Họa sĩ Quang Phòng và những ngày đầu của mỹ thuật cách mạng

Ngày đăng : 10:33:49 24-01-2022

Năm sinh: (chưa rõ)
Năm mất: (chưa rõ)
Phong cách nghệ thuật: Tranh khắc gỗ
Các tác phẩm chính: Thủ đô kháng chiến, Đời đời nhớ ơn Bác Hồ, Trai phòng, Nhà sàn người Trại ở Sơn Tây, Trên cầu thang lên nhà sàn, Gia đình người thợ rèn

Năm 1943, họa sĩ Quang Phòng đang là sinh viên năm thứ hai Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương. Không khí của những ngày tiền khởi nghĩa đã thấm sâu vào tâm hồn những thanh niên, sinh viên, học sinh yêu nước, có tinh thần dân tộc thời ấy, dù có thể họ chưa ý thức rõ ràng về cách mạng. Hưởng ứng phong trào Việt Minh rải truyền đơn, dán khẩu hiệu “đánh Pháp đuổi Nhật” trên đường phố, ở những nơi công cộng, trên thành xe điện Hà Nội- Hà Ðông, cắm cờ trên tà-vẹt xe điện…, là những công việc mạo hiểm mà họa sĩ Quang Phòng, cùng một số bạn học khác như họa sĩ Nguyễn Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên đã làm với niềm hào hứng của tuổi trẻ.

Cách mạng Tháng Tám thành công giống như một cơn gió mạnh thổi bùng ý thức dân tộc của cả giới mỹ thuật Việt Nam thời kỳ ấy. Họa sĩ Quang Phòng không thể quên được khí thế Việt Nam vừa giành độc lập tháng 9 năm 1945, cả giới mỹ thuật dấy lên một phong trào sáng tác và vẽ tranh cổ động ủng hộ Việt Minh, bảo vệ chính quyền cách mạng với một tinh thần hưng phấn chưa từng thấy. Ông cũng đã vẽ những áp-phích có chú thích bằng thơ lục bát, được nhân dân xem rất đông. Quang Phòng cũng tham gia triển lãm Mỹ thuật tháng tám năm 1946 với bốn bức tranh: Trai phòng; Nhà sàn người Trại ở Sơn Tây; Trên cầu thang lên nhà sàn; Gia đình người thợ rèn … (tác phẩm này được giải Quốc hội tặng).

“Toàn quốc kháng chiến nổ ra, tôi định xin vào Trung đoàn Thủ đô ở lại Hà Nội chiến đấu trong đội quân quyết tử. Nhưng ông Ðào Duy Kỳ khuyên tôi đi theo đoàn tuyên truyền kháng chiến “Giải phóng” mà ông mới cho thành lập ở Hà Ðông. Thế là tôi gia nhập đoàn “Giải phóng”, trước khi đi còn tranh thủ vẽ tranh Hà Nội chiến đấu, cùng Dương Bích Liên vẽ và dán bích chương bằng hai thứ tiếng Việt – Pháp chủ đề “Thủ đô chuẩn bị” có lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bờ Hồ vài hôm trước Ngày toàn quốc kháng chiến…” – họa sĩ kể.

Cùng với rất nhiều họa sĩ, nghệ sĩ khác, họa sĩ Quang Phòng tham gia kháng chiến với niềm say mê, rạo rực. Ông đi theo Ðoàn kịch Giải phóng, mở triển lãm lưu động khắp các tỉnh Việt Bắc, rồi tham gia quân đội, vẫn vẽ không ngừng để làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng. Sau kháng chiến, ông làm công tác nghiên cứu tại Trường cao đẳng Mỹ thuật, rồi Nhà xuất bản Mỹ thuật và đã hoàn thành nhiều bộ sách có giá trị về mỹ thuật cách mạng Việt Nam – nền mỹ thuật ông đã hết lòng cống hiến sức lực của cả đời mình.

 

 

Một số tác phẩm của Họa sĩ Quang Phòng
Hoa-sy-Quang-Phong-2
“Thủ đô kháng chiến” sơn mài

 

Hoa-sy-Quang-Phong-13
Tờ báo tường khổ lớn do Họa sĩ Quang Phòng và Dương Bích Liên thực hiện, dán tại Bến xe điện Bờ Hồ, Hà Nội, tháng 12/1946

 

Hoa-sy-Quang-Phong-1
“Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Bản bên trái là bản gốc hiện lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bản bên phải là phiên bản in trong tập “Tranh, tượng về Hồ Chủ tịch”, Nhà xuất bản Văn hóa, 1974 – 1975

 

TỔNG HỢP/VIET MY/DESIGN.VN

Tags: