Bắt chước và sao chép

Ngày đăng : 10:09:38 21-03-2022

Sự khác nhau giữa bắt chước và sao chép trong quan niệm của Plato và Aristotle

Mimesis, trong tiếng Hy Lạp cổ đại μῑ́μησις từ μιμεῖσθαι (mimeîsthai), có nghĩa là mô phỏng hay bắt chước (imitation), theo nghĩa diễn tả các khía cạnh của thế giới thực, đặc biệt là các hành động của con người, trong văn chương và nghệ thuật. Vì thế bắt chước không đồng nghĩa với sao chép (copy), tức tạo ra bản sao giống hệt như bản gốc. Từ copy có gốc từ tiếng Latin thời Trung Cổ, cōpia (nhiều, phong phú, dư dả), có nghĩa là nhân bản, chép lại.

Mimesis là nguyên tắc cơ bản của sáng tạo nghệ thuật. Nguyên tắc này đã được hai triết gia vĩ đại thời Hy Lạp Cổ đại, hai cột trụ của toàn bộ triết học phương Tây, là Plato (428/427 hoặc 424/423 – 348/347 TCN) và Aristotle (384 – 322 TCN), học trò xuất sắc nhất của Plato, thảo luận trong các tác phẩm triết học của mình, đặc biệt là The replublic [1] (Nhà nước) của Plato và Poetics [2] (Thi pháp) của Aristotle.

Theo Plato, cái thực sự hiện hữu là mô thức lý tưởng (Form) do Thượng Đế tạo ra và chỉ tồn tại trong thế giới của Ý niệm (Idea). Những gì con người cảm nhận được chỉ là những hình chiếu hay những cái bóng của mô thức lý tưởng đó. Trong ẩn dụ về cái hang, Plato coi những người trần tục, tức chưa được khai sáng bằng lý thuyết về các mô thức, như các tù nhân bị xích trong một cái hang, mà không thể nhúc nhích và ngoái đầu lại phía sau. Tất cả những gì họ có thể thấy là bức tường hang trước mặt họ. Đằng sau lưng họ có một đống lửa cháy. Giữa chỗ đặt đống lửa và chỗ của các tù nhân có một lối đi cao, được che bởi một bức tường thấp ở lề phía những tù nhân. Sau bức tường đó có một đoàn người đi lại rước các vật thể hoặc các con rối hình người và các sinh vật khác. Những người này đi bên dưới bức tường thấp nên chỉ các vật thể và các con rối họ rước mới đổ bóng lên tường hang. Các tù nhân không thể nhìn thấy những gì đang diễn ra sau lưng họ. Tất cả những gì họ có thể nhìn thấy được chỉ là bóng của những con rối in trên tường hang trước mặt họ. Tiếng người nói dội lên tường hang và các tù nhân tưởng rằng đó là âm thanh phát ra từ các hình bóng in trên tường. Đối với các tù nhân, những cái bóng in trên tường hang là hiện thực bởi họ chẳng bao giờ nhìn thấy bất cứ thứ gì khác. Họ không biết rằng cái mà họ tưởng là hiện thực thật ra chỉ là những cái bóng chiếu lên tường trước mặt họ. Họ lại càng không thể nào biết được nguồn gốc những cái bóng đó là từ những vật thực ờ ngoài hang mà họ không thể nhìn thấy.

Chỉ có một số ít người, các triết gia đích thực, sau nhiều năm tu luyện, mới có thể thoát khỏi cái hang. Plato cho rằng năng lực học tập đã hiện hữu trong tâm hồn mỗi người rồi, và kiến thức chính là công cụ để xoay tâm hồn từ thế giới cảm giác (thế giới của những cái bóng trên tường hang) sang phía thế giới của hiện hữu thực sự, tức thế giới của các mô thức lý tưởng, của ý tưởng, và học cách dần dần quen với cách nhìn của thế giới ý tưởng, và của hiện hữu xán lạn nhất, hay nói cách khác là của Thiện. Theo Plato, các hoạ sỹ, các nhà viết kịch, các nghệ sỹ kịch, và các nhạc sỹ, chỉ là những người bắt chước những mô phỏng, như trong ví dụ thợ mộc làm ra chiếc giường là mô phỏng của ý tưởng tuyệt đối về một chiếc giường duy nhất, còn hoạ sỹ chỉ mô phỏng lại chiếc giường mà y nhìn thấy như một sản phẩm của thợ mộc. Như vậy nghệ sỹ là người bị cách xa chân lý tới hai lần. Trên cơ sở đó, Plato phản bác mimesis vì cái được bắt chước và hiện thực chẳng liên quan gì đến nhau. Theo Plato, mimesis là khả năng diễn tả của thi sỹ, hoạ sỹ và diễn viên. Ví dụ, đối với hoạ sỹ, y chỉ tạo ra một quan hệ giữa hình ảnh trong bức tranh của y và đối tượng mà y diễn tả. Sự giống ở đây, nếu có, là sự giống giữa hình ảnh hoạ sỹ vẽ ra và đối tượng được y vẽ, chứ chẳng liên quan gì tới hiện thực tuyệt đối cả. Theo Plato mối liên hệ giữa hiện thực thực và đối tượng không bao hàm sự giống hoặc tương tự. Để hiểu một hình tượng, cần phải biết hiện thực và con đường dẫn tới hiện thực, chỉ có trong triết học và lý trí, chứ không phải trong cảm xúc và thi ca. Triết học Plato xem xét mimesis trên phương diện luân lý chứ không phải thẩm mỹ. Ông coi bắt chước là sự hủy hoại đạo đức bởi thi ca và nghệ thuật là sự điên rồ xâm chiếm tâm hồn, cản trở việc giác ngộ bằng kiến thức đích thực của điều Thiện.

Aristotle mới là người đầu tiên xem xét mimesis như một lý thuyết của nghệ thuật. Ông không coi mimesis là hủy hoại đạo đức chừng nào lý trí còn làm chủ nghệ thuật. Theo Aristotle, bắt chước là một bản năng của con người và con người học thông qua bắt chước (hay mô phỏng). Sự học mang lại khoái lạc sinh động nhất không chỉ đối với các triết gia, mà đối với mọi người nói chung, dù khả năng học ở họ có hạn chế đến mức nào. Aristotle cho rằng sở dĩ “con người thích nhìn sự giống, là vì khi thưởng ngoạn nó họ thấy mình đang học hoặc đang suy luận, ví dụ khi ngắm một chân dung, họ hiểu à người đó trông như thế này. Bởi lẽ ngay cả nếu bạn chưa từng nhìn thấy người thực (việc thực), thì khoái cảm của bạn có được không phải vì sự bắt chước trong bức tranh, mà vì cách xử lý, hòa sắc, hay một nguyên nhân khác tương tự như vậy. Vì vậy, bắt chước là thuộc tính tự nhiên của chúng ta.”

Trái với Plato, người phủ nhận nghệ thuật tiếp cận chân lý, Aristotle không cho rằng nghệ thuật mô phỏng Ý niệm. Bởi lẽ con người học thông qua bắt chước nên mọi lĩnh vực kiến thức của con người là mô phỏng. Tuy nhiên chân lý mà nghệ thuật theo đuổi là chân lý của thẩm mỹ và sự phổ quát, khác chân lý của triết học theo đuổi là chân lý cụ thể và tuyệt đối. Chân lý trong nghệ thuật không phải là sự đầy đủ và thống nhất trong các tình tiết của sự kiện, mà là sự thống nhất về cấu trúc trong việc mô phỏng đối tượng, sao cho không thể dịch chuyển hoặc loại bỏ bất cứ phần nào mà không ảnh hưởng tới sự liên kết chặt chẽ của toàn cục.

Việc bắt chước tự nhiên trong nghệ thuật khác việc sao chép tự nhiên. Thi sỹ, hoạ sỹ hay bất cứ nghệ sỹ nào khác nhất thiết phải mô phỏng một trong ba đối tượng sau:

i) sự vật như chúng đã từng hoặc đang như vậy,

ii) sự vật như chúng được nói hoặc được cho là như vậy,

iii) sự vật như chúng phải hoặc chắc là như vậy.

Tuy Aristotle bàn về thi ca, song những lập luận của ông liên quan tới mô phỏng hoàn toàn có thề áp dụng cho hội hoạ, bởi “hội hoạ là thi ca không lời còn thi ca là hội hoạ bằng lời nói”, như Plutarch đã trích dẫn Simonides [3]. Theo Aristotle, chuẩn mực về sự đúng đắn trong thi ca (hay hội hoạ) không như trong chính trị, cũng không như trong bất kỳ nghệ thuật nào khác. Ví dụ, trong nghệ thuật thi ca, có hai loại sai lầm, sai lầm về bản chất và sai lầm ngẫu nhiên. Nếu thi sỹ mô tả một thứ gì đó không đúng do thiếu khả năng thì đó là sai lầm nội tại trong nghệ thuật của y. Nhưng nếu sai lầm xảy ra do lựa chọn sai, chẳng hạn như mô tả con ngựa đang chạy mà lại tung cả hai vó ở một bên về phía trước thì đó là sai lầm không cốt yếu đối với thi ca. Vì thế trong thi ca, những gì bất khả hiện diện trong sự mô tả thì một mặt là sai, nhưng mặt khác cũng có thể là hợp lý nếu chúng là mục đích của bản thân thi ca, nếu chúng khiến hiệu ứng của một phần nào đó trong tác phẩm gây sửng sốt hơn, mạnh mẽ hơn. Một hoạ sỹ không biết con hươu cái không có sừng không tệ bằng một hoạ sỹ vẽ con hươu mà không ai nhận ra nó. Aristole cho rằng, đối với mục đích của thi ca, một sự bất khả thuyết phục còn thích đáng hơn một khả năng không tuyết phục.

Nghệ sỹ không sao chép hiện thực mà tái tạo hiện thực bằng mô phỏng, khiến hiện thực hiện hữu. Ví dụ một hoạ sỹ vẽ chân dung giỏi vừa có khả năng tái tạo lại các nét đặc trưng của người mẫu, nhưng đồng thời lại làm người mẫu trông đẹp hơn ngoài đời, mà vẫn không mất đi sự giống. Vì thế, ở một nghệ sỹ tài năng, nghệ thuật của y vượt lên cao hơn mức thấy trong hiện thực. Nghệ thuật là hư cấu, song bản chất mô phỏng và thẩm mỹ của nghệ thuật lấn án sự sai lạc do hư cấu gây ra khiến sự vật trong tác phẩm nghệ thuật hiện ra đẹp đẽ và ưu việt hơn bản thân chúng trong tự nhiên và trong con người.

Bàn về liệu một điều nào đó được nói hay làm trong thi ca là đúng hay sai trên phương diện đạo đức, Aristotle cho rằng cần xem xét không chỉ phẩm chất nội tại của lời nói hay việc làm cụ thể, mà cả người đã nói hoặc làm điều đó, người mà điều đó được nói cho hoặc làm cho, thời gian, cách thức, và động cơ, như làm thế là để đạt được điều thiện lớn hơn hay để tránh điều ác tệ hơn.

Dấu ấn từ các giáo lý triết học của Aristotle in đậm lên toàn bộ mọi loại hình kiến thức và tư tưởng ở phương Tây, cho tới tận cuối t.k. XIX cũng như sau đó, như được bộc lộ trong câu nói của Friedrich Nietzsche (1844 – 1900): “Chúng ta có nghệ thuật để khỏi chết vì sự thật”, hay trong quan niệm của Oscar Wilde (1854 – 1900) về mối quan hệ giữa nghệ thuật và tự nhiên.

Trong tiểu luận “The decay of lying” [4] (Sự suy tàn của dối trá) (1889), Wilde viết:

“Cái mà Nghệ thuật bộc lộ cho chúng ta đó là sự thiếu hoạch định trong Tự nhiên, những sự thô kệch kỳ quái của nó, sự đơn điệu khác thường của nó, tình trạng tuyệt đối dở dang của nó. Dĩ nhiên là Tự nhiên có dụng ý tốt, nhưng, như Aristotle đã có lần nói, nó không thực hiện được dụng ý đó. Khi ngắm một phong cảnh, tôi không thể tránh khỏi nhìn thấy các khuyết điểm của nó. Tuy nhiên, may mắn cho chúng ta là Tự nhiên thật không hoàn hảo, bởi nếu không chúng ta đã hoàn toàn chẳng có nghệ thuật. Nghệ thuật là sự phản kháng về tinh thần của chúng ta, là nỗ lực hào hiệp của chúng ta để dạy cho Tự nhiên biết chỗ đứng thích đáng của nó. Còn về sự đa dạng vô tận của Tự nhiên, đó thuần túy là một chuyện hoang đường. Không có chuyện đó trong Tự nhiên. Chuyện đó nằm trong trí tưởng tượng, hoặc võ đoán, hoặc trong sự mù quáng có học của người ngắm Tự nhiên.”

Ông cho rằng “nghệ thuật dùng cuộc sống như một phần nguyên liệu thô của nó, tái tạo lại cuộc sống, và cải tạo nó trong những dạng thức tươi mới. Nghệ thuật tuyệt đối dửng dưng với những sự kiện, sự bày đặt, sự tưởng tượng, các mơ mộng, và giữ giữa nó và thực tại một rào cản, không thể vượt qua được, của phong cách đẹp, của cách xử lý trang trí hoặc lý tưởng.”

Theo Wilde, “đối tượng của Nghệ thuật không phải là chân lý giản dị mà là cái đẹp phức tạp. Bản thân Nghệ thuật thực sự là một dạng cường điệu; và sự chọn lọc, tinh thần thực sự của Nghệ thuật, chẳng có gì hơn là một phương thức mãnh liệt của sự nhấn mạnh thái quá.”

_____

[1] Plato, The Republic, translated by F.M. Cornford (Oxford University Press, London – Oxford – New York, 1941).

[2] Aristotle, Poetics (350 BCE), translated by S.H. Butcher (The Internet Classics Archive, MIT).

[3] Plutarch, Moralia, translated by F.C. Babbitt (Cambridge Harvard University Press, London, 1957) Vol. IV, 346f.

[4] Oscar Wilde, The decay of lying (Brentanok, New York, 1905 [1889]).

_____

                                                                                                       Nguyễn Đình Đăng

Tags: