CHIẾC ĐỒNG HỒ CỦA BÙI XUÂN PHÁI

Ngày đăng : 10:29:39 24-01-2022

Nhiều người đã bất ngờ và thú vị khi xem mặt sau của một bức họa vẽ trên giấy của họa sĩ Bùi Xuân Phái có dòng chữ do chính ông viết: “Tiến tới cần một xe đạp riêng và một đồng hồ”. Đó là thời kỳ khó khăn nhất về kinh tế và cả những bó buộc về tinh thần trong cuộc đời họa sĩ. Vào những năm cuối thập niên 60, họa sĩ đã sống trong cảnh không có xe đạp, không có đồng hồ. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng với tình yêu nghệ thuật, khát khao tìm tòi và thể hiện cái đẹp, ông cũng là hoạ sĩ đã gạt bỏ mọi toan tính đời thường để cho ra đời các tác phẩm dung dị, đơn giản nhưng đầy tâm tư sâu lắng.

Tôi nhớ mãi một ngày đẹp trời của thời thơ ấu. Hôm đó, Bùi Xuân Phái nhận được giấy giới thiệu của Hội Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu ông là một người thuộc biên chế của Nhà nước, trong giấy giới thiệu ghi rõ: Đề nghị cửa hàng tạo điều kiện để đồng chí Bùi Xuân Phái mua một chiếc đồng hồ đeo tay theo tiêu chuẩn của cửa hàng. Có giấy giới thiệu mà không có tiền thì cũng vô nghĩa.

BÙI XUÂN PHÁI – Chợ gạo. 1980. Sơn dầu. 19×25,5cm

Phải mất vài ngày sau, mẹ tôi mới chạy vạy, vay mượn của người thân, cũng gom đủ số tiền là 90 đồng để đưa cho Bùi Xuân Phái đến cửa hiệu ở phố Cửa Nam mua đồng hồ. Đó là chiếc đồng hồ đeo tay Pônzốt của Liên Xô, có giá trị khoảng 2 tháng lương của một viên chức vào thời đó. Hôm đi mua đồng hồ, anh trai tôi, Bùi Kỳ Anh và tôi đòi đi theo Bùi Xuân Phái. Ông phải xếp hàng và làm thủ tục xong, cuối cùng cũng cầm được chiếc đồng hồ ra về.

Trước lúc đi mua, mẹ tôi đã đưa cho ông chiếc khăn mùi xoa, căn dặn kỹ lưỡng bố và chúng tôi là khi mua được rồi thì dùng khăn để bọc nó lại, đừng vội đeo ngay đồng hồ vào cổ tay kẻo tụi gian tham nhìn thấy, cướp lấy thì khổ. Ngày đó, tôi vẫn còn là cậu bé thơ, lũn cũn chạy theo bố và anh trai. Anh tôi cho đồng hồ vào khăn bọc lại theo lời mẹ dặn, rồi đút vào túi quần và vừa đi vừa túm thật chặt. Trên đường về, thỉnh thoảng bố và anh trai lại dừng lại. Kỳ Anh lôi chiếc đồng hồ từ trong túi ra với cử chỉ trân trọng, trang nghiêm như người ta làm một nghị lễ tôn giáo. Cả ba bố con xúm đầu vào ngắm nhìn chiếc đồng hồ với vẻ đầy trìu mến. Trên suốt cuộc hành trình về nhà, thỉnh thoảng muốn có cớ để nhìn chiếc đồng hồ lần nữa, tôi tại kêu váng lên, hỏi Bùi Xuân Phái: “ Bố ơi, bây giờ là mấy giờ rồi?” Bùi Xuân Phái cũng lấy làm thích thú, ông nhoẻn cười bảo anh tôi: “Kỳ Anh chiều Phương, lấy đồng hồ ra xem mấy giờ rồi nào?”.

Ảnh chụp Bùi Xuân Phái tại studio của ông tại 87 phố Thuốc Bắc

Chiếc đồng hồ Pônzốt này, Bùi Xuân Phái dùng được một thời gian thì mất do ông đã để quên ở nhà tắm công cộng trong một lần đi tắm. Đến năm 1979, một người hâm mộ nghệ thuật tên là Sinh Thành, vốn là một người thợ sửa chữa đồng hồ có tiếng thời bấy giờ, muốn có tranh của Bùi Xuân Phái đã đem một chiếc đồng hồ đeo tay đến gặp Bùi Xuân Phái, ngỏ ý muốn trao đổi lấy tranh. Chiếc đồng hồ này người ta gọi là đồng hồ “Thuỷ quân lục chiến” bởi nó rất to và nặng, được sản xuất ra để phục vụ trong quân đội và dành cho các chiến binh khi phải lặn xuống dưới biển sâu. Giá trị của nó được chủ nhân giới thiệu là nửa chỉ vàng (khoảng 25 USD vào thời đó). Bùi Xuân Phái vui vẻ đồng ý. Ông nói với vị khách là có thể lựa chọn bức nào cảm thấy vừa ý trong xưởng vẽ. Ông Sinh Thành đã chọn luôn một bức sơn dầu kích thước khá lớn, đó là bức “Ha Noi by night”( Đêm Hà Nội). Bùi Xuân Phái dùng đồng hồ này được vài hôm đã chán, vì vốn là đồ của nhà binh nên nó rất nặng và to vật vã. Ông bèn tặng nó cho tôi. Lần đầu trong đời tôi sử dụng đồng hồ đeo tay là chiếc đồng hồ đó.

Sau khi Bùi Xuân Phái mất, đến năm 1997, ông Sinh Thành đã bán bức “Đêm Hà Nội” này cho một người Hàn Quốc tên là Sambon Koo với giá 12.000 USD. Sau đó, ông Koo đã đem tác phẩm này về Hàn Quốc. Vài năm sau đó, bức “Đêm Hà Nội” được đưa ra bán đấu giá trong một cuộc triển lãm. Một người Nhật đã mua bức này với giá cao ngất ngưởng là 75.000 USD. Người ta đã nói vui: Nếu số tiền bán bức tranh đó chỉ dùng để mua đồng hồ thì chắc phải dùng đến bao tải để đựng.
Đến thập niên 80, khi đất trời đổi thay, cuộc sống của nhà danh họa cũng đổi thay, bắt đầu có nhiều khách ngoại quốc được phép đến thăm xưởng vẽ và mua tranh của Bùi Xuân Phái. Do đó, việc sở hữu một chiếc đồng hồ đeo tay không còn là ước mơ hay vấn đề gì lớn nữa. Nhưng ông vẫn luôn bị ám ảnh về quỹ thời gian. Trong một lần đi họp, Bùi Xuân Phái gặp một vị lãnh đạo của thành phố Hà Nội, ông này quen biết Bùi Xuân Phái từ xưa nên thân tình hỏi: “Nếu có một điều ước thì Phái sẽ ước điều gì?” Họa sĩ trả lời: “Tôi sẽ ước một ngày có 25 giờ. Như vậy mỗi ngày tôi sẽ có thêm một giờ để làm việc.”
Trong nhật ký của danh họa, người ta thấy có một Bùi Xuân Phái làm thơ về thời gian:

Thời giờ đi rõ thật nhanh
Đã đi không thể có phanh nào kìm
Vẽ đi kẻo tiếc con tim
Đập đi, đập lại rồi im lúc nào

 
Tags: