tâm’ ở trong, như truyện của ông Thiệp, lúc đọc xong truyện mới thấy tâm hồn rung động (như tiếng chuông đánh sẽ mà âm vang nhiều).”

Trình độ của nhiều người được gọi là “nhà báo” của ta thì không có gì đáng ngạc nhiên. Không thiếu những người được coi hoặc tự xưng là dịch giả và/hoặc nhà phê bình văn học/mỹ thuật mà còn ú ớ, nói chi các “nhà báo”. Sau khi Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời, một FB friend gửi cho tôi xem một “bình luận” như vậy, trong đó “nhà bình luận”, có lẽ đáng tuổi con ông Thiệp, kẻ cả chỉ ra “bi kịch” của ông ở chỗ này chỗ kia. FB friend hỏi tôi có đúng không. Tôi trả lời: “Sai.”

Rồi tôi viết tiếp:

“Không ai là hoàn hảo, mà ngược lại con người ai cũng đầy những khuyết điểm. Nhưng để viết được những truyện ngắn như Nguyễn Huy Thiệp đã viết đòi hỏi một nhân cách rất đặc biệt. Vì thế tôi cho rằng phê phán nhận định lăng nhăng như X là kém thông minh.”

Và tôi kết luận bằng câu của Somerset Maugham:

“Đối với tôi điều lý thú nhất trong nghệ thuật là nhân cách của nghệ sỹ; và nếu nhân cách đó khác thường, tôi sẵn lòng tha thứ cả ngàn lỗi lầm.”(To my mind the most interesting thing in art is the personality of the artist; and if that is singular, I am willing to excuse a thousand faults.” ― W. Somerset Maugham, The Moon and Sixpence.)

Như đã viết trong bài “Sự gặp gỡ của các tư tưởng”, “cá nhân tôi nghĩ rằng sự vĩ đại của Nguyễn Huy Thiệp trong văn đàn Việt Nam là ở chỗ không ai có thể bắt chước được các truyện ngắn của ông. Một số nhà văn kém tài hơn từng vay mượn từ ông, cố sao chép cấu trúc thậm chí cả chi tiết từ các truyện ngắn của ông. Nhưng dù cố gắng thế nào đi chăng nữa, họ vẫn không thể đạt được chất lượng và vẻ đẹp chỉ có trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm của ông là độc nhất vô nhị.”

Độc nhất là phẩm chất hàng đầu của một nghệ sỹ thượng hạng.
                                                                                                                                4.4.2021

        Nguyễn Đình Đăng

Tags: