Pablo Picasso (1881 – 1973) là danh họa người Tây Ban Nha, ông được biết đến như cha đẻ của trường phái Lập thể với một số tác phẩm nổi tiếng như Les Demoiselles d’Avignon, Ma Jolie.
Không giới hạn bản thân ở hội họa, Picasso còn thử sức với nhiều loại hình nghệ thuật như điêu khắc, in ấn, nặn gốm sứ. Nhờ phong cách đa dạng, danh họa đã khơi dậy “cuộc cách mạng” khi phát triển điêu khắc đồng, nâng tầm cắt dán lên nghệ thuật.
Trên hành trình sáng tác, Pablo Picasso luôn miệt mài trong “công cuộc” phá bỏ ranh giới, làm mới bản thân và xây dựng tư tưởng cấp tiến. Do đó, ông được công chúng tôn vinh là thiên tài hội họa, sánh ngang nhiều vĩ nhân như Leonardo Da Vinci, Michelangelo.
Pablo Ruiz Picasso chào đời năm 1881 tại thành phố Málaga, miền nam Tây Ban Nha. Mẹ của Picasso tên Doña Maria Picasso y Lopez, cha ông là Don José Ruiz y Blasco, một họa sĩ kiêm giáo viên mỹ thuật.
Với hy vọng con trai sẽ trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng, gia đình đã đặt cho cậu bé cái tên đầy ấn tượng, Pablo Diego José Francisco de Paula Juan Nepomuceno María de los Remedios Cipriano de la Santísima Trinidad Martyr Patricio Clito Ruíz y Picasso.
Lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, Pablo Picasso được cha mẹ đầu tư học hành, phát triển năng khiếu. Từ khi còn nhỏ, cậu bé đã tiếp xúc với hội họa qua việc chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật, nghiên cứu bài giảng của cha.
Blasco vì vậy trở thành “thầy giáo” bất đắc dĩ của con trai, người khơi dậy tình yêu nghệ thuật trong Picasso. Ông tin rằng phương pháp luyện tập tốt nhất là sao chép tranh, vẽ cơ thể người dựa trên mô hình và đã truyền thụ kiến thức này cho cậu bé.
Những bài học từ cha giúp Pablo Picasso dần hình thành tư duy nghệ thuật, nắm vững kiến thức nền tảng về hội họa. Từ đó, cậu thường xuyên luyện tập và bộc lộ kỹ thuật tinh tế, điều này khiến Blasco cảm thấy kinh ngạc về tài năng của con trai mình.
Bốn năm sau, Pablo Picasso theo cha mẹ chuyển tới Barcelona và đăng ký học tại Barcelona School of Fine Arts. Tuy chưa đủ tuổi, chàng thiếu niên vẫn được nhận vào học nhờ thành tích ấn tượng ở kỳ thi tuyển chọn.
Trái ngược với kỳ vọng ban đầu, chương trình học khô khan cùng nhiều quy tắc nghiêm ngặt khiến Picasso trở nên chán nản, mang tâm lý chống đối và thường xuyên trốn học. Khi ấy, cậu dành nhiều thời gian để lang thang trên đường phố, phác thảo khung cảnh đô thị ở Barcelona.
Giai đoạn này chứng kiến sự ra đời của nhiều tác phẩm độc đáo, đơn cử First Communion, Portrait of Aunt Pepa và Science and Charity. Trong đó, Science and Charity là tác phẩm mang lại vinh quang cho Picasso khi giúp ông đoạt huy chương vàng tại triển lãm cấp tỉnh Málaga, tấm bằng danh dự tại triển lãm Mỹ thuật Tổng hợp ở Madrid.
Tuy nhiên, Portrait of Aunt Pepa cũng không kém cạnh khi được hoàn thiện chỉ trong một giờ, điều này cho thấy khả năng sáng tạo và kỹ thuật điêu luyện của Picasso. Phát triển từ chủ nghĩa Hiện thực, người họa sĩ trẻ đã tận dụng hiệu ứng tương phản để làm nổi bật gương mặt, tập trung vào biểu cảm cũng như khắc họa tâm lý nhân vật.
Mùa thu năm 1897, Pablo Picasso chuyển tới Madrid và trở thành sinh viên của Học viện Hoàng gia San Fernando, trường nghệ thuật hàng đầu Tây Ban Nha thời bấy giờ. Tuy nhiên, những buổi học truyền thống khiến cậu nhàm chán và chuyển sang tìm kiếm cảm hứng từ cuộc sống.
Những ngày sau đó, Picasso lui tới bảo tàng Prado một cách thường xuyên. Ngoài việc tham gia triển lãm nghệ thuật, cậu còn nghiên cứu tranh của nhiều họa sĩ bậc thầy như Rembrandt, El Greco, Francisco Goya, Johannes Vermeer, Diego Veláquez.
Một năm sau, Picasso quay về Barcelona và tham gia nhóm nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng. Họ nhiều lần gặp gỡ, trao đổi quan điểm cùng tư tưởng cấp tiến tại quán cà phê El Quatre Gats. Chính những buổi họp mặt đã tiếp thêm sức mạnh, thúc đẩy quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của người họa sĩ trẻ.
Năm 1900, Picasso thực hiện chuyến du lịch Paris, biểu tượng cho tinh hoa nghệ thuật Châu Âu. Tại đây, ông có dịp chiêm ngưỡng loạt tác phẩm từ nhiều nhà Ấn tượng như Vincent van Gogh, Edgar Degas và Toulouse-Lautrec.
Ngoài ra, Picasso còn góp mặt trong Triển lãm Phổ thông, nơi bức họa Last Moments (1900) được trưng bày. Đó là lần đầu tiên ông tham gia một sự kiện nước ngoài, đánh dấu bước tiến của Pablo Picasso trên trường quốc tế.
Hai tháng sau, Picasso trở lại Madrid để thành lập tạp chí Arte Joven cùng Francisco de Asís Soler, một người bạn cũ ở El Quatre Gats. Đóng vai trò giám đốc sáng tạo, ông đã cho ra đời loạt họa phẩm gồm 22 bức, tất cả đều được sử dụng để minh họa cho ấn phẩm.
Thông qua chuỗi tranh, Pablo Picasso thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là người nghèo. Tuy nhiên, việc phát hành ấn phẩm chỉ kéo dài ba tháng cho đến khi mọi thứ bị gián đoạn bởi khó khăn tài chính, buộc tờ báo phải ngừng xuất bản.
Theo các nhà sử học, sự nghiệp của Picasso sau năm 1900 chia thành nhiều giai đoạn riêng biệt, mỗi thời kỳ tương ứng với một phong cách mới lạ, độc đáo.
Mùa xuân năm 1901, sự ra đi đột ngột của người bạn Carles Casagemas đã khởi đầu cho Thời kỳ Xanh Lam (1901 – 1904). Mang tâm trạng đặt lên từng nét cọ, Pablo Picasso vẽ nhiều tác phẩm u ám, buồn tẻ với tông chủ đạo là sắc lam cùng màu lục.
Giai đoạn này, các bức tranh của Picasso thường tập trung vào chủ đề gái mại dâm, kẻ ăn mày, nỗi cô đơn và sự mù lòa, tiêu biểu như Blue Nude (1902), La Vie (1903), The Old Guitarist (1903) và The Frugal Repast (1904).
Là kiệt tác của Pablo Picasso, La Vie mê hoặc công chúng bằng những chi tiết ấn tượng, tông màu lạnh cùng chuyện tình nhuốm màu bi thương của Casagemas, một họa sĩ người Catalan.
Mang tình yêu đơn phương với cô người mẫu Germaine Pichot nhưng bị từ chối, nỗi thất vọng khiến ông trở nên trầm cảm và u uất. Cuối cùng, Casagemas đã tự tử trong bữa tối giữa anh và Germaine.
Việc sống ở khu phố Bateau-Lavoir, giữa các nghệ sĩ phóng túng như Guillaume Apollinaire, Max Jacob, André Salmon cũng tác động rõ rệt lên tinh thần và phong cách nghệ thuật của ông.
Bảng màu lạnh ở Thời kỳ Xanh Lam dần được thay bằng tông màu ấm như be, hồng và đỏ, đánh dấu sự ra đời của Thời kỳ Hồng (1904 – 1906).
Trái với giai đoạn trước, loạt tác phẩm trong Thời kỳ Hồng gây ấn tượng bởi phong cách nhẹ nhàng, niềm hạnh phúc cùng sự lạc quan. Bên cạnh hội họa Pháp, nhiều bức tranh của Picasso còn lấy cảm hứng từ mối quan hệ giữa ông với nàng Fernande Olivier.
Theo giới nghiên cứu nghệ thuật, những họa phẩm nổi bật trong Thời kỳ Hồng là Family at Saltimbanques (1905), Garçon à la pipe (1905), Portrait of Gertrude Stein (1906) và Two Nudes (1906).
Dấu ấn cá nhân trên loạt tranh đã thu hút sự chú ý của giới mộ điệu, đặc biệt là những nhà sưu tầm. Yêu thích nét vẽ của Picasso, Gertrude Stein quyết định trở thành nhà bảo trợ cho danh họa, nâng đỡ ông trên con đường sáng tác nghệ thuật.
Cuối năm 1906, Picasso tham dự cuộc triển lãm tại Bảo tàng Louvre, nơi đây đã truyền cảm hứng cho người nghệ sĩ khi trưng bày bức bích họa có từ thời trung cổ, tác phẩm của người Iberia cổ đại.
Tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật, Pablo Picasso đến thăm Bảo tàng Dân tộc học và lập tức bị thu hút bởi các bức tượng điêu khắc Châu Phi.
Những ngày tháng sau đó, Pablo Picasso đã phát triển hội họa dựa trên sự kết hợp của chủ nghĩa Nguyên Thủy và nghệ thuật Châu Phi. Giai đoạn này được các học giả gọi là Thời kỳ Ảnh hưởng Châu Phi (1907 – 1909).
Tiếp thu nét độc đáo trong nghệ thuật tạo tác ở Lục địa đen, danh họa cho ra đời Les Demoiselles d’Avignon (1907), bức tranh nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi nhất của Picasso.
Không chỉ giải phóng hội họa khỏi khuôn khổ truyền thống, Les Demoiselles d’Avignon còn trở thành bước đệm, tạo tiền đề cho sự phát triển của trường phái Lập thể những năm sau đó.
Lấy Les Demoiselles d’Avignon làm điểm xuất phát, Pablo Picasso và Georges Braque đã miệt mài nghiên cứu để phát triển phong trào mới. Trong xưởng vẽ, họ dành phần lớn thời gian thử nghiệm phương pháp, xây dựng bố cục lẫn hình thức.
Là thành quả cho sự nỗ lực, chủ nghĩa Lập thể được hình thành năm 1908 và đánh dấu bước ngoặt quan trọng của lịch sử nghệ thuật. Không chỉ tác động mạnh mẽ đến hội họa hiện đại, trường phái Lập thể còn khơi dậy nhiều trào lưu mới như chủ nghĩa Vị lai, Cấu trúc và Biểu hiện.
Thời kỳ Lập thể của Pablo Picasso được chia làm hai giai đoạn, đó là chủ nghĩa Lập thể phân tích (1909 – 1912) và chủ nghĩa Lập thể tổng hợp (1912 – 1919).
Đối với Lập thể phân tích, Picasso thường sử dụng màu trung tính, đơn sắc kết hợp phương pháp tách đối tượng, phân tích dựa trên hình dạng hay cấu trúc. Một số tác phẩm tiêu biểu là Three Women (1907), Head of a Woman, Fernande (1909), Bread and Fruit Dish on a Table (1909) và Girl with Mandolin (1910).
Với phương pháp tiếp cận mới, các chi tiết trên Three Women được danh họa đơn giản hóa, kết hợp hình khối và phối cảnh độc đáo. Thay vì miêu tả nhân vật trong không gian mở, ba người phụ nữ tạo thành tổng thể hoàn chỉnh, lồng ghép vào nhau như trò chơi xếp hình.
Thời kỳ 1912 đến 1919, danh họa đưa trường phái Lập thể lên tầm cao mới, đánh dấu bằng sự ra đời của chủ nghĩa Lập thể tổng hợp. Áp dụng hình thức cắt dán, Picasso tạo ra loạt tranh ghép khổng lồ từ nhiều mảnh nhỏ, đơn cử Chair Caning (1912) và Card Player (1913 – 1914).
Nhấn mạnh vào tính khác biệt trong kết cấu, kỹ thuật cắt dán đặt ra mối liên hệ giữa thực tế và ảo ảnh, khắc họa không gian ba chiều. Bằng việc sử dụng màu sắc, khuôn mẫu, hình học cùng cách tiếp cận độc đáo, Picasso đã thay đổi hướng đi của nghệ thuật hiện đại.
Mùa xuân năm 1913, Pablo Picasso được vinh danh ở lễ kỷ niệm của Moderne Galerie tại Đức. Sau đó, ông tiếp tục trưng bày tám họa phẩm tại Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Hiện đại ở New York, Chicago và Boston, một trong những sự kiện lớn nhất của Hoa Kỳ.
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ năm 1914, phần lớn bạn bè của Picasso đã nhập ngũ để chiến đấu cho Tổ quốc. Tuy nhiên, danh họa vẫn giữ thái độ trung lập và tập trung vào nghệ thuật.
Trong khoảng thời gian ấy, nhiều bóng hồng đã bước qua cuộc đời Picasso như Eva Gouel, Gaby Depeyre Lespinesse, Paquerette, Irene Lagut. Tuy nhiên, chúng đồng loạt chấm dứt khi nàng Olga Khoklova xuất hiện và cùng ông xây dựng gia đình.
Bén duyên qua buổi làm việc tại Ballet Russes, hai người tiến tới hôn nhân chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, lối sống phóng túng của Pablo Picasso đã phá hủy tổ ấm, dẫn đến việc ông phải sống ly thân.
Khi ấy, thế chiến thứ nhất đang bước vào giai đoạn căng thẳng, đánh dấu bằng sự kiện Đế quốc Áo – Hung sụp đổ cùng sự tham chiến của Hoa Kỳ. Thái độ trung lập qua đó bị dẹp bỏ, danh họa quyết định chiến đấu bằng cây cọ của mình.
Nhằm phản đối chiến tranh phi nghĩa, Picasso đã tham gia phong trào “Return to order”, một hoạt động tập trung vào hội họa truyền thống, lược bỏ thử nghiệm và đổi mới. Bởi vậy, thời kỳ Lập thể bị gián đoạn, nhường chỗ cho sự kết hợp giữa chủ nghĩa Tân cổ điển với Siêu thực (1919 – 1929)
Lấy cảm hứng từ nghệ thuật Phục Hưng của Ý, nhiều tác phẩm ở giai đoạn này mang dấu ấn của bậc thầy Raphael, đơn cử Sleeping Peasants (1919), Nu assis s’essuyant le pied (1921), Three Women at the Spring (1921) hay Two Women Running on the Beach (1922).
Với màu sắc rực rỡ, Sleeping Peasants thu hút người xem bởi nhịp điệu của đường nét, ý tưởng táo bạo cùng chi tiết khiêu dâm.
Chịu tác động từ chủ nghĩa Siêu thực, danh họa đã tạo nên các biến thể cho nhân vật Cổ điển như nhân ngưu, tiên nữ, nhân mã và thần rừng. Thêm vào đó, giới nghiên cứu còn tìm thấy điểm mới lạ trên loạt tranh của Picasso, biểu hiện qua sự “bóp méo” cảm xúc.
Chính vì vậy, nhà văn André Breton đã tuyên bố Pablo Picasso là gương mặt nổi bật của trường phái Siêu thực, điều này được ông nhấn mạnh trong bài báo Le Surréalisme et la peinture (1925).
”Cha đẻ của chủ nghĩa Lập thể đã trở thành con nuôi của những người theo trường phái Siêu thực!” – nhà phê bình Maurice Raynal
Giữa thập niên 1920, xu hướng sáng tác của danh họa bắt đầu thay đổi. Ông không chỉ ứng dụng chủ nghĩa Siêu thực mà còn phối hợp với phong trào Nguyên thủy, nghệ thuật Khiêu dâm.
Là minh chứng cho ngôn ngữ hội họa của Picasso, The Three Dancers (1925) tái hiện mối tình tay ba giữa Ramon Pichot, Germaine Gargallo và Carlos Casagemas.
Nhằm khắc họa khía cạnh bạo lực, danh họa đã sử dụng chi tiết méo mó, màu sắc gay gắt và kết cấu thô, tô điểm cho cảm xúc mãnh liệt của nhân vật.
Trong những năm 1930, Picasso phản ứng mạnh mẽ với nỗi đau mà chiến tranh gây nên, ông tỏ ra phẫn nộ trước các vụ đánh bom, sự vô nhân đạo và hiện thực tàn khốc. Tựa hồi chuông cảnh tỉnh, danh họa cho ra đời kiệt tác Guernica (1937).
Trưng bày tại Triển lãm Quốc tế ở Paris năm 1937, tác phẩm trở thành tâm điểm của sự chú ý, vượt qua loạt tranh từ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Henri Matisse, Georges Braque và Henri Laurens.
Ngoài ra, Pablo Picasso còn sáng tác bộ tranh điêu khắc Vollard Suite (1930 – 1937), chuỗi tác phẩm minh chứng cho quan điểm nghệ thuật mới lạ cùng tình yêu ông dành cho Marie-Thérèse Walter.
Thời điểm ấy, tên tuổi của danh họa lan rộng khắp thế giới, bộ sưu tập tranh của ông xuất hiện trong nhiều triển lãm lớn ở London, Tokyo, Rome, Venice, Milan và Paris.
Từ cuối năm 1939 đến đầu 1940, bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York đã tổ chức buổi trưng bày nhằm kỷ niệm bốn mươi năm sáng tác của Picasso. Sự kiện này thu hút hơn một trăm nghìn người tham dự, gây tiếng vang đến giới chuyên môn và báo chí.
“Picasso đã tìm ra nhiệt huyết trong chính bản thân mình và vẽ nó – cơn cuồng nhiệt của cái chết và vẻ đẹp.” – lời bình của họa sĩ William Baziotes về buổi triển lãm tại MoMA
Khi ấy, sự bùng nổ của chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) đã làm gián đoạn các hoạt động nghệ thuật. Không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống của Picasso, việc quân Đức chiếm đóng Paris còn khiến nhiều buổi triển lãm tạm hoãn.
Dẫu vậy, Pablo Picasso vẫn quyết định gắn bó với thủ đô và kiên cường chống lại Đức Quốc Xã. Trên phương diện hội họa, ông miệt mài làm việc để tạo nên những bức tranh ấn tượng như Still Life with Guitar (1942) hay The Charnel House (1944 – 1945).
Lấy cảm hứng từ loạt ảnh về chiến tranh, họa phẩm là sự kết hợp của bảng màu u ám, những con số hỗn loạn và các thi thể méo mó. Với hình thức Biểu hiện, The Charnel House đã thành công trong việc khắc họa nỗi đau mà chiến tranh phi nghĩa gây nên.
Nhằm thoát khỏi sự kìm kẹp của phát xít Đức, Picasso còn sáng tác thơ lẫn viết kịch. Trong thời gian đó, ông cho ra đời hơn ba trăm bài thơ cùng hai vở kịch, Desire Caught by the Tail và The Four Little Girls.
Theo giới mộ điệu, Desire Caught by the Tail là tác phẩm kỳ lạ, có phần trừu tượng. Tuy nhiên, họ vẫn ca ngợi vở kịch trong nhiều năm sau đó, đơn cử dịch giả Bernard Frechtman với nhận định “vở kịch là một thành tựu đáng kể”.
Khi Pháp được giải phóng năm 1944, Pablo Picasso lập tức gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Ông cho rằng chủ nghĩa cộng sản là con đường hướng tới tự do và hạnh phúc, phù hợp với quan điểm nghệ thuật của bản thân.
“Đảng cộng sản Pháp đã mở rộng vòng tay với tôi. Tôi tìm thấy ở đó tất cả những người mà tôi kính trọng, các nhà tư tưởng vĩ đại nhất, những nhà thơ vĩ đại nhất và tất cả gương mặt của những người chiến sĩ.” Pablo Picasso giải thích
Giữa năm 1948, Picasso tham dự Đại hội Trí thức Thế giới Bảo vệ Hòa bình ở Ba Lan, một sự kiện quốc tế được tổ chức bởi chính quyền Ba Lan và Liên Xô. Nhằm chống lại chủ nghĩa đế quốc, hội nghị khẳng định các cường quốc cộng sản là nhóm người ủng hộ hòa bình, trái ngược với mối đe dọa tiềm ẩn đến từ nhiều quốc gia phương Tây.
Một năm sau, Hội nghị Bảo vệ Hòa bình Quốc tế đã chọn tác phẩm của Picasso làm áp phích cho hiệp hội. Hình ảnh chú chim bồ câu trong La Colombe (1949) nhanh chóng trở nên nổi tiếng và xuất hiện như biểu tượng của hòa bình, độc lập trên toàn cầu.
Ngoài chính trị, Picasso còn hoạt động hết sức sôi nổi trong giới nghệ thuật. Không chỉ tham gia Hội nghị Điêu khắc Quốc tế (1949), danh họa còn đóng vai trò khách mời trong các bộ phim Testament of Orpheus (Jean Cocteau) và Le Mystère Picasso (Henri-Georges Clouzot).
Tuy nhiên, Pablo Picasso vẫn dành mối quan tâm sâu sắc cho hội họa. Theo giới mộ điệu, loạt họa phẩm cuối đời của Picasso là sự pha trộn giữa nhiều phong cách, nội dung và phương tiện, đơn cử Massacre in Korea (1951), Las Meninas (1957) hay Luncheon on the Grass (1959).
Tiếc rằng phần lớn tác phẩm lại bị các học giả chỉ trích, họ cho rằng chúng mang tính khiêu dâm, lỗi thời và kỳ quái. Mãi đến khi nghệ thuật vượt khỏi chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, loạt tranh mới được công nhận là đại diện cho trường phái Tân biểu hiện.
Nhờ những đóng góp to lớn trong cả chính trị lẫn nghệ thuật, chính quyền Liên Xô đã trao Giải thưởng Hòa bình Stalin (1950) cùng Giải thưởng Hòa bình Lê-nin (1962) cho Pablo Picasso.
Năm 1961, danh họa kết hôn với Jacqueline Roque, người vợ thứ hai. Nàng trở thành một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất sự nghiệp của Picasso, thể hiện qua bốn trăm bức chân dung mà ông vẽ Roque.
Năm 1963, Pablo Picasso được ủy quyền thiết kế bản điêu khắc cho thành phố Chicago. Đặt hết tâm tư vào công việc, ông đã tạo nên Chicago Picasso (1967), một tác phẩm trừu tượng và bí ẩn.
Dù gây nhiều tranh cãi, Chicago Picasso vẫn được công nhận là bức tượng điêu khắc hoành tráng nhất trong sự nghiệp của danh họa, tạo nên sự thay đổi về thẩm mỹ trong nghệ thuật công cộng.
Mùa xuân năm 1973, danh họa qua đời ở tuổi 91 do phù phổi và suy tim, khép lại sự nghiệp lừng lẫy với vô số tuyệt tác nghệ thuật.
Pablo Picasso nổi tiếng bởi khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ, ông liên tục chuyển đổi phong cách, pha trộn nhiều ngôn ngữ hội họa để xây dựng góc nhìn mới trên hành trình kiến tạo nghệ thuật.
Nhờ tư tưởng tự do cùng tính cách phóng khoáng, danh họa đã tạo nên chuỗi kiệt tác mang giá trị trường tồn. Không chỉ tiên phong ở trường phái Lập thể, dấu ấn cá nhân của Picasso còn tác động mạnh mẽ lên nhiều chủ nghĩa lớn, góp phần định hình hội họa hiện đại.
Với nhiều đóng góp to lớn về nghệ thuật, Picasso được nhắc đến như một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi, tấm gương sáng cho các họa sĩ trẻ noi theo.
Được sáng tác vào mùa xuân năm 1904, The Old Guitarist đã trở thành họa phẩm nổi tiếng nhất thuộc Thời kỳ Xanh Lam. Bức tranh khắc họa hình ảnh một nhạc sĩ lớn tuổi, người mang gương mặt hốc hác, bộ quần áo rách rưới bên cây đàn guitar.
Nhằm diễn tả nỗi buồn, danh họa đã kết hợp mảng màu đơn sắc, tông xanh chủ đạo với đường nét thô. Tất cả tạo nên giai điệu của sự u hoài, bao phủ toàn bộ không gian và thời gian của tác phẩm.
Cây guitar màu nâu được đặt ở trung tâm bức họa và trở thành tiêu điểm của ánh nhìn. Không chỉ tái hiện thế giới âm nhạc, cây đàn còn là phương tiện kiếm sống, niềm hy vọng duy nhất của người đàn ông.
Khi tiếng đàn cất lên, người ta sẽ quên đi nỗi đau để đắm mình vào thanh âm của hạnh phúc. Nghệ thuật bỗng hóa thành liều thuốc chữa lành những tổn thương.
“Mục đích của nghệ thuật là gột rửa bụi bặm từ cuộc sống khỏi tâm hồn chúng ta.” – danh họa Pablo Picasso
Theo giới nghiên cứu, tác phẩm mang nét tương đồng với loạt tranh của Edvard Munch, Paul Gauguin. Điểm chung giữa họ nằm ở khả năng khai thác tâm lý, màu sắc ấn tượng cùng cảm xúc mãnh liệt.
Hiện lên với dáng vẻ tiều tụy, người nghệ sĩ già đại diện cho những mảnh đời bất hạnh, phần nào nhấn mạnh số phận nghiệt ngã của con người. Qua đó, danh họa khéo léo phản ánh thực trạng xã hội, biến The Old Guitarist (1904) trở thành kiệt tác mang giá trị hiện thực – nhân đạo sâu sắc.
Thuộc Bộ sưu tập Tưởng niệm Helen Birch Bartlett, họa phẩm hiện trưng bày ở Học viện Nghệ thuật Chicago, nơi lưu giữ hơn ba trăm nghìn tác phẩm nghệ thuật từ cổ đại đến đương đại.
Là tiền thân của trường phái Lập thể, Les Demoiselles d’Avignon (1907) gây ấn tượng bởi chi tiết mạnh mẽ, nét vẽ táo bạo cùng hình ảnh khỏa thân của năm cô gái làng chơi.
Lược bỏ quy tắc cổ điển, các nhân vật được sắp xếp trong trạng thái đối đầu, thiếu đi vẻ nữ tính và có phần kỳ lạ. Phối hợp hình khối với mảng màu đơn sắc, danh họa tái hiện nét đặc trưng của chủ nghĩa Nguyên thủy, giải phóng nghệ thuật khỏi khuôn khổ truyền thống.
Mang gương mặt dữ tợn cùng đường cong độc đáo, năm người phụ nữ là sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cách Iberia và nghệ thuật Châu phi.
“Kẻ khác thấy điều vốn có và hỏi tại sao. Tôi thấy những gì có thể và hỏi tại sao không.” – danh họa Pablo Picasso
Thêm vào đó, người xem có thể thấy điểm tương đồng giữa Les Demoiselles d’Avignon với loạt họa phẩm nổi tiếng The Large Bathers (Paul Cézanne), Oviri (Paul Gauguin) hay Opening of the Fifth Seal (El Greco).
Dẫu gây nhiều tranh cãi, tác phẩm vẫn tạo hiệu ứng mạnh mẽ và trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ khác. Đơn cử Henri Matisse, họa sĩ nổi tiếng người Pháp đã sáng tác Bathers with a Turtle (1908) sau khi chiêm ngưỡng họa phẩm của Picasso.
Theo giới mộ điệu, Les Demoiselles d’Avignon không đơn thuần là tác phẩm hội họa, nó nên được ví như cuộc cách mạng của nghệ thuật hiện đại, đánh dấu bước đột phá của Pablo Picasso trên tiến trình hội họa nhân loại.
Là chủ đề phổ biến, chiến tranh được tái hiện qua nhiều tác phẩm như The Disasters of War (1810 – 1820) của Fransisco Goya, Explosion (1917) bởi George Grosz. Tuy nhiên, Pablo Picasso đã vượt qua hàng ngàn nghệ sĩ khác khi tạo nên Guernica (1937), bức tranh phản chiến vĩ đại nhất lịch sử nhân loại.
Ra đời sau cuộc nội chiến Tây Ban Nha năm 1937, Guernica mang đến nỗi đau, sự mất mát cùng những ám ảnh kinh hoàng. Để giải mã bức tranh, các học giả tiến hành phân chia họa phẩm thành ba nhóm đối tượng gồm con người, động vật và các chi tiết ẩn dụ.
Được đặt bên trái tác phẩm, công chúng có thể “nhìn thấy” tiếng kêu thảm thiết từ người mẹ khi cô chứng kiến đứa con của mình ra đi. Phía dưới nhân vật là hình ảnh vị chiến sĩ tử nạn, anh xuất hiện với vết thương chằng chịt, cánh tay đứt lìa bên thanh gươm vỡ vụn.
Trên thanh kiếm mọc lên bông hoa nhỏ, nó trở thành biểu tượng cho niềm hy vọng về một thế giới bình yên, nơi chiến tranh không còn tồn tại.
Tiếp tục khắc họa hiện thực tàn khốc, ba người phụ nữ lần lượt xuất hiện trong phần còn lại của bức họa. Bị mắc kẹt trong đám cháy, nhân vật đầu tiên đã hét lên vì sợ hãi, hoảng loạn và đau đớn.
Cùng lúc ấy, một cô gái cố gắng thoát khỏi ngọn lửa và được tái hiện cùng gương mặt thảng thốt. May mắn hơn cả, người phụ nữ thứ ba đã thoát khỏi đám cháy, cô đứng nhìn cảnh tượng hỗn loạn trong bất lực.
Dù là cơ thể hay khuôn mặt, hình ảnh con người trong Guernica đều bị biến dạng, bộc lộ những tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần.
Lấy cảm hứng từ văn hóa Tây Ban Nha, Picasso sử dụng hình ảnh con bò, chú ngựa để tô điểm cho bức họa. Chúng trở thành minh chứng cho tội ác mà phát xít Đức gây nên, thể hiện qua biểu cảm đau đớn, chiếc đuôi tựa cột khói cùng chi tiết đầu lâu.
Như một dụng ý nghệ thuật, Picasso đặt chim bồ câu nằm giữa hai sinh vật, ẩn trong lớp sơn màu xám và bị tẩy xóa nhiều lần. Qua đó, danh họa tiết lộ suy nghĩ của bản thân về nền hòa bình, độc lập đã biến mất ở Guernica.
Không trực tiếp minh họa vụ đánh bom, Pablo Picasso khéo léo lồng ghép sự kiện vào tác phẩm. Nếu hình ảnh con mắt là đại diện cho mưa bom, bão đạn thì bàn tay cô gái lại gợi liên tưởng đến máy bay chiến đấu.
“Nghệ thuật là sự dối trá khiến chúng ta nhận ra sự thật. ” – Pablo Picasso
Dẫu mang hình thức kỳ lạ, Guernica vẫn gây ấn tượng bởi sự chau chuốt trên từng nét họa. Qua mảng màu đơn sắc gồm trắng, đen, xám, tác phẩm hiện lên như thước phim tài liệu và tác động mạnh mẽ đến cảm xúc người xem.
Phối hợp trường phái Lập thể với chủ nghĩa Siêu thực, bức họa đặc trưng bởi bố cục hỗn loạn, đường nét chồng chéo, hình ảnh méo mó cùng nội dung trừu tượng. Tất cả tạo nên bản hòa tấu tuyệt vời, in đậm dấu ấn cá nhân của Picasso.
“Tôi chỉ mất bốn năm để vẽ như Raphael, nhưng tốn cả đời để có thể vẽ như một đứa trẻ.” – danh họa Pablo Picasso
Xuất hiện năm 1937, Guernica khiến cả thế giới sửng sốt khi phác họa nỗi thống khổ của người Tây Ban Nha. Tác phẩm sau đó được trưng bày tại nhiều thành phố lớn như London, New York, San Francisco, Milan, Chicago và Philadelphia.
Theo giới chuyên môn, bức họa không chỉ vạch trần tội ác chiến tranh mà còn kêu gọi xây dựng thế giới hòa bình. Với vị thế độc tôn, Guernica là mốc son chói lọi trên tiến trình hội họa, kiệt tác có giá trị vượt không – thời gian.
Xuyên suốt hành trình kiến tạo nghệ thuật, Pablo Picasso để lại cho hậu thế khối di sản đồ sộ với hơn mười nghìn tác phẩm, một trăm nghìn bản in khắc và vô số tranh minh họa.
Nhằm tôn vinh danh họa, thế giới đặt tên ông cho nhiều bảo tàng nổi tiếng gồm Musée Picasso Paris, Museo Picasso Málaga và Museu Picasso ở Barcelona.
Bộ sưu tập tranh của Picasso còn được triển lãm tại nhiều phòng trưng bày lớn như Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA), Phòng trưng bày Nghệ thuật Ontario, Viện bảo tàng Louvre hay Bảo tàng Quốc gia ở Prado.
Cho đến nay, tác phẩm của Picasso vẫn thu hút lượng lớn nhà sưu tầm, chúng liên tục phá kỷ lục để trở thành những họa phẩm đắt giá nhất mọi thời đại. Tiêu biểu như Garçon à la pipe (1905) với 104 triệu USD, Le Rêve (1932) trị giá 105 triệu USD và Les Femmes d’Alger (1955) lên tới 179 triệu USD.
“Việc nói rằng Pablo Picasso thống trị nghệ thuật phương Tây trong thế kỷ 20, cho đến nay, là điều bình thường. Không một họa sĩ hay nhà điêu khắc nào, kể cả Michelangelo, từng nổi tiếng như thế trong suốt cuộc đời của chính mình.” – nhà phê bình Robert Hughes
Cuộc đời của danh họa còn truyền cảm hứng cho các nhà văn và đạo diễn, họ cho ra đời vô số tác phẩm về ông, đơn cử phim tiểu sử Surviving Picasso (1996) của đạo diễn James Ivory.
Thành công rực rỡ với doanh thu lên đến hai triệu USD, bộ phim tái hiện một cách xuất sắc cuộc sống và phong cách nghệ thuật của danh họa, mang lại cho người xem góc nhìn mới về con người Picasso.
Gần tám mươi năm hoạt động, danh họa cống hiến không ngừng để xây dựng những giá trị cốt lõi cho nghệ thuật. Với phong cách độc đáo cùng tinh thần tự do, Pablo Picasso đã trở thành huyền thoại của nền hội họa nhân loại.